1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Hà Nội xưa

Nhớ về mùa thu 1954

31/10/2019
Khi mùa thu tới trên vòm lá xanh cây đa đền Bà Kiệu nhiều quả đa bé xíu đổi sắc vàng chín đỏ, chim sẻ chim sáo bay về vừa ăn quả đa vừa hót ríu rít. Tôi ngồi chơi bên cửa sổ nhà ngắm nhìn cây đa thấy những chú chim bay đi bay về trong ánh nắng rộn ràng mà ước ao mình bay được như chim để đến chơi trên cành đa.

 

Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. (Ảnh tư liệu của TTXVN)

Buổi sáng cuối tháng 10 năm 1954 ấy khi đang ngồi xem những chú chim ăn quả đa, tôi nghe thấy tiếng bà ngoại gọi: “Liên ơi, xuống đón bác và các anh chị này!” Ô! Thì ra gia đình bác tôi từ chiến khu Việt Bắc vừa về đến Hà Nội, thế là đoàn gia đình vợ con các cán bộ kháng chiến đi sau Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản Thủ đô cũng đã về đến nơi rồi. Tôi chạy nhanh xuống cầu thang và nhìn thấy mẹ tôi đang cầm tay dìu một phụ nữ mảnh khảnh nét mặt thanh tú xanh tái như người bị ốm dắt tay theo một cô bé gầy gò đang níu chặt lấy mẹ. Bà tôi bồng trên tay một trẻ sơ sinh đang ngủ ngon lành trong cái chăn xanh lá cây như áo bộ đội đang quấn chặt bé. Bà tôi vui vẻ chỉ vào em bé trong tay và nói:

“Cháu phải gọi nó là anh đấy. Anh Quang Vinh” rồi quay ra cô bé, bà bảo: “Đây là chị Ngọc Chân con bác Cả”. Mẹ tôi tiếp lời bà nói: “Bác Ngọc vợ bác Cả đây, con chào bác đi!”. Phút chốc trong lòng tôi trào lên một tình cảm lạ lùng, tôi cất tiếng run run chào bác dâu của tôi, lần đầu tiên tôi biết mặt. Tôi chỉ nghe người lớn kể rằng bác Ngọc nhà ở phố Hàng Đường đã học trường Hàng Cót và đi kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc. Bác Cả tôi đã gặp bác Ngọc ở trên chiến khu rồi sau đó cơ quan đã làm đám cưới cho hai bác. Tôi luôn luôn nghĩ bác Ngọc là một người rất đẹp, sao hôm nay thấy bác ốm yếu quá. Chắc là đời sống ở chiến khu Việt Bắc khổ lắm. Bác lại vừa lênh đênh trên bè tre nứa, bồng bế con nhỏ theo dòng sông Hồng xuôi về Hà Nội. Ròng rã mấy ngày trên bè xuôi sông, chắc bác mệt lắm.

Mẹ tôi bảo với bác Ngọc: “Anh chị mới ở Việt Bắc về, ở tạm nhà em cho đầm ấm quanh bà. Mẹ mong ngày bế cháu nội bao lâu nay rồi, bây giờ mới được toại nguyện”. Bác Ngọc cảm động lắm, lúc ấy bác Cả tôi vẫn đi công tác chưa về nhà. Bác đang bận rất nhiều công việc trong Đoàn cán bộ Tiếp quản Thủ đô. 

Tối đó nhà tôi vui lắm, tấp nập bà con đến thăm hỏi. Kể sao cho xiết cảnh anh chị em bà cháu hội ngộ bồng bế nựng nà thương xót nhau sau chín năm xa cách. Tôi nghe bác Ngọc kể chuyện sinh nở trên chiến khu Việt Bắc mà tưởng tượng ra những cảnh ly kỳ. Ông anh bé nhỏ của tôi được sinh ra trong rừng sâu um tùm cây cao cổ thụ, giữa lúc có tiếng con hổ ở đâu gầm gừ rống lên, tiếng chân các loài hươu nai đi đi lại lại trên cỏ rậm rạp, lá khô khắp rừng rung động xào xạc trong gió… Chắc là anh bé ấy lớn lên sẽ rất khỏe, bởi được sinh ra có không khí núi rừng bao bọc! Trong mắt tôi lúc ấy, tất cả những người ở chiến khu Việt Bắc trở về đều là người khác thường, bề ngoài có vẻ ốm yếu gầy xanh vì bệnh sốt rét, nhưng ánh mắt sáng đầy tình cảm nồng ấm như có một vẻ mạnh mẽ bên trong tỏa ra.

Sáng hôm sau, nhà tôi lại có khách. Một chú bộ đội mặc quân phục kiểu sĩ quan có bốn túi xuất hiện ở cửa nhà tôi. Chú đội mũ đeo sao, chiếc mũ có lưới sợi dắt các mảnh vải ngụy trang như lá rừng xanh. Chú nhấc mũ ra tươi cười chào mẹ tôi, nói giọng miền Nam lơ lớ:

“Chị ơi, chị có nhận ra em không, em ziề Hà Nội rồi đây. Em là Hồng Vận đây mà”. Ôi chao ơi, mẹ tôi đứng ngẩn ra rồi nước mắt chảy tràn, giọng run lên gọi lắp bắp: “Kìa, chú Vận… chú về đây rồi, giời ơi!” 

Ô thì ra chú bộ đội nét mặt rám nắng và vết sẹo nhỏ trên má ấy chính là chú ruột của tôi, em trai bố tôi. Tôi đã được xem ảnh chú khi là học sinh trường Bưởi, chú mặc bộ đồng phục trắng vẻ mặt thơ ngây, đôi mắt to mơ màng, miệng cười tươi tắn. Chú xung phong đi bộ đội Nam tiến từ năm 1946, cả nhà chẳng biết tin tức gì cứ đoán già đoán non, nghĩ dại là chú đã hi sinh rồi. Thì ra là chú đã đi rất xa vào chiến đấu mãi tận Rạch Giá, Cà Mau. Bây giờ chú lại hóa ra là bộ đội miền Nam ra Bắc tập kết. Hay thế. Cả nhà tôi náo nhiệt hẳn lên. Chú Vận kể chuyện đã có vợ và con trai ở miền Nam, chú đi tập kết, vợ con chú ở lại Rạch Giá. Lại nghe người lớn nói chuyện râm ran về Hiệp định Giơnevơ tạm lấy sông Bến Hải nơi vĩ tuyến 17 là ranh giới hai miền Nam, Bắc. Theo hiệp định, hai năm nữa tổng tuyển cử toàn quốc, Nam Bắc lại thông thương. Tôi nghe thế mà mơ ước được vào Nam bộ đến tận Rạch Giá để được gặp người thím miền Nam và cậu em con chú Vận. Và, hai năm nữa thôi bố tôi sẽ từ miền Nam trở về đón mẹ con tôi đi chơi khắp nơi… Tôi mơ như thế trong tiếng ca nhạc rộn rã của Đoàn Văn công quân đội biểu diễn ở bờ hồ Hoàn Kiếm vọng vào phố xá tưng bừng. 

Vài hôm sau nữa tôi thấy bà tôi, mẹ tôi, bác Ngọc và các cô tôi cắt giấy bìa và lấy bông màu trắng dán lên làm thành hình chim bồ câu. Chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Các bà các cô mặc áo dài rất đẹp cầm những lá cờ và hình những con chim hòa bình đi diễu hành trên đường Đinh Tiên Hoàng, đón mừng hòa bình, đón mừng Chính phủ cụ Hồ Chí Minh về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Không phải chỉ có phố xá tưng bừng mà nhà nào nhà nấy đều cỗ bàn rôm rả. Tôi thấy bác Ngọc mạnh khỏe lên vui vẻ thổi xôi nấu chè cùng mẹ tôi. Các bà các cô lấy những khuôn xôi chữ thọ nén xôi dừa, xôi gấc thành từng hình vuông có chữ thọ nổi bày lên đĩa rất đẹp. Mẹ tôi bảo: “Chị Ngọc mấy năm ở rừng mà vẫn không quên cách nén khuôn xôi nhỉ!”

Bác Ngọc cười: “Ở rừng nhớ Hà Nội lắm, ngày ngày ăn trám ăn măng, hái rau rừng mà mong ngày về phố cũ. Bây giờ được cùng chị em làm cỗ thế này, thật mừng chảy nước mắt”.

Cả nhà cùng cười, vừa khóc vừa cười, vừa vui vừa buồn man mác vậy. Mẹ tôi vẻ buồn nhiều hơn vì giữa lúc cả nhà sum họp thì bố tôi lại ra đi về phía Nam vĩ tuyến 17. Mùa thu năm 1954 ấy, gió heo may vương vấn như có gì ngập ngừng thương nhớ và lưu luyến giữa lúc phố xá Hà Nội đổi sắc màu: áo xanh bộ đội, áo nâu, áo đen của người tứ phương đổ về nhộn nhịp ồn ã giữa những tà áo dài thướt tha bên hồ Gươm.

Mùa thu năm 1954 ấy, nắng thu oi ả và mưa rơi rả rích như gợi cho lòng người một nỗi lo âu xa xăm. Tôi nhớ một buổi tối bác cả tôi trở về nhà, ngồi nói chuyện với mẹ tôi vẻ mặt đăm chiêu. Bác nói: “Đấu tranh còn dài lắm cô ạ. Không phải là chỉ hai năm nữa Bắc Nam sẽ thống nhất theo Hiệp định Giơnevơ, mà có khi là hai mươi năm và lâu hơn nữa…”

Mẹ tôi sững sờ nghe bác tôi nói thế. Bà tôi cũng chăm chú lắng nghe vẻ mặt lo lắng. Bác tôi gật gù: “Thôi, mẹ và các cô cứ bình tâm, từ từ vội lo, việc đến đâu lo đến đấy, lo thì vẫn lo mà vui thì vẫn vui. Đời người lo và vui là thường mà.”

Bác tôi nhìn anh bé đang bú tí mẹ và nói: “Con ơi, con bú tí ngoan chóng lớn rồi lại đi bộ đội. Đến đời con vẫn còn chiến đấu ác liệt đấy!”

Tâm hồn trẻ thơ chúng tôi ngày ấy nghe hai chữ “chiến đấu” có vẻ huy hoàng lắm, chẳng sợ sệt gì. Lũ trẻ con ngây ngô cùng hát vang một bài ca mới thuộc mới biết :“Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về. Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”

Niềm vui ngây thơ từ mùa thu năm 1954 ấy đã theo tôi rất lâu. Từ những ánh mắt thương yêu và mạnh mẽ của người thân trong gia đình ở chiến khu, ở mặt trận trở về  đã truyền cảm cho lũ trẻ con chúng tôi một sức sống khác thường.

Thế rồi năm tháng gian lao hơn, năm tháng dữ dội hơn đã đến với gia đình tôi. Chú Vận tôi lại lên đường về chiến trường miền Nam, hai vợ chồng bác Cả và bác Ngọc lên đường sang châu Âu vào mặt trận ngoại giao. Bà và mẹ tôi dắt lũ trẻ con tạm biệt phố cổ lên đường sơ tán “đội mũ rơm đi học đường dài”. Anh Vinh lớn lên đi bộ đội chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị  mùa hè năm 1972… Thời gian trôi xuôi không trở lại, có người ra đi mãi cũng không trở về, nhưng dẫu là đi mà tâm hồn những người ở căn nhà phố cổ vẫn về chốn cũ, vẫn về với mùa thu năm 1954, một mùa thu sum họp và chia xa. Một mùa thu đã thắp lên ngọn lửa ấm áp cho cả cuộc đời những trẻ thơ ngày ấy. Mỗi khi thu về, dẫu ở đâu trong tâm tôi vẫn có một mùa thu trong vắt thơ ngây bên cây đa đền Bà Kiệu ngắm nhìn những chú chim sẻ chim sáo đậu trong vòm lá xanh ăn quả đa chín và hót vang lừng. 

Lê Phương Liên/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)