1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Người giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở ấp Phũm Soài

29/08/2022
Trong bối cảnh xu thế hội nhập toàn cầu hóa, nhất là xu hướng Việt (Kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với cấp độ nhanh chóng ở khắp các vùng, miền. Những trang phục dân tộc thổ cẩm truyền thống dần được thay bằng trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơ mi. Tuy nhiên, trang phục truyền thống vừa là bản sắc văn hóa, vừa là tín ngưỡng của dân tộc. Vì vậy, sản phẩm dệt thổ cẩm vẫn được những người thợ khéo tay, đam mê với nghề gìn giữ.
Ông Mohamad miệt mài bên khung dệt thổ cẩm.
Ông Mohamad cố gắng giữ nghề của gia đình và bảo tồn văn hoá cổ truyền.

Ông Mohamad - chủ cơ sở dệt thổ cẩm Châu Giang, ấp Phũm Soài là người dân tộc Chăm Islam, sinh năm 1958, ở tại tổ 4, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Cần Thơ năm 1983 trở về địa phương vừa dạy học, vừa làm dệt tại gia đình. Năm 1991, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông xin nghỉ dạy học, để toàn tâm toàn ý với nghề dệt thổ cẩm gia truyền.

Theo phụ giúp cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ, ông Mohamad cùng các chị gái đảm đương những việc nhẹ nhàng như: phơi chỉ, suốt chỉ, quay sợi… mẹ mất sớm, sức khỏe của cha cũng yếu dần theo tuổi tác, được cha động viên cùng với niềm đam mê của mình, ông Mohamad đã cùng vợ cố gắng giữ nghề của gia đình và bảo tồn văn hoá cổ truyền.

Theo lời của ông Mohamad, để làm ra những tấm thổ cẩm đẹp, hấp dẫn thị trường thì cần phải trải qua nhiều công đoạn làm thủ công tỉ mỉ, chi tiết, khéo léo, cẩn trọng của người dệt. Như: ngâm sợi qua đêm; tẩy trắng; tạo hoa văn; nhuộm màu; xả vải; phơi khô; suốt ép; mắc sợi dọc; quấn trục và cuối cùng là dệt ra sản phẩm. Đặc biệt, công đoạn nhuộm màu sợi, màu vải luôn là khâu quan trọng và có những bí quyết khác nhau được lưu truyền từ nhiều đời.

Hai vợ chồng ông Mohamad bên khung dệt thổ cẩm
Hai vợ chồng ông Mohamad làm việc say mê bên khung dệt thổ cẩm.

Do giá thành nguyên liệu nhuộm công nghiệp cho vải thổ cẩm rẻ và bền nên hiện nay vải thổ cẩm không còn nhuộm bằng chất liệu có từ thiên nhiên là Keiest (mủ cây), Pahud (vỏ cây), mặc nưa (trái cây) như trước nữa. Sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn truyền thống tinh xảo được tạo trên xà rông cơ bản vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo, đặc trưng như: hoa văn mặt võng, con thoi, lồng đèn, ô vuông, con thoi, cánh quạt, răng cưa, mặt trời, hoa lá… theo đó, hoa văn trên vải thổ cẩm của người Chăm Islam chứa đựng nhiều ý nghĩa về thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trong cuộc sống lao động và phong tục tập quán, văn hóa.

Với kỹ thuật thủ công khéo léo, mang tính thẩm mỹ cao, dễ sử dụng, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu nên những tấm vải thổ cẩm được các thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhất là khăn rằn làm bằng vải cotton 100%. Thoải mái và mềm mại, xà rông với 60% cotton và 40% tơ khiến cộng đồng người Chăm Islam thường mua để mặc hằng ngày.

Ngoài việc chuyên sản xuất xà rông, khăn rằn, cơ sở dệt thổ cẩm của ông còn dệt thêm những sản phẩm mới bằng hoa văn thổ cẩm với nhiều màu sắc khác nhau và may thành các túi xách mẫu mã đa dạng để phục vụ du khách.

Bên cạnh khách hàng truyền thống là khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cơ sở dệt của ông còn được đại lý thu mua ứng trước 50% nguyên vật liệu như sợi, phụ liệu và thêm nguồn vốn được tích lũy trong gia đình nên giao dịch thu mua của cơ sở của ông luôn ổn định.

Ảnh: Sản phẩm dệt thổ cẩm tại cơ sở Châu Giang. 
Sản phẩm dệt thổ cẩm tại cơ sở Châu Giang. 

Trước đại dịch Covid - 19, loại hình du lịch làng nghề truyền thống rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng. Chính vì thế, các hoạt động dệt của làng nghề cũng như cơ sở dệt của gia đình ông vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống người dân và khách tham quan du lịch.

Sản phẩm của gia đình ông từng được trưng bày tại các sự kiện lớn trong nước và các hội chợ, các sự kiện xúc tiến du lịch. Đặc biệt, ông cũng tham gia hai lần tại lễ hội tôn vinh dệt thổ cẩm Việt Nam với quy mô toàn quốc ở Đắk Nông vào năm 2019 và 2020.

Ông Mohamad cho biết: “về lâu dài, chúng tôi mong muốn được các cơ quan chức năng, các sở, ban, ngành hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho những người theo nghề hiện nay được tham quan, học tập, tham gia hội chợ, quảng bá và hỗ trợ kinh phí nhiều hơn nữa. Đồng thời, các sở, ngành kinh tế kết hợp với du lịch giới thiệu những nét nổi bật riêng của thổ cẩm Chăm Islam cho du khách thập phương được biết tới”.

Du khách tham quan và mua sản phẩm
Du khách tham quan và mua sản phẩm.

Dệt thổ cẩm là biểu tượng đầy tự hào và cũng là nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm Islam. Trên 20 năm theo nghề, thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn cũng không kể hết. Tuy nhiên, do cuộc sống hiện đại tác động, vì vất vả nên nghề dệt của người Chăm Islam không còn được nhiều người chú trọng như trước. Giờ đây, ở xã Phũm Soài không còn nhiều người theo nghề dệt, họ tìm nghề khác có thu nhập cao ít vất vả hơn. Nhất là một bộ phận thanh niên, không còn muốn theo nghề truyền thống mà chuyển sang làm việc khác, ví dụ như công nhân. Ông Mohamad trăn trở: “sợ rằng trong tương lai, nếu không giữ gìn, quảng bá thì dệt thổ cẩm của người Chăm Islam sẽ bị mai một rồi mất dần”.

Cơ sở trưng bày dệt thổ cẩm Châu Giang
Cơ sở trưng bày dệt thổ cẩm Châu Giang.

Đất nước đang trong trạng thái bình thường mới, thích ứng dần với dịch bệnh, tuy nhiên làm bất cứ việc gì cũng không phải điều dễ dàng. Dù vậy, cơ sở của ông cũng như những người làm nghề ở ấp Phũm Soài luôn động viên nhau cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn. Hy vọng, nghề dệt truyền thống sẽ được khôi phục trở lại để đưa sản phẩm đi khắp thế giới. Người làm nghề như ông Mohamad sẽ không còn lo thiếu việc làm, thu nhập sẽ tăng cao và thu hút được nhiều thanh niên đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. /.

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nguoi-giu-gin-nghe-det-tho-cam-o-ap-phum-soai-p41645.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)