1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Cổ vũ văn nghệ sĩ cùng góp sức và cống hiến

17/02/2022
Năm 2022, Thành phố Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Trong hành trình này, văn nghệ sĩ Hà Nội vinh dự nhận trọng trách lớn lao: Là chủ thể sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bản Thủ đô. Nhân dịp đầu xuân mới, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã có những chia sẻ với tạp chí Người Hà Nội về những dự định để cổ vũ văn nghệ sĩ cùng góp sức và cống hiến.
PV: Thưa NSND Trần Quốc Chiêm, phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô ở thời đại 4.0 mang lại cho văn học nghệ thuật những cơ hội gì?
 
NSND Trần Quốc Chiêm: Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ở thời đại 4.0 đã mang lại nhiều cơ hội quý cho văn học nghệ thuật tiếp cận với lĩnh vực khoa học công nghệ mới, tiếp cận với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới khi thay đổi sự hoạt động của các thiết chế văn hóa. Đó là việc gắn công nghiệp thông tin, truyền thông với các sản phẩm truyền hình trực tuyến, giao lưu trực tiếp giữa khán giả và nghệ sĩ như mô hình chiếu chèo ngày xưa nhưng ở mọi lúc, mọi nơi không giới hạn lượng khán giả (chứ không phải là các sân khấu trong nhà hát với lượng khán giả nhất định, biểu diễn theo thời gian cụ thể). Truyền hình thực tế và truyền hình trực tiếp thống lĩnh lĩnh vực thông tin, truyền thông trong việc công bố, truyền tải các sản phẩm văn học nghệ thuật. Bảo tàng, thư viện, triển lãm thông qua công nghệ thông tin sẽ giúp cho mọi người ngồi nhà mà vẫn có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật, di sản nhân loại và các thành tựu mới của thế giới... Trong đó, việc tổ chức các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, các gallery nghệ thuật của tập thể và cá nhân mở ra ở nhiều nơi làm cho thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh phát triển mạnh. Hai năm qua, theo xu hướng của thời kỳ “thế giới phẳng” và để thích nghi với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nghệ sĩ nhất là giới mỹ thuật, nhiếp ảnh đã tìm cho mình phương thức hoạt động mới. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động giới thiệu, triển lãm đơn lẻ trực tiếp, nhiều nghệ sĩ đã ứng dụng công nghệ số để đưa tác phẩm đến với công chúng. Những chuyển đổi này đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức, sở hữu những tác phẩm nghệ thuật của công chúng cũng như giới nghề. Từ đó, thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh dần sôi động và các tác phẩm được nâng tầm giá trị.
 
PV: Vậy những thách thức đặt ra từ thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội trong chặng đường tới là gì thưa ông?
 
NSND Trần Quốc Chiêm: Thách thức và khó khăn đầu tiên đến từ nhận thức của xã hội, trong đó đặc biệt là những người trực tiếp liên quan đến lĩnh vực văn hóa, về vai trò, vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển chung của đất nước. Một ấn tượng chung về đóng góp của ngành văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội thường rất hạn chế trong tương quan so sánh với các lĩnh vực trực tiếp mang lại giá trị kinh tế như các ngành sản xuất, dịch vụ, khai thác khoáng sản... Hơn nữa, do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là vì một thời gian tương đối dài được hưởng chế độ bao cấp của Nhà nước, nhiều tổ chức và cơ quan Nhà nước còn thiếu năng động, không quen với việc vận hành tổ chức của mình trong nền kinh tế thị trường. Nhiều mệnh lệnh của thị trường, yêu cầu của công chúng chưa thực sự được lắng nghe. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt giáo dục kỹ năng sáng tạo và khởi nghiệp là thách thức lớn khác đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Chúng ta có nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhưng lại thiếu hụt các điều kiện để tài năng phát triển, hay nói cách khác là yếu về cách kết nối giữa tài năng nghề nghiệp và kỹ năng thị trường. Thiếu sự hỗ trợ chiến lược trong hoạt động đào tạo, phát triển chuyên môn và xây dựng tinh thần doanh nghiệp, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ không thể phát triển xứng đáng với tiềm năng sẵn có của nó. Thêm nữa, vẫn còn sự thiếu liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa; thiếu các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa. Thực tế của việc các tổ chức nghệ thuật không có khả năng và chưa được phép vận hành như các doanh nghiệp xã hội là nguyên nhân khiến các đơn vị này bị hạn chế trong công tác gây quỹ và hợp tác, gặp nhiều hạn chế trong việc đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách liên quan đến thuế, luật hiến tặng, tài trợ vốn phổ biến ở các nước trong hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng chưa được vận hành ở Việt Nam. 
 
Đây là một số trong rất nhiều những điểm nghẽn cần tháo gỡ để chúng ta thực sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo đúng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân.
 
PV: Việc chủ động tháo gỡ những khó khăn này sẽ giúp không chỉ các ngành công nghiệp văn hóa, mà cả nền văn hóa của Thủ đô phát triển phải không thưa ông? 
 
NSND Trần Quốc Chiêm:  Để xã hội có một nhận thức đầy đủ hơn đối với các ngành công nghiệp văn hóa, ngành văn hóa và những lĩnh vực liên quan cần phải chứng minh tầm quan trọng và vị trí thực sự của mình đối với sự phát triển chung của đất nước, Thủ đô. Bên cạnh những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những số liệu thống kê có lẽ là cách thức chứng minh rõ ràng và trực tiếp nhất đối với sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa. Chính vì thế, một bộ chỉ số thống kê được thể hiện trong thống kê quốc gia của Cục Thống kê là một trong những giải pháp để vượt qua những khó khăn này. Hơn nữa, kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa có logic khác với những gì mà chúng ta đã từng trải nghiệm. Ở đó, thị trường là một trong những yếu tố quyết định cách vận hành của một tổ chức và xu hướng phát triển của văn hóa - nghệ thuật. Chính vì vậy, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các tổ chức và cơ quan Nhà nước cần phải có sự đổi mới toàn diện hơn để có một cách tiếp cận tích cực với thị trường, theo đúng tinh thần của Chính phủ mới hướng đến kiến tạo, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. 
 
Cổ vũ văn nghệ sĩ cùng góp sức và cống hiến
Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức thành công chương trình trực tuyến Tình yêu Hà Nội lần thứ XIV mang tên Những giai điệu trên mái phố.
 
Mặt khác, về bản chất, các ngành công nghiệp văn hóa cần có những mạng lưới chuyên môn được kết nối chặt chẽ, từ đó giúp thúc đẩy yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa, tạo ra các mối liên kết trong chuỗi giá trị. Lĩnh vực điện ảnh có thể kết nối với du lịch; ẩm thực có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của cả du lịch lẫn ngành nông nghiệp của Thủ đô; trong lĩnh vực thời trang, các trung tâm nghiên cứu, trường đại học có thể (và cần phải) cộng tác làm việc với các công ty may mặc, thời trang để bảo đảm cung cấp được một chương trình giáo dục và các kỹ năng sáng tạo nhất quán và đạt tiêu chuẩn, phù hợp nhu cầu thực tiễn của thị trường.
 
PV: Ông có những lưu ý gì cho giới văn nghệ sĩ cũng như những đề xuất, kiến nghị của Hội Liên hiệp với thành phố về vấn đề này?
 
NSND Trần Quốc Chiêm: Nói đến thị trường thì phải có bên bán - bên mua. Do đó, giới nghệ sĩ cần chú trọng quảng bá tác phẩm đến công chúng, cần mở rộng quy mô và tăng tần suất các hoạt động biểu diễn, triển lãm, tương tác trên diện rộng để tạo môi trường giao lưu theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm “đánh thức” công chúng có cách cảm nhận, cách nhìn đúng về nghệ thuật. Khi nhận thức của công chúng được nâng cao, sẽ kéo theo sự sôi động của thị trường. Từ đó, sẽ kích đẩy tinh thần, giúp đội ngũ nghệ sĩ thêm động lực sáng tác phục vụ đời sống.
 
Cùng với đó, khi đã có được thị trường, các nghệ sĩ cần tạo uy tín về chất lượng tác phẩm; nâng tính chuyên nghiệp, ứng dụng sâu hơn thế mạnh của công nghệ để thương mại hóa sản phẩm. Mỗi tác giả cần tìm tòi, đổi mới, sáng tạo tác phẩm có định hướng lành mạnh, gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
 
Có một lưu ý: Thị trường phát triển sẽ đi liền với nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật. Bên cạnh việc cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xử lý vi phạm thì chính các tác giả cũng phải đề cao trách nhiệm trong đấu tranh với nạn sao chép tranh, ảnh… để khẳng định giá trị lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ chân chính, cũng như tạo sự minh bạch cho đầu ra của tác phẩm.
 
Về phía Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, chúng tôi kiến nghị thành phố có những chính sách cụ thể nêu cao vai trò của lực lượng sáng tác văn học - nghệ thuật trong việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô; nâng tầm giá trị văn học - nghệ thuật để trở thành một thành tố thiết yếu trong xây dựng, kiến tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa thành các nội dung cơ bản trong xây dựng và hoạch định chiến lược về công nghiệp văn hóa.
 
Chúng tôi cũng mong muốn thành phố có những chỉ đạo, xây dựng cơ chế đánh giá, định giá, giải thưởng, hỗ trợ sáng tác, tạo nguồn khích lệ động viên các nhân tố mới. Mặt khác, thành phố cũng cần thành lập quỹ văn hóa; đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng các thiết chế phát triển văn học - nghệ thuật; đẩy mạnh các hoạt động duy trì, truyền bá văn hóa truyền thống đang bị mai một, thất truyền; đẩy mạnh phát triển lực lượng văn nghệ sĩ trẻ bằng các chính sách, cơ chế đào tạo cụ thể, thiết thực. 
 
PV: Trân trọng cảm ơn NSND Trần Quốc Chiêm!
https://nguoihanoi.com.vn/co-vu-van-nghe-si-cung-gop-suc-va-cong-hien_271166.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)