1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ III Chiếm lĩnh sự thật - Bản lĩnh văn hóa của nhà văn

16/08/2020
F. Ăng-ghen viết: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Sự thật có ý nghĩa lớn lao đối với con người trên hành trình tìm chân lý.

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ II Đến hiện đại từ truyền thống -Tinh thần tiếp biến văn hóa của nhà văn

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ 1 Tiếp cận văn học từ văn hóa

Sáng tác của Thạch Lam luôn thấm đẫm cảm hứng hiện thực, bức tranh đời sống. Ký họa: Theki.vn.         

Chiếm lĩnh thế nào?

Văn hào Nga thế kỷ XIX, Lev Tolstoy (1828 - 1910), tác giả bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng thế giới “Chiến tranh và hòa bình” được lãnh tụ V. Lênin đánh giá rất cao, là “Tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Trong nhật ký văn học của mình, Lev Tolstoy  đã viết: “Sự thật là nhân vật mà tôi yêu mến nhất, chăm chút nhất khi viết”. Sau này, tựa vào ý đó, có người cho rằng, khát vọng muôn đời của nhà văn khi sáng tác là được “nhúng bút vào sự thật”. Đó là một đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của người nghệ sĩ ngôn từ. 

 

Hậu thế hay lấy những câu thơ mở đầu kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du để làm phương châm viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” - “những điều trông thấy”, “cuộc bể dâu” chính là sự thật, không cần bàn cãi. Trong các giáo trình đại học trước đây, chủ nghĩa hiện thực được đánh giá là tiến bộ và ưu việt hơn chủ nghĩa lãng mạn, vì nó phản ánh trung thành hiện thực như ý kiến của Ăng-ghen: “Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi ngoài sự chính xác của các chi tiết còn phải xây dựng thành công những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”.

 

Nhưng khái niệm sự thật, có độ mở lớn, sâu, nhiều tầng nghĩa. Có sự thật của những cuộc giao tranh giai cấp quyết liệt, là sự đối kháng giữa người giàu và nghèo, giữa thống trị và bị trị. Có sự thật của những cuộc chiến tranh xâm lược và chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược. Có sự thật của cuộc đấu tranh chống “nội xâm”. Lại có sự thật tâm hồn, tâm trạng, tâm linh vốn rất tinh vi, khó nắm bắt và thể hiện. Thậm chí khi đi vào những vấn đề của “bản thể” con người lại càng rối ren, mù mờ, bí ẩn, mông lung. 

 

Trước đây chúng ta đề cao Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân,… những đại diện xuất sắc của trào lưu hiện thực phê phán hơn các nhà thơ trong phong trào Thơ mới và các nhà văn thuộc tổ chức Tự lực văn đoàn, vì họ là các nhà văn lãng mạn. Nhưng Thạch Lam là trường hợp làm khó các nhà lý luận. Rõ ràng ông có chân trong Tự lực văn đoàn do anh trai mình - nhà văn Nhất Linh - làm chủ soái. Sáng tác của Thạch Lam thì thấm đẫm cảm hứng hiện thực, bức tranh đời sống và tâm trạng con người thời đại được nhà văn tái hiện không thể nói là không chân thực, trung thực (Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Cô hàng xén, Đêm ba mươi,…). 

 

Đã có lúc Lev Tolstoy  thú nhận nhiều khi ông không rõ mình là nhà lãng mạn hay nhà hiện thực. Từ đó kéo theo quan niệm về sự thật cũng khác nhau: Sự thật là cái vốn có, tồn tại khách quan, nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại có nhiệm vụ ghi chép trung thực trong tác phẩm. Như vậy, sự thật mang tính khách quan cao độ, trong khi danh họa Tây Ban Nha Pa-blô Pi-cat-xô (1881 - 1973) lại có quan niệm khác: “Tôi vẽ như tôi nghĩ chứ không phải như tôi nhìn thấy sự vật”. Nếu như thế thì sự thật mang tính chủ quan, liệu có thể chấp nhận?

 

Sự thật mà nhà văn tái hiện trong tác phẩm có lợi cho ai lại là một vấn đề làm tốn giấy mực của nhiều lý luận gia từ trước tới nay. Các cây bút trẻ thường ca thán: “Tôi viết sự thật nhưng nhà phê bình và công chúng lại nhận xét là không trung thực” (!?). Ở đây phải đặt ra câu hỏi “Nhà văn viết ra sự thật nào, có lợi cho ai?”. Nếu anh viết sự thật về sự “cô độc “cơ bản là buồn”, “bóng đè”, “sợi xích”, “nổi loạn”, “bóng”,… chắc chắn số đông công chúng khó tiếp nhận, chấp nhận. Vì sao? Vì đó chỉ là những tâm trạng bi quan, não nề của một cá thể, chắc chắn những “ca” tiêu cực đó khó lan tỏa và nhận sự đồng cảm của đồng loại. Cuộc sống đòi hỏi con người phải kiên trì, dũng cảm vượt qua nhiều chướng ngại để đạt được mục đích. Con người gánh trên đôi vai sức nặng của những trần ai vật chất, tinh thần đã quá nhiều, không cần nhà văn chất đống thêm lên những bi ai khổ hạnh hay ức chế vật vã. Con người cần được thấu cảm, đồng cảm, chia sẻ để tự tin vững bước đi lên.


 

Còn nhân danh sự thật?


 

Một yêu cầu khác đối với nhà văn không kém phần quan trọng: Cần minh bạch trong lúc tiếp cận, đối diện với sự thật. Đang có xu hướng nhân danh sự thật (nằm trong căn bệnh nhân danh, có nguy cơ phát thành dịch), nhân danh con người (cái gọi là “nhân vị chủ nghĩa”) để viết ra những tác phẩm kiểu “điếm trai”, “bóng đè”, “ổ rơm”, “nổi loạn”, khêu gợi và truyền bá những ham muốn, dục vọng bất thường (có khi bệnh hoạn), xa lạ so với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sự thật phải đi đôi với mỹ cảm (cảm xúc về cái đẹp), đó là nguyên tắc viết muôn thuở. Có một số cây bút thích thú viết về “loạn luân”, “vô luân”, “chuyển giới” coi đó là đi vào tận cùng bản thể con người, là sự “ca tụng thân xác”. Sự thật được nói ra (viết ra) đúng lúc, đúng đối tượng lại cũng là một vấn đề (cái ngữ cảnh, văn cảnh hợp lý). Đại để, không thể giảng giải phẫu sinh lý, giới tính cho học trò lớp 1, cũng như trong đám ma không nên cười đùa và trong đám cưới không nên sầu não mặc dù tâm trạng có thể có thật. Ở đây chưa nói đến mức độ nguy hiểm của xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen của một vài cây bút lòng dạ thiếu công minh, ráo cạn sự khoan dung. Đó chỉ là “sự thật” trong ngoặc kép!

 

Sức mạnh của cái đúng (sự thật) là chân lý không thể chối cãi. Dân gian có câu “nói phải củ cải cũng nghe”. Nhưng sức mạnh của cái đúng (sự thật) chỉ có ý nghĩa khi nó được nhìn nhận, tái hiện trong tác phẩm một cách toàn diện, trong tính hệ thống và xu thế phát triển. Sự thật cần được nhà văn chiêm nghiệm thấu đáo, tránh thấy cây mà không thấy rừng khi viết. Định đề “Văn học là lương tri thời đại” luôn luôn đúng. Nhà văn là người có trọng trách tinh thần với xã hội. Ngòi bút của anh bị bẻ cong vì một lý do nào đó tác hại dài lâu với tinh thần nhiều thế hệ. Đúng như nhà thơ Phùng Quán (1932 - 1995, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007) cách nay hơn 60 năm đã viết: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ (…)/ Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ Chân thật trọn đời/ Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi/ Sét nổ trên đầu không xô ngã tôi/ Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” (Lời mẹ dặn, 1957). Trên tinh thần tôn trọng sự thật nhà văn đã viết thành công “Tuổi thơ dữ dội” (tiểu thuyết) và “Ba phút sự thật” (ký).

 

Khát vọng chiếm lĩnh sự thật thể hiện nhân cách, bản lĩnh văn hóa của nhà văn tài năng. Con người thời đại (nhất là người trẻ tuổi) đang sống trong thế giới ảo. Mạng xã hội đã mở rộng giao diện, biên độ tiếp xúc, tương tác giữa mọi người. Nhưng tính chân thực/ trung thực của thông tin lại có nguy cơ giảm thiểu đến mức đáng báo động. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một học sinh nữ vì mẹ vội đi làm nên đưa đến trường sớm, phải đứng ngoài cổng, làm tốn bao nhiêu thời gian và công sức của thế giới “phây”. Cuối cùng tất cả những ai nhẹ dạ cả tin đều bị “quả đắng” (!?). Con người thời đại đang tốn phí thời gian vô ích vào những “sự thật” trên trời. Mạng xã hội đang lập “ma trận” mê dụ những người thừa thời gian và hiếu kỳ. Muốn tiếp cận, chiếm lĩnh sự thật nhà văn phải “bắt tận tay day tận trán” (mục sở thị). 

 

Không riêng văn học, trong lĩnh vực báo chí vấn đề phản ánh sự thật cũng đang nổi lên như một thách thức không dễ vượt qua. Báo chí là một nghề nguy hiểm. Vì thế viết sự thật cũng không tránh khỏi nguy hiểm cho nhà báo. Họ cần một “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, cũng như nhà văn vậy, nếu muốn tôn trọng sự thật và phát huy sức mạnh của cái đúng. Chúng tôi nghĩ, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV, 2019, rất đáng suy nghĩ: “Hầu hết các bài tham dự giải và đoạt giải Báo chí Quốc gia chủ yếu là phản ánh mặt trái, mặt tiêu cực, hạn chế, còn ít bài mang tính chất phát hiện nhân tố mới, điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa chân, thiện, mỹ trong xã hội” (Báo Tin tức, TTXVN online, 21/6/2020, 20h52p). Câu hỏi “Tại sao?” cần thiết đặt ra với người cầm bút.

 

Đón đọc kỳ tới: 

Tình yêu tiếng mẹ đẻ - Cốt lõi văn hóa của nhà văn

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/van-hoa-nha-van-va-su-phat-trien-van-hoc-ky-iii-chiem-linh-su-that-ban-linh-van-hoa-cua-nha-van_262155.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)