1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Gạo nếp…

04/05/2020
Công chúng lại một phen “té ghế” khi đọc công văn hỏa tốc của Bộ Công Thương gửi Bộ NN&PTNT về vấn đề “gạo nếp”. Bởi có lẽ người ta không tưởng tượng được rằng, một bộ chuyên ngành về công nghiệp và thương mại lại không rành rẽ đến từng… hạt gạo.

Nội dung văn bản cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10-4 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về vấn đề gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không.

Kèm theo đó là đánh giá tác động, ảnh hưởng của gạo nếp trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy ra gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ. Đồng thời đề xuất, kiến nghị về việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.
Có lẽ giữa bối cảnh xuất khẩu gạo đang là câu chuyện nóng, liên quan đến công tác điều hành của Bộ Công Thương cũng như Tổng cục Hải Quan, thì vấn đề gạo nếp có được tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không là một điểm nhấn. Nó cho thấy có một vấn đề không bình thường ở đây khi mà bao năm nay, gạo nếp không phải là một sản phẩm chủ lực hay là một loại lương thực phổ biến nhất so với gạo tẻ. Việc bẻ câu bẻ chữ cách có ý đồ ở đây có lẽ cần được soi rọi.

Dự trữ quốc gia là một công tác, nhiệm vụ tối quan trọng. Nó bảo đảm cho đất nước có thể trụ vững trong một thời gian đủ để chống chọi lại với thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… Và vì tầm quan trọng đó, Quốc hội đã ban hành một đạo luật về công tác dự trữ. Cùng với đó là những nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật dự trữ quốc gia 2012. Đến năm 2017, những nghị định này được gom lại thành một văn bản hợp nhất. Trong đó, phụ lục chi tiết hàng dự trữ quốc gia đã nói rõ: lương thực dự trữ là: THÓC TẺ, GẠO TẺ.

Về mặt nguyên tắc, khi một đạo luật đã có hiệu lực thì nghĩa vụ của mọi công dân, tổ chức… là PHẢI BIẾT. Điều ấy mặc nhiên cũng dẫn đến hệ quả rằng: khi hàng dự trữ quốc gia đã được quy định chi tiết bằng pháp luật như vậy thì Bộ Công Thương đương nhiên phải biết, chứ không thể đánh một công văn hỏa tốc để hỏi một bộ khác như vậy. Ấy là còn chưa kể đến việc nếu hỏi về gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ quốc gia hay không thì Bộ Công Thương phải hỏi Bộ Tài chính chứ không phải là hỏi Bộ NN&PTNT.

Khác với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sau khi nhận được văn bản hỏa tốc hỏi về “gạo nếp” đã viện dẫn chính xác quy định của pháp luật về dự trữ. Câu trả lời của Bộ NN&PTNT cũng rất chuẩn chỉnh khi phúc đáp Bộ Công Thương rằng: “Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ Quốc gia”. Và Bộ NN&PTNT không giải thích gì thêm!  

Bỏ qua sự “ngây ngô” có thể là vô tình, cũng có thể là hữu ý của Bộ Công Thương nói trên về vấn đề gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ quốc gia hay không, vấn đề quan trọng hơn trong câu chuyện này chính là những yêu cầu rất… chiếu lệ của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá tác động, ảnh hưởng của gạo nếp trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia. Rồi lại đề nghị thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy ra gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ. Thật ra vấn đề này lại nảy sinh một… vấn đề khác.

Đó là, trong báo cáo 2412 ngày 6-4-2020 mà Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn đã có những số liệu mà Bộ Công Thương yêu cầu. Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngoài ý kiến của các bộ, ngành thì văn bản của tỉnh Long An được Bộ Công Thương tổng hợp và phản hồi.

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu lại gạo nếp không giới hạn số lượng nhằm giải quyết lượng gạo nếp tồn kho trong các doanh nghiệp. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp của người dân với giá tốt hơn.

Theo UBND tỉnh Long An, tỉnh này có diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30%-32% diện tích của toàn tỉnh. Riêng vụ đông xuân, diện tích trồng nếp chiếm 65.000 ha.Hiện các hợp đồng đã ký kết chưa giao hàng từ nay đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Long An khoảng 204.571 tấn. Trong đó, thị trường Trung Quốc là 44.303 tấn, chủ yếu gạo nếp. Tồn kho gạo nếp của các doanh nghiệp là 55.937 tấn.

Còn với An Giang, ngày 10-4 trong hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Thủ tướng cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo, nhất là gạo nếp.

Bởi theo ông Bình, tỉnh An Giang có diện tích gieo trồng nếp hằng năm khoảng 115.000 ha, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa Japonica, sản lượng 75.000 tấn lúa/năm. Hai sản phẩm này chủ yếu là xuất khẩu, từ nhiều năm nay nông dân và doanh nghiệp đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ có hiệu quả. An Giang cũng nói báo cáo luôn rằng: năm 2020, lượng lúa gạo sẽ sản xuất trên địa bàn tỉnh khoảng 4 triệu tấn lúa (khoảng 2 triệu tấn gạo).

Điều đáng nói là, Hội nghị trực tuyến ngày 10-4 đương nhiên có sự tham dự của Bộ Công Thương. Nếu không thể nắm được các số liệu này thì Bộ Công Thương hoặc là họp cho có, hoặc là họp xong phần mình thì… đi ra ngoài, hoặc là cố tình không biết những số liệu ấy.

Hay là câu chuyện xuất khẩu gạo và gạo nếp không đơn thuần chỉ là vấn đề “an ninh lương thực quốc gia”?

Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/gao-nep.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)