1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Từ Hôn

26/10/2021
TỪ  HÔN
 
Tác giả: Nguyễn Hoàng Tuấn

NHÂN VẬT:

ÔNG BẢO - Trung tá Công an PCCC đã nghỉ hưu

BÀ VỆ     -   Vợ ông Bảo

NHÂN   -   Đại úy Cảnh sát CNCH, con gái ông Bảo- bà Vệ

DÂN     -    Người yêu của Nhân

CẢNH MỘT

        Phòng khách nhà Trung tá Bảo, đặt bộ bàn ghế.

MC đọc lời dẫn:

          Tiền thân của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH ngày nay là Đại đội cứu hỏa Hà Nội thuộc Phòng Trị an dân cảnh được thành lập tháng 12/1954 với “gia tài” chỉ vỏn vẹn 7 xe chữa cháy của thực dân Pháp để lại sau thất bại ở Điên Biên Phủ và gần 60 cán bộ, chiến sĩ. Đó là lực lượng cứu hỏa chính qui đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Ngày 01/01/1955, Đại đội cứu hỏa Hà Nội nhận nhiệm vụ cử một tiểu đội tham gia bảo vệ lễ đài Ba Đình trong cuộc mít ting nhân dân chào mừng Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiểu đội cứu hỏa vinh dự được Bác Hồ bắt tay từng người và Bác có thư chúc Tết, lời thư của Bác trở thành mục tiêu cho Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH phấn đấu đến ngày nay: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các cháu thất nghiệp nhưng phải tích cực học tập”.

          Ngày 04/ 10/ 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh “Qui định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC”. Sự kiện này mở ra trang sử mới cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Ngay sau khi pháp lệnh được ban hành, lực lượng Cảnh sát PCCC xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy toàn miền Bắc, từ Cục PCCC ở Trung ương đến các đơn vị PCCC cấp tỉnh.

          Năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, Bộ Công an phối hợp với Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho các quân khu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, dân quân tự vệ địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ PCCC ở cơ sở. Từ đây công tác PCCC trở thành nhiệm vụ quan trọng của dân quân tự vệ trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của địch.

          Ngày 22/ 09/ 2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 5490/ QĐ/ BCA- X11 về việc xác định ngày 04/ 10/ 1961 là Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC”.

          Năm 2010, lực lượng Cảnh sát PCCC chính thức được Bộ Công an giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Ngày 22/ 02/ 2021, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 1036/ QĐ- BCA về việc xác định ngày 04/ 10/ 1961 là Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH.

          Trải qua 60 năm hoạt động và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH luôn nêu cao tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; sự ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng trong thời bình. Quá trình hoạt động, các lực lượng PCCC đã có gần 20 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại.

Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng Cảnh sát PCCC không ngừng lớn mạnh, tổ chức công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao, trung bình hàng năm số lượng tài sản được cứu trị giá trên 3.000 tỉ dồng và hàng trăm tính mạng người dân.

Cùng với phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng sâu rộng, việc triển khai qui chế dân chủ cơ sở, xây dựng điển hình tiên tiến, mô hình cụm dân cư, cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC đã đạt những kết quả ngoài mong đợi với trên 65.000 đội PCCC cơ sở và dân phòng gồm hàng triệu hội viên. Hằng năm lực lượng này đã phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời trên 60 phần trăm tổng số vụ cháy.

          Hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH với trái tim tràn đầy nhiệt huyết, lòng tận tụy hy sinh, tận tâm phục vụ, sẳn sàng hy sinh cả bản thân mình để lao vào nơi nguy hiểm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân đã để lại ấn tượng tốt đẹp, khắc sâu trong tâm trí, trái tim mọi người, được xã hội vinh danh là “người hùng” hay “vị thần cứu mạng”, lan tỏa một nhân cách \sống đẹp “Vì mọi người”, thắp sáng niềm tin trong cuộc sống.
                   -------------------------------------------
BÀ VỆ  –              (vào) Chà! Hôm nay là Ngày truyền thống 60 năm Lực

Lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, bố con ông ấy đi dự lễ về sẽ vui như tết. Lát nữa ông ấy về lại huyên thuyên ôn lại truyền thống và cái quá khứ là lính cứu

hỏa cho mà xem (lại ghế ngồi). (thở dài, tặc lưỡi) Nhà không có con giai chỉ có mỗi mụn con gái mà ông ấy cũng khuyến khích nó nối nghiệp cha, bây giờ là nữ Đại úy cứu nạn, cứu hộ suốt ngày trèo tường, đu dây… 40 tuổi đầu chưa chồng con gì cả. Tội nghiệp con bé…

NHÂN  -                        ( vào, mặc đồng phục công an) -  Con chào mẹ! (đi luôn ngang mặt bà Vệ).

BÀ VỆ -              (gọi giật lại) – Nhân! Hôm nay đại lễ mừng 60 năm Ngày truyền thống của ngành PCCC & CNCH, hai bố con đi dự lễ sao không vui lại buồn thế. Có chuyện gì xảy ra à, lại đây ngồi nói mẹ nghe!

NHÂN  -               (lại ngồi cạnh mẹ) – Đi dự lễ thì vui lắm chứ mẹ, nhân dịp này con còn được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua nữa đấy. Con có một chuyện đang suy nghĩ, băn khoăn…

BÀ VỆ   -              Chuyện quan trọng gì mà con phải băn khoăn? Con gái mẹ mạnh mẽ, tính tình dứt khoát lắm kia mà!

NHÂN -                (ngập ngừng) Con tính, tính… xin chuyển ngành mẹ ạ, nhưng con sợ bố…

BÀ VỆ -                 (giật mình, sửng sốt) Con nói sao? Con đang công tác tốt, được đồng nghiệp quí mến, con là niềm tự hào của bố, sao lại muốn chuyển ngành? Con mà chuyển ngành thì bố con nổi điên rồi phát bệnh phải nhập viện mất!

NHÂN   -             Nhưng nếu con không chuyển ngành thì…

BÀ VỆ  -               (âu yếm vuốt tóc Nhân) -  Mẹ biết rồi, con chuyển

ngành vì tình yêu phải không? Lần trước, khi biết con là nữ cảnh sát cứu nạn, cứu hộ, gia đình anh người yêu của con lo sợ con sẽ hy sinh khi cứu người, còn anh ta thì hèn yếu không dám bảo vệ tình yêu, cuối cùng con phải dứt khoát chia tay.

NHÂN  -                (giọng buồn) Đúng thế mẹ ạ. Anh người yêu hiện nay cũng đã cầu hôn, nhưng anh ấy chưa biết con là nữ cảnh sát cứu nạn, cứu hộ, nếu anh ấy biết thì chắc cũng sẽ rút lại lời cầu hôn như anh lần trước thôi, nên con có ý định chuyển ngành để nhận lời cầu hôn…

BÀ VỆ  -              Tội nghiệp con tôi, thời trẻ muốn cống hiến nên không lập gia đình vì sợ ảnh hưởng đến công việc, đến khi muốn lập gia đình thì không còn trẻ, khó tìm được người đồng cảm để kết hôn, bố mẹ thì đã già… Con chuyển ngành để lập gia đình là phải rồi, chỉ sợ bố con…

NHÂN  -              Vâng. Chính vì thế mà con băn khoăn…

BÀ VỆ  -              Chuyện này gay đấy, khó mà thuyết phục được bố con. Hôm nay ông ấy vui, chốc nữa ông ấy về mẹ con

                             mình thăm dò ý kiến rồi tùy cơ ứng biến xem sao!

NHÂN -               Vâng ạ!

ÔNG BẢO  -        (vào, mặc quân phục) Vui quá bà Vệ ơi!

BÀ VỆ  -               (khều Nhân) Chuẩn bị tinh thần nhé. (Nhân gật đầu).

ÔNG BẢO  -        (mặt tươi tỉnh, đến ngồi cạnh bà Vệ) Hôm nay kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, đơn vị tổ chức hoành tráng, có cả đồng chí trên Bộ về dự bà ạ! Nhà ta là gương điển hình 3 đời là chiến sĩ PCCC & CNCH, tôi được mời thay mặt các đồng chí lão thành lên phát biểu. Bà thấy hãnh diện không?

BÀ VỆ  -               (nguýt chồng) Trung tá Bảo lúc nào mà chả hãnh diện. Tôi biết tỏng cả rồi. Ông lại ôn những chiến công hiển hách của ngành PCCC để lên giây cót tinh thần cho lớp trẻ chứ gì. Ở nhà thường ngày ông cũng nói mãi về truyền thống của ngành đến mẹ con tôi cũng thuộc lòng.

ÔNG BẢO  -         (tự hào) Đúng thế. Mỗi người chúng ta không được phép quên công ơn cống hiến và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng PCCC & CNCH. (hăng hái, sôi nổi) Bà nhớ không? Ngày 29/ 6/ 1966, không quân Mỹ tập trung đánh phá Hà Nội, mục tiêu chính là tổng kho xăng dầu Đức Giang phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ Công an chỉ đạo, Cục PCCC phải trực tiếp chỉ huy, huy động lực lượng các tỉnh lân cận và điều chuyên gia giàu kinh nghiệm đến phối hợp chữa cháy. Lúc ấy ta chưa có bọt chữa cháy, các lực lượng chữa cháy phải làm việc trong môi trường nguy hiểm đầy đe dọa với nguy cơ các bể xăng có thể nổ tung và máy bay Mỹ có thể quay lại oanh tạc bất cứ lúc nào. Nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm không sợ hiểm nguy, cuối cùng đám cháy được dập tắt, cứu được gần 25 triệu lít xăng dầu.

NHÂN  -                Con nhớ rồi, với thành tích chữa cháy ấy, ngày 3/8/1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi lực lượng PCCC Thủ đô, trong đó có 4 điều Bác dạy trở thành kim chỉ Nam cho lực lượng Cảnh sát PCCC… (Nhân bước ra khỏi chổ ngồi, mắt hướng ra xa):

Một là phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn. Hai là phải thường xuyên thật sẳn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Ba là phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy và chữa cháy. Bốn là phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các
đồng chí

(Nhân trở lại ghế ngồi).

BÀ VỆ -               (nói với ông Bảo) Ông Bảo này, bố ông cũng là lính cứu hỏa và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Ông rất tự hào về người cha của mình và quyết tâm nối nghiệp cha.

ÔNG BẢO  -         (bùi ngùi) – Tôi cảm ơn bà luôn nhớ về người cha của tôi. (vui vẻ, hăng hái) Bà biết không, trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng cảnh sát PCCC chúng tôi còn nghiên cứu, chế tạo trên 5.000 bom, vũ khí gây cháy nổ phục vụ đánh kho tàng, hậu cứ của địch nữa đấy nhá!

                                      Khi bước vào cuộc Tổng tấn công giải phóng miền Nam, lực lượng cảnh sát PCCC đã theo sát quân chủ lực vào tiếp quản các đô thị, kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp PCCC, bảo vệ kho tàng, tài sản, ổn định an ninh trật tự cho nhân dân. Tháng 3/ 1975, Thừa Thiên- Huế được giải phóng, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chỉ đạo cán bộ vào tiếp quản thành phố Huế và thành lập Phòng Cảnh sát PCCC Bình Trị Thiên. Ngày 30/ 4/ 1975, đoàn cán bộ Công an Hà Nội phối hợp với lực lượng PCCC được chi viện trước đó tiếp quản Sở chữa cháy Sài Gòn- Chợ Lớn và thành lập Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Sài Gòn…

NHÂN   -             Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước gặp  nhiều khó khăn về nhiên liệu, nhưng lại liên tiếp xảy ra các vụ cháy hầm lò khai thác than, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm vì thiếu phương tiện, trang thiết bị đặc chủng. Nhưng với sự sáng tạo, ứng dụng khoa học kỷ thuật nên lực lượng cảnh sát PCCC đã dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy hầm lò lớn, đưa mỏ than trở lại hoạt động ngay sau đó. Điển hình như các vụ chữa cháy mỏ than Vàng Danh sâu trong lòng đất ở Quảng Ninh hay mỏ than Ngọc Kinh ở Đà Nẵng, lực lượng chữa cháy đã có sáng kiến dùng khói bom napan để dập lửa…

BÀ VỆ -                (nói với Nhân) Những năm tháng ấy cả nước bước vào thời kỳ khôi phục phát triển kinh tế, lực lượng cảnh sát PCCC của bố con căng mình vừa củng cố xây dựng lực lượng cho các tỉnh phía Nam, vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCCC, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ an toàn cho các kho tàng, cơ sở kinh tế và tham gia chữa cháy, bố con đi công tác dài ngày suốt, bỏ mẹ ở nhà một mình với cái thai con trong bụng…

NHÂN  -              Bước sang giai đoạn đất nước phát triển kinh tế như hiện nay, lực lượng PCCC có thêm lực lượng cứu nạn, cứu hộ, họ cũng dũng cảm, xả thân lao vào nơi nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản tạo được niềm tin với nhân dân, góp phần vào sự bình yên của xã hội.

ÔNG BẢO -        Bố rất tự hào về con! Đời bố như vậy là viên mãn, chỉ còn mỗi mong ước cuối đời là sớm có chàng rể để có cháu ngoại sau này nối nghiệp nhà ta.

BÀ VỆ  -               (chớp cơ hội) Thì người yêu của nó cũng đã cầu hôn rồi đấy. Nó đang định xin ông cho nó, cho nó…chuyển ngành để lấy chồng. Cưới xong thì ông có cháu ngoại ngay chứ gì!

ÔNG BẢO  -        (nhổm người) Bà nói gì? Chuyện chồng con thì có liên quan gì đến nghề nghiệp cứu nạn, cứu hộ của nó mà phải chuyển ngành?

BÀ VỆ  -               (nguýt chồng) Sao lại không liên quan! Ông không nhớ lần trước hai đứa cũng yêu thương nhau, nhưng gia đình anh kia không chịu cưới chỉ vì nó làm cái nghề nguy hiểm cứu nạn, cứu hộ à?

ÔNG BẢO  -         (trừng mắt) Vớ vẩn. Con gái mình nó xinh đẹp, là sĩ quan gương mẫu, chiến sĩ thi đua chứ có phải thường đâu mà lo không kiếm được chồng!

BÀ VỆ  -               (nạt) Kiếm đến bao giờ? Con nó đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp PCCC & CNCH của nhà ông rồi, nay nó đã 40 tuổi còn già kén kẹn hom sao, nếu lấy chồng muộn nữa làm sao sinh con để nối nghiệp nhà ông? Ông phải cho nó chuyển ngành để có một gia đình hạnh phúc như người ta!

ÔNG BẢO  -        (nổi giận) Con với chả cái. Thời chiến tranh, bao nhiêu người phụ nữ hy sinh tình riêng cho sự nghiệp cách mạng, còn bây giờ hôn nhân mới gặp khó khăn tí là kêu giời, yêu sách. Ở đâu ra cái chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân quên đi sự nghiệp vẻ vang thế?

NHÂN -                (đứng dậy rời khỏi bàn) Mỗi thời mỗi khác bố ạ! Con rất tự hào được nối nghiệp bố, ông nội. Nhưng bố ơi, dẫu thế nào con cũng là con gái, con cũng muốn được yêu thương, có một gia đình hạnh phúc để hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Sự nghiệp cứu nạn, cứu hộ đã có thế hệ trẻ kế thừa, các em, các cháu bây giờ còn giỏi hơn các thế hệ đi trước bố ạ!

ÔNG BẢO           (quát) Tôi nói cho mẹ con cô biết nhá. Truyền thống gia đình này ba đời làm lính cứu hỏa luôn là chân lí! Cô chuyển ngành là phá vỡ truyền thống, chân lý ấy!

(Tiếng chuông điện thoại reo, Nhân bước ra xa bố mẹ nghe máy)

NHÂN  -              Alô... Vâng, em đến ngay đây ạ. (quay người lại nói với bố mẹ) Thôi, bố mẹ đừng cải nhau chuyện của con nữa! Con xin phép bố mẹ, con đi đây…

BÀ VỆ  -              Con đi đâu thế?

NHÂN  -              (nén cảm xúc)  Con đi…Con đi…Đi từ hôn mẹ ạ! (Chạy đi).

(Bà vệ, ông Bảo sửng sờ nhìn nhau)
                                      -------------------------------------------
CẢNH_HAI:

Công viên, đặt ghế ngồi

DÂN  -                   (vào, mặt hớn hở, tay cầm hoa, đến ghế ngồi, đặt bó hoa bên cạnh, thì thầm) Hôm nay là ngày quan trọng nhất đời mình!

NHÂN  -               (vào, mặc váy, đứng lại, thì thầm) Biết nói thế nào cho anh ấy đừng thất vọng nhỉ? Khó nói quá…

DÂN  -                  (thấy Nhân, vui mừng) – Ơ… người yêu của anh đến rồi! (cầm hoa đến trước mặt Nhân) Anh tặng em. (Nghiêng đầu ngắm) Hôm nay Nhân xinh quá, mẹ anh mà thấy em xinh đẹp thế này sẽ cưới em về làm dâu gấp thôi!

NHÂN  -               (mặt lạnh lùng): Em cám ơn anh!

DÂN  -                 (nhíu mày) Mình hẹn hò mà sao em không vui thế? Có chuyện gì xảy ra vậy?

NHÂN  -               (buồn) Sắp có bão anh ạ!

DÂN  -                  (ngạc nhiên) Nhân nói gì ghê thế, anh không hiểu! (nắm tay Nhân đến ngồi ghế) Thôi lại đây ngồi rồi chuyện bão bùng gì đấy nói anh nghe. Hôm nay anh cũng có một cơn địa chấn dành cho em!

NHÂN   -             Em sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện rồi sau đó sẽ nói với anh một điều quan trọng mà em đã suy nghĩ rất nhiều mới quyết định…

DÂN   -                Em nói đi!

NHÂN  -                (nắm tay Dân) – Anh Dân đã từng thấy những người lính PCCC & CNCH lao vào nơi nguy hiểm cứu người chưa?

DÂN   –                 Giời ơi, em cứ làm như anh là trẻ con. Nói cho biết nhá, người yêu em chẳng những thấy mà nhiều lần còn tham gia chữa cháy và cứu người tai nạn nữa đấy! Xã hội xem những người lính PCCC & CNCH như những người hùng thời đại!

NHÂN  -               (mặt chùng xuống) Vâng. Những người lính PCCC & CNCH họ thật sự là những anh hùng. Điển hình như vụ cháy ngôi nhà 5 tầng ở phố Núi Trúc, quận Đống Đa, Hà Nội ngày 10/09/2019, khi lực lượng PCCC & CNCH của quận Đống Đa và quận Ba Đình phối hợp đến hiện trường thì ngọn lửa đã bốc cao. Có 3 nạn nhân mắc kẹt bên trong ngôi nhà, 2 người được giải cứu, nạn nhân còn lại là Nguyễn Hoàng Giang bị ngạt khói ở tầng 4 được Đại úy Nguyễn Trung Hiếu sơ cứu, nhường bình oxy, còn Trung úy Vũ Ngọc Hoàng thì cõng nạn nhân, nhưng do lối đi nhỏ hẹp lại chất đầy đồ đạc nên anh phải cởi bỏ hết đồ bảo hộ mới cõng nạn nhân đi được. Băng mình trong khói bụi, xuống đến tầng dưới đồng chí Hoàng kiệt sức không nhấc nổi chân, nhưng trước sự sinh tử của nạn nhân, anh dùng hết sức lực còn lại cõng đưa nạn nhân ra cửa đưa lên xe cấp cứu.

Vụ cháy đó, hình ảnh người lính cứu hỏa thân thể mặt mũi nhuộm đen khói bụi cõng người vượt ra khỏi đám cháy khiến ai chứng kiến cũng xúc động và cảm phục. Còn người cha nạn nhân sau đó nói những chiến sĩ PCCC & CNCH chính là thần hộ mạng đã cứu con tôi như một phép màu.

DÂN -                  Lúc còn ở Sài Gòn, anh chứng kiến vụ cháy chung cư Carina Plaza ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh 23/03/2018 cũng tương tự. Ngọn lửa xuất phát từ tầng hầm, luồng khói độc xộc lên các tầng trên. Nhiều người thức giấc hoảng loạn tìm cách thoát thân, nhưng có 13 nạn nhân đã không may mắn chết ngạt và mấy chục người bị thương.

                                      Ấn tượng sâu sắc nhất với mọi người là Đại úy Trần Tuấn Thành đang cùng đồng đội chữa cháy nhưng anh phải rời chung cư vì bị bỏng nặng, đôi tay anh lớp da gần như bị lột hoàn toàn, nhưng anh không quan tâm mà chỉ lo cho sự sinh tử của nạn nhân và đồng đội, anh cứ dăm đăm nhìn vào đám cháy với ánh mắt đầy lo lắng khiến ai cũng bồi hồi xúc động và cảm phục, nhiều người không cầm được nước mắt!

NHÂN -               Vâng, những người lính PCCC & CNCH khi thi hành nhiệm vụ họ không nghĩ đến bản thân mình anh ạ! Nửa đêm ngày 14/10/2015, hỏa hoạn xảy ra ở khu nhà xưởng cụm làng nghề Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Khi lực lượng PCCC & CNCH huyện Thường Tín và quận Hoàng Mai đến nơi thì đám cháy đã lan rộng, thiêu rụi gần 1.000 m2 nhiều nhà xưởng.

                                      Quá trình chữa cháy có hai đồng chí bị thương. Trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Quang cầm lăng chữa cháy bị dòng nhựa nóng từ trong xưởng tái chế nhựa chảy ra bao quanh chổ đứng gây bỏng nặng. Anh được đồng đội giải cứu, khi cởi bộ đồ bảo hộ anh đang mặc thì cởi đến đâu da lột ra đến đấy, từ chân lên đến lưng rồi cả đôi tay. Đồng chí Quang trở thành thương binh loại A khi tuổi đời mới 20...

Không thể kế hết những tấm gương hy sinh của người lính PCCC & CNCH. Và anh biết không, trong số những người lính làm công việc cứu nạn, cứu hộ đầy nguy hiểm có thể hy sinh tính mạng ấy của lực lượng PCCC có cả những cô gái. Họ cũng dũng cảm, kiên cường, sẳn sàng hy sinh cả bản thân mình khi làm nhiệm vụ chẳng kém gì nam giới, họ được đồng nghiệp tôn vinh là “những bông hồng thép”. Thân thể, bàn tay, dáng đi của họ không mượt mà uyển chuyển như những cô gái văn phòng. (ngước nhìn Dân) Đó là câu chuyện em muốn kể, còn bây giờ là điều quan trọng em muốn nói với anh…

DÂN -                  Chuyện của anh mới quan trọng hơn chuyện của em, để anh nói trước!

NHÂN  -               (mắt rưng rưng, nói như hét) – Không! Chuyện của

                             em quan trọng hơn, em nói trước! …

DÂN  -                   (đặt tay lên hai vai Nhân, nói lớn) Nhân, em nghe này! Em không cần phải nói nữa, vì anh biết điều quan trọng em muốn nói là gì rồi!
 
NHÂN  -              (nhìn sửng, nói lớn) – Anh nói dối! Làm sao anh

biết được em muốn nói với anh điều gì?
                 
DÂN  -                  (nhìn trìu mến, cười mĩm) – Anh biết chứ! Điều quan

trọng mà em muốn nói là em sẽ… từ chối lời cầu hôn của anh, đúng không? (nhướng mày, đắc ý).

NHÂN  -              (ngạc nhiên) Ơ… Đúng thế! Sao anh biết?

DÂN  -                  (cười, lên mặt) Nói cho em biết nhá, anh còn biết em cũng chính là… một “bông hồng thép” và nhà em có truyền thống 3 đời là chiến sĩ PCCC & CNCH. Hôm nay em hẹn gặp anh để kể cho anh nghe câu chuyện về nghề nghiệp của em rồi… từ chối lời cầu hôn của anh. Bởi vì em lo sợ anh cũng giống như anh người yêu lần trước của em sẽ bỏ của chạy lấy người chỉ vì em làm cái nghề nguy hiểm. (dí ngón tay vào trán Nhân) Đúng không cô đại úy ngốc nghếch của anh? (Nhân ngẩn người).

NHÂN  -              Anh nói cứ như cảnh sát hình sự phán quyết ấy, đúng như vậy. Sao anh điều tra được lý lịch gia đình em?

DÂN -                   Bật mí cho em biết, mẹ anh và bố em cùng sinh hoạt trong tổ các cụ hưu trí. Khi anh báo cho mẹ biết anh muốn cưới em làm vợ, mẹ anh đi xác minh lý lịch và biết em là con gái của Trung tá Bảo, mẹ anh khai thác, bố em “khai báo” tất tần tật lý lịch 3 đời nhà em.

NHÂN  -              (buồn, ngoảnh mặt đi) Hóa ra là vậy. Nếu anh đã biết hết tất cả rồi thì mình…mình…chia tay nhau nhé!

DÂN  -                 (kéo Nhân quay mặt lại, cười) Ớ, sao lại chia tay, ngược lại đấy! Khi biết em cũng là cô thiếu tá cảnh sát CNCH anh cảm phục và càng quyết tâm cưới em làm vợ! (quì xuống, móc túi lấy hộp nhẫn cưới đưa lên, khẩn khoản) Nhân này… Làm vợ anh nhé!

NHÂN  -              (sửng sốt, lắp bắp) Anh Dân… Anh nói gì?! (Mở to mắt, xúc động) Anh… Anh vẫn quyết định cầu hôn em thật ư?!

DÂN  -                 (gật đầu) Hôn nhân là chuyện quan trọng, sao anh dám đùa! Em đồng ý làm vợ anh nhé!…

NHÂN  -              (xúc động, lắp bắp) Bất ngờ quá… (đưa tay lên ngực) Em... Em đồng ý!

                             (Dân vỡ òa, đeo nhẫn cưới, dứng dậy nắm tay Nhân)

DÂN -                  Anh cảm ơn em đã nhận lời cầu hôn của anh. Chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc và những đứa con thật xinh đẹp nối nghiệp người mẹ đáng yêu của nó!

                             (Nhân ngã đầu vào ngực Dân hạnh phúc)
 
Tác phẩm tham dự “Cuộc vận động sáng tác VHNT về lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH”
 
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/tu-hon_269612.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)