1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Mưa xuân

17/02/2022
Mưa xuân
 
Tôi mười bảy tuổi, ở “rừng” về vội vã hít lấy, hít để cái không khí của phố xá như người ta hay gọi là “giải ngố”. Sáng mồng một, trước khi xuất hành đầu năm, mợ tôi nhìn tôi một lượt rồi bảo: “Mày chỉ cần bớt thật đi. Thật quá thành vô tâm đấy Thanh ạ!”. Tôi còn nghe loáng thoáng mợ nói gì đó nữa trong tiếng gió sông thổi ù ù bên tai. Ngôi chùa ở đây thì nhỏ, người thì đông, mắt tôi thì cay xè vì khói hương. Sáng mồng một, sân chùa toàn người là người nhưng ai cũng lặng im giữ sự thanh tịnh. Chắp tay, nhắm mắt, phải cầu một điều gì bỗng trở thành quá khó với tôi.
 
Lễ xong, tôi bước ra, cây khế phía sân sau chùa xanh mướt trong tiết xuân lành lạnh. Dưới tán xanh ấy, một bàn tay hơi gầy nhưng trắng muốt đang với lấy cành khế la thấp nhất. Tôi thích thú vì cái cành la như đang trêu đùa. Nó như vờ trĩu xuống, mềm oặt cho bàn tay vin nhẹ rồi bật ra khỏi tay người đó mà vun lên. Giây phút ấy, cảm nhận được đôi mắt tôi đang nhìn thẳng, con gái  phố thị cũng chẳng phải vừa. Người đó có chút ngượng ngùng, lúng túng nhưng chỉ nhíu mày với cái cây đỏng đảnh kia. 
 
Tôi cao lộc ngộc nên chẳng khó khăn gì đã hái được trái khế náu trong vòm lá và đặt vào bàn tay người ấy. Cô gái ngước nhìn tôi, đặt ngón tay trỏ lên ngang môi “suỵt nhẹ” rồi chỏ tay về phía sau lưng tôi. Tôi quay lại nhìn nhưng chẳng thấy gì, người chưa biết tên đã đánh lừa tôi mất hút.
 
Phố xá những năm đó chưa có nhiều quán cà phê để gặm nhấm suy tư. Người già vẫn giữ sự gắn kết bằng việc đi chúc Tết, người trẻ hào hứng vì được cầm lái những chiếc “kim vàng giọt lệ” đắt tiền làm tài xế cho bố mẹ, ông bà. Cứ thế, dây dưa qua phố nọ, ghé nhà kia là những mối manh quen biết. 
 
Năm nay, ngoại trừ cậu tôi ở nước ngoài, còn lại cả nhà đều sang nhà một gia đình thân thiết ăn bữa cơm Tết. Tôi đoán, hai bên phải thân lắm nên mới không kiêng kị ngày đầu năm như thế. Bữa cơm trong buổi tối đầu tiên của năm mới thật ấm cúng. Bà tôi và bà bạn khoác áo choàng nhung quý phái, đầu choàng khăn. Họ đang hàn huyên những câu chuyện sau một năm đầy biến động. Mợ tôi và các chị thì túm tụm bếp núc. Tôi như người thừa chân, thừa tay chẳng biết làm gì. Tôi như bị hút hồn vào bản nhạc tiếng Anh phát ra từ chiếc đài cassete màu đỏ. Nó tựa như chân trời mới mẻ vừa rộn rã, náo nức vừa ma mị, lôi cuốn. Trên đó có những cái nút trắng bạc, đều đặn và một phím màu đỏ. Tôi thích thú với phím màu đỏ ấy. Bỗng tiếng nhạc im bặt, một âm thanh rè rè làm tôi luống cuống chưa biết phải làm sao. May mắn, có bước chân ai đó vừa bước tới khiến tôi càng lúng túng.
 
- Chạm vào phím ấy bài hát sẽ bị xóa anh à. Mà sao anh vào đây?
 
Tất cả chỉ vẹn vẹn từng ấy lời. Tôi càng lúng túng, ngón tay càng cứng đờ trên cái phím đỏ mà sau này tôi mới hiểu ra nó đã xóa đi giọng hát của ban nhạc ABBA và thay vào đó là đoạn đối thoại ngắn. Cô gái vội vã bước đến, cầm bàn tay tôi kéo ra khói cái phím đỏ. Thời gian như ngưng lại trong giây lát, tiếng nhạc vụt tắt và thay vào đó một băng nhạc khác. Tôi đã đón đợi một sự trách móc, cáu kỉnh của người con gái thành phố nên đứng lặng ngắm nhìn gương mặt ấy. Nhưng, tuyệt nhiên tôi không hề nhận ra một cảm xúc nào như thế. Ngay cả khi có tiếng ai đó bên ngoài hỏi vọng vào cũng chỉ nhận được một câu trả lời:
 
- Em thay băng nhạc khác, bài này nghe mãi rồi… 
 
Buổi tối ấy, mọi người rôm rả trò chuyện trong tiếng nhạc chỉ có tôi và người con gái ấy cứ lặng lẽ. Tôi lan man nghĩ về quả khế xanh đặt ở trên chồng băng nhạc ban nãy. Liệu có phải người con gái tôi đã gặp sáng nay. Lần đầu biết rung động trước một người con gái, lần đầu tôi tin vào duyên số dù mỏng manh như làn mưa bụi ngoài kia. 
 
Đêm ấy về, tôi không sao ngủ được bởi lúc ra về mới biết bữa cơm tối nay cũng là bữa cơm chia tay. Ra Giêng, gia đình ấy sẽ  chuyển vào Nam. Ngày đó, đi Nam cũng chẳng khác gì ra nước ngoài định cư. Mấy hôm liền, tôi mượn chiếc xe đạp mi ni của đứa em, guồng đôi chân quá khổ đạp vội vàng đến trước ngôi nhà đó nhưng chẳng có lí do gì để bước vào. Tôi đứng trước cánh cổng khóa im ỉm, nhìn hết lớp hoa này đến chiếc lá kia rớt xuống. Tôi cũng không còn nghe thấy tiếng nhạc vọng ra từ chiếc cassete nữa. Nhưng hôm sau và những hôm sau nữa tôi vẫn đến, vẫn bất động và bế tắc trước sự vô cớ dù hữu duyên của mình. Không có một người nào trong nhà đi ra, không một tiếng động, ngôi biệt thự như đóng băng trong lòng tôi từ phút ấy.
 
Thế rồi, cuộc sống cuốn tôi vào học hành và mưu sinh. Cho đến khi có được chút thảnh thơi, vào những ngày cuối năm trời lay phay mưa bụi, mỗi khi nghe ban nhạc ABBA hát Happy New Year lại thấy sự chai sạn, lọc lõi bấy lâu của mình bỗng vỡ vụn. Ai đến  phòng làm việc của tôi cũng thấy có  một chiếc cassete, thấy những băng nhạc cũ hay một vài vật dụng thời trước nhưng không bao giờ họ nhận được trả lời thật sự của tôi về bộ sưu tập nhỏ này. 
 
Lúc này, ngồi ghế lái phía trước tôi là Tuấn, hai anh em trở về trong chuyến công tác cuối cùng của năm. Tuấn bất chợt cắt ngang sự vẩn vơ trong đầu tôi khi xe vừa qua cầu.
 
- Làm tí cà phê cho tỉnh ngủ anh Thanh nhé.
 
Tôi như người đang lơ lửng trên những đám mây bỗng đôi chân chạm mặt đất. “Em biết anh hay hoài niệm nên mời anh vào quán này, tuyệt lắm”. 
 
Tôi đặt ly cà phê đã cạn xuống bàn và đứng dậy đi một vòng ngắm cách bài trí về kí ức trong quán. Có thể chủ quán cùng trang lứa với tôi nên còn nặng lòng với chiếc xe Cup 81 đèn tròn, với cái ti vi đen trắng National,  bộ sa lông hộp, đèn Hoa Kỳ… Bất chợt, tôi dừng lại trước cái đài cassete màu đỏ và chồng băng cũ được xếp ngay ngắn. Cũng chỉ là một sự trùng hợp thân quen, tôi tự nhủ. Liếc nhìn thái độ của cô bé nhân viên, tôi lấy ngẫu nhiên một băng nhạc lắp vào chiếc đài. Chiếc đài cũ chậm rãi quay băng, ban nhạc ABBA đã lại bừng lên rộn rã trong không gian quán nhỏ. Giai điệu quá quen thuộc và cũ kĩ càng làm tôi chìm vào một kí ức cứ xa dần, xa dần.
 
Tôi định trả tiền và bước ra xe thì bỗng chiếc cassete im bặt. Và,  không thể tin được khi bên tai tôi là tiếng nói của một người con gái, tiếng của thanh xuân từ ba mươi năm trước vọng về: “Chạm vào phím ấy bài hát sẽ bị xóa anh à. Mà sao anh vào đây”. Nhưng còn một điều bất ngờ hơn khi có một người từ trên gác bước xuống ngơ ngác nhìn chiếc cassete rồi lại nhìn tôi. Tôi đã hiểu vì sao, quán lại có tên là Thanh  Xuân. Bao nhiêu năm ấy, dẫu muôn trùng mưa nắng, Xuân lại đang đứng trước mặt tôi. 
 
Ngoài kia, trời cũng đang lắc rắc mưa xuân. Hôm nay, tôi đã tin vào cái duyên của mưa xuân năm ấy…
https://nguoihanoi.com.vn/mua-xuan_271185.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)