1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

“Em và Trịnh”, và…

20/07/2022
Một tháng công chiếu, “Em và Trịnh” không chỉ chiếm lĩnh phòng vé mà còn khiến khán giả xáo động trong những cung bậc cảm xúc đa chiều: Háo hức - dửng dưng; nồng nhiệt - lạnh lùng; sôi nổi - trầm lắng; ngợi ca - hụt hẫng... Liệu có thể coi đó là minh chứng cho sự thành công của bộ phim thứ 2 được sản xuất bằng việc lấy cảm hứng từ nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn?
“Em và Trịnh”, và…
Phim “Em và Trịnh” thắng ở phòng vé với doanh thu 100 tỷ.   Ảnh: NSX
 
Thắng ở phòng vé
Có lẽ, khá lâu rồi mới thấy các rạp ở Hà Nội duy trì suất chiếu cho một bộ phim Việt như “Em và Trịnh” - liên tục từ sáng đến khuya trong cả tháng trời, tất nhiên, tùy vào mỗi khung giờ mà lượng khán giả đông hay vắng. Theo thống kê từ trang boxofficevietnam, đến đầu tháng 7/2022, bộ phim này đạt doanh thu gần trăm tỉ mà dường như đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng.
 
Vậy điều gì đã khiến “Em và Trịnh” có sức hút ghê gớm đến thế? Chắc chắn rằng, từ khá lâu - dễ chừng cũng đã 30 năm - sau bộ phim video đình đám “Em còn nhớ hay em đã quên” (1992) - mới có một bộ phim điện ảnh tiếp tục lấy cảm hứng từ  nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi những hé mở về các bóng hồng xoay quanh Trịnh Công Sơn như Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly, Yoshii Michiko… được tổ chức bài bản trong chiến dịch truyền thông cho bộ phim, kéo dài suốt 3 năm qua. 
 
Riêng với nhân vật Trịnh Công Sơn - một nhạc sĩ tài hoa, luôn làm say lòng người bằng những ca từ độc đáo, giàu chất suy niệm đã có sẵn một lượng khán giả hâm mộ đông đảo, không chỉ là những người tóc đã hoa râm mà cả với thế hệ trẻ hôm nay. Thêm nữa, cuộc đời của một nhạc sĩ sống giữa thời chiến và mang tinh thần phản chiến mạnh mẽ như ông cũng có nhiều bí ẩn, giai thoại đem đến cho khán giả không ít tò mò, suy đoán và cần có những lời giải đáp. Và, khán giả cũng muốn được thấy bóng, thấy hình các nàng thơ của Trịnh Công Sơn, liệu có như những gì họ từng nghĩ, từng tưởng tượng hay không? Thế nên, ngay khi dự án bộ phim này được quảng bá trên báo chí, các trang mạng xã hội, khán giả đã chờ mong, đón đợi. Việc phải ùi lịch công chiếu của nhà sản xuất vì dịch Covid-19 hay không thể ra mắt đúng dịp kỷ niệm 21 năm ngày mất của nhạc sĩ (1/4/2022) lại càng khiến khán giả nóng lòng. Chẳng thế mà, đến khi công bố chính thức ra mắt vào ngày 17/6/2022 nhưng lại chiếu sớm một tuần (từ 10/6), “Em và Trịnh” vẫn đủ sức làm nóng phòng vé khi trong vòng một tuần doanh thu đã đạt khoảng 30 tỷ (theo trang boxofficevietnam).
 
“Em và Trịnh”, và…
Tạo hình trong sáng, tinh nghịch, dễ thương của nhân vật Dao Ánh trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh: NSX
Sức hút của “Em và Trịnh” còn tiếp tục bùng nổ khi những khán giả đầu tiên đến rạp và bắt đầu luận bàn. Từ điểm khen chung về sự đầu tư chỉn chu cho trang phục, bối cảnh, góc máy; dàn nữ diễn viên hóa thân thành các nàng thơ rất xinh đẹp, ngọt ngào, gần với sự hình dung của đại chúng, âm nhạc tuyệt vời (là việc kết nối những ca khúc của Trịnh Công Sơn)… thì “Em và Trịnh” đi giữa hai luồng dư luận: Thích và không thích. Người yêu thích thì cho rằng “Em và Trịnh” có cách kể chuyện mượt mà, giàu cảm xúc; hai diễn viên hóa thân vào nhân vật Trịnh Công Sơn là Avin Lu và Trần Lực khá tròn vai. Còn những người không thích lại lắc đầu ca thán về sự lủng củng, dàn trải, thiếu điểm nhấn của kịch bản phim và nhất là sự thất vọng trước một hình tượng Trịnh Công Sơn cả lúc tuổi trẻ đến khi về già đầy gượng gạo từ ngoại hình, ngôn ngữ đến tâm hồn. Nhất là, khi ca sĩ Khánh Ly hay ca sĩ Thanh Thúy lên tiếng về một số chi tiết không phải là mình thì “Em và Trịnh” càng gây tò mò, hối thúc khán giả đến rạp xem thực hư thế nào, có thật là nhân vật Khánh Ly lại ăn nói bỗ bã, có những cử chỉ thân mật với Trịnh Công Sơn hay nhân vật Thanh Thúy được tạo hình chưa đúng?. Cũng từ đây, phía yêu thích nhanh chóng biện hộ rằng là phim điện ảnh có quyền hư cấu, vậy nên trước khi bước vào xem “Em và Trịnh” thì hãy quên những nguyên mẫu ngoài đời như Trịnh Công Sơn, Dao Ánh, Diễm, Khánh Ly, Yoshii Michiko… Người không thích thì ca thán đã là một phim chân dung về một cuộc đời nghệ sĩ nổi tiếng thì phải đặt tính chân thực lên hàng đầu chứ không nên tùy tiện hư cấu, nhất là có những nguyên mẫu vẫn còn sống và đã lên tiếng phản biện. Và, mặc những hồi tranh luận, “Em và Trịnh” cứ thế tăng doanh thu phòng vé - trở thành phim có doanh thu trăm tỷ đầu tiên trong năm 2022, vượt qua cả những phim phát hành đúng mùa - dịp Tết như “Bẫy ngọt ngào” (chỉ đạt hơn 80 tỉ).
 
“Em và Trịnh”, và…
Phim “Em và Trịnh” gây nhiều tranh cãi.Ảnh: NSX.
 
Buồn trong… mơ hồ
 
Rõ ràng, “Em và Trịnh” thực sự thắng lợi về doanh số tại phòng vé nhưng nhìn về chiều sâu thì dường như sự thắng lợi này chủ yếu dựa vào các chiêu trò: từ việc mượn danh tiếng của người nổi tiếng đến những úp mở thực - hư của phim chân dung tư liệu hay phim điện ảnh hư cấu… nhiều hơn là giá trị nghệ thuật tự thân của nó làm nên. Cũng bởi, sau hơn 2 tiếng đồng hồ xem “Em và Trịnh”, nếu để lắng lại một điều gì đó thì thật khó khi tất cả đều mơ hồ, nông cạn. Về Trịnh Công Sơn ư? Thật tiếc thay khi ở đây khán giả khó có thể cảm nhận một cách rõ ràng về cuộc đời tận hiến cho âm nhạc, cho cái đẹp của ông mà chỉ là những mơ màng, ngẩn ngơ, vội vã si mê đuổi theo các bóng hồng từ thuở thanh tân cho đến khi xế chiều. Cũng thật khó có thể tìm thấy những ẩn ức, những nỗi niềm, những khát khao cháy bỏng cho một cuộc tình, cho một bản tình ca, một áng thơ… của một tâm hồn cao đẹp, phiêu du “sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi”. Trong khi, cái cớ rằng, sự trở lại với mỗi bóng hồng là để lý giải vì sao Trịnh Công Sơn viết “Diễm xưa”, “Mưa hồng”, “Nắng thủy tinh”, “Ngẫu nhiên”, “Tuổi đá buồn”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Hạ trắng”…; hay một Trịnh Công Sơn phản chiến xem ra cũng chưa đạt được khi tất cả đều lửng lơ, nhạt nhòa, không tới nên dễ gợi ra cảm giác các ca khúc đang minh họa lại cho cảm xúc, hành động nhân vật, đôi chỗ lồng ghép chưa khéo, bị trùng lặp, đứt gãy. Đã thế, “Em và Trịnh” tham lam ôm đồm nhiều biến cố của cuộc đời Trịnh Công Sơn và cố gắng đặt trong thời cuộc nên nhiều khi biến cố này vừa mới mở ra đã vội khép lại, khán giả không kịp hiểu, không kịp cảm. Bổ sung thêm vào đó còn là nỗi thất vọng trước Trịnh Công Sơn Avin Lu và Trần Lực vừa không có được hình dáng gần gũi với nguyên mẫu vừa chưa thực sự hóa thân vào vai diễn mà chỉ mang tính minh họa nên bị tuyến nhân vật thứ chính như Dao Ánh, Khánh Ly, Michiko… làm cho lu mờ.
 
Rồi thì, dù rằng ở ngay đầu phim nhà sản xuất đã “cảnh báo” đây là bộ phim lấy cảm hứng từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tiện bề cho việc hư cấu, sáng tạo. Nhưng theo như diễn biến trong phim thì “trục xoay” của câu chuyện được sắp đặt theo từng mốc thời gian quá khứ - hiện tại một cách rõ ràng, cụ thể. Lồng vào đó là đôi ba phút phim tài liệu thời chiến cùng tên gọi các nhân vật hoàn toàn trùng khớp với những nguyên mẫu ngoài đời - nhất là với danh ca Khánh Ly còn thể hiện rõ ràng khá nhiều chi tiết về đời tư của bà. Trong khi đó, nếu xác nhận là hư cấu vậy tại sao không đổi tên nhân vật giống như phim “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Phi Tiến Sơn vốn rất thành công và vẫn đọng lại trong lòng công chúng không ít dư âm suốt mấy mươi năm qua.
 
Vì vậy, “Em và Trịnh” có đủ yếu tố là một phim chân dung tư liệu nên khán giả có quyền được đòi hỏi chính đáng về độ chân thực, sâu sắc; đòi hỏi một tác phẩm nghiêm túc, chuẩn mực, trang trọng về người nhạc sĩ tài danh đã có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Điều đáng nói nữa là, không chỉ khán giả hồ nghi mà đến cả nguyên mẫu ngoài đời cũng phản đối cái sự “phịa” không thể chấp nhận được thì nhà sản xuất làm sao có thể tiếp tục núp mình sau lá bài “phim nghệ thuật nên có thể hư cấu” để bao biện, che đậy cho cái sự non về kịch bản, sự ẩu và làm không tới, sự tham lam, thiếu chuyên nghiệp, thiếu lắng nghe, thiếu cẩn trọng mà chỉ chăm chắm chạy theo lợi nhuận của mình? Dù rằng, cái sự nhập nhèm này có thể cứu cho “Em và Trịnh” thắng lớn ở phòng vé nhưng sẽ là một sự phủ nhận cho những nỗ lực, những điểm cộng đã được ghi nhận của bộ phim cùng với không ít thất vọng trong lòng công chúng. 
 
Công bằng mà nói, điện ảnh của Việt Nam vốn bị điện ảnh thế giới bỏ lại cả quãng xa về tư duy nhưng mỗi khi có tác phẩm mới ra rạp vẫn được khán giả nước nhà đón nhận, cảm thông, cổ vũ, nuông chiều. Nhưng mong rằng đừng vì thế mà một số nhà làm phim chỉ chực giở trò đánh lận con đen, dựa hơi vào tên tuổi của người nổi tiếng, của truyền thông, thiếu tôn trọng khán giả để kiếm lời. Rồi sẽ đến lúc những trò đó bị bóc trần và khán giả sẽ quay lưng…
 
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/em-va-trinh-va%E2%80%A6_273064.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)