1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Đất nghèo cần lắm chúng ta

04/07/2021
Đất nghèo cần lắm chúng ta
Minh họa của Nguyễn Văn Đức
Nguyên qua khỏi thành phố giữa lúc trời nắng gắt. Đường vắng. Hai bên đồng không mông mông quạnh. Khát, chiếc máy đeo trên cổ như cũng nặng hơn chút đỉnh. Nhưng cảnh thì lại đẹp, Nguyên nghĩ: “Thật tiếc nếu mình không chụp vài tấm làm quà cho Facebook”. Nguyên tìm một góc đẹp nhất, cố để thu hết hình ảnh của những dãy đồng bất tận trong nắng trưa vàng hoe, lả lơi mấy cánh cò đi lò dò chậm rãi, trông như tượng. Hồi còn học đại học khoa Báo chí, Nguyên có theo học lớp nhiếp ảnh ngắn hạn, rồi từ ngắn hạn đầu tư thêm lớp dài hạn, dần dần “tài nghệ” chụp ảnh của Nguyên cũng… đáng gờm chứ “không phải dạng vừa đâu”. Hiển đùa: “Này Nguyên, khi nào cậu chán làm báo thì chuyển sang…nhiếp ảnh dạo. Xem chừng cũng đủ sống chứ không đến nỗi đói đâu!”, Hiển cười.
 
Nguyên lườm Hiển một cái, không quá sắc, nói trìu mến: 
 
- Còn lâu tớ mới bỏ nghề báo! Cái nghề, cái nghiệp, tớ mang!
 
Còn bây giờ chắc Hiển đang ở trong căn phòng máy lạnh quen thuộc có hoa oải hương tỏa ra dịu nhẹ, ngồi xử lý cho xong mấy dự án hôm trước còn khiến Hiển đau đầu. Đối diện với bàn làm việc của Hiển là góc của Nguyên, bao giờ cũng có mấy nụ hồng xinh xinh cắm trong cái lọ hình xoắn ốc mà Nguyên mua được đợt đi công tác ở Đài Loan. Chuyến đi chỉ có một mình Nguyên. Từ thành phố phồn hoa bậc nhất Đông Nam Á, Nguyên ngồi mấy lần xe, qua hai lần đò để đến được vùng quê này - mảnh đất mà bấy lâu người ta đã bỏ quên; mảnh đất không cầu, đường, trường, trạm, cũng không có ánh sáng đèn huỳnh quang tỏa ra trong những đêm tịch mịch u buồn.
 
Có những quyết định trong đời Nguyên thật bất ngờ nhưng cũng đầy quyết đoán. Đó là khi Nguyên chọn học ngành báo chí và truyền thông ở một trường đại học có tiếng, đơn giản chỉ vì Nguyên thích nhìn mấy chị phóng viên đeo máy ảnh xông xáo tác nghiệp phản ánh cuộc sống. Đó là khi Nguyên từ bỏ cơ hội làm việc tại tờ báo Làn sóng trẻ - tờ báo mạng nổi tiếng chuyên thâm nhập vào đời sống của người nổi tiếng để “câu like”, chọn một tòa soạn báo giấy năm lần bảy lượt phỏng vấn mới chen được chân vào. Gần nhất, là khi Nguyên chấp nhận về vùng nông thôn tác nghiệp dù đồng nghiệp của Nguyên người chọn ra Hà Nội, người chọn lên Sa Pa. Hiển bảo: “Sao không chọn chỗ nào thơ mộng như Đà Lạt, Nha Trang chẳng hạn? Nguyên có năng lực mà! Đi chọn cái miền quê heo hút, về đó tác nghiệp vừa buồn vừa đánh mất cơ hội đi du lịch xả stress”. Nguyên cười: “Nếu ai cũng chọn Đà Lạt, Nha Trang… thì cái miền quê heo hút ấy để cho ai quan tâm?”. Câu nói đơn giản mà thâm thúy, khiến Hiển phải lặng người đi một lúc lâu. Và dù cho chọn lựa như thế nào đi nữa thì chưa bao giờ Nguyên cảm thấy hối tiếc vì những quyết định của mình. 
 
* * *
Cây cầu khỉ đầu xóm đã gãy mất một nhịp. Người trong xóm phải kê tạm khúc gỗ, cột hờ ngọn tre khô làm tay vịn. Nguyên bước qua cầu khỉ mà thót tim. Xưa, Nguyên cũng từng qua cầu khỉ đến trường nhưng chưa có cây cầu khỉ nào lỏng lẻo như thế này, nó cứ sàng qua sàng lại như sàng gạo. Đường vào xóm là đường đất hằn in mấy vệt bánh xe sâu hoắm còn đọng nước từ cơn mưa hôm trước. Xa xa làng xóm tiêu điều, những mái nhà đơn sơ nằm lúp xúp dưới vòm trời màu xanh biếc.
 
Nguyên hít một hơi thật sâu. Không khí ở đây trong lành khác hẳn thành phố mà Nguyên đang sống: khói bụi, ồn ã. Hàng dừa xanh, tre xanh, vạt cỏ mọc tới mé nước cũng xanh biếc. Nguyên bắt gặp một đám trẻ đang tắm dưới sông trong buổi trưa đầy nắng, một đứa hiếu động thấy Nguyên liền lon ton chạy đến, lễ phép:
 
- Cô tìm ai trong xóm này? Trông cô lạ quá!
 
Nguyên thở phào, lấy trong giỏ ra mấy viên kẹo xanh đỏ đưa cho thằng nhỏ và đám trẻ đang đứng bên cạnh.
 
- Cô là phóng viên trên thành phố. Mấy đứa học lớp mấy rồi, trưa nắng tắm sông không sợ bệnh hay sao?
 
Đứa bé cười hiền lành, nói:
 
- Tụi cháu không có đi học.
 
Nguyên sững sờ:
 
- Sao vậy?
 
- Ở đây không có trường học, mẹ cháu nói muốn đi học phải qua tận xóm bên, xa lắm, vậy nên chúng cháu đành nghỉ học.
 
Nguyên buột miệng:
 
- Vậy các cháu làm gì?
 
Đứa nhỏ hồn nhiên nói tiếp:
 
- Sáng cháu đem cơm ra đồng cho ba, mặt trời lên thì đi chăn trâu, trưa tắm sông, chiều quanh quẩn trong vườn, ngoài đồng, khi thì đi câu cá…
 
Nghe đứa nhỏ nói, tự dưng Nguyên thấy bùi ngùi. Mắt Nguyên ươn ướt lúc nào không biết, cũng không rõ là tại gió làm mắt Nguyên cay hay vì câu chuyện của một tâm hồn thơ dại khiến Nguyên xúc động. Nguyên trìu mến hỏi:
 
- Cuộc sống như vậy cháu có thấy vui hay không?
 
Một đứa trẻ khác nói chen vào, giọng lảnh lót nhưng chan chứa yêu thương. Mắt nó trong veo như mây trời, hồn nhiên như cây cỏ:
 
- Có ạ! Đi chăn trâu hát đồng dao cũng vui, chơi thả diều cũng vui, tắm sông cũng vui… Vui lắm! Mẹ cháu nói: ở quê vui hơn thành phố nhiều!
 
Vui hơn, nhưng cũng thiếu thốn nhiều hơn. Rồi tương lai của những đứa trẻ đó sẽ ra sao nếu chúng không được đến trường, được học tập cùng bè bạn?
 
* * *
Câu chuyện của Nguyên với người trưởng xóm trôi qua nhanh quá, nhưng Nguyên nhận ra rất nhiều điều. Xóm nằm ở nơi xa xôi, dường như bị cuộc đời bỏ quên. Xóm tách biệt hoàn toàn với cái thị xã còn chút ồn ào kia bởi mấy lần sông, chỉ có hai ba lượt đò mỗi ngày. Xóm là không gian sống của những đứa trẻ con nhà nghèo một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng hỏi cánh đồng nào nhiều cỏ non, khoảng sông nào nước sâu nước cạn là chúng biết hết. Cuộc sống xô đẩy chúng cực chẳng đã phải dung thân ở cái nơi hoang vắng, khổ nghèo và ngổn ngang những mảnh đời cơ cực như người già ở đầu xóm nương thân trong căn nhà xập xệ, nói đúng hơn là cái chòi. Như người đàn bà góa bụa bên kia sông, một mình nuôi đứa con thơ, giữa trưa mà tiếng ru con của chị cứ vang vọng xa xôi, thanh âm thiết tha đôi khi rớt xuống sông rồi hòa tan theo từng cánh sóng…
 
Đêm ấy, Nguyên ở lại nhà trưởng xóm. Người trong xóm biết có cô phóng viên trên thành phố xuống lấy tin nên có gì ngon cũng mang đến mời Nguyên ăn lấy thảo. Nguyên không thể chối từ, chỉ biết cảm ơn và ghi nhận tấm chân tình của những người tuy nghèo cực nhưng bao dung, nhân hậu. Đêm hôm ấy, Nguyên đến thăm từng nhà, hỏi cặn kẽ cuộc sống của từng người, từng hoàn cảnh rồi tỉ mẩn ghi lại trong quyển sổ tay đã kín chữ. Nguyên ngồi bên bờ sông đến tận khuya, những ngôi sao xa xôi cứ lấp lánh trên nền trời đen đúa. Giờ này, ở thành phố chắc đang rực rỡ ánh đèn, ánh sáng lung linh tỏa ra từ những tòa nhà cao lêu nghêu, những cửa hiệu sang trọng. Nó đối lập với nơi này, với những gì Nguyên trông thấy và đắm mình. Bỗng dưng trong không gian vẳng lên tiếng đàn cò ai kéo, nghe buồn não nuột, mà chan chứa nghĩa tình. Trong tiếng đàn cò có cuộc sống mưu sinh gian lao, có nụ cười người quê hiền lành, có hơi thở của đất, phù sa của sông, có cả tiếng cười của đám trẻ tắm sông hồi trưa Nguyên trông thấy.
 
Trưởng xóm là một người đàn ông trạc ngoài sáu mươi, mái tóc hoa râm và nước da đen sạm, đã đưa Nguyên qua con sông bằng chiếc xuồng nhỏ chòng chành, một bên be xuồng đã nứt rạn trong trận lũ năm đó. Càng vào sâu trong xóm, Nguyên càng thấu hiểu cảnh sống cơ cực của người dân vùng nông thôn chưa hề có dấu hiệu của hiện đại hóa. Nguyên xót xa nhận ra sao mãi đến bây giờ Nguyên mới đặt chân tới miền quê nghèo khó này? Nguyên tự trách mình giá như đến đây sớm hơn thì Nguyên đã không phải hổ thẹn với người trong xóm, với cái nghề mà Nguyên đang theo đuổi. Nước mắt Nguyên tự dưng chảy xuống ròng ròng. Nguyên giơ máy ảnh lên thu lại những tấm ảnh về vùng đất xơ xác, nghèo nàn này. Đối với người khác, đó có lẽ là những mảng màu trắng đen, xám xịt, nâu sồng, xanh không thứ tự; nhưng đối với Nguyên những tấm ảnh mà cô tác nghiệp tại miền quê này có lẽ là những tấm ảnh đẹp nhất mà Nguyên chụp được.
 
Trong buổi trưa có lẽ đã ít nắng hơn hôm qua, sông cũng chảy rạt rào hơn. Vắng mấy đứa trẻ ngoài cái bến tắm trâu, Nguyên thấy sông như trống vắng. Bọn trẻ vẫn chưa về chắc vì chúng chăn trâu ở đồng xa. Nguyên chợt nhớ trên khuôn mặt rám nắng là nụ cười tươi rói, là đôi mắt thơ ngây của bọn trẻ. Chúng không được đến trường nhưng chúng sống bằng sự hồn nhiên của thời thơ ấu. Dưới bóng cây xanh mát rượi, Nguyên mở laptop viết bài báo đầu tiên về cái xóm nhỏ nghèo nàn hun hút này. Bài báo không mang tính kêu gọi giúp đỡ, cũng chẳng phải là tiếng kêu gào, than khóc của những người dân xứ xa về cảnh nghèo, cảnh đói, về sự lạc hậu. Đơn giản, bài báo chỉ là những dòng viết ngọt ngào về mảnh đất nồng hậu ân tình, về những kiếp mưu sinh bôn ba chìm nổi, về những đứa trẻ thơ ngày chăn trâu đồng xa đêm về học lỏm mấy chữ i tờ mà thấy tim ngập tràn hạnh phúc… Chưa đầy một giờ thì bài báo ấy đã hoàn thành, Nguyên thấy tim mình như rộng mở. Nguyên háo hức mở điện thoại phát Internet cho laptop để gửi bài báo về cho trưởng phòng trong buổi trưa hôm ấy, kèm theo một câu lém lỉnh trong tin nhắn: “Đó là tất cả những gì con tim em cảm nhận được từ chuyến đi này. Đất nghèo cần lắm chúng ta!”…
 
Cầu qua sông, trường đi học, trạm xá chỗ hàng dừa lúp xúp văng vẳng tiếng bóc vỏ thuốc, tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ mỗi khi tiêm chủng phòng chống bệnh dịch… Nguyên đã mơ về những điều đó, tại mảnh đất này. Nguyên - cô phóng viên trẻ tuổi, vóc hình nhỏ nhắn nhưng trái tim rộng mở yêu thương và mang trong mình cả một trời mơ ước, không phải cho chính bản thân mình mà cho những người dân cần cù, lam lũ chốn đây!
 
* * *
Trưởng phòng rất hài lòng về bài báo của Nguyên. Nó được in trong số báo kế tiếp, kèm theo những tấm ảnh Nguyên chụp được nơi miền quê xa lắc. Buổi sáng gặp Nguyên trong thang máy, trưởng phòng nhìn Nguyên, mỉm cười:
 
- Cô phóng viên của tôi! Trông em tràn đầy năng lượng! Em đã làm rất tốt! Chúng tôi cần những phóng viên lăn xả, hết mình và đặt cái tâm lên hàng đầu như em!
 
Nguyên khẽ gật đầu thay lời cảm ơn trưởng phòng. Mắt cô long lanh. Nguyên thấy lòng mình háo hức, Nguyên cảm nhận những ngày tháng sắp tới của Nguyên sẽ là những ngày tháng tràn ngập niềm vui, Nguyên không mong mình được thăng chức. “Làm phóng viên vui hơn, được đi đó đây, được thâm nhập, trải nghiệm”, Nguyên từng nói như thế  với Hiển. Nguyên chỉ mong rằng những ấp ủ của mình rồi sẽ thành hiện thực. Hạnh phúc của Nguyên lúc bấy giờ không phải dành cho bản thân mình mà dành cho đất nghèo, cho những người dân nơi miệt xa heo hút, cho những đứa trẻ thoảng mùi bùn đất, mùi mằn mặn của nước sông. Nguyên đang mong chờ một vùng quê thay da đổi thịt.
 
Nhưng con người ấy cũng đang mong đợi. Một ánh đèn điện. Một con đường nhựa uốn mình giữa bóng dừa, bóng nắng lung linh. Một chiếc cầu xi măng nối lấy bờ vui. Một mái trường để em thơ ngày hai buổi cắp sách, nô đùa như chim vỡ tổ mỗi khi tiếng trống vang lên. Một trung tâm y tế nhỏ nhắn, ngày ngày lách cách tiếng xe đẩy thuốc… để ai ốm đau cũng được nằm trên chiếc giường có drap màu trắng tinh, được tiêm thuốc, được y tá săn sóc tận tình… Một vùng quê chưa khởi sắc, nhưng chắc chắn sẽ khởi sắc. Nguyên tin như vậy. 
 
Đó là những gì Nguyên trông mong. Khi quyết định rời bỏ Làn sóng trẻ, Nguyên chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc. Nguyên không thích xô bồ, không thích bon chen hay cun cút đi theo giới nghệ sĩ nổi tiếng chỉ để đưa tin về đời tư của họ. Nguyên cần được gắn mình với người dân, với những miền quê nghèo khó. Ở đó Nguyên mới thực sự là Nguyên, chẳng cần nổi tiếng, chẳng cần những bài báo gây sốc, với những cái “tít” ngàn like, triệu view, Nguyên chỉ cần mình nói tiếng nói đầy trách nhiệm. Vậy cũng đủ với một cô phóng viên trẻ tuổi mang trong mình dòng máu nóng nhiệt huyết, yêu đời, yêu nghề và luôn luôn bản lĩnh!
 
* * *
Đó là câu chuyện của hai năm về trước. Nguyên ngồi cạnh cửa sổ trong phòng làm việc. Đột nhiên Nguyên nhớ da diết miền xa. Cũng đã lâu rồi Nguyên không về lại chốn nghèo xưa. Cô như con chim bay từ chốn này đến chốn khác, đất nghèo cần Nguyên thì Nguyên đến.
 
Chiếc đò dọc đưa Nguyên về xóm cũ. Người đưa đò nhận ra Nguyên, nói cười rối rít. Trông chị vẫn như xưa. Chân vịt xé nước văng tung tóe mặt sông. Một vùng quê vẫn yên ả, thanh bình, nhưng dường như đang đà thay áo.
 
Kia rồi, con đường xi măng uốn khúc giữa những rặng dừa nghiêng ngả. Hình ảnh ấy có lúc Nguyên tưởng như chỉ là một giấc mơ nay đã thành sự thật. Trẻ con đạp xe bon bon trên đường xi măng, qua chiếc cầu kiên cố, phía bên kia sông là trường. Nguyên về đây đúng lúc trống trường ngân vang. Những bông phượng đầu mùa đã bung nở báo hiệu một kỳ nghỉ dài của bọn trẻ. Kỳ nghỉ chăn trâu. Kỳ nghỉ tắm sông. Chúng cần được đi học, nhưng cũng cần được chơi những trò chơi dân dã để không phải như đứa trẻ mà Nguyên đã từng gặp ở thành phố, nó chau mày hỏi Nguyên: “Con trâu có màu gì?”, nghe thật xót xa. Nguyên chợt nhận ra những đứa trẻ quê tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tuổi thơ vẫn vẹn nguyên, rồi sẽ trở thành những ký ức đong đầy, hành trang để chúng mang theo trên những chặng đường sắp tới. Biết đâu trong số trẻ con trèo lưng trâu, người tanh mùi bùn đất hai năm về trước, sẽ có đứa trở thành bác sĩ, kỹ sư… Chúng rồi sẽ như những con chim bay đến những phương trời mơ mộng. Nhưng Nguyên tin rằng chúng sẽ không rời bỏ quê hương. Chúng sẽ quay về dựng xây cho đất nghèo. Rồi đàn em sẽ lại nối tiếp, lớn khôn, nên người và cống hiến!
 
Tim Nguyên như vỡ ra. Nguyên nghẹn ngào. Những giọt nước mắt rơi trên gò má Nguyên tự lúc nào không biết.
 
Với cô phóng viên trẻ, như thế thôi đã là hạnh phúc rồi! 
 
Gió đồng thơm ngát. Lúa vụ hè - thu thơm nồng, nặng quằn bông. 
 
“Đất nghèo cần lắm chúng ta!”. Đó là dòng tin nhắn ngắn gọn nhưng đầy hàm ý mà Nguyên đã gửi cho Hiển khi đứng một mình trên mảnh đất này, giữa không gian làng mạc bao la, trù phú.
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/dat-ngheo-can-lam-chung-ta_266920.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)