1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Nguyễn Ánh: Một đời sân khấu, một đời bạn bè…

16/07/2022
Ở cơ quan Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Phòng không không quân ngày chiến tranh phá hoại, có hai ông văn nghệ sĩ rất đặc sắc: Ông Đỗ Chu thì đi bộ, suốt ngày đi bộ, đi tới đâu cũng đi bộ, còn ông Nguyễn Ánh có chiếc xe đạp lọc cọc, đôi chân có nhẽ chỉ nhỉnh hơn chiếc xe điếu mà đạp khỏe lắm.
Nguyễn Ánh: Một đời sân khấu, một đời  bạn bè…
 
Nhìn hai ông tôi không khỏi ái ngại, rặt những đánh đu với MIG này MIG kia, nó cứ vù vù giữa giời xanh, hai ông toàn những chạy bộ với ngoáy mông đạp xe, thì đánh đu làm sao, viết lách làm sao nhỉ?
 
 Thế mà rồi hai ông anh toàn những tác phẩm hay… 
***
…Ngày ấy, mỗi thứ bảy, chủ nhật được nghỉ học (đang học khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), tôi hay lại chơi nhà anh Tất Bình ở 69 phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Anh Tất Bình tốt nghiệp khóa 2 Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Lẽ ra, cùng những Bằng Thái, Lê Hùng, Hoàng Mai, Vân Hương… đi xây dựng đoàn kịch đất mỏ Quảng Ninh, nhưng anh Bình không muốn đi, chấp nhận ở lại Hà Nội không hộ khẩu, không tiền lương tem phiếu, tối đi diễn cho Đoàn kịch Công an Hà Nội do anh Doãn Ngọc Tú làm đoàn trưởng, ngày mở quán cà phê tại gia để mưu sinh và nuôi con. Vì hâm mộ anh Tất Bình, tôi hay lại đây cà phê, miễn là được trò chuyện với anh…
 
Có một chủ nhật, có một người lính “bay” cũng đến đây. (tôi đoán là thế, vì quần áo anh mặc - quần màu xanh công nhân, áo màu xanh lá cây - là trang phục của lính phòng không không quân, rất ít lính có trang phục ấy). Anh Tất Bình nói với tôi: “Đây là anh Nguyễn Ánh, anh ruột của tớ” và chỉ sang tôi giới thiệu: “Đây là Châu La Việt, tác giả sân khấu trẻ” (ngày ấy anh Bình giới thiệu về ai cũng trân trọng như thế, khiến tôi cũng hơi ngường ngượng, vì mình đã được là tác giả đâu, có vở nào được dựng sân khấu đâu!) “Ôi, Châu La Việt”, anh Nguyễn Ánh thốt lên, rồi ôm chầm lấy tôi, vỗ vỗ vai tôi: “Anh đã được đọc truyện ngắn của chú mày in ở Văn nghệ quân đội rồi. Anh bảo với  Đỗ Chu: Có một thằng nó ở mặt trận, nó viết cái truyện “Những tầng cây săng lẻ” duyên lắm”. Thằng Chu nó cười bảo: “Thằng này khá đấy. Tao gặp nó rồi. Nó là con bà Tân Nhân hát “Xa khơi” đấy… Thế mà hôm nay anh mới gặp chú...”
 
Nguyễn Ánh: Một đời sân khấu, một đời  bạn bè…
Một cảnh trong vở kịch Kim Đồng (tác giả và đạo diễn: Nguyễn Ánh - Nguyễn Thành)
 
Nói thật, tuy mới bước chân vào làng văn nghệ Hà Nội chưa lâu, nhưng trước đó do là con mẹ Tân Nhân, nên tôi cũng từng được gặp nhiều văn nghệ sĩ, nhưng quả thật tôi chưa thấy một ai nhiệt tình, cởi mở, xởi lởi như anh Nguyễn Ánh.
Anh Ánh nói với Tất Bình: “Cho anh hai cốc cà phê sữa nhé. Hôm nay anh đãi thằng này.”
***
Anh Nguyễn Ánh thuộc thế hệ nghệ sĩ sân khấu với các anh Thế Anh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng… vốn là những thanh niên Hà Nội yêu nghệ thuật sân khấu và tham gia những đoàn nghệ thuật sân khấu đầu tiên của thanh niên Hà Nội. Theo lời nhà văn Ngô Thảo - một chiến hữu cực kỳ thân quý và chia sẻ nhiều năm tháng ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng anh Nguyễn Ánh, thì chính Nguyễn Ánh đã tham gia diễn kịch rất sớm, ngay từ lúc 18 tuổi trong vở kịch “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng trong Đội kịch Trung ương dù chỉ là một vai phụ! Rồi anh cũng từng tham gia các câu lạc bộ kịch ở Hà Nội với các nghệ sĩ Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Trần Ngọc Hạnh, Nguyệt Ánh..., tập kịch ở hồ Thiền Quang một thời! Thậm chí, nghệ sĩ Nguyễn Ánh từng được trao cả Huy chương Vàng về diễn xuất khi vào vai Lê Sát trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa” của Nguyễn Xuân Thâm…
 
 Cái thuở tôi được biết anh Nguyễn Ánh là khi anh ở Bộ Tư lệnh Phòng không không quân, cùng các anh Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường… Các anh này viết văn, làm thơ, còn riêng anh Nguyễn Ánh thì viết kịch (sau này anh Nguyễn Ánh có kịch bản rất hay là “Bay trước mùa xuân”, có lẽ đã viết từ những ngày tháng này, được Nhà hát Kịch Trung ương dàn dựng). Anh Nguyễn Ánh lại đặc biệt thân với anh Đỗ Chu, “thần tượng văn học” của tôi. Hai anh cả tuần ở với nhau trong Bộ Tư lệnh, được thứ bảy, chủ nhật về nhà với vợ con. Trước khi về Bắc Ninh hoặc từ Bắc Ninh về đơn vị, thể nào anh Đỗ Chu cũng tạt qua nhà anh Nguyễn Ánh ở đền Bà Kiệu (gần bờ Hồ, kêu: “Hà (vợ anh Nguyễn Ánh) cho anh ăn với nhé”. Thế rồi hai ông anh quần đùi áo may ô ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà, chén lên chén xuống bù khú chuyện văn, chuyện đời...
Anh Ánh có thể thiếu gì thì thiếu, trừ thiếu bạn bè. Anh không tiếc bạn bè bất cứ một điều gì, kể cả điếu thuốc cuối cùng, chén rượu cuối cùng, manh áo cuối cùng…
***
Nói đến đây, lại không thể không kể một câu chuyện sau: Anh Nguyễn Ánh có người bạn thân là anh Nguyễn Thành, đạo diễn sân khấu. Tuy là đạo diễn rất oai, nhưng có lẽ do người hơi hom hem, cho nên muộn vợ. Thế rồi thế nào, anh xuống dàn dựng kịch cho Đoàn Ca múa nhạc kịch Thái Bình (thời anh Phó Đức Phương là chỉ đạo nghệ thuật, có nữ diễn viên điện ảnh Hà Xuyên xinh đẹp khi ấy là diễn viên múa), anh Nguyễn Thành mới chấm được một em diễn viên kịch, nhìn cũng “tinh tươm” lắm. Nghe tin, nửa đêm anh Nguyễn Ánh đạp xe từ đơn vị ra, đấm cửa nhà anh Nguyễn Thành thùm thụp: “Này, cưới vợ là cưới liền tay, mày lại hụt bao phen rồi. Keo này cưới ngay đi”. Nghe lời thúc giục và âu lo của bạn, anh Thành cũng hoảng, ngay sáng tinh mơ đạp xe về Thái Bình, đưa ngay vợ về Hà Nội, tức tốc làm đám cưới. Và từ đó dù tuổi cũng đã hơi cao, sức cũng không khỏe mấy, nhưng vẫn hạnh phúc tràn trề...
 
 Lại cũng không thể không nhắc lại chuyện anh Hà Đình Cẩn. Anh là phóng viên gạo cội của báo Quân đội, báo đã từng cử cán bộ từ Hà Nội sang Cánh đồng Chum đón anh về báo, thế nhưng rồi éo le sau này giữa Hà Nội phồn hoa bác lại dính vào một cuộc tình. Biết trên có ý định đưa mình xuống đơn vị, nhân một lần ngồi uống rượu với anh Nguyễn Ánh, anh Cẩn thở than điều này. Anh Ánh trợn mắt bảo: “Để tao về nói với thằng Xuân Trình, chuyển mày sang đây” (ông Xuân Trình khi ấy là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu). Thế mà lại thành, anh Cẩn chuyển về Tạp chí Sân khấu, sau làm Tổng biên tập tạp chí, rồi kiêm nhiệm Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, rồi viết đến 19 vở kịch dựng khắp các đoàn trong Nam ngoài Bắc, lại vinh dự được giải thưởng của Nhà nước về văn học nghệ thuật (và vẫn được sống cùng với “tình yêu đẹp”). Trăm sự này không có tay ông Ánh góp vào há mà nên được a?
***
Những năm sau giải phóng, tôi tốt nghiệp đại học, vào miền Nam công tác và sinh sống, ít được gặp các anh Nguyễn Ánh và Tất Bình. Anh Ánh cũng từ quân đội chuyển về Hội Nghệ sĩ sân khấu, viết báo cho Tạp chí Sân khấu, một tạp chí chứa đựng “rặt” những “anh tài quá khổ” và nhiều nỗi niềm, như các anh chị Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, Ngô Thảo, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Ánh, Ngô Thế Oanh, Thế Ngữ…
 
Những năm tháng ấy, với anh Nguyễn Ánh không phải lúc nào cũng chói sáng, không phải lúc nào cũng dào dạt niềm vui, và cũng có nhiều điều phiền muộn, nhưng cơ bản của anh là nhiệt tình đóng góp cho sân khấu nước nhà - những đóng góp thầm lặng và hữu ích, như ghi nhận của Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Đôi khi có những cống hiến, những sự sáng tạo hết mình trong cuộc đời làm nghệ thuật mà vẫn bị chìm khuất một cách thiệt thòi giữa những tên tuổi lớn cùng thời! Sự đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật vẫn luôn cần và ghi nhận tất cả những công lao âm thầm ấy như mỗi hạt phù sa bồi đắp không ngừng nghỉ trong dòng chảy cuồn cuộn đó! Tôi cứ nghĩ vậy về nhà báo, nhà nghệ sĩ và nhà viết kịch Nguyễn Ánh - một bậc đàn anh mình - mỗi khi cầm tập sách “Sân khấu một đoạn trường” (NXB Hội Nghệ sĩ sân khấu, 1995) của anh, lật giở đọc từng trang qua nhiều bài viết, giờ vẫn thấy rất xúc động xen lẫn cảm giác ngạc nhiên nể trọng sự cần mẫn về nghề của anh suốt 20 năm làm biên tập và cầm bút viết tại Tạp chí Sân khấu Việt Nam ngày ấy!”
 
 Tôi lại nhớ ngày Hà Nội mới giải phóng, còn rất ít những tác phẩm văn học nghệ thuật cho thiếu nhi. May thay lúc ấy có bộ ba tác phẩm về người đội viên thiếu niên tiền phong đầu tiên của đội và cùng mang tên “Kim Đồng”. Đó là bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã, truyện của nhà văn Tô Hoài và kịch của tác giả và đạo diễn Nguyễn Ánh - Nguyễn Thành. Các tác phẩm này, tất nhiên kịch sân khấu không dễ phổ cập và lan truyền bằng bài hát hay truyện đọc in hàng vạn bản, nhưng cũng làm nên tên tuổi nhà viết kịch Nguyễn Ánh sáng ngời. Cũng bởi vở kịch này, đã từng được trình diễn tại “thánh đường” nghệ thuật Nhà hát Lớn Hà Nội, Nguyễn Ánh - Nguyễn Thành đã góp phần đào tạo nên một lớp kịch trẻ Hà Nội, sau này là những nghệ sĩ tài năng như Tất Bình, Yên Sơn...
Ôi, anh Nguyễn Ánh của tôi - một đời sân khấu, một đời bạn bè, một đời quân ngũ! 
 Nghệ sĩ Nguyễn  Ánh sinh năm 1936 trong một gia đình lao động nghèo tại Hà Nội. Ông sớm mồ côi cha lúc mới 3 tuổi nhưng may mắn được mẹ cùng người cha dượng hiền đức nuôi dạy nên người. Năm 1956, ông gia nhập Đoàn Kịch Trung ương; từ năm 1957 đến năm 1960 ông là công nhân và tham gia công tác tại Thành đoàn Hà Nội. Từ giữa năm 1960 đến 1965, ông trở về với nghề diễn và biên chế tại Đoàn văn công Công nhân Hà Nội. Từ năm 1965 đến năm 1975, ông nhập ngũ và công tác tại Cục Chính trị Phòng không - Không quân. Giữa năm 1975 đến cuối năm 1976, ông công tác ở Ban tuyên truyền kiêm báo Thương nghiệp. Đầu năm 1977 cho đến khi nghỉ hưu (2000), ông công tác tại tạp chí Sân khấu. Đầu năm 2001, ông rời xa cõi tạm về với miền mây trắng. Nghệ sĩ, nhà báo Nguyễn Ánh là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... 

NHN
https://nguoihanoi.com.vn/nguyen-anh-mot-doi-san-khau-mot-doi-ban-be%E2%80%A6_273059.html
 

 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)