1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Kỷ niệm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) – Nhìn Lại Quá Khứ Để Tiếp Tục Phấn Đấu

30/12/2020
Hằng năm, cứ đến tháng 12 là cả nước lại chuẩn bị cờ đỏ sao vàng trên khắp những con đường, hòa chung không khí để cùng chào mừng ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Đây là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn, bảo vệ tổ quốc và đã trải qua chặng đường anh hùng: 76 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, tô thắm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, làm rạng rỡ thời đại Hồ Chí Minh.
Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền... đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
 
Chính vì vậy, vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức thành lập với 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng.
 
 
Ảnh: Internet
 
34 chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng này là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, có tinh thần kiên quyết, dũng cảm, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc.
 
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ.
 
Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh tuy ngắn nhưng rất súc tích. Bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang.
 
Hồ Chủ tịch nói: "...Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
 
Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Chấp hành chỉ thị của Hồ Chủ tịch là: "Phải đánh thắng trận đầu", vì vậy ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo hạ đồn Phay Khắt (24/12) và Nà Ngần (25/12/1944) trong hoàn cảnh "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận".
 
Và chỉ sau một tuần lễ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.
 
Vào tháng 4/1945, theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945 tại chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra lễ hợp nhất 2 đội: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc Quân với tên gọi mới là: Việt Nam Giải phóng quân, quân số ban đầu là 13 đại đội.
 
Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng, là đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc.
 
Lực lượng vũ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 15 ngày đã đập tan ách đế quốc thực dân và chế độ phong kiến hàng ngàn năm.
 
Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam. Và trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, quân đội ta đã bước vào thời kỳ trưởng thành. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại vừa qua, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như mọi bộ phận khác của nó mang cái tên lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần thành công trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975.
 
Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang mà Bác Hồ, người cha của các lực lượng vũ trang Việt Nam, đã dạy: "... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng..."
 
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng Toàn dân.
 
 
 
Ảnh:Internet
 
Lịch sử 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-Phu-Chia.
 
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2020 là một năm đầy những đau thương và mất mát của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đang trong quá trình nỗ lực chống dịch Covid- 19. Thì tàn phá khốc liệt của thiên tai, lũ lụt trên địa bàn các tỉnh miền Trung, gây nên thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân, để lại hậu quả nặng nề đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ. Nỗi đau chưa nguôi ngoai trước sự hy sinh của 11 cán bộ, chiến sĩ và 2 cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày 13 tháng 10 năm 2020, thì sự cố sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng rạng sáng ngày 18 tháng 10 năm 2020 đã làm 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn xã Hướng Phùng - một xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
 
Đây không còn chỉ là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, mà ở còn là tình cảm, là trái tim của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam một lòng hướng về nhân dân, về những Miền còn rất nhiều gian khổ. Sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thậm chí là phải hy sinh tính mạng để bảo vệ yên bình cho đất nước. Có những chiến sỹ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại cha mẹ già, người vợ cùng đứa con thơ, để lại cả những ước mơ được phục vụ cho tổ quốc, phục vụ cho nhân dân còn đang dang dở. Sự mất mát, hy sinh nào cũng gây đau đớn quặn thắt. Song, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh trong thời bình dường như khiến chúng ta day dứt, thương cảm nhiều hơn...
 
 
(Ảnh: Internet)
 
Nén nỗi đau thương và mất mát không thể kể xiết, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam hơn bât cứ lúc nào, vẫn phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên trì xây dựng phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên toàn thế giới.
 
Phát huy thành tích to lớn đã đạt được trong 76 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi: Quân đội Nhân dân Việt Nam. 
 
 
Quốc kỳ được treo khắp các con đường để chào mừng ngày 22/12…
 
Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là dịp để ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta. Qua đó, mỗi học sinh, sinh viên, thanh niên trên toàn quốc và ở nước ngoài có dịp chiêm nghiệm lại lịch sử để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ra sức học tập để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Môi trường & Xã hội
 
http://moitruongvaxahoi.vn/ky-niem-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22121944-22122020-nhin-lai-qua-khu-de-tiep-tuc-phan-dau-942914095.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)