1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thông tin

Trồng dược liệu đạt chuẩn quốc tế góp phần nâng tầm thuốc Việt

02/05/2020
Việc trồng và phát triển vùng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở Việt Nam sẽ góp phần phát triển ngành dược liệu và nền Y học cổ truyền của nước nhà.

Cần mở rộng vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO ở Việt Nam

Theo kết quả điều tra của Viện dược liệu, Việt Nam có hơn 5.000 loài cây, con là thuốc. Trong đó, có hàng trăm loại quý hiếm được thế giới đánh giá cao. Qua hàng ngàn năm phát triển, các thế hệ cha ông ta đã tích lũy, truyền lại cho thế hệ sau kho tri thức khổng lồ về kinh nghiệm sử dụng dược liệu với gần 1.300 bài thuốc dân gian.

Nguyên liệu đạt chuẩn là tiêu chí quan trọng làm nên chất lượng thuốc và hiệu quả điều trị. Với những sản phẩm thuốc chứa thành phần tự nhiên, nguyên liệu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm thuốc.  Vì thế yêu cầu đối với nguyên liệu vô cùng khắt khe.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khuyến cáo các dược liệu là nguyên liệu làm thuốc phải đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Với tiêu chuẩn GACP – WHO, các loại dược liệu sẽ được phát triển trong môi trường sống đúng chuẩn, tuân thủ các yêu cầu về nhiệt độ, nguồn nước, phân bón và độ ô nhiễm… Đặc biệt, quá trình trồng trọt, thu hái và chế biến dược liệu đều được thực hiện theo quy trình khép kín, một chiều, đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng, chuẩn mực từ nông trường đến nhà máy.



Dược liệu sạch cần chọn chính xác giống cây dược liệu cần dùng, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng và không gây các tác dụng phụ


Một số vùng dược liệu chuẩn GACP – WHO ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu tầm thế giới. Chính những vùng trồng đạt chuẩn thế giới như dưới đây đang giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và khẳng định vị thế trên bản đồ dược liệu.

Atiso - Sapa, Lào Cai

Diện tích: 50ha, sản lượng: khoảng 2000 tấn dược liệu tươi/ năm.

Là cây thuốc của vùng ôn đới (Địa Trung Hải), do người Pháp du nhập vào Việt Nam. Hiện nay, tại Sapa, Lào Cai có một vùng trồng actiso rộng lớn.

Atiso trồng theo tiêu chuẩn GACP – WHO được sàng lọc và lựa chọn giống chuẩn có chứa hàm lượng hoạt chất cao nhất. Atiso được trồng bằng hạt, gieo hạt vào cuối thu (khoảng tháng 8, tháng 9), thu hoạch lá thành nhiều đợt.

Với các dược chất chính có trong cây: Cynarin, Polyphenol và Inulin, Atiso được tin dùng để chữa các bệnh liên quan đến suy giảm chức năng gan, vàng da, xơ vữa động mạch và cholesterol máu cao.

Bìm bìm biếc - Hòa Bình

Diện tích: 2 ha, sản lượng: khoảng 5 tấn dược liệu khô/ năm.

Là loài cây dây leo, bìm bìm còn được gọi là khiên ngưu tử (tức hạt dắt trâu ), bắt nguồn từ tích xưa có một người được mách cho dùng loại cây này để chữa bệnh, sau khi đã khỏi bệnh, người đó đã mang trâu tới tặng để trả ơn nghĩa.

Với các dược chất chính có trong cây bao gồm Glucosid và Pharbitin, bìm bìm có tác dụng nhuận tràng, thông tiểu, sát trùng, là kinh nghiệm tri thức bản địa được các bà con dân tộc vùng núi phía Bắc, đặc biệt là đồng bào Dao đỏ sử dụng để giải độc gan.
 



Bìm bìm có nhiều công dụng chữa bệnh được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y
 

Rau đắng đất - Phú Yên

Diện tích: 1200ha, sản lượng: khoảng 150 tấn/ năm

Rau đắng đất phân bố ở vùng Nam và Nam Trung Bộ Việt Nam. Với những dược chất chính chứa Saponin, Flavonoid, chất xơ và vitamin C, rau đắng đất có tác dụng lợi tiêu hóa, nhuận gan, ích mật, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, ổn định đường huyết.

Vùng cát cánh tại Lào Cai

Theo sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc" của Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật: Cát cánh được trồng lâu đời ở Trung Quốc và nhập vào Việt Nam khoảng 40 năm gần đây… Rễ cát cánh có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, giảm ho, khử đờm, chống loét và chống viêm. Cát cánh là một trong những thành phần chính trong sản phẩm thảo dược hàng đầu hỗ trợ trị ho, cảm lạnh cho trẻ em tại Việt Nam.

Chuyên gia của Dự án BioTrade cho biết, gần đây cây cát cánh được tái di thực về Việt Nam từ năm 2006, suốt 3 năm nhân giống, trồng thử nghiệm, cây đã sinh trưởng và cho sản lượng tốt, đặc biệt hàm lượng saponin trong rễ cát cánh sau thu hoạch cao gấp 3 lần so với hàm lượng dược liệu cát cánh nhập từ Trung Quốc. Hai năm trước, vùng trồng Dược liệu Cát cánh tại Bắc Hà, Lào Cai đã được Bộ Y Tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.

Ngoài ra, nước ta còn rất nhiều vùng trồng dược liệu khác do các doanh nghiệp sản xuất thuốc Đông Y đầu tư. Bên cạnh việc giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn dược liệu sạch, có hàm lượng hoạt chất đạt chuẩn, các vùng trồng chuẩn GACP-WHO còn góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu tốt, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Từ năm 2003, tiêu chuẩn GACP - WHO về trồng trọt và thu hái cây thuốc được Tổ chức Y tế thế giới ban hành nhằm đảm bảo sự an toàn và chất lượng dược liệu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững kinh tế cộng đồng. Tại Việt Nam, năm 2009, Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc GACP-WHO nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu.

GACP-WHO có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe đảm bảo chất lượng. Đó là yếu tố tiên quyết để dược phẩm Việt Nam giữ thương hiệu và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/trong-duoc-lieu-dat-chuan-quoc-te-gop-phan-nang-tam-thuoc-viet.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)