1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Lê Văn Ngăn- Thơ như chiếc bóng cuối chân trời

11/10/2019
Mỗi khi có cố gắng về phong cách là có công việc làm thơ. Mallarmé

Mỗi khi có cố gắng về phong cách là có công việc làm thơ.

 Mallarmé

Một trong những người cách tân thơ Việt tài danh là nhà thơ Lê Đạt đã có tập thơ khá nổi tiếng thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình là Bóng chữ (1994), và từng nêu rằng: “Nói rõ chữ nếu không có nghĩa đơn thuần là âm thanh và chữ không có cảm xúc là chữ chết, song trái lại, cảm xúc mà chữ bất cập thì cũng không phải là thơ” . Lê Văn Ngăn (1944-2014) không lý luận, giải thích mà bằng thực tiễn sáng tạo, cũng cùng khuynh hướng sáng tạo thế giới hình tượng nghệ thuật thông qua cái bóng đặc sắc của nó. Hầu như sự nghiệp thơ ca của anh, ngoài một số thơ in báo, anh chỉ có hai tập thơ đều có nhan đề xoay quanh cái bóng đó: Vào một thời im bóng (1972) và Viết dưới bóng quê nhà (2008). Thông thường, người ta lấy một bài thơ tâm đắc nhất, thể hiện tập trung chủ đề để làm nhan đề cho cả tập. Nhưng với Lê Văn Ngăn, cả hai tập thơ đều không có bài nào có nhan đề như thế, thậm chí, đọc lại cả tập thơ tinh tuyển vào những ngày cuối cùng của anh trên giường bệnh, chỉ có năm mươi bài, đã có gần bốn mươi lần anh nhắc đi nhắc lại từ này như luôn có sự hiển hiện khả thị: bóng hình, bóng dáng, bóng người, bóng ngày, bóng đêm, bóng thời gian… mà nhiều nhất là bóng tối. Đọc thơ, có thể nhận ra, hầu hết thơ anh được viết ra trong đêm vắng, cho dù đó là những đêm đi về trong ngõ vắng của căn nhà trọ, những đêm chong đèn thức đợi, những đêm bị săn đuổi, bát bớ, tù đày:

chúng tôi, những kẻ bị săn đuổi trên quê hương mình

ăn những bát cơm trong bóng tối

ly rượu đắng ngày lại ngày

chúng tôi thay phiên nhau uống cho cạn

đô thị, một số anh em chúng tôi đã bán mất linh hồn

tự đem thân chèo thuyền cho chúng hát ca

tự đem thân làm trò múa rối

đô thị, nơi những dải khăn sô bay dưới trời phất phới

nơi những nấm mồ khuya bốc lửa lưu huỳnh

nơi ấy, chúng tôi không còn khí trời mà thở

chúng tôi, những kẻ bị săn đuổi trên quê hương mình

đang đi tìm lời văng vẳng cất lên từ đồng trống

 (Những kẻ bị săn đuổi)

Trưởng thành từ phong trào đấu tranh đô thị, Lê Văn Ngăn từng là thành viên của nhóm Việt, một tổ chức văn nghệ yêu nước của sinh viên Huế thành lập từ năm 1968, mà tiền thân của nó là Hội Hồng Sơn đã ra đời từ năm 1965, từng có thơ in trên tạp chí Việt (số đầu tiên ra vào tháng 8.1968), tờ báo chủ trương “vận động văn học nghệ thuật về nguồn” . Thơ tranh đấu là thơ xuống đường, thường là những lời hô hào, những tiếng nói lớn, nhưng thơ Lê Văn Ngăn thì không hẳn thế, anh chọn cách giãi bày, phân tích, thuyết phục, anh sợ rằng “nay lại ồn ào nói tiếng nói ồn ào / và từ đó, thơ buồn tênh và trống trải” (Đêm khuya và những đêm khuya). Ngay cả khi cần khẳng định truyền thống đấu tranh của quê hương, coi đây là Đất của những người bất phục, anh cũng lập luận có tính chất thuyết giáo như một bậc chân tu:

mặt đất mà trước sự chết, tôi thường tự nhủ

yêu nhau là điều tự nhiên

làm việc là điều tự nhiên

bất phục tùng kẻ nào tước đoạt tự do của người khác

cũng là điều tự nhiên

nhưng nhất định những kẻ vỗ tay cho những nhân danh giả hiệu

 nhất định những kẻ giẫm chân lên những cuộc tình duyên   

nhất định những kẻ đặt vào tay đứa em tôi một khẩu súng thay vì một quyển vở

 không bao giờ là điều tự nhiên

Xuyên suốt hai giai đoạn trong quá trình sáng tác của Lê Văn Ngăn, từ thời tham gia phong trào tranh đấu cho đến những năm hậu chiến, anh đều dành trọn vẹn hồn thơ cho tầng lớp cần lao. Thơ anh, tỏa bóng những con người, ít có những câu, những đoạn tả cảnh, tả tình, mà hầu hết đều thấp thoáng những bóng người, những người lao lực như người phu quét đường, người kéo xe ba gác, người trồng lúa, trồng rau, trồng hoa, những người bán hàng rong, người y tá, người nấu bếp trong nhà hàng, những chị Ba bán bánh mì ở Phan Rang, chị Sáu bán cà phê ở Đà Lạt… có thể nói những người cần lao ướt đẫm mồ hôi, hiền lành như hạt lúa củ khoai, lem lam như ánh sáng những ngọn đèn dầu tù mù, về đứng chật tâm hồn anh, tạo sức sống cho thơ anh vượt qua thử thách của thời gian, khác với điều anh từng thừa nhận một cách khiêm tốn: “tôi biết những bài thơ tôi chỉ sống đôi ngày / chỉ đem lại vài niềm vui mau chóng phai tàn” (Đôi điều thanh thản). Anh tìm thấy trong chân dung những người bình thường, trong đông đảo của thế giới cần lao, đậm đặc những phẩm chất người, những tâm hồn trong xanh như ngọc, lung linh, lay động, tỏa bóng xuống trang thơ:

bây giờ chị còn sống không chị Ba

bao nhiêu năm, dù chưa trở lại mái nhà xưa

tôi vẫn nhìn thấy chị mỗi ngày qua những người lao động bình thường

những người lao động bình thường ấy

không bao giờ tầm thường trong đôi mắt nhìn đời

(Thơ tặng chị Ba ở Phan Rang)

Tất nhiên, cũng như nhiều nhà thơ của xứ Huế, anh viết nhiều về quê hương. Dù đi đâu, ở đâu, trên bước đường tha hương, Lê Văn Ngăn vẫn có hai cột neo giữ như hai đầu của chiếc võng tâm hồn là quê hương và phong trào đô thị, bởi lẽ, hai nơi ấy không chỉ sinh thành tấm thân vật chất của anh mà còn tạo dựng nhân cách và thế giới tâm hồn của thi nhân. Nỗi nhớ quê hương luôn thường trực trong tâm hồn, nhà thơ ví như là Sóng vẫn đập vào eo biển, là tình yêu thiêng liêng, đằm thắm, “quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao / nơi tôi muốn được nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc / chết cho tình yêu / đấy là việc của con người”. Quê hương là dòng sông, chiếc cầu, con đường, là mái nhà, là người mẹ vào ra… Điều này còn trở đi trở lại nhiều lần, lay động tâm hồn anh như một tứ thơ liên hoàn, anh giãi bày không dứt:

Nơi tôi có một mái nhà từ quá khứ

người mẹ đêm đêm thức dậy dưới nền trời sao, nhen lên bếp lửa đầu ngày

nơi anh em, dù lưu lạc nơi đâu, vẫn chờ tiết lập xuân tìm về chốn cũ

nơi mở ra những ngả đường dẫn về người bạn người yêu

nơi sự sống sự chết vẫn nối kết nhau trong dòng đời bất tận

nơi tâm hồn mỗi con người không chỉ giới hạn trong mỗi con người

nơi ấy, dưới vầng sáng của một mối tình lớn lao

tôi thầm gọi quê hương yêu dấu

 (Thư về quê hương)

Một lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ, bao giờ cũng đưa đến một cảm quan nghệ thuật lành mạnh, một quan niệm nghệ thuật xác tín. Như đã nói, cũng như nhiều nhà thơ khác, Lê Văn Ngăn không có những tuyên ngôn, không phải là nhà lập thuyết mà chỉ là người sáng tạo, thông qua thực tiễn sáng tạo, nhà thơ đã thể hiện được quan niệm nghệ thuật của mình, rằng thơ là công việc lao động đẫm mồ hôi, là miếng cơm manh áo, là cuộc sống đích thực của những người lao khổ luôn can dự vào, “xa xôi, tôi vẫn tựa vào quá khứ / để sống cho ra con người / để biết những người chưa bao giờ viết một dòng thơ / vẫn tham dự vào những gì tôi viết”.

Trở lại với vấn đề cách tân thơ Việt, có thể dễ nhận ra trong phong trào đô thị Huế, có ba giọng điệu thi ca lạ, tiêu biểu, gần gủi nhau nhưng mỗi người độc đáo mỗi kiểu không ai giống ai: Ngô Kha, Trần Vàng Sao và Lê Văn Ngăn. Ngô Kha viết theo truyền thống nhưng nội dung mỹ cảm cách tân theo trường phái siêu thực, Trần Vàng Sao và Lê Văn Ngăn viết theo dòng tự sự. Có lần, Trần Vàng Sao đã thừa nhận: đọc Lê Văn Ngăn tôi thấy mình có chút gì trong đó. Nhưng đọc thơ Trần Vàng Sao dẫu sao còn có vần, còn thế giới bóng chữ - bóng thơ của Lê Văn Ngăn hầu hết đều là thơ không vần, thơ văn xuôi. Nhịp điệu và vần điệu phá cách được thi nhân tổ chức sắp xếp theo một qui luật riêng, ngữ điệu riêng, thoát khỏi những niêm luật truyền thông, chậm rải như rót vào tâm hồn con người những tín hiệu thẩm mỹ giản dị, bình thường mà lắng đọng bền lâu:

Trong đêm, người mẹ khẽ hỏi mỗi bài thơ con kiếm được bao nhiêu tiền

và người con trai trả lời tiền chỉ đến với con sau mỗi bài thơ hay

sau khi đã ghi lại nước mắt nụ cười và niềm hy vọng của quê nhà

Trong đêm, người mẹ khẽ hỏi mỗi ngày con làm được bao nhiêu bài thơ hay

và người con ngồi lặng im mãi bên ngọn đèn

và cuối cùng anh ngập ngừng đáp có lẽ cả một đời mẹ ạ

                        (Trong đêm)

Thơ anh là thơ tự sự. Giọng thơ như giọng điệu nói chuyện, kể chuyện, bình thường như ngôn ngữ giao tiếp đời thường, tuy dân dã, nhẹ nhàng nhưng vẫn không thiếu chất thanh cao, quí phái của một tâm hồn Huế. Là đàn em, chơi thân với anh trong nhiều năm của thưở hàn vi, nhất là những năm anh còn làm phóng viên Đài Truyền thanh Huế, rồi nay có dịp đọc toàn bộ thơ anh, tôi bỗng nhận ra, hình như trong đời, Lê Văn Ngăn khó nặng lời với ai, nếu có chút phật lòng cũng không giận ai lâu. Ngay cả những vấn đề xã hội nhức nhối một thời, được anh phơi bày trong thơ, cũng bằng một thái độ chấp nhận, chịu đựng cho riêng mình:

thời đại đang thi đua nói láo có hệ thống

và thù ghét những tiếng nói thật

thời đại của những điều kín đáo nhất được bày biện trên vỉa hè

như những món hàng

trong một tiệm tạp hóa

tôi sẽ cố gắng sống qua thời đại này

không một lời than thở

vẻ đẹp của đời người, nếu không ai chia sẻ với, thì tôi

sẽ giữ kín bên trong cho đến ngày

không còn tôi nữa

                              (Hoàng hôn)

Anh Ngăn ơi! Không biết anh còn giữ kín bao điều chưa nói. Nhưng những điều anh nói ra, gần nửa thế kỷ qua vẫn chưa hết tính thời sự, sẽ còn được người đọc nhắc hoài. Nhớ về anh, xin viết những dòng này, vừa san sẽ nỗi niềm với anh, vừa thay một nén tâm nhang trong ngày giỗ đầu.

Theo tập “Những chân trời xanh thẳm” Phạm Phú Phong/NXB Hội Nhà văn, tháng 12-2018

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)