1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Em trai

08/04/2022
Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng hẻo lánh, nghèo nàn trên đỉnh núi. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cày xới đám đất khô đã ngả vàng nuôi gia đình mà vẫn khó khăn. Mùa xuân, hoa lá cỏ cây đua nhau nở nhưng nhà chúng tôi lúc nào cũng màu xám.
Mùa xuân năm đó, tôi rất muốn mua một chiếc khăn tay, thứ mà dường như mọi cô gái xung quanh tôi đều có. Một hôm, tôi đã trộm 50 xu từ chiếc ví của cha tôi. Ông phát hiện số tiền biến mất ngay sau đó.
- “Ai đã lấy số tiền đó?” - cha hỏi em trai và tôi. 
 
Tôi bị choáng váng, quá sợ hãi không thể cất lời. Không ai trong số chúng tôi nhận lỗi, nên ông nói: “Được rồi, nếu không ai muốn nhận lỗi thì cả 2 xứng đáng bị phạt!”. 
 
Bỗng nhiên em trai tôi cầm tay cha và nói: “Con là người đã làm việc đó, thưa cha”. Em ấy nhận lời mắng nhiếc và cả hình phạt thay tôi.
Đêm đó, tôi đã không thể kìm nổi nước mắt, bật khóc thành tiếng và cố gắng bịt miệng lại để tiếng nấc không bật thành lời. Dẫu tôi cố gắng giấu đi hành động này nhưng cậu em đã tinh ý hiểu chuyện và lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn bịt miệng tôi và nói “Chị đừng khóc nữa, mọi chuyện đã qua rồi”. 
Tôi sẽ không bao giờ có thể quên về những gì diễn ra ngày hôm đó, về diễn biến mà em trai bảo vệ tôi. Năm đó, em ấy mới 8 tuổi còn tôi thì 11. Tôi vẫn luôn ghét bản thân vì đã không đủ dũng khí để thừa nhận những gì tôi làm. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua nhưng đối với tôi việc đó như mới xảy ra ngày hôm qua.
 
Khi em tôi đang học năm cuối của trường cấp 2, em ấy được nhận vào trường cấp 3 ở trung tâm thị trấn. Cùng lúc đó tôi được nhận vào một trường đại học ở trên tỉnh. Đêm đó, cha tôi ngồi ngoài sân hút không biết bao nhiêu điếu thuốc. Tôi đã nghe tiếng mẹ hỏi cha: “Các con của chúng ta đều là những đứa trẻ ngoan, kết quả học tập rất tốt phải không?”. 
Gạt nước mắt và thở dài, mẹ nói tiếp: “Thế nhưng, dẫu học giỏi thì cũng để làm gì cơ chứ? Chúng ta phải làm cách nào để chi trả tài chính cho cả 2 đứa đây?”.
 
Đúng lúc đó, em trai tôi bước ra, ngồi trước mặt cha vào nói: “Con không muốn đi học nữa, con đã đọc đủ sách rồi”. 
Cha tôi trở nên nổi giận: “Sao tinh thần của con yếu đuối vậy? Dù cho ta có phải quỳ xuống cầu xin cho vay tiền từng nhà, ta vẫn sẽ bắt các con tới trường cho đến khi hoàn thành việc học!”. 
Và rồi ông bắt đầu gõ cửa từng nhà trong làng để hỏi vay mượn tiền.
Tôi đưa bàn tay mình nhẹ nhàng đặt lên mặt em trai rồi nói: “Em là đàn ông và đàn ông phải tiếp tục con đường học vấn của mình. Nếu không thì sẽ không thể vượt qua sự nghèo khó mà nhà chúng ta đang trải qua đây. Mặt khác chị đã quyết định không tiếp tục học lên đại học nữa. Đàn bà con gái học cao làm gì. Em hiểu không? Em phải tiếp tục học”.
 
Không một ai biết rằng, trước bình minh sáng hôm sau, em trai tôi đã rời nhà ra đi chỉ với vài manh áo vải đã sờn và một chút hạt đậu khô. Em ấy lẻn sang bên giường tôi và để lại một tờ giấy nhắn trên gối: “Vào được đại học thật không dễ dàng, em sẽ tìm việc và gửi tiền cho chị”. 
Tôi cầm tờ giấy ngồi trên giường và khóc cho đến khi mất giọng.
Với số tiền cha tôi vay mượn của cả làng cùng với số tiền em trai tôi kiếm được từ công việc vác xi măng ở công trường, thì cuối cùng tôi đã học đến năm thứ 3 đại học. Năm đó, em ấy 17 tuổi còn tôi 20. 
 
Rồi một ngày nọ, khi tôi đang học bài trong phòng, bạn cùng phòng tôi đến và bảo: “Có một người nông dân đang chờ cậu ở ngoài kìa!”. 
Tôi tự hỏi sao lại có người nông dân nào tìm tôi chứ? Tôi bước ra và thấy em trai đang đứng từ xa. Cả người cậu ấy phủ đầy bụi bẩn, xi măng và cát. Tôi hỏi: “Tại sao em không bảo bạn cùng phòng chị rằng em là em trai chị?”.
Em trai tôi nở một nụ cười và đáp: “Chị nhìn em mà xem. Mọi người sẽ nghĩ sao nếu biết em là em trai chị? Họ sẽ cười chị cho mà xem”.
Tôi thấy thật xúc động, nước mắt đã chực chờ nơi hàng mi. Tôi phủi đi đống bụi bẩn trên người em và nói trong nghẹn ngào: “Chị không quan tâm mọi người nói gì! Em là em trai chị bất kể em trông ra sao”.
 
Cậu ấy rút từ trong túi áo ra một chiếc cặp tóc hình con bướm. Cậu ấy cài lên mái tóc tôi và nói: “Em thấy mọi cô gái trong thị trấn đều đeo nó. Em nghĩ chị nên có một chiếc”. 
 
Tôi không thể kìm nén được nữa. Tôi kéo em trai vào vòng tay và khóc. Năm đó, cậu ấy 20 còn tôi 23.
Tôi chuyển vào sống trong thành phố sau khi kết hôn. Đã nhiều lần chồng tôi mời bố mẹ tôi chuyển đến và sống chung với chúng tôi nhưng họ đều từ chối. Họ nói khi rời làng quê để lên thành phố thì họ sẽ không biết phải làm gì. Em trai tôi cũng đồng tình với họ. Cậu ấy nói: “Chị hãy chăm sóc bố mẹ chồng đi. Em sẽ lo cho cha mẹ ở đây”.
 
Một hôm, chồng tôi được thăng chức, trở thành giám đốc của nhà máy. Chúng tôi đề nghị em trai vào vị trí quản lí của bộ phận bảo trì nhưng cậu ấy từ chối lời đề nghị đó. Cậu ấy năn nỉ được làm việc như một người sửa chữa thay vì quản lý.
Một ngày nọ, em trai tôi đang trên đỉnh thang sửa chữa dây cáp thì bị điện giật và được đưa vào bệnh viện. Tôi và chồng đến thăm tại bệnh viện. Nhìn vào chân em, tôi càu nhàu: “Tại sao em lại từ chối lời đề nghị làm quản lý? Nếu làm quản lý thì sẽ không bị nguy hiểm như vậy. Bây giờ hãy nhìn em đi - em đang bị chấn thương nặng. Tại sao em không nghe chị?”.
 
Với vẻ mặt nghiêm túc, em vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình: “Hãy nghĩ đến anh rể của em, anh ấy vừa trở thành giám đốc. Nếu em - một người không có học thức mà trở thành một nhà quản lý, thì những tin đồn thất thiệt sẽ bay khắp nơi như thế nào?”. 
Chồng tôi rơm rớm nước mắt, còn tôi nói: “Không phải em không có học thức, em chỉ không thể tiếp tục học vì hy sinh cho chị mà thôi!”.
“Tại sao chị lại nói về quá khứ?” - Em vừa nói vừa nắm lấy tay tôi. 
Năm đó, em 26 tuổi còn tôi 29. 
 
Em trai tôi 30 tuổi cưới một cô gái nông dân cùng làng. Trong tiệc cưới, chủ hôn hỏi em: “Ai là người anh kính trọng và yêu thương nhất?”.
Thậm chí không mất thời gian suy nghĩ, em trả lời: “Chị gái tôi”. 
Sau đó ngừng lại một giây, em nói tiếp: “Đương nhiên, ý tôi là bố mẹ thì bao giờ cũng là những người kính trọng và yêu thương nhất rồi. Ở đây, tôi muốn kể một câu chuyện”.
Em ấy tiếp tục bằng cách kể một câu chuyện mà tôi thậm chí không thể nhớ. 
“Khi tôi học cấp một, trường học thì rất xa bởi nó nằm ở một ngôi làng khác. Hàng ngày, tôi và chị gái đi bộ 2 tiếng đến trường và về nhà. Một ngày nọ, tôi bị mất một trong những chiếc găng tay của mình. Chị gái tôi đã cho tôi một cái của chị ấy. Chị ấy chỉ đeo một chiếc găng tay và phải đi bộ xa. Khi chúng tôi về đến nhà, tay chị ấy đã run lên vì thời tiết lạnh giá. Chị thậm chí không thể cầm đũa của mình. Kể từ ngày đó, tôi đã thề rằng chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ chăm sóc chị gái và luôn tốt với chị ấy”.
Tiếng vỗ tay vang lên khắp phòng. Mọi người đều hướng sự chú ý vào tôi. 
Khó khăn lắm tôi mới có thể cất lời: “Trong cả cuộc đời, người tôi muốn cảm ơn nhất là em trai tôi. Em ấy đã hy sinh cho tôi rất nhiều, rất nhiều từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn…” 
…Và trong ngày vui đặc biệt này, trước mặt đám đông, dẫu đã kìm nén hết sức có thể, những giọt nước mắt đã phản bội lại tôi - nó cứ thế lăn dài trên khuôn mặt.
Ngoài kia, trời xuân đang sang. Vạn vật sinh sôi nảy nở, lòng người cũng đang nở hoa. Có một bông hoa mùa xuân rực rỡ không bao giờ tàn trong trái tim
của gia đình: Đó là em tôi! 

Truyện khuyết danh
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/em-trai_271774.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)