1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Nhớ cỗ Tết thời bao cấp

17/02/2022
Nhớ cỗ Tết thời bao cấp
Mâm cỗ Tết Hà Nội xưa luôn đủ đầy, rực rỡ.
 
Bắt đầu là sự nghiệp xếp hàng. Ngày thường xếp hàng đã khổ, giáp Tết còn kinh hoàng hơn. Nhà nào đông con như gia đình tôi thì còn đỡ, phân công người nào việc nấy. Trời chưa kịp sáng, bố mẹ đã hò hét đám chị em tôi trở dậy, chia nhau ăn vội mẻ cơm rang, rồi tỏa đi các ngả xếp hàng. Mua thịt mỡ ra cửa hàng cuối phố Nguyễn Hữu Huân. Than củi ra phố bờ sông Bạch Đằng. Gạo mì vào phố Mã Mây. Túi quà Tết ra Bách hóa Bờ Hồ trên phố Đinh Tiên Hoàng.
 
Nhà nào neo người, kiểu bố mẹ đi làm nhà máy, con còn nhỏ cả thì chỉ có nước đem tem phiếu mua hàng gửi về nhờ đôi bên nội ngoại. Hoặc là đến cơ quan giả ốm đi khám bệnh, hay bịa ra là đi xin chứng nhận dấu má chi đó. Lãnh đạo nào chả biết. Cứ vờ coi như thật cho xong. Để rồi cùng nhau lao vào trận chiến xếp hàng mua đồ Tết. Chen nhau bật dép, tung mũ chưa xong. Ai rước được gói quà Tết trở về thì mặt mũi hoan hỉ quá như bắt được vàng.
 
Thời đó, nhà ai mà có được người thân là mậu dịch viên, bán gạo mì, thịt thà, mắm muối, thậm chí than củi, cũng vinh dự lắm. Hàng Tết có các ô phiếu riêng theo các hộ gia đình. Hộ đông người được mua gói hàng to. Hộ ít người được mua gói hàng nhỏ. Nhà nào chả may thất lạc mất mấy ô phiếu hàng Tết, thì coi như mất Tết luôn. Mặc dù toàn những đồ mà nay các gia đình Hà Nội nhìn thấy cũng ngó lơ.
 
Gạo nếp nhé. Các hộ gia đình được mua theo khẩu. Mỗi khẩu được 2 cân. Thay một phần tiêu chuẩn ăn độn bo bo hay ngô răng ngựa. Nhưng cái dạng gạo thóc được chăm bón, thu hái, xay giã từ những hợp tác xã dong công chấm điểm, đánh kẻng, tính giờ, cho nên nó lẫn đầy gạo tẻ và các loại cỏ rác. Sạn sỏi chả biết ở đâu mà lắm thế? Nên đong về, mẹ tôi phải nhờ bố tôi lấy bộ dần sàng thúng mủng tre cất trên gác bếp xuống. Bà cúi gập người sàng sẩy, phân loại gạo trấu, cỏ rác trông thật không khác gì bà nông dân các làng quê.
 
Nhưng dần sàng dù kỹ lưỡng, cũng chỉ bớt đi được ít vỏ trấu, hạt cỏ cùng rơm rác, sạn sỏi chứ không làm sao tách riêng được gạo nếp, gạo tẻ. Nên đương nhiên, chị em chúng tôi phải vào vai các nàng Tấm bất đắc dĩ. Cũng chúi mũi, dán mắt vào nhặt đỡ những hạt gạo tẻ khỏi thúng gạo nếp. Mẹ tôi bảo có thế thì đem nếp gói bánh chưng mới dẻo rền, không thì sậm sượng hạt chín hạt sống, còn gì là bánh chưng Tết.
 
Cuối tháng Chạp, nhà lắm việc, chưa dọn dẹp trang trí hoa cảnh, bố tôi sốt ruột gắt lên với mẹ tôi: 
 
- Thôi, nếp tẻ có thế nào ăn thế, đừng bắt tội các con nữa. Nhà nào người ta cũng ăn vậy. Phiên phiến đi một tí.
 
- Ồ, thì tôi cũng chỉ muốn có tấm bánh tử tế để cúng tổ tiên. Chứ nhà mình ăn thế nào chả được.
 
Tuy nhiên, bố tôi vẫn biết, mẹ tôi không bao giờ chấp nhận kiểu ăn Tết thế nào chả được. 
 
Cách Tết hàng tháng, bà đã lo đem bớt yến gạo đong sổ mậu dịch đem đổi cho các bà con ngoại thành vào bán hàng tại chợ, lấy dăm cân gạo nếp quê mùa mới. Chỗ nếp ngon ấy, bà dành để thổi xôi gấc, nấu chè con ong hoặc chè bà cốt dâng cúng. Chia đều ra từ ngày Tết ông Công ông Táo 23 - tháng Chạp năm cũ, cho đến tận ngày Tết Thượng nguyên rằm tháng Giêng năm mới. Coi như 5 bữa cúng, mỗi bữa thế mà cũng chỉ là có một cân gạo, thổi được hai đĩa xôi, nấu được dăm sáu bát chè là hết.
 
Nhưng xa hơn nữa, từ trong năm, từ dịp Tết Trung thu rằm tháng 8, mẹ tôi mỗi lần mua thịt phiếu về kho nấu, đã lo gom hết những miếng bì lợn trong những tấm thịt tem phiếu đem nạo sạch, trần qua rồi xâu chéo bằng những thanh nan hoa xe đạp hỏng, treo lên phơi trên hiên nhà ngang.
 
Để làm gì vậy? Ấy là để bà tự làm thêm mấy tấm bóng bì. Chứ bóng bì mua trong túi hàng Tết tiêu chuẩn nó vừa quăn, vừa xẹp, vừa mốc. Làm sao mà dám nấu thành bát canh vốn mang danh đặc sắc nhất của mâm cỗ Tết Hà Nội mà đem dâng cúng ông bà.
 
Chọn một ngày trời hanh khô nắng đẹp, bà hối chị em tôi đem cái bao tải nhỏ sang bờ đê sông Hồng xúc ít cát sạch đem về đãi rửa phơi khô. Giáp Tết, bà bắc một cái chảo gang to lên bếp than quả bàng đỏ lửa, cho đám cát vào rang thực nóng rẫy lên. Rồi bà bỏ những tấm bì khô vùi vào chảo cát. Chả mấy lúc nó nở tung, vàng rộm. Bà để nguội, rồi tháo luôn chiếc túi ni lon đựng gói hàng Tết thập cẩm để bọc kín mấy tấm bóng bì chờ đến bữa cúng tất niên và bữa cúng Nguyên đán mới đem ra ngâm, tẩy, ướp mắm muối hạt tiêu, nấu cùng nước dùng gà, tôm khô, nấm hương, thịt thăn, hoa lơ cà rốt thành món canh bóng thập cẩm đặc sắc nhất trong mâm cỗ Tết Hà Nội. 
 
Hộp mứt Tết mua phiếu, dù bên trong lỏng chỏng mấy thứ mứt cong queo sơ sài nhưng được cái hộp đựng bên ngoài khá là rực rỡ, nên thường để dâng cúng trên ban thờ qua mấy ngày Tết, bên cạnh chai rượu chanh vàng rực, cũng mua bằng phiếu hàng Tết.
 
Mứt và ô mai để ăn tráng miệng hoặc đãi khách, đều do chị em gái trong các nhà tự gọt thái, ngâm nấu từ những thức hoa củ quả sẵn có, như khoai tây, cà rốt, dừa nạo, khế ngọt, gừng cay, bí đỏ…
 
Trong bếp, mẹ và dì tất bật rán nem, luộc gà, đồ xôi. Ngoài sân chị em tôi hối hả sên mứt, xào ô mai. Thật là tíu tít, rộn ràng.  
 
Và thêm vào bàn nước tiếp khách, chính là những hộp bánh quy gai, bánh vừng vòng do các chị em tự chế biến. Từ bột mì mua bằng sổ gạo, với đường sữa tiêu chuẩn của mẹ và em bé, trứng gà nhà nuôi cạnh bếp dành dụm suốt tháng. Bánh được làm ngay tại các cửa hàng bánh mỳ rải rác trên các phố Hà Nội. Phải xếp hàng chờ lượt, có khi đến đêm hôm mới xong. Mà chả thấy buồn ngủ mệt nhọc gì cả. Cảm giác lúc được nếm thử mấy mảnh bánh vỡ mới ra lò  tuyệt vời làm sao. Nó giòn tan, thơm phức. Tưởng như trên đời chẳng có thứ bánh kẹo nào ngon hơn thế nữa. 
 
Cỗ Tết Hà Nội truyền thống những năm thanh bình, trù phú thì đầy đặn lắm. Bốn bát, sáu đĩa đã là gì. Còn hơn ấy chứ. Giò nem ninh mọc ê hề. Nhưng cỗ Tết thời bao cấp thì đơn sơ hơn thế. Tuy nhiên, đó vẫn là bữa cỗ mơ ước so với những bữa ăn thường ngày đa phần chỉ lạc rang, cá khô, rau luộc, dưa muối, cà kho mặn chát.
 
Gà, lợn, măng miến bánh chưng, xôi chè, thịt đông, nem rán, dưa hành thì thể nào cũng có. Nhưng chim hầm, nấm thả, long tu, vây cá thì lấy đâu ra. Các bà nội trợ dù bí bách, vẫn xoay xỏa thay bằng bát canh khoai tây, su hào, cà rốt nấu đầu cánh gà. Hoặc là bát canh rau cải nấu xương lợn. Giò lụa, chả quế không có, thì mỗi nhà đều cố gắng gói lấy cây giò xào thịt thủ, mộc nhĩ. Đĩa xào hạnh nhân chả sao chuốc nổi, thì thay bằng đĩa xào giả hạnh nhân bằng lạc rang vàng rộm.
 
Với tài nấu nướng khéo léo, đảm đang của các bà nội trợ, trông mâm cỗ Tết Hà Nội thời bao cấp cũng vẫn thật là đủ đầy, rực rỡ. Và điều đáng quý nhất, vẫn là cái không khí đón xuân ấm áp, ngập tràn niềm vui đoàn tụ gia đình sau những ngày chia xa bởi những kỳ sơ tán tránh bom Mỹ. Trẻ già, ai ai cũng phấn chấn hy vọng ở tương lai tươi đẹp, khi nước nhà thống nhất, Nam - Bắc một nhà. Chúng ta sẽ cùng chung tay xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ căn dặn. Và những kỳ Tết sung túc, những mùa xuân tươi đẹp thế nào rồi cũng đến.
https://nguoihanoi.com.vn/nho-co-tet-thoi-bao-cap_271178.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)