1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Hà Nội xưa

Cổng làng - Di sản văn hóa cần được gìn giữ

28/03/2022
Cổng làng đã trở thành biểu tượng của nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ cùng với cây đa, bến nước, sân đình. Nếu tính mỗi làng có từ 1-2 cổng (gồm cổng tiền và cổng hậu) thì số cổng làng Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, do một số làng nhỏ chưa kịp xây dựng cổng, một phần do chiến tranh phá hủy, do tiêu thổ kháng chiến, lại có phần do thiên tai và cả do con nên ước tính thực teesconf lại chỉ còn khoảng trên 350 cổng làng. Dẫu vậy cũng không tỉnh thành nào có thể so sánh được.
Cổng làng - Di sản văn hóa       cần được gìn giữ
Bộ tứ bình Xuân - Hạ - Thu - Đông của KTS Nguyễn Địch Long
 
Đậm nét tinh xảo, tài hoa 
Những cổng làng thường được xây dựng rất trang trọng bền vững nhưng đậm nét tinh xảo tài hoa. Mỗi cổng làng mang một bản sắc riêng tùy vào điều kiện về truyền thống văn hóa lịch sử của làng, khả năng kinh tế và điều kiện tay nghề địa phương. Hình dáng cổng có thể là 1 tầng với chính môn, 2 tầng là “thượng gia hạ môn” hoặc “vọng lâu”. Hầu hết các mái cổng đều được xây theo lối đình chùa: nóc mái có “lưỡng long chầu nguyệt”, bốn góc mái có đao uốn cong trên đặt bộ tứ linh hoặc hình lá cuốn.
 
Cổng làng nếu một cửa gọi là “nhất môn”, một số cổng đặt tới 3 cửa gọi là tam quan hay tam môn, cá biệt một số là ngũ môn. Trên trán cổng thường ghi chữ đại tự tên làng, ví dụ cổng làng An Thọ, Cầu Giấy gọi “An Thọ môn” cũng có khi ghi danh vị của làng như làng Thụy Hương, Chương Mỹ nơi thờ Bảng nhãn Đặng Ma La ghi bốn chữ “Linh Dung Cao Cái”. Hai bên cổng thường có 2 bức “tường mang” đắp nổi những hình ảnh phong cảnh về quê hương. Cổng có thể có đôi cột đồng trụ hoặc 2 đôi tùy theo mỗi quy mô của cổng. Cột đồng trụ thường đắp quả dành dành hình bốn con chim phượng chúc xuống, đuôi vút lên trời xanh. Phần đế theo kiến trúc truyền thống cân đối giữ quả dành dành và thân trụ.
Cổng làng - Di sản văn hóa       cần được gìn giữ
Cổng làng Uớc Lễ
 
Kinh đô Thăng Long xưa có 21 tuyến đường ngoại vi vào kinh thành sau này quy hoạch lại còn 5 tuyến đường chính với 5 cửa ô như Ô Quan Chưởng (Đông Hà môn), Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Đông Mác. Trước đây, mỗi tuyến đường nối với các làng que và các cửa ô đều có cổng ra vào. Sau này, bởi nhiều lý do khác nhau mà các cổng này đã không còn để lại dấu vết. Chỉ riêng Ô Quan Chưởng là còn tồn tại đến ngày nay. Theo sử sách, Ô Quan Chưởng được xây dựng từ thời Lê Mạc (1527-1593). Đây là một cổng quan rất uy nghiêm mang chất thành quách là dấu ấn đặc biệt về một kinh đô xưa.
Nơi Phù Đổng Thiên Vương để lại nhiều dấu ấn là cổng Ngũ Môn Quan được xây dựng đẹp, tôn nghiêm, hoành tráng và bề thế, xứng đáng dành cho vị Thánh hàng đầu trong tứ bất tử của nước ta. Từ nơi đây, dọc tuyến đường sắt lên Việt Trì còn rất nhiều vết chân ngựa và bụi tre ngà trong hành trình ngài đánh tan giặc Ân.
 
Làng Cổ Loa, nơi kinh đô xưa của An Dương Vương và Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền), để ghi nhớ công lao của các ngài, người ta xây dựng một cổng tam quan với một vọng lâu 8 mái. Cổng rất trang trọng, thanh thoát và cổ kính được mệnh danh là “Đệ nhất thiên cổ” môn.
Cổng làng Đường Lâm mới xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19. Cổng làng mang phong cách kiến trúc dân gian truyền thống rõ nét: một gian hai dĩ đơn sơ nhưng nó gắn liền với cảnh quan của làng. Cổng làng nằm trong một quần thể không gian đắc địa và hấp dẫn nên đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. 
Làng Dương Xá là nơi sinh của Nguyên phi Ỷ Lan. Trong làng có chùa Dương Xá, nơi đặt ngai vị Nguyên phi. Nơi đây có một cổng làng được xây dựng công phu, bề thế vững chắc và đẹp một cách tinh tế. Cổng làng Dương Xá với khối tam môn vuông vức, vững chãi, vọng lâu thu nhỏ và trang trí theo lối đình chùa.
 
Cổng làng Đông Dư, huyện Gia Lâm hình dáng rất mộc mạc đơn sơ nhưng vững chắc và nghiêm trang mang tính cổ xưa. Cổng có chính môn và vọng lâu không trang trí gì nhưng vẫn khẳng định vẻ đẹp giản dị, khiêm nhường và sự trường tồn.
Làng Nhị Khê và làng Dục Tú, cả hai nơi này đều có đền thờ Nguyễn Trãi, một danh thần thời Lê. Cổng làng Dục Tú là một tam quan, nhưng phần chính môn có vọng lâu có cổ trần cao làm cho công trình được vút lên. Hai bên cổng có cột đồng trụ với các câu đối mang nặng truyền thống văn hóa của làng. Đây là một cổng làng với hình thức thanh thoát cao sang. Cổng làng Nhị Khê kết cấu và hình dáng kiến trúc cũng giống cổng làng Dục Tú nhưng nhỏ hơn và chỉ có một chính môn. Thế cổng đứng lẻ loi cô đơn như số phận của vị đại thần.
 
Cổng làng Cưu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên được giới tổ chức du lịch đánh giá là cổng làng đẹp nhất nước. Làng Cưu là một trong 3 làng đẹp nhất Việt Nam của Thủ đô Hà Nội. Cổng chỉ có một chính môn trên là vọng lâu, mái vọng lâu xếp thành 8 mái với 2 tầng “đao” uốn lượn giữa không gian xanh với đủ “lưỡng long chầu nguyệt” và “tứ linh”. Hai bên mang cổng là hai đôi cột đồng trụ một cao và một thấp có dáng hình khỏe mạnh và thanh thoát rất đẹp. Bên trên các đồng trụ là quả dành dành. Giữa đầu cột thân cột và đế cột tạo thành một chi tiết của cổng rất hoàn chỉnh. 
 
Cổng làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Như đã biết, làng Ước Lễ được xây dựng rất chỉnh trang theo lối thành quách trong lũy ngoài hào. Đầu và cuối làng có 2 cổng nhưng quy mô và mức độ hơn kém nhau. Cổng trước xây theo lối kinh thành Huế, khi xây xong đã bị triều đình cử người về kiểm tra. Nhờ có người làm quan trong triều và lễ lạt nên được cho qua. Đây là cổng đẹp tinh tế và bề thế. Chính môn là một vòm cuốn hai bên “mang cổng” là mảng tường rộng. Bên trên là thượng lâu bốn mái đủ lưỡng long chầu nguyệt và đao cuốn. Cổng được xây bằng gạch trần cổ Bát Tràng. Phía trước cổng là chiếc cầu cong vượt hào, tô thêm vẻ đẹp và tôn dáng vóc cho chiếc cổng đầy thẩm mỹ này. Trên “trán cổng” phía trước có 3 chữ đại tự “Ước Lễ môn”. Trán cổng phía từ trong làng đi ra có 3 chữ đại tự “Thiếu Cao Đại” - nghĩa là khuyên người làng khi ly hương, mỗi người hãy nâng tầm cao hơn một chút và mở tầm rộng hơn một chút. Chính nhờ lối kiến trúc riêng của làng và cái cổng đặc biệt này mà làng quê nơi đây thêm trù phú thịnh vượng.
 
Cổng làng Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có cấu trúc rất riêng, chỉ có chính môn, bên trên không có vọng lâu mà chỉ là bức cuốn thư vừa tôn độ cao cho cổng vừa trang trí làm cho cổng thêm thanh thoát hơn. Hai bên mang cổng là hai đôi cột đồng trụ tạo bề thế cho công trình. Thân trụ to khỏe được ngồi trên một đế thấp rất cân đối với cổng. 
Cổng làng Phương Viên bên bờ đê tả Đáy mang phong cách kiến trúc Chăm-pa rõ rệt. Nó được xây dựng sau triều Trần cách đây vào khoảng 500 - 600 năm. Theo Dư địa chí của tiên sinh Nguyễn Trãi, nơi nào có địa danh mang tên “Sở” thì là nơi có người Chăm-pa sinh sống, ví dụ như: Yên Sở, Đắc Sở, Cổ Sở, So Sở… Với kỹ thuật và tay nghề cao, những người thợ Chăm-pa đã xây rất nhiều công trình trên đất Hà Nội như: Đình Tây Đằng (Ba Vì), cổng làng Phương Viên (Hoài Đức)… Cổng làng Phương Viên có 3 cửa tò vò, trên cửa và hai tường bên có 8 mái cong. Toàn cổng là khối đặc, khỏe mang hình tháp giật cấp. Nghe đâu trước đây trên đỉnh tháp là một bầu rượu nhưng do thời gian bào mòn, đỉnh tháp đã bị hư hỏng. Sau này, họ không dựng lại chiếc nậm cũ nữa mà tháp chỉ còn là một khối đế nậm vuông, bằng, không nhô cao.
 
Ngoài những cổng làng đặc biệt nêu trên, Hà Nội còn hàng trăm cổng làng khác cũng rất đẹp và mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bản sắc riêng mỗi làng quê, lối phố. Những cổng làng ấy đã làm nên một bộ mặt, hồn bóng mỗi quê hương trên đất Hà Thành.
 
Gìn giữ dấu ấn thiêng liêng
Thăng Long - Hà Nội đã có lịch sử phát triển hơn nghìn năm. Từ vùng đất “trong sông” đến thành phố trải dài hai bên bờ sông, từ Hà Đông đến xứ Đoài, từ vùng núi cha (Ba Vì) đến núi mẹ (Tam Đảo), từ 36 phố phường nay là 579 xã phường và thị trấn. Hà Nội từ 5 cửa ô nối đến những làng cận đô thành mạng lưới giao thông dày đặc. Ở đó đã tồn tại gần 350 cổng làng Việt cổ Tuy số lượng cổng làng đã giảm nhiều so với thuở nguyên khai, nhưng cổng làng Hà Nội vẫn đứng đầu so với các tỉnh thành trong khắp cả nước, trong số đó, rất nhiều cổng đã tồn tại trên 100 năm, trở thành di sản văn hóa. Mong rằng Nhà nước sớm đánh giá và công nhận những cổng làng này. 
Hiện nay, việc chỉnh trang, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên phạm vi toàn thành phố. Tốc độ đô thị hóa diễn ra hết sức ào ạt. Việc xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông về tới các thôn làng ven đô cũng trở nên sôi động. Đã có một số cổng làng bị đập bỏ, nhường chỗ cho đường mới. Có cổng bị phạt vẹt đến một nửa, đứng nép mình trên con đường mới mở thênh thang làm se sắt bao con tim của những người suốt đời nuôi dưỡng hồn quê yêu dấu!
 
Một vấn đề nổi cộm phổ biến lúc này là: Một số địa phương đem cổng làng ra sửa sang sơn đắp một cách thiếu văn hóa, làm biến dị méo mó. Thậm chí, một số cổng cổ đến vài ba trăm năm hoặc hơn nữa, còn bị bàn tay thiếu ý thức tô đắp vào cổng làng hàng chữ số của năm được công nhận làng văn hóa. Người dân chỉ còn biết lắc đầu và đứng nhìn.
 
Cần phải chấn chỉnh ngay một số việc làm để đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa. Những công trình tồn tại trên 100 năm là di sản văn hóa cần được bảo vệ. Đối với những công trình di sản văn hóa, khi tu sửa phải có kế hoạch, nghiên cứu kỹ thiết kế, bắt buộc khi xây dựng phải giữ nguyên hiện trạng công trình vốn có, không tạo ra những chi tiết và màu sắc mới. Nếu có hỏng phần nào thì chỉ phục hồi chi tiết đó, để đảm bảo tính lịch sử của nó.
 
Khi nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới hoặc xây dựng bất kỳ cảnh quan nào đều phải có trách nhiệm bảo tồn công trình di sản, không được phá hoặc có bất kỳ hành động xâm hại nào đến cổng làng. Nếu trong quy hoạch vì lý do nào đó, bắt buộc phải di dời công trình thì nhất thiết phải được cấp có thẩm quyền quyết định mới được thực hiện. Việc di dời công trình đến một vị trí xứng đáng và phải có biện pháp bảo tồn nguyên trạng.
 
Năm 2010, khi Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (1010 - 2010), là một kiến trúc sư đã dành nhiều công sức nghiên cứu về cổng làng, từ bộ sưu tập ảnh cổng làng Việt, tôi đã lựa chọn 4 bức ảnh cổng làng cổ kính, rêu phong và rất đặc trưng của kiến trúc Việt xưa, đó là: Cổng làng Văn Khê và My Dương (Thanh Oai), Yên Cốc (Chương Mỹ) và Chi Quan (Thạch Thất) lập thành bộ tứ bình Xuân - Hạ - Thu - Đông. Bên dưới mỗi bức tứ bình là một bài thơ lục bát 4 câu minh họa bốn mùa. Bộ tứ bình này đã được UBND Thành phố Hà Nội trưng bày trong dịp lễ kỷ niệm. Hiện nay bộ tứ bình vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
Cổng làng - Di sản văn hóa       cần được gìn giữ
Cổng làng Phương Viên
 
Có thể nói, cổng làng cổ Hà Nội là công trình mang dấu ấn, bản sắc văn hóa, hồn thiêng và là niềm tự hào đối với mỗi người dân quê hương. Cổng làng, một công trình khắc ghi bao nét tài hoa, cao sang và thịnh vượng của làng mà biết bao thế hệ cha ông dày công tạo dựng để lại cho con cháu. Uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cháu con hôm nay cần giữ gìn để cổng làng - một di sản văn hóa, một dấu ấn thiêng liêng, một hồn quê sâu nặng đã gắn bó bao đời làm cho mỗi quê hương được trường tồn và phát triển mãi mãi.
 
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/cong-lang-di-san-van-hoa-can-duoc-gin-giu_271742.html

 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)