Huỳnh Minh Nhật
Gọi tháng Tư về
Tháng Tư này, em đã dậy hay chưa?
Hay gió xuân đang còn ru em ngủ
Dậy đi thôi, gọi mưa về phố cũ
Đừng lạnh lùng để lòng phố bơ vơ
Ta chờ em, chờ trong cả cơn mơ
Ta chờ đợi từng cơn mưa rả rích
Trời chuyển mình giã từ xuân nặng trịch
Đón hạ về, và em đó, tháng Tư…
Em lại về để tiễn một người đi
Gió trở chiều, cánh thiên di lưu lạc
Câu yêu thương người vội trao người khác
Khúc tự tình ngơ ngác gợi tình xưa
Gió vợi sầu ru cành lá thoi đưa
Phố chênh vênh một nỗi buồn chưa dứt
Ta lênh đênh tiếng yêu hoài thổn thức
Tháng Tư này, về ôm ấp hồn ta…
Ta tìm em, tìm mãi tháng ngày qua
Chiếc áo trắng lạc giữa ngàn áo trắng
Đâu ngọt ngào nơi cõi tình cay đắng
Thôi ngậm ngùi, lặng lẽ kiếp phù vân…
Lời bình
Thời điểm giao mùa trong năm thường khơi gợi trong lòng người nhiều nỗi niềm suy tư và buồn man mác. “Gọi tháng Tư về” của tác giả Huỳnh Minh Nhật là một sáng tác như thế. Bài thơ là tiếng nói đầy cảm xúc về tháng Tư đầu hạ, ẩn trong đó là những hồi ức khó quên về thời áo trắng học trò và tình yêu đầu một thuở.
Tác giả mở đầu bài thơ bằng tiếng gọi lay thức: “Tháng Tư này, em đã dậy hay chưa?/ Hay gió xuân đang còn ru em ngủ/ Dậy đi thôi, gọi mưa về phố cũ/ Đừng lạnh lùng để lòng phố bơ vơ”. Nghệ thuật ẩn dụ nhân hóa khiến cho cảnh vật cũng mang những thuộc tính của con người. Chủ thể trữ tình gọi mời tháng Tư hãy “Dậy đi thôi” theo bước đi của thời gian và làm thiên chức của mình: không chỉ mang theo nắng, gió mà còn “gọi mưa về phố cũ” để cho lòng người “bớt bơ vơ”, trống vắng. Chủ thể mong mỏi, chờ đợi tháng Tư như chờ đợi người bạn gái thuở nào: “Ta chờ em, chờ trong cả cơn mơ/ Ta chờ đợi từng cơn mưa rả rích…”. Những điệp từ “Ta chờ em” ở đầu hai câu thơ liên tiếp đã thể hiện và khắc sâu thêm niềm nhung nhớ, mong gặp gỡ để được trao nhau tình cảm ấm nồng.
Tiễn xuân đi, đón hạ về, tháng Tư mang theo những làn gió nhè nhẹ miên man, với cái nắng đủ ấm nồng chất chứa bao khát vọng: “Em lại về để tiễn một người đi/ Gió trở chiều, cánh thiên di lưu lạc/ Câu yêu thương người vội trao người khác/ Khúc tự tình ngơ ngác gợi tình xưa”. “Nắng” và “gió”, “em về” và “người đi”, “câu yêu thương” và “khúc tự tình”, tất cả gợi về sự vận hành của không gian và tình cảm sáng trong của tuổi trẻ giàu mộng mơ, đa cảm. Bước đi của thời gian và cảnh vật lúc này “Gió vợi sầu ru cành lá thoi đưa“ khiến chủ thể càng nhớ những rung động đầu đời của tuổi học trò. Chủ thể trữ tình “chờ em” ở khổ thơ thứ hai với niềm hy vọng chứa chan, đến khổ thơ kết là “ta tìm em“ với niềm hoài niệm da diết: “Ta tìm em, tìm mãi tháng ngày qua/ Chiếc áo trắng lạc giữa ngàn áo trắng/ Đâu ngọt ngào nơi cõi tình cay đắng/ Thôi ngậm ngùi, lặng lẽ kiếp phù vân…”. Riêng hai câu này đã có liên tiếp ba từ láy âm: ngọt ngào, ngậm ngùi, lặng lẽ cùng với rất nhiều từ láy khác trong toàn bài (11 từ) và các điệp từ: “Tháng Tư“ (4 lần), “em” (6 lần), “ta” (4 lần) khiến cho thi phẩm vừa giàu chất nhạc vừa gợi cảm. Tất cả đều khơi gợi về những kỷ niệm tháng Tư mùa hạ đầy vương vấn và tình cảm học trò thuở ban đầu tinh khôi, thơ mộng.
Huỳnh Minh Nhật ( Lời bình Nguyễn Thị Thiện)/báo Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/den-voi-tho-hay_258799.html