1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Chữ “YÊU” trong tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam

20/07/2022
Cảm nhận đầu tiên của tôi - một người luôn trung thành với văn hóa đọc về “Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam” là: Nhà văn rất có “nghề” khi viết truyện ngắn, rất có tài khi dựng nên các tình huống truyện và giải quyết các tình huống đó. Các truyện ngắn của ông đã làm cho tôi và chắc nhiều người nữa rơi nước mắt và thương cảm khôn nguôi các nhân vật trong tuyển tập.
Chữ “YÊU” trong tuyển tập  truyện ngắn Lê Hoài Nam
 
42 truyện ngắn được nhà văn tinh tuyển từ những tác phẩm mà ông viết trong khoảng thời gian 40 năm trở lại đây, được chia làm hai mảng: mảng về người lính cùng những chuyện về thế sự - xã hội và mảng về lịch sử. Nhà văn đã đưa người đọc cùng trải lòng, cùng khắc khoải nhớ về những biến động của cuộc đời ông - một người lính hải quân đã đi qua tất cả những gì khốc liệt nhất của chiến tranh ở biển đảo và mặt trận Quảng Trị.
Trong “Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam”, có thể thấy chữ “YÊU” lấp lánh ở hầu hết các truyện, với những gương mặt khác nhau, khiến cho con tim của người đọc không ngừng rung lên. “YÊU” là trạng thái đặc biệt của tình cảm con người, với hàm nghĩa rất rộng: Tình yêu đôi lứa, tình yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước... Và chính chữ “YÊU” đã làm cho tuyển tập truyện ngắn của Lê Hoài Nam cùng các nhân vật trong truyện của ông chiếm được cảm tình của bạn đọc.    
 
Nhà văn Lê Hoài Nam chắc có lý do của mình khi mở đầu cuốn sách bằng “Hải âu“ - một câu chuyện tình đẹp của người lính đảo, nhưng xót xa và buồn thương. Hải âu - loài chim biển với đôi cánh màu trắng bạc luôn làm cho biển trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Lê Hoài Nam thật có tình khi lấy hình tượng chim hải âu để nói về những người lính biển và tình yêu của họ.
 
Truyện “Hải âu” có ba nhân vật chính đều là lính hải quân. Người con gái tên Hoàng Lan, quê đất Cảng, được nhà văn đặt cho cái tên rất gợi: Cô- vĩ- cầm, Chim báo bão. Cô-vĩ-cầm ra đảo cùng cây đàn và cứ mỗi khi chiều buông, tiếng vĩ cầm lại réo rắt vang lên loang ra một vùng biển rộng. Cánh lính đảo nhớ đến cô với gương mặt xinh đẹp, đôi mắt phảng phất buồn và bản nhạc “Chiều hải cảng“. Cô yêu biển đảo quê hương với trái tim của người lính và trái tim một người nghệ sĩ đa sầu, đa cảm. 
 
Nhân vật thứ hai là chàng trung úy hải quân Mai Nguyễn, người yêu của Cô-vĩ- cầm. Anh yêu Cô-vĩ-cầm khắt khe như tình yêu dành cho đứa em bé bỏng. Đáp lại, anh được Cô-vĩ-cầm yêu bằng một tình yêu tôn thờ. Nhưng anh không hiểu cô, đó là điều đáng sợ nhất trong tình yêu. Anh muốn cô rời quân ngũ, nhưng cô từ chối, bởi cô không thể phụ bạc biển, cô phải làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của một quân nhân.
 
Nhân vật thứ ba là Dương Thủy Triều, chàng sinh viên mỏ địa chất ngành đại dương học, tính tình nhút nhát và vụng về. Anh yêu biển, yêu những cánh chim báo bão, yêu Cô-vĩ-cầm và bản đàn “Chiều hải cảng“. Nhưng tình yêu anh dành cho Cô-vĩ-cầm chỉ là mối tình “câm”. Những ngày sống gần Cô-vĩ-cầm chỉ là thời khắc ngắn ngủi ở đảo Ngọc, rồi biền biệt cách xa. Nhưng dẫu ở bất cứ nơi nào, anh cũng yêu cô cháy bỏng, giống như anh yêu biển. Chia tay cô ở đảo Ngọc, điều duy nhất anh được cô tặng là bản đàn “Chiều hải cảng“ và tiếng cười khúc khích khi cô tự ví mình là con chim hải âu lượn gần anh nhất... Không biết cách nào để tìm được Cô-vĩ-cầm, Triều đành viện đến báo chí với hi vọng mong manh là Cô-vĩ-cầm sẽ đọc và sẽ hiểu tình anh. Nhưng anh không ngờ những lời yêu do anh tự dệt nên ấy đã đánh dấu chấm hết cho cuộc tình của Cô-vĩ-cầm với Mai Nguyễn.
 
Câu chuyện tình yêu ấy đã được nhà văn Lê Hoài Nam dựng nên hệt như những đoạn phim ngắn về tình yêu: có tỏ tình, có chia tay, có hi vọng và chờ đợi... Và cái kết mới thật bất ngờ. Một buổi chiều, khi con tàu hướng vào bờ tấu lên bản nhạc “Chiều hải cảng” và câu chuyện của người lính biển mất một cánh tay kể về người thuyền trưởng của họ đã ngã xuống trên biển quê hương... Câu chuyện tình dang dở cho cả ba người thấm đẫm nỗi buồn thương, qua ngòi bút của nhà văn đã trở thành huyền thoại về tình yêu, như những cánh chim hải âu màu trắng bạc trang điểm cho bức tranh biển quê hương thêm muôn phần lộng lẫy.
 
Chữ “YÊU” ở mảng đề tài lịch sử - đề tài nhà văn Lê Hoài Nam yêu thích và đặt tiêu chí “làm cho lịch sử lấp lánh lên, cuốn hút bạn đọc” được viết với một bút pháp lạ, độc đáo. Và “Những giọt lệ đỏ thắm“ là một ví dụ. Chữ “YÊU” trong “Những giọt lệ đỏ thắm“ là chữ “YÊU” gắn với hai nhân vật lịch sử: vua Gia Long và công chúa Lê Thị Ngọc Bình, đã gây nên trong bạn đọc không ít ý kiến trái chiều.
Vua Gia Long gặp công chúa Ngọc Bình sau khi đã lật đổ triều Tây Sơn, khi vua Cảnh Thịnh tháo chạy khỏi thành Phú Xuân. Quang Toản lên ngôi khi mới lên mười tuổi và lập Ngọc Bình làm phu nhân. Đó là cuộc hôn nhân giữa hai đứa trẻ còn thơ dại theo sự sắp đặt của vua cha. Khi rút chạy ra Bắc, vua Cảnh Thịnh đã vứt bỏ phu nhân lại kinh thành hoang phế. Ngọc Bình lúc đó mới mười hai tuổi, nhìn đời với con mắt ngơ ngác và bất lực. Nàng không tìm đến cái chết, cũng không xuống tóc đi tu, mà phó mặc cho số phận đẩy đưa, không biết rằng muôn vàn giông tố đang đợi ở phía trước. 
 
Trước khi nhìn thấy Ngọc Bình, Nguyễn Ánh đã tự nhủ sẽ giết tất cả những ai liên quan đến nhà Tây Sơn. Nhưng kế hoạch của ông đã thay đổi khi nhìn thấy Ngọc Bình. Một phần bị choáng ngợp bởi nhan sắc của nàng, phần vì sự tò mò đã bị đẩy đến tột đỉnh. Với lối hành xử của một quân vương, Nguyễn Ánh quyết lấy nàng, nhưng với toan tính đê hèn: nếu nàng làm cho ông sung sướng, ông sẽ để cho nàng sống. Nếu nàng làm cho ông chán ngắt, ông sẽ giết nàng bằng những cuộc giao hoan đầy thú tính... May mà Ngọc Bình, bé gái mười hai tuổi ấy không đọc ra những toan tính man rợ đó. 
 
Có ai yêu một người mà căm hận tất cả những ai liên quan đến người đó? Có ai khi đang chăn gối nồng nàn lại nói đến sự giết chóc thảm khốc, sẽ chém đầu chồng cũ của người đàn bà đang được yêu? Những lời nói vuột ra từ miệng của Nguyễn Ánh trong những lần ân ái đã giết chết tình yêu mà Ngọc Bình cố gồng lên để dâng hiến cho ông. Một điều Nguyễn Ánh không bao giờ có thể hiểu được vì sao đôi mắt của Ngọc Bình lại rỉ ra những giọt lệ đỏ thắm. Trắng đêm, sau những cuộc giao hoan, Ngọc Bình lại sống trong mộng mị. Nàng mơ thấy ba ông vua nhà Tây Sơn hiện về. Cả Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đều không có đầu. Ba cái đầu lâu cứ lơ lửng trước mắt Ngọc Bình như ba quả bóng... Những cơn mơ hãi hùng ấy đã lấy đi hết sức lực của Ngọc Bình, khiến nàng chết dần chết mòn trong nỗi khiếp sợ đến tột cùng và lìa bỏ cõi dương gian khi mới 25 tuổi! 
    
Vua Gia Long có yêu Ngọc Bình? Tôi cho rằng đó là sự chiếm đoạt, sự sở hữu. Những phút “YÊU” giữa hai con người ấy không có sự thăng hoa với đúng nghĩa của nó. Chữ “YÊU” trong “Những giọt lệ đỏ thắm“ không làm cho bạn đọc có cảm giác bay bổng, ngọt ngào, thi vị, đắm say. Thay vào đó là sự xót thương đến tột cùng cho một kiếp người, cho bi kịch của một người đàn bà đẹp, phản ánh bi kịch của một đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Cái khéo của nhà văn, là ở chỗ, thông qua đời sống chăn gối của một đôi vợ chồng ở chốn lầu son gác tía, ông đã đưa ra chính kiến của mình và cũng định hướng cho bạn đọc trong việc đánh giá về công và tội một nhân vật lịch sử mà cho đến tận bây giờ giới nghiên cứu vẫn còn những ý kiến trái chiều.
 
“Vĩ nhân thời ốc đảo“ là truyện thuộc mảng đề tài lịch sử. Trong truyện, nhà văn Lê Hoài Nam không nhắc đến một chữ “YÊU” nào, nhưng toàn bộ truyện đã hướng đến chữ “YÊU” với nội hàm rộng lớn. Đó là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào của” vĩ nhân” trong truyện và của chính bản thân nhà văn. Vĩ nhân mà nhà văn nhắc đến trong truyện là Nguyễn Trường Tộ, người chủ trương canh tân đất nước thế kỷ XIX. Chủ trương canh tân đất nước tuy thất bại, song tầm tư tưởng của ông đã vượt thời đại và còn nguyên giá trị đến hôm nay. Phải thừa nhân rằng, trong “Vĩ nhân thời ốc đảo“, óc sáng tạo của nhà văn rất bay bổng. Ông đã kiến tạo nên một cuộc gặp gỡ của hai nhà cải cách có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực châu Á để cùng hướng tới cái đích tìm ra nguyên nhân khiến cho cải cách của Nguyễn Trường Tộ thất bại.
 
Từ “Vĩ nhân thời ốc đảo“, nhà văn Lê Hoài Nam muốn gửi đến độc giả thông điệp: CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trách nhiệm công dân của mỗi con người Việt là làm cho chủ nghĩa yêu nước ấy trở thành một dòng chảy liền mạch từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người dân Việt hãy yêu nước theo cách của mình, nhưng hãy dựa trên những tư tưởng tiến bộ của tiền nhân để lại. Đó là, phải coi giáo dục là quốc sách, đi trước mở đường; phải mở rộng quan hệ quốc tế để học hỏi và tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật thế giới, nhằm làm cho đất nước mình cất cánh bay lên. 
 
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/chu-yeu-trong-tuyen-tap-truyen-ngan-le-hoai-nam_273056.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)