1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Đông Anh, Hà Nội: Có tiêu cực trong việc chiếm đất công làm nhà?

26/11/2020
Có hay không tiêu cực ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội khi chính quyền làm ngơ cho người dân chiếm đất công làm nhà?. Sự việc đang diễn ra ở thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội trong thời gian qua.

Dự án cầu Nhật Tân được hoàn thành, nối hai bờ sông Hồng đem lại niềm vui cho rất nhiều người.Giao thông của thủ đô Hà Nội được thuận tiện hơn, giúp đời sống người dân huyện Đông Anh được nâng cao. Nhưng kể từ khi giá đất lên cao thì cũng dẫn tới nhiều hệ lụy, nhiều chuyện đau buồn rơi nước mắt...

Nhiều người lao động phổ thông ở các tỉnh về Hà Nội tìm đến thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc mua đất, dựng nhà ở. Lợi dụng sự ham rẻ, thiếu hiểu biết pháp luật nên có người dân đã đổ đất lên những hố, đầm thầu khoán của thôn rồi chia nhỏ ra  bán.

Mấy năm trước, chính quyền xã Vĩnh Ngọc từng buông lỏng quản lý, để những người dân mua đất công, xây dựng nhà trái phép để ở. Khi họ ở được vài ba năm thì ra chính quyền ra quyết định cưỡng chế. Ông Nguyễn Thế Kiên (quê Bắc Giang) - Một trong những người xây nhà trái phép trên đất công nói: “Chúng tôi đến mua đất, xây nhà, chính quyền xã Vĩnh Ngọc không phá ngay từ lúc xây dựng, để đến bây giờ cả gia đình vợ chồng con cái đang ở yên vui được vài năm thì bị cưỡng chế. Chúng tôi biết xây dựng nhà trên đất công là trái pháp luật, thế nhưng sao lại chỉ phá nhà của 10 hộ từ nơi khác đến, trong khi nhà xây trên đất công của người dân địa phương lại được tồn tại? Phải chăng luật pháp ở xã Vĩnh Ngọc áp dụng khác với toàn quốc?”

Ông Nguyễn Thế Kiên đau xót trước ngôi nhà đã từng ở ổn định nhiều năm bị chính quyền xã Vĩnh Ngọc cưỡng chế.

Bức xúc của ông Nguyễn Thế Kiên cũng giống như của bà Trần Thị Hà (quê Thanh Hóa), ông Nguyễn Hồng Quyên (quê Thái Bình) khi nhà của họ bị cưỡng chế sau nhiều năm sinh sống, ổn định, tạm trú tại địa phương là có thực.

Điển hình trong việc chiếm đất công rồi xây nhà tầng khang trang ở thôn Ngọc Giang là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh và vợ là bà Đinh Thị Lự.

Năm 1996, hộ ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1956) và vợ là bà Đinh Thị Lự có thuê thầu một khu đất hồ rộng phía đầu làng, giáp phía thôn Vĩnh Thanh và xã Tàm Xá. Khu đất này được thể hiện trên thửa đất số 23 với diện tích 7.390 m2 của tờ bản đồ xã Vĩnh Ngọc (Bản đồ xã Vĩnh Ngọc, thôn Ngọc Giang ngày 26/11/1996, do Giám đốc Sở Địa chính Hà Nội, Phạm Cao Nguyên ký, tờ số 50).

Vài trăm m đất công bị gia đình ông Nguyễn Văn Minh chiếm dụng làm nhà mà không hề bị chính quyền cưỡng chế, thu hồi?

Khi dự án cầu Nhật Tân được công bố và triển khai, ông Nguyễn Văn Minh cho đổ đất lấp dần hồ. Sau đó chia nhỏ bán dần cho nhiều người. Riêng phần mình, ông Nguyễn Văn Minh để lại vài trăm mét (lấn cả hành lang đê điều) và xây dựng nhà bê tông kiên cố 2 tầng 1 tum. Ông Minh cho vợ chồng con gái là Nguyễn Thị Phương, hiện tại đang sinh sống.

Để xác minh thông tin của dư luận về việc ông Nguyễn Văn Minh đã “chạy” được sổ đỏ của khu đất công này? Cũng như tại sao chính quyền xã Vĩnh Ngọc không cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm cách trụ sở xã vài trăm mét? Phóng viên đã đến UBND xã Vĩnh Ngọc và được ông Nguyễn Xuân Tưởng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết: “Nguồn gốc đất công rõ ràng như thế làm sao làm sổ được. Còn việc ông Minh tự ý bán đất công, tự xây nhà trên đất công là vi phạm pháp luật”.

Thế nhưng, khi đề cập về hướng xử lý thì Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Nguyễn Xuân Tưởng lúng túng nói đã giao địa chính xã khảo sát rồi báo cáo. Nhưng thời hạn bao giờ sẽ xử lý thì ông Tưởng lảng tránh không trả lời.

Sự việc đang được tiếp tục làm rõ…

Theo Thành Nam/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/dong-anh-ha-noi-co-tieu-cuc-trong-chiem-dat-cong-lam-nha.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)