1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Bế Kiến Quốc nhìn từ những góc phố, những số nhà Hà Nội

08/08/2022
Lời tòa soạn: Nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949 - 2002) nguyên Tổng biên tập Báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí Người Hà Nội ) là người đầy tâm huyết, trách nhiệm cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, với rất nhiều dự định xây dựng và đổi mới Người Hà Nội trên hành trình bước vào thế kỷ XXI. Kỷ niệm 20 năm nhà thơ Bế Kiến Quốc về với miền mây trắng, Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết sâu lắng của nhà văn Trần Quốc Toàn cùng chùm thơ tài hoa của ông.
Bế Kiến Quốc  nhìn từ những góc phố,  những số nhà Hà Nội
Tranh của Nguyễn Tân Quảng
 
 1. Đọc thơ Bế Kiến Quốc, bài tôi thích nhất cũng là bài Hà Nội nhất của Quốc - “Điện thoại đường dài”. Một Hà Nội  “trong” “mềm mại” “khẽ khàng”, một Hà Nội - lịch lãm, từng trải, mã thượng, như cách ứng xử của hai người yêu nhau trong bài thơ. Nói theo Nguyễn Du, theo ca dao thì có “nết đất” có “tính trời” có nền nã, hào hoa Tràng An trong hai nhân vật thơ ca này. Ít bài thơ được bắt đầu bằng liên từ, chữ “và” nối đời chung ở hai đầu đất nước với thương nhớ riêng của hai người tình: “Và thương nhớ được truyền vào giọng nói/ Anh có em đôi lần qua điện thoại/ Em rất trong rất mềm mại khẽ khàng/ Như nắng vàng buông ngân trong không gian”.
“Giọng nói” hình tượng thính giác, không chỉ thắt buộc hai người yêu nhau, giọng nói còn cởi mở, chỉ dẫn đôi bạn tình hướng tới cõi đẹp kia, nơi nắng vàng ngân nga như hát. Để rồi chính giọng nói con người tạo ra thứ thời tiết thơ ca luân chuyển non sông về một mối, gần gũi “bền chặt” tới mức hai người tình có thể trao nhau bốn mùa thiên nhiên: “Đất nước chúng mình dài, Bắc Nam nghìn dặm đất/ Đường điện thoại mỏng manh thành sợi tơ bền chặt/ Anh đoán chừng thu đã tới ngoài kia/ Qua giọng em mát rượi cả trưa hè”.
Bài thơ mở bằng liên từ đã rất lạ, lại đóng bằng số từ: “Cho tới lúc một đầu dây đã cúp/ Anh đứng đó với niềm xa ngút/ Nghe nhớ thương trải dài trên núi sông/ Gọi thầm em: Năm - bốn - bốn - ba - không...”
Những số đếm tưởng như được tạo ra để tu từ theo lối giảm thiểu, triệt tiêu xa cách chàng Nam nàng Bắc thì hóa ra là số điện thoại thật của tòa soạn Báo Văn nghệ số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội!
 
2. Vào năm 1974 khi Quốc đã là một nhà thơ thành danh, được Thủ tướng mời cơm, với đôi mắt buồn, những ngón tay yếu đuối và mái tóc kiểu Êxênhin, nhà thơ trẻ trai của chúng ta lọt mắt xanh liên tài của thi sĩ Xuân Diệu. Anh được Xuân Diệu mời tới 24 Cột Cờ để truyền nghề. Bài học thơ ca ngày một tha thiết hơn để rồi sau đêm thơ khăng khít tay đôi ấy, Bế Kiến Quốc khoe với tôi bài thơ 4 khổ Xuân Diệu viết tặng Quốc trích dưới đây viết về Quốc với chi chít dấu môi hôn:
Buổi chiều hôm ấy đáng muôn hôn
Hôn gió hôn mây với cả hồn
Hôn cái khúc đường, hôn cả bóng
Hàng cây xanh biếc dưới hoàng hôn
 
Dun dủi làm sao thế, hỡi em
Chiều nay em khoác áo muôn duyên
Em đi đôi dép xinh đơn giản
Em thật hồn nhiên, rất tự nhiên...
Tôi vẫn nhớ manh “áo muôn duyên” màu hạt dẻ Quốc mặc, hàng ximili, may kiểu blouson thắt eo, áo quần cùng một thứ vải. Nhớ cả đôi dép xinh đơn giản, thứ dép nhựa Tiền Phong đã được ông vá dép nhựa ngã tư chợ Hôm, gần 32 Trần Nhân Tông - phố nhà Quốc, điểm xuyết một đôi lần bằng bút lửa. Nhà 32 Quốc ở suốt thời sinh viên và những năm còn độc thân nằm trên tầng hai, thoáng đãng, rộng rãi có ban công nhìn xuống đường. Bác Dầu của Quốc mở nhóm trẻ tư nhân. Vợ chồng Tố Uyên - Lưu Quang Vũ gửi bé Kít - Lưu Minh Vũ ở đây, vì cặp vợ chồng nghệ sĩ ở khu tập thể Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội số 96A phố Huế, ngay trước cửa chợ Hôm, gầm rạp Đại Nam.
 
Bế Kiến Quốc  nhìn từ những góc phố,  những số nhà Hà Nội
 
3. Ngày 27/1/2019 nhạc sĩ Trần Tiến kể trên một tờ báo:
“Bài hát “Tùy hứng lý qua cầu” là một kỷ niệm. Ngày gặp nhà thơ trẻ hiền lành Bế Kiến Quốc ở tòa soạn Báo Văn nghệ ngoài Hà Nội, anh chép tặng tôi bài thơ “Điệu lý qua cầu” anh mới viết, thật dễ thương. “Bằng lòng đi em, nhưng má anh đã mất”. Lời thơ dịu dàng, mà buồn ngơ ngẩn. Nhưng chỉ khi xuống miền Tây, được nghe trẻ con hát đồng dao “Bằng lòng đi em, anh về quê rước má lên liền” tôi mới hiểu, anh cũng tùy hứng điệu dân ca “Lý qua cầu” của đồng bằng Cửu Long một cách rất riêng. Câu kết thật đẹp: “Mỗi khi nhớ em, buồn muốn khóc/ Mình anh ca điệu lý qua cầu”. Tôi đã dùng duy nhất câu thơ này, để kết thúc bài hát của tôi. Tôi hàm ơn anh vô cùng. Tuy vậy, đêm qua nhậu, có người nhắc: “Sao không đề tên Bế Kiến Quốc là đồng tác giả bài hát”. Ừ nhỉ. Tôi thật có lỗi, nhất là anh đã không còn ở với chúng ta. Nhưng biết nói sao đây. Đề tên anh vào đâu, khi lâu rồi không ai mời tôi in tập nhạc cả. Nhạc in không bán được vì có mấy người đọc được nhạc, kể cả ca sĩ nổi tiếng. Mọi người đều nghe và hát theo Google - Youtube […] Tôi sẽ tìm cách tạ lỗi với các anh Bế Kiến Quốc, Lưu Quang Vũ… Chắc phải tự bỏ tiền ra in nhạc, để công bố với mọi người”.
 
Về tùy hứng này người viết bài có tham gia công việc hậu đài. Có lần Quốc vào Nam công tác đang ở TP. Hồ Chí Minh, tôi từ Đồng Tháp lên tìm thì đã sập tối. Biết Quốc ở ngay trụ sở Báo Văn nghệ 43 Đồng Khởi, dẫu tối vẫn tìm đến. Quốc có trong nhà 43 mà không được gặp! Là vì, theo nội quy cơ quan, buổi tối không ai được ở lại. Quốc xin ở lại để sử dụng cái máy chữ, cho nên phải đồng ý để được ở hẳn trong ấy, khóa cửa ngoài, ngoại bất nhập, nội bất xuất. Vậy là chúng tôi, “anh đứng trong cửa sắt/ em đứng ngoài cửa sắt...” mà đọc thơ mới viết cho nhau nghe. Bài chép dưới đây là bài Quốc đã trao tay qua cửa sắt đêm ấy: “Bằng lòng đi em… Nhưng má anh đã mất/ Mịt mù xa Nam Bắc khó đưa dâu/ Bằng lòng đi em… Nữa mai rồi cách mặt/ Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu!/ Bằng lòng đi em… Dẫu chỉ nhờ câu hát/ Có chiếc xuồng ba lá của riêng  nhau/ Bằng lòng đi em… Mỗi khi buồn đến khóc/Một mình anh ca điệu lý qua cầu…” (Cao Lãnh 16/7/1984, Điệu lý qua cầu, lấy từ di cảo “Lời nói”, tập thơ tình chưa xuất bản). 
 
Chắc ai cũng nhận ra trong bài thơ trên những câu chúng ta đã nghe đến thuộc lòng qua ca từ “Tùy hứng lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến, những câu khởi nhịp “bằng lòng đi em” và những câu đẩy dòng nhạc lên cao trào “mỗi khi buồn đến khóc/ một mình anh ca điệu lý qua cầu”. Đã có lần tôi viết về sự đồng điệu giữa thơ và nhạc, viết như một người yêu thơ cám ơn người đã tìm cho tứ thơ mình yêu một vóc dáng mới, đời sống mới - Quốc là vậy, “Bằng lòng đi em… mỗi khi buồn đến khóc/ Một mình anh ca điệu lý qua cầu”, muốn khóc nhưng vì người nghe chúng ta mà hát lên như thế. Nhạc sĩ Trần Tiến là người nhận ra hơi oán bị nuốt đi kia, ông đã đưa thơ Bế Kiến Quốc vào “Tùy hứng lý qua cầu” của mình và nước mắt đã vỡ thành lời ca...
 
4. Tùy hứng thơ nhạc này cũng có nhịp, có vần ở nhà tôi 25 phố Hàng Thùng vì cây bút trẻ Thu Nguyệt, người Cao Lãnh có ở đó vài ngày với các anh chị, các em, các cháu tôi khi cô ra Hà Nội chờ thi vào trường viết văn Nguyễn Du trên Quảng Bá. Mà Thu Nguyệt chính là vai “em” trong bài thơ “…mỗi khi buồn đến khóc kia”. Nhà thơ 2 lần “nhỏ xíu” (anh thấy em nhỏ xíu/ nhỏ xíu anh thương) kể: “Đối với tôi, anh Quốc là một người anh, một người thầy, một người bạn thơ vô cùng thiêng liêng. Tôi may mắn được gặp anh vào năm 1984, trong trại sáng tác văn học Đồng Tháp lần thứ Nhất. Năm ấy, tôi là một con bé nhà quê, sinh viên trường sư phạm, mới tập tễnh bước vào lĩnh vực văn chương, tôi đã được anh tận tình chỉ bảo. Anh đã dạy tôi từ cách đọc và hiểu thế nào là một bài thơ hay đến những kỹ thuật sơ đẳng nhất của một người sáng tác. Anh đã mất rất nhiều ngày và đêm thức trắng để chép và viết bằng tay (anh từ Hà Nội đi công tác vào Nam nên không có máy đánh chữ) một quyển sổ những bài thơ hay của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay, và gần trăm trang “giáo án” về phương pháp sáng tác để tặng cho tôi. Xúc động nhất là những “bài học vỡ lòng” về phương pháp sáng tác mà anh tự nghĩ ra, đúc kết kinh nghiệm xưa nay của mình để cung cấp cho tôi kiến thức, chỉ vẽ cho tôi cách làm thơ như thế nào. Tôi còn nhớ rất rõ những trang viết ấy có nhiều chữ bị nhòe vì mồ hôi của bàn tay anh. Tôi còn được anh giao giữ bản thảo tập thơ “Lời nói”. Kể từ ngày 2/8/2006 tập thơ này sẽ thuộc bản quyền sở hữu của gia đình nhà thơ Bế Kiến Quốc”.
Khúc tùy hứng đã có hậu, đã “châu vế hợp phố”. Hạt châu đã sáng hơn nhờ ứng xử đẹp của đồng tác giả Trần Tiến! Ông viết thư cho vợ Bế Kiến Quốc, nhà thơ Đỗ Bạch Mai: “Chào chị Bạch Mai… xin chị cho một số giấy tờ liên quan đến thủ tục cần thiết, để tôi gửi ngay lên Trung tâm bản quyền Âm nhạc (bản photo CMND của chị, giấy kết hôn và số tài khoản ngân hàng...) để truy lĩnh phần bản quyền gia đình đáng được hưởng từ lâu”.
 
5. Nếu tính bằng Hà Nội mới, mở mãi lên phía Tây có núi Ba Vì thì sự gắn bó với Hà Nội của Bế Kiến Quốc sâu đậm hơn, nhiều từng trải hơn. Năm 1970, Quốc từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về khởi nghiệp văn từ phòng sáng tác, Sở Văn hóa Hà Tây, cùng phòng với những tên tuổi đã lừng danh - nhà thơ Trần Lê Văn, Hoàng Tố Nguyên, Vân Long. Từ phòng sáng tác, Quốc lên Sơn Tây tìm người viết kiểu tay súng tay bút, tay liềm tay bút… để gầy dựng phong trào văn học địa phương. Anh gặp tôi, tay phấn tay bút đang dạy học. Chúng tôi thành bạn. 
Từ đấy mỗi khi lên Sơn Tây, Bế Kiến Quốc “sát cánh” trong phòng văn mái tranh vách đất của tôi, rộng vài mét vuông, thuộc khu tập thể giáo viên, dưới một tán bàng cổ thụ, cách thành cổ đá ong Sơn Tây chỉ một mặt đường nhựa.“Toàn - Quốc” chung một giường cá nhân.
Một đêm thao thức vì… chật, tôi nhường giấc ngon, ngồi đọc thơ Quốc trong sổ tay của anh đang mở trên mặt bàn kê liền bên giường. Tôi chép lén vào sổ tay của mình bài “Hoa huệ trắng bức tường cũng trắng/ Sao bóng hoa trên tường lại đen…” để rồi ít ngày sau đem khoe với những người bạn còn đang học văn khoa sư phạm, thi phẩm giấu ngăn kéo, thi phẩm ngoài luồng, chưa thể in trong thời chiến vì buồn quá! Bài thơ chép lén đã lan tỏa theo lối truyền tay, truyện miệng, để nó được tam sao, tứ sao hình thành phiên bản mang tên tác giả nước ngoài, như là cách ngụy trang để bài thơ có thể được phổ biến. Và khi hòa bình lập lại, thơ tình, kể cả thất tình được công khai, thì “Hoa huệ trắng…” có tới 2 bản in khác nhau, một có tên tác giả thật, tác giả “chính chủ” Bế Kiến Quốc. Bản kia có tên tác giả ảo, tác giả cậy nhờ Henrich Hainơ!
Những khác biệt giữa nguyên bản và phiên bản kiểu này đã từng có trong văn học Việt Nam. “Hỡi cô tát nước bên đàng…” của Bàng Bá Lân, “…Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước biếc xin đừng quên nhau” của Á Nam Trần Tuấn Khải, chẳng có lúc đã thành ca dao, sáng tác tập thể! Cả Bàng Bá Lân, Trần Tuấn Khải, Bế Kiến Quốc đều đã từng là cư dân Hà Nội.
 
 Bế Kiến Quốc
    
 
Mái phố
           
Tặng họa sĩ Bùi Xuân Phái
 
Cao thấp nhấp nhô
Và không cùng một màu
Khác dáng vẻ
Đường nét ồn ào lên trong nhấp nhô lặng lẽ
Sóng mái nhà gần xa...
 
Những thời đại đi qua
Và để lại những ngọn triều gạch ngói
Cho một người là tôi yêu Hà Nội
Suốt chiều nay say mái phố dập dờn
 
Và những lùm cây cao thành những đảo con con
Mái chùa cổ - một mũi thuyền ghé lại
Những bầy chim âm thanh đang ríu ran bay tới
Đậu trắng cành ăng - ten
 
Tiếng phố phường xao xác đưa lên
Người ta sống, lo toan hy vọng...
Rồi lớp ấy qua đi, lớp người sau đến sống
Buồn vui không giống nhau...
 
Những mái nhà là của riêng ai đâu!
Không giống nhau từ sắc màu, dáng vẻ
Chúng vươn lên hòa chung vào tổng thể
Thành vẻ đẹp lâu bền Hà Nội trải hàng năm...
 
Tôi có một tình yêu... Và sau tôi trăm năm
Ngắm mái phố - một người Hà Nội khác
Có thể không nhận ra những mái nhà cao ngất
Là của thời tôi xây,
Chỉ biết thành phố đẹp, và mê say
                    
15/12/1982
 
 
 
 
Cuối rễ đầu cành
 
Vươn mãi vào bề sâu
Cái rễ non tìm đường cho cây
Qua sỏi đá có khi tướp máu
 
Hướng mãi lên chiều cao
Cái cành non vượt mưa đông nắng hạ
Nẩy chiếc lá như người sinh nở
 
Ai đang ngồi hát trước mùa xuân
Cuộc đời như thể tự nhiên xanh
Chỉ có đất yêu cây thì đất biết
Những cơn đau nơi cuối rễ đầu cành
 
 
Đến sớm
 
Trên cành lạnh, một mầm xanh nở sớm
Nhìn xung quanh chưa thấy nắng lên hồng
Chiếc lá mới - giữa úa tàn rơi rụng
Đợi xuân về - chịu rét suốt mùa đông
 
Không khác được trót là người đến sớm
Chẳng mong chi số phận sẽ nuông chiều
Mải nghe lắng những tiếng gì xa lắm
Sống trọn mình theo luật của thương yêu
 
Và cứ tưởng rằng mùa đông đã hết
Không lo xa gió bấc bổ sung về
Chiếc lá mới đầu cành tê giá rét
Trong thân mình - dòng nhựa ấm say mê
 
Mùa đông còn chưa qua. Anh là người đến sớm
Vui cùng buồn theo cách của tương lai
Với thói cũ - anh trở thành lạc lõng
Bị ghét ghen, lườm nguýt, bị chê cười
 
Mặc kệ hết! Cái mầm xanh rất mới
Sẽ gợi bao chồi nõn thức trong vườn
Mùa đông nhất định qua, nhất định mùa xuân tới
Nhưng nhờ anh, mùa xuân tới mau hơn...
 
https://nguoihanoi.com.vn/be-kien-quoc-nhin-tu-nhung-goc-pho-nhung-so-nha-ha-noi_273271.html

 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)