Sáng 27/11, hơn 1.000 đại biểu trên toàn quốc đã có mặt tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) để tham dự lễ khai mạc “Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX”.
Tại đây, các đại biểu và du khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những gian hàng triển lãm của các làng nghề chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ về Phật giáo.
Nằm ở chính giữa khu vực triển lãm dành cho các làng nghề, gốm Bát Tràng năm nay đem đến một làn gió tươi mới trong các sản phẩm gốm, sứ lấy cảm hứng từ Phật giáo.
Từ thuở khai hoang lập địa, gốm đất nung đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống con người. Gốm đất nung đi vào đời sống một cách tự nhiên, trở thành vật sử dụng như: nồi, vò, bình, chậu, bát, đĩa... và các vật dụng thờ cúng, trang sức, trang trí,…
Sau một thời gian hình thành và phát triển, gốm đất nung đã dần trở thành nghề thủ công, mở ra trang sử gốm của dân tộc Việt Nam cùng thời đại đồ đồng (khoảng 4000 năm trước Dương lịch). Từ đó đến nay, gốm sứ nước ta đã phát triển khá toàn diện. Là tấm gương phản ánh nhiều lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước; lịch sử tư tưởng và nghệ thuật Phật giáo cũng đã được thể hiện thông qua gốm sứ đất nung từ xưa tới nay.
Với chủ đề xuyên suốt là Phật giáo, gian trưng bày gốm Bát Tràng đem đến cho khách tham quan cảm giác thanh tịnh và thư thái với rất nhiều sản phẩm gốm sứ đa dạng: tượng Phật, tranh gốm sứ, chum gốm, bình gốm… tất cả được kết hợp hài hòa tạo nên một không gian trưng bày mang đậm màu sắc tâm linh và văn hóa dân tộc.
Ông Vũ Đình Mạnh - Chủ tịch thương hiệu Không gian Gốm Bát Tràng cho biết, năm nay có rất đông du khách về tham dự sự kiện ngay trong ngày đầu khai mạc, điều đó cho thấy sự quan tâm của mọi người trong việc tìm hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chia sẻ về những sản phẩm gốm sứ tại triển lãm năm nay, ông Vũ Đình Mạnh cho biết, bản thân cốt của các sản phẩm này là từ gốm, nhưng hình tướng thì lại làm theo lối nghệ thuật Phật giáo. Theo đó, nghệ thuật Phật giáo mang trong mình công hạnh của nhà Phật. Triết lý của nhà Phật là trí tuệ và từ bi. Cuộc đời của những vị cao nhân tu hành mang lại lợi ích cho quần sinh thì rất khó để nói lên được hết công hạnh của họ. Nên làm về Phật giáo phải rất kỹ lưỡng, chỉn chu thì mới có được thần thái của nghệ thuật và nội dung.
Năm nay, gốm Bát Tràng có sự khác biệt đó là việc kết hợp cả nghệ thuật với nội dung. Mình dùng chất liệu gốm sứ truyền tải nội dung của văn hóa Phật giáo. Mọi người có thể nhìn từ hình tướng của các vị tổ sư, từ đó sẽ thấy sự đức độ, công hạnh, tài năng và đóng góp cho dân tộc của các vị. Ví dụ như ngài thiền sư Vạn Hạnh đã đưa ngài Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long và phát triển triều đại nhà Lý. Với Vua Trần Nhân Tông - từ một vị Vua “ba lần chống giặc Nguyên - Mông”, xây dựng nên một triều đại nhà Trần hưng thịnh nhưng cuối cùng ngài lại lựa chọn về với cửa Phật và sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm đặc trưng của Việt Nam.
Với những giá trị đó không thể nói hết được bằng lời hay ngôn ngữ mà thông qua nghệ thuật giúp người xem cảm nhận và nghiền ngẫm. Nghệ thuật cũng có thể giúp mọi người thấy ngay nội dung mà mình muốn hướng đến.
Về chật liệu, tất cả các sản phẩm gốm sứ với chủ đề về Phật giáo năm nay hoàn toàn được làm từ nghệ thuật gốm truyền thống. Tất cả các sản phẩm trưng bày tại đây mang trong mình nét đặc trưng, riêng biệt của gốm Việt.
Men gốm tại làng Bát Tràng cũng rất đặc biệt với những dòng men đặc trưng. Để có thể tạo nên những dòng men đẹp và lưu giữ thì những người nghệ nhân trước đây đã phải mất cả ngàn năm học hỏi và tích lũy. Do đó, việc sử dụng các chất liệu truyền thống làm ra các sản phẩm nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa dân tộc luôn là điều mà những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng hướng đến.
Đến với gian triển lãm của gốm Bát Tràng tại sự kiện lần này, du khách sẽ có nhiều cơ hội được trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn nữa về nét đẹp văn hóa Phật giáo kết hợp cùng nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Một số hình ảnh tại gian triển lãm của gốm Bát Tràng: