1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Nguyễn Viết Lãm: “Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia”

07/02/2020
Thơ Nguyễn Viết Lãm trước cách mạng 1945 nằm trong dòng chung của thơ ca lãng mạn khởi thủy từ phong trào Thơ mới và có những nét riêng của nhóm thơ Quy Nhơn Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Thời kỳ ấy, Nguyễn Viết Lãm viết chưa nhiều, ảnh hưởng của ông đối với thi đàn chưa rõ. Nhưng hôm nay đọc lại trong số bài ít ỏi đó vẫn thấy vút lên những nét riêng của hồn thơ đầy cảm giác

Thơ Nguyễn Viết Lãm trước cách mạng 1945 nằm trong dòng chung của thơ ca lãng mạn khởi thủy từ phong trào Thơ mới và có những nét riêng của nhóm thơ Quy Nhơn Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Thời kỳ ấy, Nguyễn Viết Lãm viết chưa nhiều, ảnh hưởng của ông đối với thi đàn chưa rõ. Nhưng hôm nay đọc lại trong số bài ít ỏi đó vẫn thấy vút lên những nét riêng của hồn thơ đầy cảm giác.

Áo sương mỏng dính vào da thịt

Áo mỏng - vì mỏng nên có cảm giác nhẹ và mờ ảo như làn sương, vì mỏng nên tưởng như dính vào da thịt. Đấy là cảm giác khi đến với Tháp Chàm, cái bí ẩn của Tháp Chàm làm màu xanh có cảm giác lạnh, làm vầng trăng đỉnh tháp hoá huyền hồ, bờ lau có gì xao xác hoang dại và nghe u thẳm từ quá khứ tiếng ru con đứt đoạn bên vành nôi. Những câu ông viết năm 18 tuổi ấy cho thấy một tiềm lực lắng nghe cái hư ảo của hồn thơ Nguyễn Viết Lãm. Ấy cũng là cái chất u ẩn ma quái, một tính trội của thơ Quy Nhơn hồi ấy. Sau này, nhập vào trường thơ hiện thực của những năm 60, ta còn gặp lại cái hư ảo tài hoa ấy trong một số câu thơ hay của ông:

Bệnh viện trưa. Một tiếng chim

Rơi giữa phòng im nói những gì

Có lẽ ngoài kia trời đổi biếc

Đã nhiều mây trắng rủ nhau đi

Một tiếng chim vọng tới trưa buồng bệnh gợi tới những không gian xa, cái tĩnh lặng của buồng bệnh làm người thơ lắng nghe, cảm nhận những vận động bát ngát xa vời (trời đổi biếc) và rồi trong cõi liên tưởng được đánh thức là bóng dáng một con sông bên kia giới tuyến Trà khúc vẫn nguyên lòng sỏi trắng/ Mưa chiều nắng quái xế ngang sông (Trưa bệnh viện 3/1959). Bài thơ đầy nội tâm, khơi gợi từ một tiếng chim. Trong chùm 10 bài viết trước 1945 được lấy lại trong Tuyển tập Nguyễn Viết Lãm (Sở Văn hoá Quảng Ngãi xuất bản 1992) có nhiều bài có ưu điểm ấy.

Gió nói gì trên những ngọn dừa

Lời yêu huyền bí tự muôn xưa

Hoàng hôn đã bước qua song lạnh

Phòng vắng run run những ánh thừa

(Trăng thanh tân 1939)

hay:

- Người kia áo bạc màu xa xứ

Vai trĩu phong sương, nhẹ cảm hoài

- Hành nhân là kẻ xưa quen biết

Bước lộng sông hồ quên nhớ thương

- Chân say dặm mới chân mây lạ

Mộng hướng đời theo bước lạc đà

                                    (Sông Hồ 1940)

Sáu câu thơ ấy trích trong bài thơ tặng Nguyễn Tuân, câu nào cũng đầy khí vị giang hồ với những liên tưởng rộng, xa rất lãng mạn.

Vào kháng chiến chống Pháp, thơ thành vũ khí, các bài thơ có sứ mệnh chính trị, đền đáp và hướng dẫn tình cảm cho nhân dân đánh giặc. Sứ mệnh ấy thật khó. Thơ của thời kỳ ấy, ý dễ vượt quá tình, nhà thơ dễ thành người nói lấy được. Nhưng Nguyễn Viết Lãm vẫn giữ được cảm xúc. Ông nói trong ảnh hưởng của cảm xúc. Năm 1947, thực dân Pháp chủ trương chia cắt, thành lập Nam kỳ tự trị, ông viết Nhớ đất. Đấu tranh chính trị đã thành một nỗi niềm của tình cảm.

Có ai đành nghĩ tới cảnh phân chia

Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia

Đất trong kia ấy là Nam Bộ, là tình chị duyên em, là thương sông nhớ núi, là chim bay mỏi cánh Tháp Mười/ Ngó về quê chị xanh trời là xanh. Tình thơ Nguyễn Viết Lãm rộng mở vào cảm xúc Dân Nước và giọng thơ ông gần gũi với lời ăn tiếng nói của đồng nội, của ca dao. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, đời sống ngày càng gian khổ. Để trụ lại được, tiến lên được, mọi người dân kháng chiến, trong đó có các nhà thơ phải rắn lòng lại. Mọi gió mây sương khói của cảm xúc, Nguyễn Viết Lãm dần dần để lại trong quá khứ. Trận giặc ném bom trường trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi chiều ngày 21.3.1949 ghi lại một bước chuyển trong bút pháp thơ Nguyễn Viết Lãm: hiện thực hơn, chiến đấu quyết liệt hơn. Câu chữ nén lại sắc nhọn, nặng chắc những tố cáo, những căm thù. Diễn biến đó là hợp với quy luật của mọi nền văn nghệ kháng chiến. Khi:

Máu oan cừu bầm đỏ một bên sông

Trời biển ngàn năm nhớ đến cùng

thì thơ không có con đường khác. Nhưng đây là con đường gian khổ của thơ. Từ lời than của một nỗi lòng, thơ trở thành tiếng thét của toàn dân tộc. Không dễ đâu, nếu phẩm chất trữ tình của thơ chưa đủ lớn. Nguyễn Viết Lãm cũng đã nhiều phen đến được bài mà chưa đến được thơ, chuyển tải được hiện thực nhưng như vẫn thiếu một chút gì của lòng người. Ông tự biết và tự hiểu cái giá phải trả cho chiến thắng. Có giá của xương máu và giá của thơ. Bài thơ sau ngày dứt tiếng súng chống Pháp của Nguyễn Viết Lãm là một bài thơ về hoa: Dạ lan, tặng một người tri kỷ gặp lại sau chiến tranh, bài thơ ngắn nhưng có sự nhìn lại:

Chín năm chừng úa màu vương giả

Ta khép bàn tay giữ sợi hương

Hoa lan vương giả tạm bị quên trong khói bom, trong máu chảy, trong lửa giặc đốt nhà. Người yêu hoa phải xiết bàn tay lại, cầm lấy khí giới nhưng đâu có quên hoa.

***

1955 - 1975, hai mươi năm đất nước cắt chia là một giai đoạn khá đặc biệt thể hiện trong thơ những nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc. Thống nhất đất nước là nhiệm vụ chiến lược của toàn dân, nhưng với họ thống nhất còn là nhu cầu của nỗi thương cha nhớ mẹ, của nỗi hoài niệm đất đai, tuổi trẻ. Nỗi nhớ thương thường trực quê nhà bên kia vĩ tuyến thành một vệt cảm xúc chủ đạo của thơ Việt Nam những năm ấy. Trong vệt cảm xúc ấy có lấp lánh hồn thơ Nguyễn Viết Lãm.

Hồi ấy những lá thư từ miền Nam gửi ra, dù gửi cho ai cũng đã thành thư của những trái tim thương đất nước phải cắt chia. Nguyễn Viết Lãm vừa có cái tình chung ấy vừa có tình riêng:

Ta lại về trên bãi mía nương dâu

Nắm lại bàn tay đã viết bức thư đầu

              (Thư miền Nam đến - 1956)

Trong bài thơ Những dòng sông (1960) ông nói yêu quý của lòng mình đối với mỗi con sông phía Nam phía Bắc: Sông Hồng, sông Thương, sông Cầu, sông Bạch Đằng trong những câu thơ đẹp. Nhưng đối với sông Vệ, sông Trà của quê ông, câu thơ không chỉ đẹp mà nhói lên bao khao khát đòi đoạn vì đấy là những con sông thường đi về trong giấc ngủ của ông và Nguyễn Viết Lãm ganh tỵ với những con sông được đoàn tụ cùng nhau ngoài biển:

Những dòng sông cách nhau ngàn vạn dặm

Vẫn tìm nhau tâm sự giữa trùng khơi

Riêng lòng ta nhớ thương sông đăm đắm

Nhìn sông xưa khói sóng phủ lưng trời

Thời kỳ này, Nguyễn Viết Lãm viết khá đều tay, đề tài hợp với tâm trạng cảm xúc, ông có nhiều bài nhuyễn, cảm động về tình và sâu sắc về ý. Có đề tài thời sự đã nhiều người khai thác Nguyễn Viết Lãm vẫn tìm ra nét riêng: Liên Xô phóng tàu vũ trụ: người thơ vốn lãng mạn nói nhiều về chuyện lên trăng (Huy Cận, Chế Lan Viên...) thì ông lại trở về trái đất:

Gặp nhau không chỉ riêng trăng ấm

Băng giá rồi tan ở địa cầu

Thơ viết năm 1960. Đến nay băng giá chiến tranh lạnh đã tan và hai nước lớn ở hai đối cực đã hợp tác khám phá vũ trụ. Thơ, càng thời sự càng cần cái nhìn rộng xa, đạt tới chân lý vĩnh cửu. Thiển cận, thực dụng quá, thơ sẽ không thể sống lâu hơn sự kiện. Nguyễn Viết Lãm khi sống ở Hải Phòng sự kiện cũng bao vây thơ. Đọc thơ, thấy không khí một thời và biết thơ ấy đã một thời có ích. Nhưng hôm nay đọc lại các bài thơ tả việc, đơn thuần việc, chỉ còn lại cái khéo về bút pháp ở một số câu. Sở trường của ông là ở tâm tình, ở nỗi lòng thương nhớ Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia. Thơ hình thành từ các chuyến đi thực tế của Nguyễn Viết Lãm, những bài hôm nay đọc lên còn xao xuyến đều do tác động của tâm tình. Tâm tình trong giọng kể,  tâm tình ở chi tiết khơi gợi và có sức ám ảnh. Đây, một sự chia tay: hình ảnh sóng biển sao cứ triền miên khúc dạo đầu, vô tâm như lúc ta mới gặp nhau, làm nhói đau cả kẻ đi lẫn người ở:

Ngoài kia sóng biển vô tâm thế

Sao cứ triền miên khúc dạo đầu

(Hoa - 1990)

Một hòn cuội nhỏ của Biển Đen gợi một cảm thông xa, rất xa:

Ta đặt bên giường viên đá nhỏ

Triệu năm mãi nhẵn nắng mưa bày

Đêm đêm ta lắng nghe tiếng sóng

Như lời thầm thì của ai đây

(Giã từ - 1990)

Ở các bài tứ tuyệt, hồn thơ Nguyễn Viết Lãm thường chứa một hơi hướng Đường thi. Bài thơ hàm xúc và rất dư ba. Từ sự việc ngoài đời mở ra những vấn đề của tâm hồn con người nhuyễn và thoáng:

Lòng như mây nổi lúc xa quê

Nắng cũng tương tư xế trước hè

Là lúc chim chiều về cuối ngõ

Tiếng bà gọi cháu vọng sau đê

(Nhớ nhà)

Đây là những bài thơ viết năm 1990 - Phẩm chất trữ tình này như gợi lại nét u ẩn trước 1945, nét nhớ thương hồi các năm 50 - 60. Hay, ở sự kín đáo, ở cái tứ thâm trầm, ở biểu tượng hàm chứa. Thơ nhớ bạn văn chương Chế Lan Viên có gì rộng xa đến chạnh lòng cả cõi người mà vẫn rất thân thiết tình yêu bạn, phục bạn:

Cánh chim hồng bay đi

Dấu còn in trên tuyết

Vườn xưa hoa nở hết

Tự nhiên hương thoáng về.

Có bạn sẽ trách cách lập ý cổ điển quá, lẫn vào thơ xưa, mất đi cái không khí bây giờ, và cả hơi hướng của triết lý sống hiện đại. Lời trách có lý. Tuy nhiên xin bạn lắng nghe vào khía cạnh tâm tình của ý thơ (dấu chân chim và chút hương hoa cũ). Đúng là tâm tình của thi sĩ trước đời người. Bây giờ nhiều bài thơ có ý sâu, có tính triết học nữa nhưng nó hay bị bong ra khỏi bài thơ vì thiếu cái khí quyển tâm tình, tâm trạng bao chúng lại. Thấy hoa cúc vàng trên mồ liệt sĩ mà viết:

Nắng thương liệt sĩ không đành tắt

Nán lại bên mồ sáng suốt đêm

Có cái hay của thi pháp (cách nhìn) và có cái hàm súc của tâm tình - Hàm súc ở khía cạnh bù đắp trời không nỡ phủ đêm lên đời người đã khuất (người sống sao nỡ phủ quên lãng lên những mặt người không gặp lại).

Có những giai đoạn nhất là ở thập niên 70, Nguyễn Viết Lãm tập trung vào các đề tài lao động và chiến đấu. Trong đó không ít bài được đánh giá cao ở thời điểm nó ra đời. Nhưng hôm nay đọc lại chất thơ không còn được cuộc đời cộng hưởng như xưa. Có thể coi đó là nhược điểm của một giai đoạn thơ. Cũng không nên nói rằng thơ "hướng ngoại" (chỉ những đề tài ngoài mình) thì khô khan, hơn thơ hướng nội (chỉ các vấn đề nội tâm). Nguyễn Du viết về một cô gái chìm nổi như Kiều, về bao nhiêu số phận thua thiệt như Văn chiêu hồn là hướng ngoại chứ sao.

Nhưng vì ông sâu sắc vị tha nên mọi nông nỗi của người ta, của trăm năm trong cõi người ta, đã thành ra những vấn đề của nội tâm ông. Chỗ chưa đạt ở một số bài trong giai đoạn này của Nguyễn Viết Lãm có lẽ do tâm hồn ông chưa chín với đề tài, cũng có thể do quan niệm thơ hồi ấy. Bài thơ thấy công việc, thấy thành tích nhưng chưa thấy rõ lắm những nỗi niềm con người. Cho đến hôm nay cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Nguyễn Viết Lãm đã bổ sung nhiều quan niệm mới về thơ, nhiều nhận định mới về đời. Đọc những tiểu luận và thơ những năm 90 của ông chúng ta thấy ông đa cảm hơn, mới hơn mà lại phát huy được những tinh hoa của mình từ những chặng đã đi qua, kể cả chặng đầu đời, trước 1945.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nguyen-viet-lam-%E2%80%9Cdat-nam-day-thuong-nho-dat-trong-kia%E2%80%9D_256904.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)