1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Viết văn phải dùng tổng lực văn hóa và trải nghiệm của cuộc đời

22/07/2021
Dù khuất núi khi đã ở tuổi 88 (1933 - 2021) nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn khiến bao người tiếc thương vô hạn. Cũng bới, ông chính là một tài văn đã bền bỉ vượt qua mọi hoàn cảnh sống để rồi bền bỉ sáng tạo, cống hiến không ngừng nghỉ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Viết văn phải dùng tổng lực văn hóa và trải nghiệm của cuộc đời
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong một dịp trò chuyện, giao lưu với độc giả. Ảnh: TH
 
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có quê cha ở làng Cổ Nhuế và quê mẹ ở làng Thanh Nhàn (Hà Nội). Mồ côi cha khi mới lên 3, cậu bé Nguyễn Xuân Khánh được mẹ ở vậy tần tảo dưỡng nuôi. Lớn lên, ông nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là phần đời trải nghiệm đầu tiên để đến năm 1957 ông viết truyện ngắn đầu tay Một đêm. Vừa mới trình làng, tác phẩm này liền đoạt giải thưởng của tạp chí Văn nghệ quân đội và mấy năm sau tiếp tục được in tập truyện ngắn Rừng sâu. 
 
Rời quân ngũ trở về Hà Nội, Nguyễn Xuân Khánh trở thành phóng viên của tạp chí Văn nghệ quân đội (gần chục năm) rồi chuyển sang công tác tại báo Thiếu niên. Vốn ham trải nghiệm, giờ trở thành nhà báo được đi nhiều nơi, thăm thú nhiều chốn, phóng viên Xuân Khánh đã cần mẫn tích lũy tư liệu và biến chúng thành vốn để viết. Nhưng rồi ông “mắc nạn” chuyện chữ nghĩa, bị đình chỉ “3 không”: không viết, không in sách và không làm báo. Cứ tưởng như nghề văn của Nguyễn Xuân Khánh bị đứt gánh giữa đường, nhưng không, trái lại, nếu ban ngày ông cặm cụi cùng vợ kiếm sống bằng đủ nghề: thợ may, thợ lắp khóa, dịch sách thuê… thì ban đêm ông hí hoáy viết tất cả những gì mình muốn với tâm niệm viết cho riêng mình - cho thỏa cái máu văn chương vẫn sục sôi. 
 
Rồi những năm tháng ấy cũng đi qua. Cùng với các bạn văn Hoàng Công Khanh, Hoàng Cầm…, Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn với sức viết khỏe nhất, dồi dào nhất, thành công nhất, dù tóc đã hoa râm. Mới đầu, Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện trở lại với Suối đen, Trư cuồng, Miền hoang tưởng bằng bút danh Đào Nguyễn. 
 
Có một lưu ý là, đến năm 2015, cuốn tiểu thuyết Hoang tưởng trắng của ông được tái bản, trở về đúng tên ban đầu cùng tác giả là Nguyễn Xuân Khánh chứ không còn phải ẩn danh là Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn. “Chúng tôi là lũ học sinh của Hà Nội, tầng lớp trung lưu của Hà Nội, lẽ dĩ nhiên chúng tôi bị ám ảnh và phải có những suy tư. Nhất là anh em lại có chút tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếp xúc với thế giới. Chúng tôi cố gắng muốn đổi mới. Thế nên, Hoang tưởng trắng là những thắc mắc, lo toan đối với thời cuộc chứ không đơn thuần là chỉ tả hiện thực. Ở đây có cả đổi mới về hình thức khi tôi cố gắng đưa phân tâm học Freud vào. Những đổi mới đó tuy còn thô sơ nhưng là những cố gắng của chúng tôi lúc bấy giờ”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bộc bạch về tiểu thuyết Hoang tưởng trắng.
 
Đến năm 2000, tiểu thuyết Hồ Quý Ly được xuất bản với cái tên Nguyễn Xuân Khánh đã khiến văn đàn Việt Nam thực sự “nóng lên”. Giới phê bình văn học dịp này được “mổ xẻ” khen chê, tạo nên làn sóng phê bình khá sôi nổi. Điều được ghi nhận nhất trong cuốn tiểu thuyết này là cách viết không lệ cổ dù là tiểu thuyết lịch sử. Vẫn là chuyện về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly nhưng  Nguyễn Xuân Khánh có góc nhìn táo bạo, đã thuyết phục được độc giả bằng ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật thấu đáo trong mọi mối quan hệ. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi Hồ Quý Ly đã liền lúc nhận 3 giải thưởng văn học uy tín: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và giải thưởng Thăng Long của UBND TP. Hà Nội. 
 
Thực ra, tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã được Nguyễn Xuân Khánh viết đi viết lại đến 3 lần trong suốt mấy chục năm. Lần đầu ông viết trong thời gian bị “treo bút”, lần thứ hai ông viết khoảng năm 1980. Và lần thứ 3, sau 5 năm viết lại (1995-2000) ông mới đưa đi in. “Không phải tôi cầu toàn, nhưng lúc đọc tôi thấy chưa ổn. Mà khi chính cha đẻ còn thấy “đứa con tinh thần” của mình vẫn chưa đạt thì đưa ra cuộc sống “nó” sống làm sao được? Nghĩ thế, tôi cứ viết đi viết lại, khi nào thấy ổn mới đem đi in”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể lúc sinh thời. 
 
Ngay sau cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại cho ra mắt tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn. Cuốn tiểu thuyết này tiếp tục khuấy lên không khí tranh luận văn chương, khen - chê đều có song không ai có thể phủ nhận sức viết dồi dào của một nhà văn U80 với hành văn vừa cổ điển vừa hiện đại, thể hiện khá sắc nét văn hóa Việt, tín ngưỡng Việt cùng cuộc hòa nhập có lựa chọn với văn minh phương Tây. Vì vậy, một lần nữa tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn là ứng cử viên nổi bật đã giành 9/9 phiếu bầu của Hội đồng giải thưởng dành cho thể loại văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007. 
 
Trò chuyện về Mẫu thượng ngàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bảo, đây là cuốn tiểu thuyết được ông “biến điệu” từ cuốn tiểu thuyết Làng nghèo viết từ năm 1959. “Năm 2001 dở bản thảo cũ ý tưởng thực hiện cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng làng quê hiện ra trong tôi. Nhưng với hàng chục năm trải nghiệm cuộc đời, Làng nghèo không thể dung chứa những suy tư, trăn trở vì vậy tôi “biến điệu” thành Mẫu thượng ngàn với chủ điểm mới cùng ý tưởng rộng hơn. Ở đây, tôi đã thực hiện một cuốn tiểu thuyết chứa 2 tiểu thuyết song hành. Đó là một cuốn tiểu thuyết viết về văn hóa làng với những dòng họ, phong tục, tín ngưỡng và một cuốn tiểu thuyết viết về văn hóa Pháp với lịch sử văn hóa Tây Âu…”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ.
 
Nối tiếp mạch viết về văn hóa làng được kết tinh của văn hóa Việt ở Kinh đô Thăng Long , năm 2011, Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục ra mắt cuốn tiểu thuyết Đội gạo lên chùa dày đến 800 trang.  Tiểu thuyết này viết về những người dân quê ở ngôi chùa Sọ được nhà văn thể hiện một cách đa diện, không chỉ là tả thực mà còn đan cài văn hóa và nhiều tầng khác nhau. Mẫu thượng ngàn cũng là cuốn tiểu thuyết “đắt hàng” như Hồ Quý Ly, bởi khi vừa ra mắt đã được tái bản liên tục. 
 
Với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, viết về Phật giáo không đơn thuần là việc đọc sách viết về nhà Phật từ các thư viện mà ông còn mấy lần lên Yên Tử để tìm cảm hứng. Hay như khi viết những trang tiểu thuyết về thành nhà Hồ, nhà văn đã trở về nơi cũ để tận mắt thấy sự vĩ đại của nó qua một số dấu tích như con đê hình chữ nhật được dựng lên từ những viên đá xẻ vuông vức cùng 4 cổng mở theo 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc. Đối với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thì: “Khi viết một cuốn tiểu thuyết, nhà văn phải dùng tổng lực văn hóa của mình: từ lúc cha mẹ dạy dỗ đến những cách đối xử suy nghĩ, học hành và đặc biệt là sự trải nghiệm suốt cuộc đời.”
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/nha-van-nguyen-xuan-khanh-viet-van-phai-dung-tong-luc-van-hoa-va-trai-nghiem-cua-cuoc-doi_267192.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)