1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Nhạc sĩ Văn Dung: Người tài hoa, đức độ, khiêm nhường

02/05/2022
Dẫu rằng nhạc sĩ Văn Dung, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã đi xa nhưng những kỷ niệm về ông, tình yêu dành cho ông trong tôi dường như vẫn vẹn nguyên không bao giờ phai. Bởi âm nhạc ông để lại cho đời, tình cảm của ông với đồng nghiệp và những người yêu nhạc luôn trân trọng về ông - một con người tài hoa, đức độ, khiêm nhường và ham học.

Nhạc sĩ Văn Dung: Người tài hoa, đức độ, khiêm nhường

Nhạc sĩ Văn Dung đã dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc - Ảnh tư liệu.

Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936 và mất ngày 8/3/2022 (thọ 86 tuổi). Ông xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản tiểu thương nghèo tại làng Bích Câu, Hàng Bột, Hà Nội. Năm 12 tuổi, ông mồ côi cha, mẹ ông ở vậy tần tảo nuôi dạy 7 người con ăn học. Mười bốn năm sau, Văn Dung lại mất mẹ, thế là chị em ông phải tự đùm bọc bôn ba làm ăn và học hành.
Ông từng là học sinh giỏi của trường Chu Văn An, tiếng Pháp thông thạo, có năng khiếu  về văn nghệ, làm thơ viết văn nên được thầy cô và bạn bè yêu quý. Tốt nghiệp trung học, ông đi làm và dạy bình dân học vụ rồi được cử đi học chuyên ngành báo chí sau đó về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Có điều “trái khoáy” là, tuy học báo chí nhưng sau đó ông lại làm… âm nhạc. Người phát hiện và đề nghị Văn Dung chuyển sang làm biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam chính là nhạc sĩ Cầm Phong. Có lần nhạc sĩ Cầm Phong chia sẻ: “Nếu tôi không phát hiện ra Văn Dung thì có lẽ mất đi một tài năng âm nhạc của đất nước”.
Những năm 1960 chiến tranh ác liệt, nhạc sĩ Văn Dung xung phong vào chiến trường cùng các nhạc sĩ Hồ  Bắc, Hồng Đăng, Lưu Cầu, Tân Huyền... để hiểu và viết về bộ đội và thanh niên xung phong nơi tuyến lửa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Khe Sanh, Đường Chín Nam Lào, Trường Sơn. Sau chuyến đi này, một chùm ca khúc được ông sáng tác như: Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca đường Chín chiến thắng, Giải phóng quân ta ra đi. Ở cái tuổi “tam thập nhi lập” này, Văn Dung đã ghi tên mình trong lòng công chúng yêu nhạc. Ông là người đề xuất mở chương trình “Khắp nơi ca hát” và là người trực tiếp biên tập, giới thiệu trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần nữa, tên tuổi Văn Dung được bay xa hơn và cũng là dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Tình yêu quê hương đất nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ có lẽ luôn cháy bỏng trong trái tim nhạc sĩ Văn Dung. Dẫu chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng ông vẫn viết thành công bài hát Đường ta đi có Đảng quang vinh. Hoặc dẫu chưa một lần trực tiếp gặp Bác Hồ nhưng ông vẫn dành tình cảm sâu sắc với Bác Hồ muôn vàn kính yêu bằng những bài hát Pắc Bó còn ấm tình Bác, Những bông hoa trong vườn Bác... Trong đó, bài hát Những bông hoa trong vườn Bác được đánh giá là một trong những ca khúc viết về Bác hay nhất. Chẳng thế, một tạp chí của Sài Gòn năm 1970 đã phải thốt lên: “Những bông hoa trong vườn Bác như một thánh ca của Cộng sản…”.
Ngoài những tác phẩm viết về bộ đội, thanh niên xung phong trong thời kỳ chiến tranh, nhạc sĩ Văn Dung còn dành nhiều tình cảm yêu mến cho các cháu thiếu niên, nhi đồng và thanh niên. Những bài hát Chim chích bông và Em đố mẹ em đã được nhiều thế hệ nhớ, thuộc và hát theo những ca từ khá dí dỏm: “Chim chích bông bé tẹo teo, trèo cành na ra cành bưởi...”; hoặc: “Em đố mẹ em Mỹ rơi bao máy bay? Mẹ bảo chịu thôi không sao đếm được máy bay giặc Mỹ nó rơi hàng ngày...”.
Với biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam, có lẽ không ai là không thuộc bài hát Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là bài hát truyền thống của Đoàn thanh niên mang đầy niềm tự hào, được xem như một lời hiệu triệu tuổi trẻ Việt Nam  trong chiến đấu và xây dựng. Với thủ pháp âm nhạc nhịp 2/4, tiết tấu trẻ trung, giai điệu khỏe khoắn của bài hát, ta nhận ra như tiếng trống trận, bước chân rầm rập lên đường, đã cuốn hút, giục bước hàng triệu thanh niên.
Nhạc sĩ Văn Dung là người thích “rong chơi” đến với các tỉnh, thành phố, xí nghiệp, nhà máy, xóm làng. Có lẽ, dấu chân của ông vẹt mòn trên những cung đường từ Nam ra Bắc và lưu giữ trên mỗi tác phẩm âm nhạc. Đến Hải Phòng, ông có Chiều xa bến cảng; đến Quảng Ninh, ông có Tình ca đất mỏ; đến Thanh Hóa, ông có Trở về Bỉm Sơn; đến Thái Bình, ông có Hương lúa chiêm xuân; đến bộ đội không quân, ông có Bình minh Cam Ranh... Ngoài các tác phẩm viết cho thanh nhạc, nhạc sĩ Văn Dung còn viết nhạc cho phim và kịch như: nhạc phim Mê thảo - Thời vang bóng  (được giải Vàng) hoặc vở rối cạn Hai cây phong (Nhà hát Múa rối Thăng Long)…
Nhìn lại những tác phẩm đi cùng cuộc đời của nhạc sĩ Văn Dung, tuy không nhiều (khoảng gần 100 tác phẩm), nhưng có thể thấy ông đã để lại không ít ca khúc có giá trị nghệ thuật cao đi cùng năm tháng và sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc. Với bút pháp đa dạng, phong phú, mỗi tác phẩm là một cách nhìn mới với những mô típ âm nhạc khác nhau, tạo ra một phong cách âm nhạc Văn Dung vừa khỏe khoắn, vừa lãng mạn, bay bổng, lại vừa lạc quan yêu đời. Đặc biệt ông là người khai thác chất liệu dân ca, ca dao Việt Nam rất tài tình. Ông từng nói: “Dân ca các cụ để lại là quá hay rồi. Người nhạc sĩ phải bám lấy làm gốc để phát triển thành cá của riêng mình, không sao chép nguyên xi...’’. Bởi vậy, dường như các tác phẩm của ông đều phảng phất đâu đó một điệu hò, một câu ví mà lại rất Văn Dung.
So với các nhạc sĩ cùng trang lứa, nhạc sĩ Văn Dung có phần thiệt thòi trong việc được đào tạo bài bản về thanh nhạc . Nhưng, với tài năng bẩm sinh cộng với bản lĩnh vươn lên không biết mệt mỏi để: Đọc nhiều, học nhiều, nghe nhiều và người nhạc sĩ này đã làm chủ được chính mình để sáng tác. Trong phòng làm việc của ông, ngoài cây đàn piano còn lại toàn là sách. Trong đó, bên cạnh sách âm nhạc trong nước và quốc tế, ông còn nghiên cứu cả triết học cổ đại, triết học phương Tây và Khổng Tử, Mạnh Tử, Tôn Tử... Ông có bộ nhớ được xem là siêu phàm mà khó ai có được. Đây là một tài sản, một vốn kiến thức đồ sộ được ông vận dụng, lan tỏa thành những cung bậc âm thanh trong tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Văn Dung được xếp là một trong những gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam. Ông đã dành trọn cuộc đời của mình cho âm nhạc và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001 và nhiều huân, huy chương như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì thế hệ trẻ... Tài năng và lòng tâm huyết của ông sẽ sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc Việt Nam.

Người Hà Nội

https://nguoihanoi.com.vn/nhac-si-van-dung-nguoi-tai-hoa-duc-do-khiem-nhuong_272086.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)