1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Hồi sinh nghề chạm bạc truyền thống...

07/11/2021

Hồi sinh nghề chạm bạc truyền thống...

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng người được giới trong nghề vinh danh “đệ nhất khảm tam khí”.
 
Ngõ Mai Hương. Căn nhà cũ khuất sâu dường như biệt lập, cách xa sự đông đúc, sầm uất của dãy phố Bạch Mai. Nhưng khách cũng có thể dễ dàng tìm thấy nó nhờ sự dẫn dắt của những âm thanh nhà nghề quen thuộc và đều đặn hàng ngày. Ấy là tiếng đục chạm chí chát, lách cách, rộn rã.
 
Xưa nay, thế giới của những người thợ chạm bạc có lẽ chỉ quanh quẩn không xa khuôn bàn chạm rộng không đầy một thước vuông. Vậy mà từ đó, cả trời đất, núi non, cỏ hoa, chim thú, thần Phật… dưới bàn tay người, đã hiển hiện, sống động và trường tồn dường như là vĩnh viễn. Nhìn thì hấp dẫn, nhưng người ngoài nghề khó mà học theo, nói chi đến việc đeo đuổi nghề đến suốt đời. 
 
Nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh bộc bạch: “Trong cuộc đời làm nghề hơn 50 năm qua, tôi cũng đã góp công đào tạo được vài ba lớp thợ trẻ. Tất cả cũng độ ba bốn chục người. Nhưng mà bây giờ chẳng còn mấy ai đậu lại với nghề. Các cháu chuyển hết sang nghề hàng vàng hay là một số nghề khác dễ phát tài hơn là nghề thợ chạm bạc. Nghề này ai phải nặng lòng lắm, mới trụ được, tựa như là người nghệ sĩ ấy, cứ say nghề là theo thôi, biết là nghèo mà  cũng đành chịu”.
 
Cũng sống trong một con ngõ nhỏ lọt giữa phố Bạch Mai, ngõ Giếng Hậu Khuông, cách không xa ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh, người thợ đôi bàn tay vàng Nguyễn Ngọc Nghiên hằng ngày vẫn bình thản và lặng lẽ ngồi bên chiếc bàn nghề cũ kỹ, từ tốn truyền nghề cho đứa con út và một cậu cháu gọi bằng bác. Vẫn là những tràng tiếng đục chạm vang lên rỉ rả, đều đặn như một điệu nhạc lúc vui, lúc buồn. 
 
Chạm bạc, đó là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống khá nổi tiếng ở Hà Nội. Vào những năm thuộc thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, khi thị trường Đông Âu còn rộng mở, nghề chạm bạc phát triển thật rầm rộ. Các lớp học nghề liên tục được mở ra đào tạo hàng trăm thợ chạm mới phục vụ cho các chiến dịch làm hàng xuất khẩu. Nhưng khi những chến dịch ồ ạt ấy qua đi một cách mau chóng, thị trường Đông Âu tan rã, thì hầu hết những người thợ được đào tạo theo lối cấp tốc ấy cứ theo năm tháng mà rơi rụng dần. Âu cũng là thuận theo quy luật của cuộc sống. Nhưng điều đó không khỏi đem lại cho những người thầy một nỗi buồn thấm thía. 
 
Song bao giờ cũng vậy, trong cái rủi lại có cái may. Số ít những người thợ nghề còn trụ lại, hoặc tiếp tục học nghề trong thời kỳ khó khăn nhất, lại chính là số con cháu, họ hàng thân thuộc của gia đình. Một lần nữa, phương pháp dạy nghề truyền thống theo lối cha truyền con nối, lại khẳng định ưu thế khó phủ nhận trong thực tế. Mặc dù không phải hầu hết những đứa con của các gia đình thợ chạm bạc ở Hà Nội đều theo nghề cha ông. Số theo nghề cũng thật ít ỏi, mỗi nhà chỉ một vài người. Nhưng đa số họ đều là những người thợ giỏi đầy triển vọng.
 
Trong giới thợ chạm bạc ở Hà Nội, ông Nghiên nổi tiếng về thể loại tranh chân dung. Và chạm tranh chân dung cũng chính là thể loại khó nhất trong nghề. Chính bức chạm nổi Bác Hồ ngồi đọc báo ở Phủ Chủ tịch đã đem lại cho ông tấm huy chương Vàng trong triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam năm 1997. Và chính bức chạm đã trở thành một mẫu hình thị phạm quý giá, khi ông truyền lại những bí quyết của cách thức chạm bạc thể loại chân dung cho lớp trẻ.
 
Như những người thợ thức thời, ông Nghiên cũng không quá nghiêm ngặt với các lề lối cũ, cách thức hành nghề cũ. Ông trông đợi rất nhiều vào khả năng sáng tạo của lứa thợ trẻ. Đó chính là sức sống mới của nghề truyền thống cha ông. Bởi vậy, ông chỉ quan tâm nhất đến việc phổ biến những kiến thức cơ bản ban đầu của nghề chạm bạc cho con và cháu, và rất tôn trọng ý tưởng cải biến những mẫu mã mới của chúng. Anh Nguyễn Ngọc Tú, con trai ông Nghiên ngồi bên khuôn bàn chạm bạc với dáng người thanh mảnh và nụ cười rất tươi tắn, hiền hậu trên gương mặt thanh tú, nói: “Các mẫu mã hoa lá ngày xưa của các cụ rất đẹp, rất nghiêm cẩn. Nhưng bây giờ nhiều khách hàng thích các mẫu mã mới, hoa lá thoáng đạt hơn. Nên nhiều khi mình phải cải biến đi một chút thì hàng mới dễ bán. Như mẫu hoa lan tây cánh dài mảnh và dáng bay thoát như thế này chẳng hạn”.
 
Có một thực tế là cuộc sống của đa phần thợ thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, kể cả thợ mỹ nghệ kim hoàn, đều chưa thật khá giả. Cũng sống trong một con ngõ nhỏ khuất khúc giữa phố Khâm Thiên, ngôi nhà kiêm xưởng nghề của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng thật là chật chội. Ông là một  người đồng nghiệp giàu tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh và người thợ đôi bàn tay vàng Nguyễn Ngọc Nghiên. Dòng chữ nổi theo lối đại tự mà ông thờ trong ngôi  nhà gồm ba chữ: Đức Bản Giã, ấy là cách viết tắt của một câu châm ngôn cổ: Đức giả bản giã (Nhà lấy đức làm gốc).  
 
Theo nghiệp thợ, lấy công làm lãi, lấy tín làm đầu, trong làng thợ bạc ở Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng là người nhận được rất nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Công thợ chính của xưởng thợ hiện nay cũng chỉ tương đương như lương công nhân lành nghề trong các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng chỉ có trong tay chừng hơn chục thợ thuyền, chủ yếu là con cháu, họ hàng, lại thêm điều kiện nhà xưởng chật chội, ông thường không đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng. Có một số công ty nước ngoài muốn đầu tư cho ông mở rộng quy mô sản suất. Song ông tự lượng sức mình, sức thợ, nên đành từ chối. Thực ra là ông đang trông đợi rất nhiều ở thời kỳ tới, khi người con trai út của ông thực sự trưởng thành một cách vững vàng.
 
Hồi sinh nghề chạm bạc truyền thống...
Gìn giữ nghề xưa (Nguồn: Vietnam+)
 
Như rất nhiều gia đình thợ chạm bạc ở Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng cũng chỉ có được một người con duy nhất theo nghề tổ tiên: anh Nguyễn Ngọc Anh. Người thấp đậm, đôi mắt đen sẫm, năm nay Ngọc Anh mới 26 tuổi nhưng đã có gần hai mươi năm theo cha từ những nét đục chạm vụng dại đầu tiên, kể từ khi anh hãy còn là một cậu bé học trò lớp vỡ lòng, cầm chiếc búa nhỏ xíu còn chưa vững. 
 
Bây giờ, có thể anh chưa đủ khả năng để thay cha đảm đương quản lý cả một xưởng thợ mỹ nghệ chạm bạc danh tiếng. Nhưng dường như anh đã  bắt đầu thổi một luồng sinh khí mới cho xưởng nghề gia đình bằng những gì mà anh thâu nhận được từ luồng gió mạnh mẽ của thời đại. Đó cũng là điều mà người cha hằng đang mong đợi ở đứa con yêu. Anh Nguyễn Ngọc Anh tâm sự cùng chúng tôi bên chiếc máy vi tính, trong lúc anh đang hoàn thiện nốt mẫu trang trí mặt trống đồng trên một sản phẩm mới: “Mình là con thì phải theo nghề cha thôi. Có điều là khi xưa, các cụ toàn vẽ mẫu bằng tay, có chỗ không đều đặn, sắc nét như ý muốn. Bây giờ thiết kế mẫu trên máy vi tính, nên có thể sửa sang hoàn thiện đến lúc nào thật ưng ý thì mới đem áp mẫu trên sản phẩm, đỡ tốn công sức rất nhiều”. 
 
“Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”. Nhưng với tầm nhìn nhận, sức suy ngẫm của một nghệ nhân bậc thầy ngành chạm bạc ở Hà Nội, người cha của anh không khỏi còn những điều lo lắng, trăn trở. Những lo lắng, trăn trở không chỉ cho nghiệp nhà, mà còn xa hơn thế và rộng hơn thế và sâu hơn thế. 
 
Cho dù máy móc hiện đại như thế nào đi chăng nữa, thì các mẫu mã hoa văn cũng vẫn phải giữ được dáng nét và đặc trưng mỹ thuật cổ truyền dân gian trong các sản phẩm. Và mỗi sản phẩm làm ra đều phải mang dấu ấn bàn tay cá nhân người thợ. Nếu như không giữ được như vậy, thì sẽ chẳng ai  còn tìm đến với thủ công mỹ nghệ dân tộc. 
 
Tuổi ngoại bảy mươi, nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh ở ngõ Mai Hương vừa có thêm một niềm vui mới. Có một cô học trò do ông dạy dỗ từ nét đục chạm đầu tiên sau năm năm trời, nay đã thành thục trong nghề. Đó chính là cô con dâu út của ông. Nhìn bức chạm bạc mới đang trong giai đoạn hoàn thiện mà đã hé lộ vẻ rực rỡ, sống động của hoa lá, cỏ cây dưới bàn tay cô thợ trẻ, người cha chồng không giấu nổi niềm sung sướng và tự hào thầm kín. 
 
Thêm một người thợ, hơn nữa lại là một người thợ giỏi nghề, nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh còn có thể trông đợi thật nhiều ở nghiệp nhà và nghiệp tổ mai sau. Có thể lắm chứ, bởi bắt đầu từ năm chuyển giao sang thế kỷ mới, cùng với một số ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội, nghề chạm bạc đang trên đà phục hồi và khởi sắc rõ rệt.  Đang có hàng trăm gia đình thợ nghề giữ nhịp chạm quanh năm. Mở rộng và làm cho thông thoáng đầu ra của hàng hóa, đó có lẽ là điều trông chờ lớn nhất ở chính quyền thành phố và ngành tiểu thủ công mỹ nghệ Hà Nội của gia đình các nghệ nhân chạm bạc và các làng nghề truyền thống nói chung.
 
Ngày ngày, trong căn nhà nhỏ ở ngõ Mai Hương, tiếng đục chạm vẫn lách cách, râm ran. Nhưng liệu điệu nhạc nghề ấy, có thể hấp dẫn và thu hút lũ cháu nhỏ của ông? Câu hỏi đó còn chờ ở ngày mai.
 
Người Hà Nội
 
https://nguoihanoi.com.vn/hoi-sinh-nghe-cham-bac-truyen-thong_270217.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)