1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Không có gì quý hơn Độc lập – Tự do

22/09/2021
Cách đây tròn 76 năm (2/9/1945 – 2/9/2021), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 76 năm qua, đất nước ta đã có nhiều đổi thay, phát triển vượt bậc – một Việt Nam mạnh mẽ và tự hào - một Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm Châu.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên lễ đài sáng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Người nhấn mạnh: "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"

Trong lời mở đầu bản Tuyên ngôn, Người đã khẳng định chắc chắn về các quyền của con người đã được tạo hóa ban cho ngay từ khi sinh ra, đó là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Với tư duy sắc bén và lập luận chặt chẽ, Người đã chỉ rõ cho toàn dân và các dân tộc trên thế giới hiểu rằng, những quyền cơ bản đó không ai có thể xâm phạm, dưới bất kỳ hình thức nào; thông qua đó, Người ngầm khẳng định các cuộc chiến tranh xâm lược là phi nghĩa và đi ngược lại với đạo lý.

Không những vậy, Người còn chỉ rõ lời bất hủ ấy cũng được thể hiện rất rõ nét trong bản “Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ”: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Không phải tự nhiên Người trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, bởi Người lấy đó làm bằng chứng hùng hồn nhất, là bằng chứng đanh thép nhất để đáp trả những hành động mà bọn đế quốc thực dân đã hành hạ, chèn ép dân tộc ta: “thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa...”

Người dẫn giải hàng loạt các sự kiện để minh chứng một điều, cái thiện luôn thắng cái ác, và sự thật sẽ không thể thay đổi được rằng: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, dân ta đã gan dạ và anh dũng, đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta đã đánh đổ được chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Và sau đó, Người tuyên bố trước toàn thể dân tộc Việt Nam và quốc dân trên toàn thế giới rằng: “chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.”

Với lập luận không thể sắc bén hơn Người khẳng định: “chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê – hê - răng và Cựu – kim - sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của Nhân dân Việt Nam - một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!”

Sau hàng loạt dẫn chứng kể trên, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 19/8/945, cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8.

Dấu son sáng chói đưa Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm Châu

Kể từ cột mốc lịch sử đó, trong suốt 76 năm qua và đặc biệt là sau 35 năm đất nước đổi mới, trong mỗi người dân Việt Nam và cá nhân mỗi người, sẽ càng thấy thấm thía giá trị và ý nghĩa của “độc lập và tự do”; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang phải gồng mình ứng phó với đại dịch Covid – 19, một đại dịch được coi là khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Đại dịch đó, đã cướp đi hơn 4 triệu sinh mạng trên toàn thế giới, và mỗi ngày trôi qua, đại dịch Covid – 19 vẫn đang hoành hành và phá hủy nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, đất nước vẫn vừa phải song hành thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid - 19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; phấn đấu tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận chức Chủ tịch AIPA 41 từ Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch AIPA và Chủ tịch Đại hội đồng AIPA lần thứ 40 Chuan Leekpai.

Một số điểm nhấn trong 35 năm, khi đất nước tiến hành đổi mới

Về kinh tế: Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm.

Về văn hóa: quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế trong những năm gần đây.

Về đối ngoại: Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm...

Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Là thành viên của các tổ chức: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc... Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, đã và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Với những đóng góp đó Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017, Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018.

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận 3 trọng trách: Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid - 19 và những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ... song Việt Nam đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau khi nhận giải và Huy chương.

Và trong bối cảnh đất nước vẫn phải ngày đêm gồng mình đối phó với đại dịch, thì những thành tựu về công tác đối nội đối ngoại vẫn không ngừng được triển khai sâu rộng và có nhiều thành tựu đáng tự hào: Việt Nam trúng cử Hội đồng khai thác bưu chính thế giới nhiệm kỳ 2022 – 2025; đón nhận nhiều sự viện trợ về vaccine của các nước bạn dành tặng cho Nhân dân Việt Nam; lần đầu tiên xuất quân tham gia đấu trường quân sự tầm cỡ quốc tế, các chiến sĩ bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam đã giành được Huy chương Bạc toàn đoàn và nhiều thành tựu khác trên khắp các lĩnh vực…

Trước tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, quan hệ quốc tế vừa có những thuận lợi vừa có nhiều thách thức; Đảng, Chính phủ ta tiếp tục kiên trì đường lối, xác định mục tiêu của đất nước là bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, hải đảo; bảo đảm quyền con người, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; tiếp tục đi theo chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đối ngoại mềm mỏng và linh hoạt với các nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"!

Tài liệu tham khảo: Hồ Chí Minh toàn tập

Các dữ liệu con số từ tổng cục thống kê.

Theo Hoàng Lan/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/khong-co-gi-quy-hon-doc-lap-tu-do-p33802.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)