1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Đắk Lắk: Tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu phát triển trong thời kỳ đổi mới

10/03/2023
Đắk Lắk không chỉ được biết đến là nơi mang vẻ đẹp hùng vĩ củamột cao nguyên rộng lớn mà cònmang một nhịp sốngthân thiện,hiện đại đang phát triển từng ngày. Nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ có những điểm du lịch đẹp của tự nhiên với những đặc sản và nguồn ẩm thực đặc trưng mà còn thu hút bởi những nét văn hoá về con người, về phong tục tập quán và những nét sinh hoạt vừa dân dã vừa hiện đại trong thời kỳ đổi mới.

Yếu tố tự nhiên của Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba. Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện. Địa hình của Tỉnh rất đa dạng khi nằm ở phía Tây, cuối dãy Trường Sơn, địa hình dốc thoải và lượn sóng. Địa hình của Tỉnh có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.

Tỉnh có khí hậu được chia ở hai tiểu vùng. Vùng phía Tây Bắc thì đặc trưng nắng nóng, khô hanh về mùa khô; vùng phía Đông và phía Nam lại mát mẻ, ôn hoà.

Ngoài ra Tỉnh còn có hai mùa chính là: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là mùa khô với lượng mưa không nhiều.

Cao nguyên  Đắk Lắk. (Ảnh: Internet)

Yếu tố tài nguyên đem lại sự phát triển của Đắk Lắk

Một trong những tài nguyên lớn được thiên nhiên ban tặng cho Đắk Lắk đó là tài nguyên đất. Toàn Tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.085 km2, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám, đất đỏ bazan và một số nhóm khác như: đất phù sa, đất gley, đất đen. Đất đỏ bazan còn có tính chất cơ lý tốt khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao... thích hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu... và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày khác. Đây là một lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.

Cà phê cây công nghiệp chủ lực. (Ảnh: Internet)

Với hệ thống sông Sêrêpôk; hệ thống sông Ba, hệ thống sông Đồng Nai phân bố tương đối đều trên lãnh thổ và hàng trăm hồ chứa và hơn 800 con suối có độ dài trên 10 km, đã tạo cho Đắk Lắk một mạng lưới sông hồ khá dày đặc.

Khu du lịch thác Drây Nur - Gia Long (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Internet)

Diện tích đất có rừng của Đắk Lắk là 608.886,2 ha, trong đó rừng tự nhiên là 594.488,9 ha, rừng trồng là 14.397,3 ha. Rừng Đắk Lắk phong phú và đa dạng, thường có kết cấu 3 tầng: cây gỗ, có tác dụng phòng hộ cao; có nhiều loại cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị khoa học; phân bố trong điều kiện lập địa thuận lợi, nên rừng tái sinh có mật độ khá lớn.

Do đó rừng có vai trò quan trọng trong phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước và hạn chế thiên tai. Rừng Đắk Lắk có nhiều loại động vật quý hiếm phân bổ chủ yếu ở vườn Quốc gia Yok Đôn và các khu bảo tồn Nam Kar, Chư Yangsin... có nhiều loại động vật quý hiếm ghi trong sách đỏ nước ta và có loại được ghi trong sách đỏ thế giới. Rừng và đất lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.

Vườn Quốc gia Yok Đôn. (Ảnh: Internet)

Trên địa bàn Tỉnh có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng khác nhau, nhiều loại quý hiếm. Như sét cao lanh (ở M’Drắk, Buôn Ma Thuột - trên 60 triệu tấn), sét gạch ngói (Krông Ana, M’Drắk, Buôn Ma Thuột - trên 50 triệu tấn), vàng (Ea Kar), chì (Ea H’Leo), phốt pho (Buôn Đôn), Than Bùn (Cư M’Gar), đá quý (Opan, Jectit), đá ốp lát, đá xây dựng, cát xây dựng...

Yếu tố con người và văn hoá tỉnh Đắk Lắk

Cộng đồng dân cư tỉnh bao gồm 47 dân tộc, người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng.

Đặc biệt là văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai… với những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá.

Biểu Trưng của Đắk Lắk mang những biểu tượng đặc trưng văn hoá …(Ảnh: Internet)

Trong đó “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Đắk Lắk.

Đêm hội cồng chiêng. (Ảnh: Internet)

Trong đó dân tộc Ê Đê thuộc ngữ hệ Malayô - Pôlinêdiêng, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Bắc và phía Nam: từ Ea Hleo, Buôn Hồ xuống M’Đrắk và kéo dài lên Buôn Ma Thuột. Dân tộc M'nông thuộc ngữ hệ Môn-Khơme, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Nam và dọc biên giới Tây Nam.

Những thế mạnh và thành tựu của Đắk Lắk trong thời kỳ mới

Thành tựu về thương mại:

Điển hình về thế mạnh thương mại với vị trí trung tâm khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá, tỉnh được đánh giá có sức mua lớn nhất khu vực trong những năm qua.

Đắk Lắk xây dựng những hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm cho các du khách đến tham quan và đầu tư tại Tỉnh.

 Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt sản lượng khá tốt trung bình mỗi năm điển hình : Cà phê (400.000 tấn), cao su (30.000 tấn), điều (25.000 tấn), hồ tiêu (12.000 tấn), ca cao (700 tấn), sắn (450.000 tấn), mật ong trên (5.000 tấn).

Ảnh minh hoạ người dân tộc thu hoạch cà phê (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó Đắk Lắk còn tập chung thế mạnh trong các lĩnh vực sản phẩm nội thất; hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, thổ cẩm,...

Hoạt động xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu như các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất ra đã được xuất khẩu sang 59 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng và chủng loại các mặt hàng phong phú với kim ngạch xuất khẩu trên 650 triệu USD/ năm.

Thành tựu về dịch vụ:

Vì là tỉnh trung tâm của vùng Tây Nguyên nên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó hoạt động du lịch có đủ tiềm năng để đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Với đặc điểm địa lý cùng quy tụ 47 dân tộc và tài nguyên du lịch đa dạng, Đắk Lắk được khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến vì sự hấp dẫn với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, cụm thác Gia Long – Dray Sap, cụm du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ… bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Easo…

Cụm thác Gia Long – Dray Sap. (Ảnh: Internet)

Toàn tỉnh có 23 di tích lịch sử cách mạng, 02 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh. Có 9 di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia, Bảo tàng Đắk Lắk có hơn 8.000 hiện vật văn hoá lịch sử.

Cùng với nét độc đáo trong văn hóa, Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội khá đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội đua voi; Lễ hội văn hóa Cồng Chiêng; Lễ cúng bến nước; Lễ bỏ mả…của đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này. Đặc biệt gần đây Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia được tổ chức 02 năm một lần vào tháng 3.

Toàn cảnh một lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Internet)

Có thể thấy, Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp,  tài nguyên phong phú và dồi dào cùng với những nét văn hoá đặc trưng mang giá trị di sản cao giúp Tỉnh phát triển được những thế mạnh  về thương mại và du lịch. Đó là điều kiện giúp Đắk Lắk không chỉ phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng vẫn giữ được sự dân dã truyền thống đặc trưng.

Năm 2023, với chủ đề “ Buôn Ma Thuột – Điểm đến của Cà phê thế giới” Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.

Lễ hội cà phê cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

https://moitruongvaxahoi.vn/dak-lak-tiem-nang-the-manh-va-nhung-thanh-tuu-phat-trien-trong-thoi-ky-doi-moi-593523007.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)