1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Hà Nội xưa

Cuộc diễn tập đầu tiên ở ven đô

02/09/2019
Xã Mễ Trì trước thuộc huyện Từ Liêm nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội là một vị trí quan trọng về chiến lược thời kháng chiến chống Pháp và có truyền thống văn hóa lâu đời. Mễ Trì xưa vốn là làng cổ và có nhiều đền, miếu lâu đời, có nghề truyền thống là Cốm Vòng, mới đây đã được UNESCO công nhận là di tích văn hóa phi vật thể.

Miếu Đầm ở Mễ Trì Hạ - nơi đã diễn cuộc mít tinh gây tiếng vang lớn ở Hà Nội trước ngày Tổng khởi nghĩa.

Trước năm 1945, Mễ Trì là địa điểm để cán bộ Cách mạng từ chiến khu  thường xuyên về hoạt động xây dựng phong trào, tạo chỗ dựa cho các chi bộ Đảng trong nội đô. Và từ đây cũng có thể rút lên ATK rất nhanh. Người dân vùng này cần cù lao động và có giác ngộ chính trị cao.
 

Đầu năm 1945, phong trào ở Mễ Trì, Dịch Vọng…  “nơi đứng chân” của Thành ủy ngày càng mở rộng. Các nhóm thanh niên cứu quốc được thành lập dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Không khí trong làng sôi sục nóng lên từng ngày. Nhiều thanh niên ưu tú trong làng được đứng trong hàng ngũ Việt Minh
 

Tối ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính, một số lính Pháp bỏ chạy qua làng Mễ Trì đã quẳng súng xuống ao, các thanh niên Cứu quốc xuống mò lấy để trang bị cho tự vệ trong làng. Từ đó Đội tự vệ được vũ trang và có thể bảo vệ cơ sở cách mạng khi họp hành.
 

Thi hành Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhằm nâng cao uy tín của Việt Minh và tập dượt quần chúng, ngày 20/4/1945 khoảng 350 phụ nữ thuộc các tầng lớp đã được huy động về khu vực miếu cây đa ven bờ đầm thường gọi là Miếu Đầm thuộc Mễ Trì Hạ để dự cuộc mít tinh. Lá cờ đỏ sao vàng cho chị Tạ Thị Thu cầm giương lên cao. Lần đầu tiên bà con ở đây thấy lá cờ quốc kỳ - vô cùng xúc động. Cách mạng đã về bằng xương bằng thịt hiện lên trên lá cờ đỏ thắm. Sau đó đồng chí Vũ Oanh, diễn thuyết trước cuộc mít tinh lớn tóm tắt tình hình thế giới, trong nước, chỉ ra sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa phát xít, kêu gọi và động viên nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Rồi đoàn mít tinh đi vào trong làng, trong không khí tưng bừng phấn khởi. Các khẩu hiệu: “Việt Nam Độc lập”, “Đánh Nhật cứu quốc”, “Ủng hộ Việt Minh” được hô vang. Nhân dân trong làng hưởng ứng đi theo tuần hành rầm rập. Cuộc mít tinh gây tiếng vang lớn đối với các vùng xung quanh và nội thành, giúp uy tín Việt Minh lên cao. Bọn cường hào, ác bá sợ rúm, không dám can thiệp.
 

Cuộc tập dượt này rất có ý nghĩa vì nó chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
 

Ngày 19/8/1945 khi Hà Nội tổng khởi nghĩa, chính những thanh niên cứu quốc của Mễ Trì đã được điều động ra Nhà hát Lớn để làm nòng cốt cho cuộc xuống đường lịch sử. 
 

Và ngày 2/9/1945 thiêng liêng đã đến. Từ sáng sớm, nhân dân Mễ Trì đi từng đoàn có mặt tại Quảng trường Ba Đình, chứng kiến giờ phút quan trọng của dân tộc - giờ phút khai sinh nhà nước. Từ nay chúng ta đã có một đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng, nơi người dân có thể tự quyết định số phận của mình.
 

Sau này, đồng chí Vũ Oanh -  nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương có nói: “Chính cuộc diễn tập ngày 20/4/1945 đã giúp cho chúng ta có kinh nghiệm trong Tổng khởi nghĩa và tổ chức Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945”. 

Thiên Việt/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)