1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Nhớ lại một lần được ăn Tết với Bác Hồ

06/02/2019
(Viết theo lời kể của Giáo sư, bác sĩ Richard Kirsch, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia y tế Cộng hòa Dân chủ Đức công tác tại Việt Nam năm 1956).
Nhớ lại một lần được ăn Tết với Bác Hồ
Bác Hồ thăm một cơ sở nghiên cứu y tế trên đảo Riems (CHDC Đức) ngày 27/7/1957
 
“Đoàn chúng tôi tới Thủ đô Hà Nội đúng vào chiều 30 Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của nhân dân Việt Nam. Cả thành phố tưng bừng và rực rỡ trong những bộ quần áo mới, những bó hoa xuân rực rỡ, ngạt ngào. Chưa bao giờ chúng tôi được sống trong một cảnh tượng tràn đầy niềm hân hoan, náo nhiệt như vậy.
 
Anh chị em chúng tôi được đưa tới một khách sạn ở trung tâm thành phố. Sau một vài giờ nghỉ ngơi, các bạn Việt Nam mời chúng tôi đi dự cuộc gặp mặt do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để đón mừng xuân mới. Đúng 19 giờ, ô tô đến đón trước cửa khách sạn. Chúng tôi lên xe, ai cũng hồi hộp về cuộc tiếp xúc đầu tiên với những người bạn mới. 
 
Xe vừa đỗ, tôi chưa kịp bước ra thì đã thấy một vị đứng tuổi, người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm, đang từ những bậc thang bước xuống niềm nở đón tôi. Đó chính là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà chúng tôi đã nghe tên nhiều từ Hội nghị Genève trước đó hai năm. Thủ tướng bắt tay tôi, xin lỗi vì giấy mời gửi chậm… Thật ra, như vậy là quá nhanh, bởi vì chúng tôi cũng vừa đặt chân tới Hà Nội được vài giờ đồng hồ thôi. Thủ tướng vui vẻ khoác tay tôi, cùng bước vào phòng đón tiếp.
 
Đó là một gian phòng khá rộng, được trang hoàng theo không khí Tết ở Việt Nam. Đông đảo các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, các nhà ngoại giao, các trưởng đoàn chuyên gia nước ngoài, nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ, các đại biểu công nhân, nông dân và quân đội đang ngồi quây quần bên một cụ già có gương mặt hiền hậu, mái tóc và chòm râu bạc trắng, đôi mắt sáng, dường như lúc nào cũng tươi cười. Cụ già ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh như tôi đã từng được trông thấy trên những bức chân dung của Người.
 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa tôi tới gần và giới thiệu với Cụ. Người thân mật bắt tay tôi, hỏi thăm sức khỏe anh chị em trong đoàn sau một cuộc hành trình dài từ Berlin tới đây. Rồi Người chỉ vào một chiếc ghế bên cạnh mời tôi ngồi. Hóa ra, đến chậm lại có diễm phúc lớn là được ngồi gần Cụ. Thoạt đầu, Người nói với tôi bằng tiếng Pháp: sau chuyển sang tiếng Đức. Tôi không khỏi xúc động bởi vì, giữa cái đêm xuân ấm cúng đáng nhớ suốt đời này, tôi lại được Hồ Chủ tịch tiếp chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của tôi.
 
Theo phong tục của ngày Tết, Hồ Chủ tịch nâng cốc chúc sức khỏe mọi người. Chúng tôi cũng vui sướng kính chúc Người, nhà lãnh đạo tối cao của nhân dân Việt Nam mạnh khỏe, sống lâu. Bằng giọng nói chậm rãi, ấm áp, Người bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đối với sự giúp đỡ thắm tình đoàn kết của các nước anh em trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước Việt Nam. Tiếp đó, Người nhanh nhẹn bước đến chỗ một số cán bộ nước ngoài, tiếp cho mỗi người một miếng bánh chưng. Tận lúc ấy tôi mới được biết bánh chưng là một món ăn đặc biệt trong ngày Tết ở Việt Nam. Và, với một người châu Âu chưa từng sống ở Việt Nam như tôi, ăn bánh chưng đâu phải là một việc dễ dàng! Thấy tôi cứ loay hoay mãi với đĩa bánh chưng, Cụ Hồ nhìn tôi cười với sự thông cảm, rồi thân mật bày cho tôi cách ăn gọn nhất. Tôi còn được ăn nhiều thứ khác như mứt, kẹo lạc, giò, nem rán… và cảm thấy một phần hương vị của ngày xuân ấm áp ở xứ sở này.
 
Chính trong cuộc gặp gỡ mừng xuân đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vui vẻ kể cho chúng tôi biết: trong những năm 1920, vì bị cảnh sát theo dõi rất ngặt nghèo ở Paris, Người đã phải lánh sang Berlin mấy tháng. Trong câu chuyện của Người, chúng tôi thấy rõ lòng quý mến sâu sắc của Người đối với Clara Zetkin, Ernst Thaelmann, Wilhelm Pieck cũng như nhiều lãnh tụ khác của phong trào cách mạng Đức. Người nhắc lại những kỷ niệm về thời gian chung sống với anh em công nhân và nhận xét rằng, họ là những người rất thông minh, kiên quyết, có tinh thần kỷ luật cao. Lúc đó, Người cho biết có ý định sẽ đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức một thời gian, chẳng những để thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước mà còn trực tiếp chứng kiến những đổi thay kỳ diệu ở Berlin, ở những vùng Người từng có dịp đi qua. Chừng hơn một năm sau, ý định đó đã được thực hiện trong chuyến Người đi thăm hữu nghị chính thức một loạt nước xã hội chủ nghĩa anh em. Cuộc hành trình đó của Người đã được gắn vào lịch sử của tình hữu nghị giữa những người anh em, những người đồng chí bằng những nét vàng không bao giờ phai.
 
Nói chuyện về các công việc chúng tôi sắp sửa tiến hành, Người phác qua cho tôi hình dung những nét cơ bản về tình hình y tế ở Việt Nam trong thời gian này. Người nói rõ những thiếu thốn và non yếu của đất nước trên lĩnh vực y tế sau chiến tranh. Đó là hậu quả tàn khốc của hàng mấy chục năm bị thực dân Pháp thống trị. Nghe Người nói, chúng tôi, những bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên thuộc ngành y tế Cộng hòa Dân chủ Đức càng nhận rõ trách nhiệm lớn lao của mình khi được Đảng và Nhà nước cử sang làm việc bên cạnh các đồng nghiệp Việt Nam. Chúng tôi sẽ dốc mọi khả năng, sức lực của mình để làm những gì thực sự có ích cho nhân dân Việt Nam anh em. Trước mắt, như Người nói, chúng tôi sẽ góp phần củng cố và mở rộng nhà thương Phủ Doãn, trước Cách mạng tháng Tám 1945 gọi là Bệnh viện Yécxanh (Yersin), và sau này gọi là Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức.
 
Qua câu chuyện đêm ấy cũng như qua nhiều lần được gặp Hồ Chủ tịch, tôi luôn luôn khắc sâu trong mình ấn tượng không lúc nào phai: Người là một nhà lãnh đạo chính trị hết sức thông minh, nhạy bén, đầy nghị lực. Người rất nhanh chóng rút ra điều cơ bản, cốt lõi từ các câu chuyện, sự việc trong đời sống. Đó cũng là con người vô cùng bình dị, đức độ, dịu dàng, có một tâm hồn trong sáng lạ thường. Một sự bình dị và trong sáng như mùa xuân! Có lần, tôi xin phép hỏi Người về hoàn cảnh xuất thân. Người trả lời: “Giống như bất cứ một nông dân nào khác!”. Và bây giờ, mặc dù đã trở thành vị Chủ tịch nước, Người vẫn bình dị như một nông dân thực sự. Người đi dép lốp cao su như một nông dân, như một chiến sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Căn nhà Người ở và làm việc cũng chẳng khác gì căn nhà của người nông dân Việt Nam. Ai đã tới căn nhà đó của Người hay luôn được Người hỏi han, tiếp chuyện đều nghĩ rằng mình cần phải bình dị hơn nữa, trong sáng hơn nữa.
 
Giữa cái đêm xuân năm ấy, trong căn phòng ấm áp ấy, tôi có cảm tưởng đó là một hình ảnh được thu nhỏ lại của đại gia đình Việt Nam với vị Cha già, của đại gia đình các nước anh em với người bạn lớn. Trong cái đêm xuân ấy, Người không để sót một ai cả. Đến với ai, Người cũng rất hồn nhiên, giản dị, có cách nói để người đó đồng cảm ngay. Và, từ sự đồng cảm, ai cũng tự giác gửi gắm vào Người một niềm tin tưởng, lòng kính yêu vô bờ bến". 
 
NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)