1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Liễn mỡ

08/02/2020
Xưa, đồ nhôm còn hiếm, chưa dám kể đến inox, đôi nhà để mỡ nước trong cặp lồng nhôm trắng, cái xoong gia công méo duệch, nhưng phần lớn vẫn là cái liễn sứ có nắp. Vừa bền chắc lại chịu được nhiệt, bán ở hàng gốm sứ trong chợ rất phổ biến.

Xưa, đồ nhôm còn hiếm, chưa dám kể đến inox, đôi nhà để mỡ nước trong cặp lồng nhôm trắng, cái xoong gia công méo duệch, nhưng phần lớn vẫn là cái liễn sứ có nắp. Vừa bền chắc lại chịu được nhiệt, bán ở hàng gốm sứ trong chợ rất phổ biến.

Cái liễn mỡ có men màu trắng ngà, hay xanh nhạt. Liễn hình tròn, đáy tròn nhỏ hơn. Miệng rộng hơn đáy, cao thành khum miệng và có nắp đậy. Thường thì liễn trơn nhưng cũng có khi người thợ gốm vẽ đôi nét cách điệu hay hoa nhỏ kiểu cổ điển trang trí cho vui mắt. Cái liễn mỡ, cũng được tính là tài sản trong nhà như cái soong, cái chậu chứ không đơn giản chỉ là 1 vật dụng nhỏ, dễ thay thế.

Cái liễn mỡ đã thế, mỡ trong liễn lại là cả một câu chuyện dài, theo và có khi còn ám ảnh không ít người, nhất là thế hệ cũ.

Xưa, thịt cá ít, không ê chề như bây giờ, chỉ có dịp lễ Tết người ta mới ngả con lợn chung nhau đánh chén.

Cái thời HTX, có lợn eng éc đấy, nhưng phải dành bán cho thực phẩm huyện, để mổ bán theo tem phiếu. Có nhà đổi tem phiếu lấy xương sườn, xương linh tinh để được nhiều, nấu cỗ bàn. Nhà lại chọn mỡ, để ít ra còn có cơm rang cho con ăn sáng đi học, mùa đông còn được bữa canh nấu, hay rau xào. Chính vì thế mà cái liễn mỡ luôn được ưu tiên, vơi lại đầy trong chạn.

Thời kì này liễn mỡ thật quý! Nồi cơm thổi bữa tối hôm trước thường nhiều, cháy ăn hết trước, cơm nguội còn, sáng hôm sau đám trẻ dậy nhóm bếp rang cơm, ăn rồi đi học. Mùi mỡ thơm thơm và tiếng đảo cơm sồn sột trong cái sanh của chị cả cũng khiến mẹ yên lòng rằng bọn trẻ được chắc dạ cho đến đứng bóng mới về đến nhà.

Có mỡ, mâm cơm mỗi bữa khác hẳn, có nhà khó, tính như thể bữa tươi. Mỡ rán bìa đậu rồi sốt cà chua, hành lá cắt khúc, hành hoa thì chẻ củ cho vào đó, miếng đậu ngon mà nước cà chua cũng ngọt thơm và béo ngậy hơn nhiều. Vào ngày đông thì nước cà chua ấy kéo theo 1 rổ rau sống, khiến bữa ăn rôm rả hơn nhiều.

Mỡ xào khoai tây bở tơi, ngọt thơm lại bùi, đôi miếng xém nhưng không cháy, ăn rõ ngon. Nhất là khoai tây mới dỡ trong những ngày đầu mùa đông, nấu quện mỡ, đỏ cà chua, chả cần đến xương linh tinh hầm vẫn ngon.

Mùa đông nhưng rau muống chưa lên hoa, bóc củ tỏi phi mỡ thơm xào với rau muống ngọn nhỏ, đĩa rau xanh bóng mỡ, chấm thêm vào bát nước mắm chanh ớt thật ngon chả nghĩ đến thịt nữa. Có mỡ, cá rán dở xong mới nấu, khế chua gắt, hành thì là thơm om bếp. Thịt cá ngọt lừ, ngấm nghệ, ngấm chua, ăn mà nhớ mãi.

Liễn mỡ vơi là mẹ đã lo, tối ngồi đeo kính soát tem phiếu, y như rằng đợt tới món ưu tiên mua ở cửa hàng thực phẩm huyện phải là mỡ. Có những lần may thay được cả lá mỡ. Mỡ lá rán nhiều hơn mỡ khổ, tóp mỡ cũng ngon. Trẻ con đi ra đi vào cầm cái bát để xin tóp mỡ ăn trước. Khi non thì tóp ỉu, lúc lại quá lửa hơi giòn, nhưng thời ấy có quà thế là vui lắm. Có hôm không may mắn được mỡ lòng, mẹ lại tần ngần vì rán lên hao, chả được mấy mỡ nước chắt vào liễn.

Nhà có con gà mái cúng giỗ, mẹ bảo rán đôi lá mỡ chắt vào phạng, ngày giỗ cụ nhà phải đồ xôi đậu xanh thôi, không đồ xôi xéo nữa, dành mỡ ăn tuần rét ngọt cho ấm. Bọn trẻ tiu nghỉu mất một bữa xôi có hành phi mỡ, giòn thơm.

Sau này hết bao cấp, thực phẩm không còn khan hiếm, chả mấy người còn phải tính bữa ăn tươi như trước. Lợn nuôi trong nhà dân, đến lứa thì gọi lái đến bán. Chợ làng, chợ phiên, cầu hàng thịt giát nào cũng đầy, mỡ khổ mua bao nhiêu cũng có. Cái liễn trước kia cả năm chả được đầy mỡ 1 lần, nhiều lắm cũng chỉ lưng lửng nay thì thoải mái, chả phải dè sẻn. Nhìn liễn mỡ đầy, chị cả lại đi xay can bột nếp, làm bữa bánh rán mặn, ngọt cho cả nhà. Có liễn mỡ đầy, nem cuốn cũng được làm thường xuyên hơn. Chị em tay cuộn, tay rán trong cái chảo mới lại kể chuyện tóp mỡ năm nào.

Dần dà, nhà ngang sửa, bếp được xây mới, cái chạn đặt vào bếp mới không hợp, kiến gián lại nhiều, đồ ăn phải cất vào tủ lạnh. Cái phạng mỡ quá to chẳng để được ngăn tủ lạnh nào cho vừa, mẹ tần ngần không muốn bỏ đi, nhưng nhìn lại, đúng là cố cũng không được. Chị mua cho mẹ cái âu sứ có nắp đậy, nhỏ hơn, mẹ ưng ý và giữ cái liễn mỡ để muối cà.

Các con đi làm, đi học xa nhà cả, cà muối cũng ít người ăn, lại lên mùi đá. Mẹ ướp cà trong cái hộp ăn vài bữa hết lại ướp tiếp. Mẹ đi chợ, mua can dầu đậu nành, vì nghe người ta nói ăn mỡ nhiều không tốt.

Cái liễn mỡ xưa cất dưới nhà ngang, khi mẹ đựng đồ khô như lạc, vừng, lúc mẹ lại đem đựng muối. Các con ai cũng bảo: Của nả này mai bà cho cháu nào giữ hộ đây? Mẹ bảo: Xưa liễn mỡ cứ vơi là lo sốt vó, có mỡ chưng bát mắm cũng ngon, không có mỡ ăn luộc mãi cũng đớ miệng, ngược hẳn với bây giờ, ăn nhiều đạm nên phải ăn rau luộc cho mát ruột.

Cái liễn mỡ trong chạn nhà đã đi theo gia đình tôi suốt một chặng dài. Mẹ con, bà cháu nhớ lắm. Nhớ đến cay mắt, từ dáng hình đến màu men. Thế nên, đến giờ nhà tôi vẫn luôn có một “liễn” mỡ nhỏ, dù là xào, nấu, hay chưng mắm, phi hành vẫn dùng mỡ ấy, như thể thấy những ngày xưa không bao giờ mất.

Nguyễn Minh Hoa/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/lien-mo_256900.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)