1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Lịch sử hình thành của Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (CS PCCC): Bài 3: Chiến đấu và hy sinh quên mình

30/09/2021
Năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Bộ Công an chỉ thị cho các lực lượng Công an tăng cường công tác phòng không nhân dân, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ an toàn giao thông, PCCC...
Bài 2: Bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam

Ngộ độc và sy sinh khi chữa cháy

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho các quân khu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, dân quân, tự vệ địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ PCCC ở cơ sở, nhất là các vụ cháy do địch gây ra. Từ đây, công tác PCCC trở thành một nhiệm vụ quan trọng của dân quân tự vệ trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của địch. Nhiều đơn vị, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với dân quân tự vệ dũng cảm tham gia chữa cháy, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình như các vụ: Vụ máy bay Mỹ đánh phá trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao, Ninh Bình ngày 8/6/1965, lực lượng Cảnh sát PCCC đã cắt được luồng lửa đang cháy xung quanh quả tên lửa rồi di chuyển quả tên lửa đến địa điểm an toàn (đây là đơn vị được tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01/01/1967).

Vụ máy bay ném bom trúng Ga Gôi thuộc tỉnh Hà Nam ngày 20/6/1965 làm một đoàn tàu chở thuốc trừ sâu bốc cháy. Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam đã điều động 18 chiến sĩ PCCC và 3 xe cứu hoả, cùng 200 thanh niên xung phong để chống chọi với giặc lửa. Sau nhiều giờ dũng cảm chữa cháy trong hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm, lực lượng PCCC đã cứu được 10 toa hàng và 1 toa thuốc trừ sâu. Nhưng 3 chiến sĩ Công an Hà Nam và 15 người tham gia chữa cháy đã bị ngộ độc và anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ;
 
Vụ chữa cháy 4 xà lan lớn chở xăng dầu trên Vịnh Hạ Long (đây là đơn vị được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01/01/1967). Vụ chữa cháy thị xã Đồng Hới, Quảng Bình (đây là đơn vị được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 02/9/1973). Vụ chữa cháy tàu Alecxandra của Liên Xô chở hàng viện trợ cho ta ở cảng Hải Phòng và vụ chữa cháy kho xăng dầu Thượng Lý, Hải Phòng (đây là đơn vị được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 02/9/1973). Vụ chữa cháy khu lắp ráp tên lửa ở đồi Nhơm, Triệu Sơn, Thanh Hóa (đây là đơn vị được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 02/9/1973). Vụ chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang và hàng trăm vụ cháy lớn phức tạp khác xảy ra trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã được cứu chữa kịp thời và đội PCCC Lộc Hà được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 02/9/1973.
 
Được Bác Hồ gửi thư khen

Đặc biệt, vụ không quân Mỹ tập trung đánh phá Hà Nội, mục tiêu chính là Kho xăng dầu Đức Giang ngày 24/6/1966. Đây là kho dự trữ xăng dầu lớn nhất phục vụ công tác phát triển kinh tế miền Bắc và phục vụ chi viện cho miền Nam. Ngay từ khi một số bể xăng dầu bị cháy, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC phải trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy, huy động các lực lượng Cảnh sát PCCC lân cận đến hỗ trợ, điều động những chuyên gia giàu kinh nghiệm phối hợp cùng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội chữa cháy. Trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy là các đồng chí: Đồng chí Nguyễn Văn Luân, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, đồng chí Trương Từ Thức, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội và các đồng chí Trần Háo Hiếu, Lê Văn Nam. Công an Hà Nội đã điều động 12 xe chữa cháy, 87 CBCS; các tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng và Trường Cảnh sát PCCC điều động thêm 8 xe chữa cháy, hàng trăm chiến sĩ đến hỗ trợ; hàng trăm cán bộ của Tổng kho cũng được huy động vào công tác chữa cháy. Trong điều kiện ta chưa có bọt chữa cháy, các chiến sĩ phải dùng áp lực nước từ lăng A dập ngọn lửa từ trong các bể xăng phun ra, đồng thời phun nước làm lạnh các bể xăng lân cận, phân tán các phi xăng khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng tham gia chữa cháy phải làm việc hết sức khẩn trương, trong môi trường hết sức khắc nghiệt và cực kỳ nguy hiểm như phải áp sát những ngọn lửa nóng rát, khói bụi mù mịt, máy bay địch trở lại oanh tạc bất cứ lúc nào. Nhưng với tinh thần dũng cảm phi thường, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã làm lên một kỳ tích tuyệt vời. Sáng hôm sau, đám cháy được dập tắt, bảo toàn được phần lớn lượng xăng dầu trong Tổng kho.

Với thành tích, chiến công đã đạt được, ngày 03/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô. Đây cũng là lời khen ngợi chung của Bác Hồ đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong cả nước. Nội dung bức thư, Bác viết:
 
“Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn. Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sỹ. Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này:

- Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

- Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

- Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy và chữa cháy.

- Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.”

Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu, chế tạo trên 5.000 bom cháy và vũ khí gây cháy phục vụ việc đánh phá kho tàng, hậu cứ của địch. Trong cuộc tổng tiến công giải phòng miền Nam năm 1975, lực lượng Cảnh sát PCCC đã theo sát quân chủ lực tiếp quản những đô thị mới được giải phóng và triển khai kịp thời lực lượng, phương tiện và các biện pháp PCCC, góp phần giữ gìn và ổn định an ninh trật tự cho nhân dân.
 
Ngày 20/7/1971 Bộ Công an quyết định thành lập Phân hiệu PCCC gọi tắt là Phân hiệu 11 thuộc Trường Cảnh sát nhân dân với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho cán bộ sỹ quan, hạ sỹ quan của lực lượng Cảnh sát PCCC.
 
Tháng 7/1973 sau khi giải phóng Quảng Trị, lực lượng PCCC đã chi viện 33 cán bộ chiến sỹ để thành lập đơn vị PCCC Quảng Trị với nhiệm vụ: Bảo vệ các chuyến hàng vận chuyển vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh; bảo vệ đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và đại diện các đoàn ngoại giao của các nước tại Quảng Trị.
 
Tháng 3/1975 Thừa Thiên Huế được giải phóng, lực lượng PCCC đã cử cán bộ vào tiếp quản thành phố Huế và thành lập phòng Cảnh sát PCCC Bình Trị Thiên.
 
Ngày 29/3/1975, Bộ Công an quyết định điều động 182 cán bộ chiến sỹ và 30 xe chữa cháy của Cục và 11 đơn vị các tỉnh phía Bắc chi viện cho chiến trường B2; tham gia đoàn tiếp quản, quản lý thành phố Sài Gòn; chi viện cho Ban An ninh nội chính miền Nam Việt Nam.
 
Ngày 30/4/1975, đoàn cán bộ PCCC của Công an Hà Nội đã phối hợp với lực lượng PCCC được chi viện cho chiến trường B2 tiếp quản Sở chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Sài Gòn. Tiếp đó, lần lượt các đơn vị PCCC miền Trung Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Lâm Đồng được thành lập.
 
(Còn nữa)...
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/bai-3-chien-dau-va-hy-sinh-quen-minh_269347.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)