1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Tạo lập môi trường cho một nền hành chính phát triển của một chính phủ kiến tạo, hành động vì lợi ích nhân dân

08/04/2020
Với 16 Hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán (62 nước và vùng lãnh thổ) trong đó có 10 Hiệp định đã ký kết và đi vào thực hiện. Hoạt động thương mại với các đối tác thương mại tự do (FTA) của chúng ta chiếm khoảng 85% .

Với 16 Hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán (62 nước và vùng lãnh thổ) trong đó có 10 Hiệp định đã ký kết và đi vào thực hiện. Hoạt động thương mại với các đối tác thương mại tự do (FTA) của chúng ta chiếm khoảng 85% . Hiện nay, Việt Nam đã và đang tuân thủ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ 10 FTA[1]. Trong hầu hết các FTA, mức độ tự do hóa đối với thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90%, trừ Hiệp định ATIGA là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 98%. Giai đoạn 2016-2018, các FTA như ATIGA, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm thuế cuối cùng sau một thời gian dài thực hiện cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình. Riêng đối với Hiệp định ATIGA, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 98% tổng số dòng thuế. So với năm 2016, có thêm 670 dòng thuế về 0%. Trước những cơ hội và thách thức này, công cuộc cải cách và đổi mới hoạt động của Chính phủ càng trở nên cấp bách và những đòi hỏi về hành động này thể hiện nền tảng của một chính phủ hành động

 Nếu như chỉ hành động dựa vào chức năng quản lý nhà nước đối với xã hội theo những thiết chế có sẵn nhằm điều tiết, hỗ trợ, dẫn dắt cộng đồng xã hội thì một chính phủ truyền thống khó có thể tìm kiếm các cơ hội đột phá về phát triển kinh tế với những mục tiêu đặt ra của hàng loạt nội dung cải cách hiện nay trước những cơ hội và thách thức của thời đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã nói trong phiên họp của Chính phủ: “ Nếu anh nào không làm thì hãy đứng sang một bên” cho thấy quyết tâm cao của chính phủ về việc xác định chân dung của một chính phủ kiến tạo, hành động vì lợi ích nhân dân. Với góc nhìn của một số quan điểm quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay, cần phải coi trọng những trụ cột cơ bản mang tính cốt lõi như sạu:

Thứ nhất, đổi mới tư duy nhận thức về vai trò của chính phủ

Thời gian qua. Chính phủ đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó, tập trung cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, cùng với việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện mục tiêu đứng trong nhóm 6 nước đứng đầu ASEAN (ASEAN-6). Chúng ta cũng đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN (ASW) từ tháng 9/2015. Các kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua liên tục được đánh giá tích cực, tại Báo cáo thường niên về Chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối tháng 10 vừa qua, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng 9 bậc, từ vị trí 91/198 lên 82/190; theo đánh giá mới đây của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường thương mại toàn cầu từ vị trí 87 lên vị trí thứ 73.

Điều này cho thấy chính phủ phải chủ động xây dựng các chính sách theo đúng nghĩa của một chính phủ phục vụ, dựa trên cơ sở hội nhập và đường lối của Đảng, nhận diện những đòi hỏi của nhân dân, tạo lập cách ứng xử phù hợp với một xã hội năng động, cần xác lập và cam kết những quan điểm, tư duy theo hướng Nhà nước vừa là chủ thể quản trị xã hội lại vừa bình đẳng với các đối tượng quản lý là công dân, doanh nghiệp và các thiết chế xã hội khác. (tức là vừa thực hiện phương thức “cai quản” lại vừa hành động theo hướng “phục vụ” xã hội), đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, thể hiện về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm giải trình,…của nền hành chính chuyên nghiệp

Cần phải làm rõ tính công khai, minh bạch trong mỗi công đoạn của mỗi chính sách trước ban hành và trong quá trình thực thi, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói của dân để chung vai chia sẻ những nỗi lo, những nguyện vọng của dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cũng như sự đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín làm thước đo hiệu quả về vai trò quản lý xã hội của chính phủ nói chung và mỗi vị trí trong cơ quan hành chính nói riêng.

 Thứ hai, Xác định rõ chức năng quản lý nhà nước nhằm tạo lập môi trường thông thoáng

Cần làm rõ những nội dung và nhà nước cần tập trung tháo gỡ, nhất là những vướng mắc được cho là rào cản trong quá trình đổi mới và phát triển, nhất là những thủ tục còn đề lên vai cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong sản xuất kinh doanh, chú trọng đến các thủ tục liên đới trách nhiệm giữa các bộ, ngành.

Phân định rõ những khu vực nào mà nhân dân, doanh nghiệp có thể làm được thì nhà nước nhanh chóng chuyển giao cho họ, đồng thời xây dựng các môi trường chính sách thông thoáng, thuận lợi cho họ hoạt động nhằm đưa lại giá trị cao cho xã hội. Bên cạnh đó cần tránh để lọt kẻ hở của những nội dung văn bản ban hành nhằm phục vụ lợi ích nhóm, cũng như khẩn trương xóa bỏ những rào cản về thể chế, khắc phục những lạc hậu về cơ chế, chính sách đã lỗi thời trước đó, đang cản trở bước tiến của xã hội.

Thứ ba, Nâng cao chất lượng chính sách công-Môi trường mang tính bền vững cho xã hội

Trong công cuộc cải cách hành chính phải có những đổi mới phù hợp với hoàn cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển đất nước, trên cơ sở xác định cơ chế, chính sách các lĩnh vực nhà nước quản lý để đưa ra các công cụ quản lý hợp lý và hiệu quả, chú trọng các lĩnh vực “nóng” mà xã hội đang quan tâm (nhà ở, đất đai, thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh,...), nhằm tạo cơ hội và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng xã hội.

Thực hiện kết nối cơ chế một cửa quốc gia trong hoạt động đối ngoại cũng như cơ chế một của tại tất cả các cơ quan hành chính trong nước trong thực thi công vụ với người dân và tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Chú trọng khi xây dựng các chính sách có sự kết nối với đường lối, chủ trương của Đảng để tránh sự chậm trệ hay “nợ” văn bản từ các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đồng thời đảm bảo chất lượng của hoạt động quản lý đối với những vấn đề bức xúc của nhân dân cũng như dư luận của xã hội .

Chính sách phát triển kinh tế-xã hội cần phải đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng của xã hội và mang tính bền vững, phù hợp vói từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Thứ tư, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nướcnăng lực và chuyên nghiệp

Đề cao công tác cán bộ đối với từng vị trí cán bộ, công chức, nhằm không ngừng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đồng thời nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức lãnh đạo, quản lý. Cần xây dựng quy chế, tổ chức theo dõi kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục sửa đổi quy chế đánh giá cán bộ, công chức theo hướng gắn với kết quả, hiệu quả công việc, thực hiện nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, lắng nghe và tôn trọng góp ý dân chủ tập thể trên các khía cạnh của hoạt động công vụ  (trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, đạo đức công vụ, văn hóa giao  tiếp,…)

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát với tư duy và phương thức mới,trên cơ sở phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của xã hội tham gia phát hiện đối với cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm và vi phạm pháp luật, có chế tài xử lý nghiêm minh các đối với các hành vi phiền hà, nhũng nhiễu,vi phạm pháp luật, nhằm triệt tiêu hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, đồng thời động viên khen thưởng kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức., Tạo nên bộ máy tinh gọn với đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực điều hành một chính phủ theo hướng hiện đại (e-government, e-commerce and integration).

Thứ năm, đột phá vào các lĩnh vực ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội

Trên cơ sở định hướng và mục tiêu của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, cần chú trọng tới các các lĩnh vực ưu tiên đột phá trong giai đoạn tới, bao gồm:

- Đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của nội dung này. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Thời gian tới, cấn nghiêm túc đánh giá thực chất và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước,

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản công; hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Xây dựng và công bố mục tiêu cụ thể hàng năm về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2015, Tổng công ty đầu tư & kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận 67 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách kế toán là 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 DN, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách. Thời gian tới cần kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước  không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện biện pháp phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luậttăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đồng thời phân định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập,

Hướng dẫn về tiêu chuẩn và phương pháp xác định vị trí việc làm phù hợp với từng loại hình cũng như danh mục vị trí việc làm, chú ý đến tính ổn định và phát triển ở mỗi tổ chức này, nhằm xã hội hóa những hoạt động mà nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp quản lý

Triển khai có hiệu quả về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, nhằm giao quyền chủ động cho các tổ chức này mà không nhất thiết phải gắn với hoạt động công vụ của nhà nước, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

- Về ổn định và phát triển thị trường chứng khoán: Tập trung tái cơ cấu cơ sở và tổ chức chính gồm: Cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và tổ chức thị trường chứng khoán nâng cao chất lượng hoạt động trên thị trường, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức; phân bổ hiệu quả nguồn lực vốn đầu tư, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

 - Nâng cao chất lượng hoạt động vềbảo hiểm: Tăng cường mạng lưới hoạt động về bảo hiểm, kết hợp giữa các hình thức mở rộng, chất lượng và chuyên nghiệp các dịch vụ phục vụ nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm, gắn với hiệu quả hoạt động góp phần đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển an toàn.

 Việc công khai và minh bạch hóa thông tin đã được thực hiện, giúp người tham gia bảo hiểm tiếp cận được các thông tin cần thiết trước khi ra quyết định tham gia bảo hiểm đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong các tầng lớp nhân dân..

Ngoài ra, cần lưu ý những hoạt động chúng ta đã và đang làm tốt, đi đúng hướng và mang lại giá trị thiết thực theo nhu càu xã hội như công tác an sinh xã hội,  tạo môi trường thuận lợi đối với thị trường lao động trong và ngoài nước, thiết lập thị trường dịch vụ công có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, cung cấp dịch vụ công, xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính ổn định, lành mạnh tạo đà cho thế chủ động trong cac hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Xác lập những trụ cột cơ bản của một chính phủ kiến tạo, liêm chính là nhiệm vụ quan trọng thể hiện hành động mang tính cốt lõi trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, nhanh chóng đưa nước ta trở thành một nước phát triển phồn thịnh.

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

2. PGS,TS Trần Sỹ Phán: Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ công chức hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị (10-2015).

3. Đoàn Thị Ngọc Hải, Thực trạng pháp luật về đạo đức công chức ở Việt Nam hiện nay và đề xuất hoàn thiện. Thông tin điện tử Bộ Tư pháp ( 5, 2016).

4. Phạm Đức Chính. Xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo phục vụ lợi ích nhân dân nhằm hoàn thiện nền hành chính phát triển. Tạp chí Quản lý nhà nước (3/2017)

5. Tài liệu  của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về Phát triển Việt Nam (12/2016).


[1] Gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc - Niu Di-lân, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu

Th.s: Phạm Quỳnh Liên- Học viện Hành chính Quốc gia/ Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/tao-lap-moi-truong-cho-mot-nen-hanh-chinh-phat-trien-cua-mot-chinh-phu-kien-tao-hanh-dong-vi-loi-ich-nhan-dan.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)