1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Ngày 30 Tết

17/02/2022
Ngày 30 Tết
 
Trước đây, trong nhiều thế kỷ, người Việt chỉ dùng âm lịch tính theo chu kỳ hoạt động của mặt trăng. Lịch âm có đủ các tiết trong năm để nhà nông theo đó mà gieo cấy nên còn gọi là nông lịch. Trong đời sống, mọi việc hệ trọng từ hội hè, đình đám đến việc dựng nhà, cưới hỏi đều nhất nhất theo âm lịch. Một năm âm lịch có 12 tháng, người Việt gọi thứ tự các tháng theo số từ tháng hai đến hết tháng mười, còn hai tháng cuối năm, sau tháng mười là tháng một, tháng Chạp. Tháng đầu tiên của năm sau gọi là tháng Giêng. “Tôi chưa thấy ai là người Việt chân chính - cổ truyền lại gọi sau tháng mười là tháng mười một” (GS. Trần Quốc Vượng).
 
Tháng Chạp là tháng nông nhàn, vì khi đó, việc gặt hái đã xong, có thời gian nhắc nhở cháu con nhớ về viễn tổ. Theo lệ cũ, người xưa chỉ cúng giỗ, có ngày - tháng - năm mất đến đời thứ 5, sau đó người ta đem chôn bài vị, vì thế dân gian có câu: Ngũ đại mai thần chủ. Từ đời thứ 6 trở lên, cháu con xa gần tụ tập về chính quán vào tháng giáp Tết để sửa sang phần mộ. Công việc thiêng liêng này gọi là lạp mả, sau nói chệch là chạp mả và để cho gọn người ta liền gọi tháng đó là tháng Chạp. Trong ngày đại lễ, cháu con sắm lễ vật tế lễ tổ tiên và ăn uống linh đình. Người xưa nhận thức rằng, chăm lo âm phần là việc hệ trọng, đó là thể hiện rõ ràng lòng hiếu nghĩa: Người ta sống về mồ về mả chứ ai sống về cả bát cơm. Từ ngày 23 tháng Chạp, sau lễ Táo quân lên chầu trời, trước và sau Tết Nguyên đán một tuần (14 ngày), người ta đều gắn vào phía sau chữ Tết. Ngày mồng 7 tháng Giêng là lễ khai hạ (mừng đón một chu kỳ làm ăn mới). 
 
Trong năm, có bốn mùa tám tiết, do biến đổi ngôn ngữ, sau chữ tiết đọc chệch ra thành Tết. Trong các tiết của năm, buổi sáng đầu năm mới (mồng một tháng Giêng - Tết Nguyên đán) là to nhất, dân gian gọi là tết Lớn, tết Cả. 
 
Trong An Nam phong tục sách Mai Viên Đoàn Triển kể vào đầu thế kỷ XX: “Ngay từ giữa tháng Chạp, người đi xa lục tục trở về quê quán, may sắm quần áo, quét dọn vườn tược. Đàn ông đàn bà ăn mặc tề chỉnh đi chợ huyện chợ phủ mua vàng mã, tranh giấy, hoa giấy, hương nến cúng gia tiên gọi là đi chợ Tết. Người ta còn mua câu đối đỏ dán lên tường, nhà khá giả đem trầu cau đến nhờ ông Cử, ông Nghè xin chữ. Ngày tất niên, lấy một cây tre tươi để cả ngọn và lá trồng trước sân gọi là cây nêu. Vì tục ta tin rằng, vào dịp Tết, quỷ từ biển vào đất liền quấy nhiễu dân gian và tìm cách cướp đất của người. Người ta trồng cây nêu để xua đuổi và không cho chúng vào nhà quấy nhiễu. Trên ngọn nêu treo cái khánh, gió rung sẽ phát ra tiếng kêu, nhắc quỷ nghe mà tránh. Túm lá dứa, cành đa để dọa quỷ. Rắc vôi quanh đất nhà và vẽ cung tên dưới chân cây nêu để cấm cửa quỷ. Tán tròn dán giấy đỏ treo trên ngọn nêu tượng trưng áo cà sa của đức Phật. Cành lá vạn tuế và tiền vàng trên cây nêu có ý nghĩa cầu mong thọ lộc cho gia chủ. Cứ theo lệ ấy, về sau, vào ngày 30 Tết, các gia đình đều dựng cây nêu trước nhà, vẽ cung tên và rắc vôi bột để ngăn chặn quỷ dữ”. 
 
Ngày 30 Tết
Dựng cây nêu ngày Tết (tranh mộc bản in trong sách Kỹ thuật của người An Nam  do Henri Oger chủ trương thực hiện năm 1908 - Ảnh tư liệu
 
Để no ba ngày Tết, trước Tết từ mấy tháng, nhà này nhà kia rủ nhau đụng lợn. Nhà khá đụng một chân (một phần tư), có người đụng một nửa. Từ bốn năm giờ sáng ngày 30, làng trên xóm dưới đã thấy tiếng lợn kêu eng éc. Khi thịt lợn xong, mỗi nhà lọc ra chỗ thịt nạc ngon nhất để giã giò. Phần thịt mỗi nhà chỉ dăm bảy kilôgam nhưng người ta cũng khéo léo cuốn giò lụa, giò mỡ… để mâm cỗ sáng mồng một Tết có đủ giò nem ninh mọc. Trong lúc các ông đi thịt lợn thì các bà các cô ở nhà đãi gạo đãi đỗ, rửa lá dong để đến xế chiều, khi có thịt lợn làm nhân bánh, người lớn trẻ con quây quần bên cái nia, cái nong cùng gói bánh chưng. Trẻ con háo hức chờ những đồng bánh chưng con mà ông và bố gói riêng cho mình. Chúng háo hức chờ cho đến tận giao thừa, khi tiếng pháo nổ vang khắp xóm, cũng là lúc chúng nhận được đồng bánh vừa luộc xong thì mới lăn ra ngủ.
 
Vào buổi chiều 30 Tết, dù tíu tít đến mấy, người chủ gia đình vẫn áo the khăn xếp, đem một thẻ hương ra nghĩa địa làng, thắp hương mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Từ đó, trong những ngày Tết, những người đã mất đều ngự cả ở trên ban thờ, vì thế mà trong những ngày này, ban thờ lúc nào cũng có đèn hương. Khách đến nhà chúc Tết, dù là con cháu trong họ hay bạn bè, khi vừa bước chân vào nhà, đến thẳng trước ban thờ vái ba vái để lễ người đã khuất, sau đó mới mừng tuổi và nói lời chúc tụng các thành viên trong gia đình. Trước đây và hiện nay, nếu ai để ý sẽ thấy hai góc ban thờ của nhiều gia đình có dựng hai cây mía, lá còn xanh. Mía cây được mua ở các chợ quê từ trước hoặc ở thành phố đi đón giao thừa người ta mới mua thay cho cây lộc. Màu xanh của lá tạo sức sống mới cho ngôi nhà, còn sự ngọt ngào của mía đem lại hạnh phúc cho gia chủ. Vượt lên ý nghĩa vừa nêu, người xưa gọi cây mía là gậy ông vải. Sau lễ hóa vàng, gậy để những người đã khuất gánh những lễ vật mà cháu con biếu trong những ngày Tết trở về cõi âm, đồng thời cũng để đánh lại ma quỷ khi chúng giở trò ăn cướp trên đường đi. 
 
Với những ý nghĩa đó, ngày 30 Tết đã trở thành ngày thiêng liêng và bận rộn nhất trong năm. Những nét xưa đầm ấm tình người được cha ông gìn giữ, đến nay vẫn là kỷ niệm đẹp của bao người dân Việt. 
 
Giờ đây, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, người dân không còn phải quá bận cho ngày 30 Tết nữa, nhưng ý nghĩa sâu xa của ngày 30 không có gì thay đổi. Đó là ngày để con cháu nhớ về nguồn cội, tỏ lòng thành kính, báo hiếu tổ tiên, đúng như nội dung một câu đối xưa đã viết:
 
Bát tiết tứ thời xuân tại thủ
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên
Nghĩa rằng:
 
Một năm (trong trời đất) có bốn mùa tám tiết thì mở đầu là mùa xuân;
Người ta (trong cõi đời) có trăm đức hạnh thì lấy báo hiếu làm đầu.
https://nguoihanoi.com.vn/ngay-30-tet_271176.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)