1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Hà Nội - Tình yêu của tôi

09/10/2020
1. Mùa thu Hà Nội đang lẩn khuất, lãng đãng chất men say vô hình len lỏi vào ký ức, vào tâm hồn, vào những suy tư, cho những người đã trót yêu Hà Nội như tôi, cho những người Hà Nội ở phương Nam phải ngẩn ngơ, phải nhớ đến nao lòng, phải tính toán làm sao có thể ra Hà Nội vào mùa thu này, để ngắm mây, đón gió, thấm vào người hương thơm của hoa sữa, hoa hoàng lan, thưởng thức vị ngon ngọt của món ngon Hà Nội, cho thỏa nỗi niềm. Quán bar giữa trung tâm thành phố, trong chiều mưa như muốn cài chặt cái khắc khoải bằng giai điệu như xoáy vào tim của Trịnh Công Sơn: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”.
 
2. Tôi có những người bạn nước ngoài, họ rất hứng thú với văn hóa phương Đông, lần nào sang Việt Nam làm việc, câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Hanoi!”. Với họ, Hà Nội có một tiềm ẩn về chiều sâu văn hóa phương Đông, một bí ẩn phong phú nhưng rất tinh tế của phong cách Việt, văn hóa Việt, khám phá, tìm hiểu mãi cũng không thể hết được, càng đi sâu, càng thấy vẻ đẹp không chỉ ở những gì thuộc về “vật thể”, mà ở những di sản “phi vật thể” Hà Nội, là kho báu của tương lai, báu vật của thời gian…
 
Những người bạn tóc vàng mắt xanh của tôi luôn thích chọn ở những khách sạn nằm khuất trong ngõ nhỏ phía Tây. Họ muốn được cảm nhận những gì gọi là một Hà Nội xưa còn sót lại ít nhiều ở nơi này bởi những truyền thuyết Thăng Long từ hơn 1000 năm trước. Không ít lần họ thức dậy từ 4 giờ sáng để ngắm cảnh mặt trời lên trong sương hồ, thu vào ống kính hình ảnh như mơ như thực của Hà Nội trong bình minh, lắng nghe tiếng người lao xao trong cái mờ tỏ giao nhau giữa ngày và đêm ở mấy vườn hoa làng Ngọc Hà, tiếng khuấy nước khe khẽ của con thuyền nhỏ giữa đầm sen, hay tiếng chim non kêu ríu rít trên cành cây cao… Họ gượng nhẹ, trân trọng, như món quà tặng hiếm hoi của Hà Nội.
 
Tôi khá ngạc nhiên khi nhìn họ đứng lặng im và rất kính cẩn bên những ông rùa đội bia trong Văn Miếu. Hỏi người bạn là giám đốc của Trung tâm William Joiner - Mỹ, ông ta nói rất khẽ: “Chúng tôi đang nghiêng mình chào những bậc thánh nhân văn hóa Việt Nam”. Nhìn vào mắt ông, thật lạ, dù tuổi cao nhưng mắt ông rất trong, in hình cả hàng rùa đội bia. Hình như ông muốn thu hết không phải bằng mắt mà bằng cả trái tim, trí óc những hình ảnh tượng trưng cho tinh túy văn hóa văn minh của dân tộc Việt với sự thán phục và kính nể trân trọng.
 
“Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”… Tôi không đủ khả năng dịch thành thơ câu ca dao về hồ Tây nổi tiếng mà gần như người Việt nào cũng biết, nhưng khi tôi dịch nghĩa và kể những câu chuyện về các làng nghề cổ của miền đất huyền thoại này, gần như tất cả họ đều “ồ” lên một cách thích thú, không ngờ cái miền hồ xinh đẹp phía Tây Thăng Long - Hà Nội lại có nhiều sự tích đẹp lãng mạn, gây cảm hứng cho thi nhân kim cổ và để lại bao áng văn chương trác tuyệt.
 
Bạn nói, không chỉ tên những con đường mà qua đó thấy được cả lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, mà cả tên của đầm, hồ, ao… cũng cứ lãng đãng như từ nghìn năm trước không thay đổi. Rồi những con phố cổ cho dù bên ngoài là của văn minh thế kỷ 21, nhưng hình như lẩn khuất sâu thẳm trong từng góc nhỏ phố, từng gốc cây cổ thụ xù xì, từng mái ngói vảy cá rêu phủ… là những thầm thì bất tận của những người xưa về mảnh đất nghìn năm tuổi.
 
3. “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu...”, ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi vang lên trong quán bar sang trọng ngay trung tâm thành phố phương Nam toàn những cửa hàng lộng lẫy, xa hoa, giữa chiều giông gió mưa bão lại như xoáy vào nỗi nhớ Hà Nội. Mùa thu này, Hà Nội kỷ niệm những ngày lễ lớn trong một tâm thế và tầm thế mới của 1010 năm sau, kể từ khi vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư về. Hà Nội không còn nho nhỏ, xinh xinh, và những chuyến đi của tôi ra Hà Nội sẽ không chỉ “gói” trong những “ngõ nhỏ”, “phố nhỏ”, mà sẽ xa hơn, rộng hơn... Những chùa Hương, núi Tản, thành cổ Sơn Tây, làng Đường Lâm cổ tích, làng người Mường thần thoại, dấu tích oai hùng của Hai Bà Trưng… 
 
Tầm nhìn, cảm xúc của tôi có lẽ cũng khác trước, không chỉ lãng đãng mơ mộng sương khói với nét cổ kính trầm tư của Hà Nội - Thăng Long, mà còn choáng ngợp trước sự bề thế và quy mô của Hà Nội thiên niên kỷ thứ 3, thế kỷ 21… 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-tinh-yeu-cua-toi_262892.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)