1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Cần tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo

22/02/2020
Chế độ chính sách đãi ngộ với các văn nghệ sĩ sao cho thỏa đáng; cần làm gì để quảng bá giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật; đầu tư cho văn học nghệ thuật như thế nào để xứng tầm với vai trò là trung tâm văn hóa lớn của cả nước… Hàng loạt những vấn đề đã được các đại biểu, văn nghệ sĩ xới xáo trong buổi tọa đàm “Quản lý văn học nghệ thuật nhìn từ chính sách, tổ chức và những vấn đề thực tiễn” do Tiểu ban Lý luận thuộc Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây.

PGS.TS Phạm Quang Long phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: ĐT

Lực cản của sự sáng tạo

Nhà văn Hữu Việt khi đề cập đến chính sách quản lý văn nghệ trong tham luận của mình dẫn ra “nỗi niềm” của các nhà sản xuất và nhà làm phim khi anh được mời tham gia làm giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI: “Họ nói gần như không một tác phẩm nào còn nguyên vẹn sau khi qua Hội đồng duyệt, khiến họ rất hoang mang không biết phải làm thế nào với “đứa con nghệ thuật” và “đứa con tinh thần của mình. Còn về phía các thành viên Hội đồng duyệt họ cũng đưa ra những dẫn chứng với phim A, phim B, nếu không cắt sửa được thì khó chấp nhận được”. Từ câu chuyện này nhà văn Hữu Việt cho rằng có một sự “vênh nhau” giữa người sáng tạo và người cấp phép rất rõ và điều này trở thành lực cản đáng kể cho bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Không chỉ riêng lĩnh vực điện ảnh, những ví dụ tương tự cũng đã được nhiều đại biểu nhấn mạnh trong buổi tọa đàm. Đó là tình trạng sao chép tranh trong mỹ thuật, đạo ý tưởng trong nhiếp ảnh, “nhái” các công trình kiến trúc; các vở diễn, chương trình nghệ thuật ăn theo thị hiếu của khán giá mà quên đi chất lượng nghệ thuật… Những thực tế này cũng cho thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý văn học nghệ thuật nói chung.

PGS.TS Phạm Quang Long cho rằng, hiện nay nước ta đang thiếu hụt cán bộ quản lý văn nghệ. Nhiều người làm quản lý văn nghệ có chuyên môn sâu song lại không quan tâm đến chế độ chính sách, nên khi thực hiện chế độ chính sách rất vênh.

Theo nhạc sĩ Bá Môn, việc quản lý, lãnh đạo các đoàn nghệ thuật vẫn còn yếu kém, các đoàn nghệ thuật gần như được “giao khoán” cả về chương trình và tài chính do vậy không có những chương trình tốt, tác phẩm tốt. Nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến cho rằng đầu tư của Nhà nước đối với sáng tạo văn học nghệ thuật còn chưa xứng tầm, đôi chỗ còn dàn trải cục bộ, không phát huy được sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ.

Thực tế cho thấy một số cơ chế chính sách phát triển văn học nghệ thuật bộc lộ những bất cập, không phù hợp với thực tiễn nhưng chậm sửa đổi bổ sung thay thế như chính sách đối với đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật ở cơ sở, chế độ đối với diễn viên, nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu… Các chính sách về lương, phụ cấp đối với văn nghệ sĩ nhìn chung còn thấp, chưa bù đắp được công sức sáng tạo. Đội ngũ quản lý văn học nghệ thuật ở cơ sở vẫn trong tình trạng vừa thiếu và biến động nhiều, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực chưa cao. Một độ “vênh” nữa nằm ở chỗ từ Nghị quyết của Đảng đến sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở cấp Trung ương cho tới cấp cơ sở vẫn còn do chưa nắm vững quy luật vận động và phát triển tác động vào đời sống văn học nghệ thuật thời kỳ hiện đại.

Cần thêm những động lực thúc đẩy…

Để dung hòa giữa định hướng chung của Nhà nước và các quy định tài chính khi tài trợ hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật với cái riêng của sáng tạo cá nhân người nghệ sĩ, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần thay đổi, chuyển từ tài trợ sang hỗ trợ sáng tác, trong đó tập trung hỗ trợ chiều sâu nhằm khuyến khích phát triển các tác phẩm, công trình có chất lượng cao.

NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh: “Đổi mới cơ chế ở đây cũng có thể là thông qua hình thức đấu thầu như kiểu đấu thầu kịch bản, đạo diễn, ý tưởng sáng tạo, ý tưởng thể hiện… bảo đảm thu hút nhân tài tham gia, phát huy tối đa sự sáng tạo của nghệ sĩ, lựa chọn được các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, thể hiện được tư tưởng của thời đại. Nên chăng, cần nhanh chóng xây dựng những quỹ đầu tư sáng tác do các hội chuyên ngành nghệ thuật quản lý để hỗ trợ tác giả bằng việc trao các giải thưởng; có chính sách hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thủ đô đến với công chúng trong nước và ngoài nước, thực hiện tốt công tác ngoại giao văn hóa. Nhà nước cũng nên đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật để khuyến khích sáng tạo, phù hợp với đặc thù hoạt động; chuyển đổi, giao dự toán ngân sách như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm văn học, nghệ thuật dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình sản phẩm và nhiệm vụ phục vụ”.

Từ thực trạng công tác quản lý các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô, ông Nguyễn Văn Trực – Trưởng Phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội đề xuất nên tập trung thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ và các tài năng văn học nghệ thuật; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển; Đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực cho phát triển; Nâng cao uy tín và giải thưởng của các Hội về văn học nghệ thuật; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật; thu hút các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật…

Có thể nói, gỡ những nút thắt trong quản lý văn học nghệ thuật là việc không mấy dễ dàng có thể triển khai trong ngày một ngày hai, đòi hỏi sự vào cuộc, sát sao của các cấp, các ngành… Có như thế mới có thể để tạo động lực sáng tạo cho các văn nghệ sĩ Thủ đô để họ có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc, “xứng tầm” với vị thế là trung tâm văn hóa, văn học nghệ thuật của đất nước.

Đặng Thủy/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/can-tao-dong-luc-cho-van-nghe-si-sang-tao_257039.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)