1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Chạm vào niềm Tết

17/02/2022
Chạm vào niềm Tết
Giếng làng ngày giáp Tết Ảnh: Khang Chu Long
 
“Bố mẹ ơi! Còn bao nhiêu ngày nữa thì Tết ạ, con mong đến Tết lắm rồi”. Tôi vừa hỏi vừa lăng xăng nhảy quanh mấy luống đất bở tơi mà bố vừa cuốc xong. Mẹ xắt dây khoai lang thành từng đoạn sau đó đặt vào luống, lấp đất lại và cười: “Con cuốc đất giỏi lên, khỏe lên, cuốc hết vườn là tha hồ Tết”. Bố bảo: “Đúng đấy con gái ạ!. Sang Giêng, rau lang gặp mưa xuân sẽ bời bời mơn mởn, lợn nhà mình ăn không hết thì cho hai mẹ con cắt đem ra chợ bán nhé”. Tôi phấn chấn bên nhát cuốc thật là ra dáng, lũ giun cũng phải nhớn nhác bật dậy. Tôi đếm từng ngày trôi qua để chắc chắn rằng Tết sẽ chẳng vòng vèo lâu nữa.
 
Không khí những ngày gần Tết khi xưa dường như đã âm thầm len lỏi trú ngụ vào từng nếp nghĩ của tôi, bao năm rồi vẫn ngọt ngào nung nấu. Đó là hình ảnh lúc tôi lên 10, líu tíu quấn chân bố mẹ cả ngày không mỏi. Từ một sớm bên hiên nhà, cây đào vốn sần sùi thân cành bỗng duyên dáng mùa pha. Một bông hoa nở to, hai bông hoa nở rộ. Cứ vậy, còn bao nhiêu chiếc nụ nhỏ màu xanh xám hệt như màu những chiếc cúc áo cũ sờn của mẹ tôi. Vậy mà mấy hôm thôi chúng đã đua nhau khe khẽ rực hồng. Sắc hồng của đào phai. Phai mà muôn mùa không đổi nhạt giữa bộn bề nắng mưa, sương gió. Cụm thược dược bung tròn lúc lỉu, ngả nghiêng, bố phải gá cây buộc đỡ. Bố tất bật chẻ mấy khúc củi to đến nỗi dao còn mắc lại. Bố bảo củi chắc, cháy đượm, than sẽ rực hồng, luộc bánh là rền lắm. Nhìn bố, nhìn mẹ cặm cụi lo lắng cho gia đình. Tôi từng hỏi có ngọn lửa nào êm đềm bền bỉ và cháy đượm bằng hai ngọn lửa ấy của tôi không?
 
Nắng non se sẽ dát mỏng xuống làng. Cả xóm tôi rủ nhau ra sông. Nhà nhà giặt chiếu. Nhà nhà rửa lá dong. Tiếng chiếu đập xuống mặt nước bồm bộp tinh tươm, màu lá dong reo biêng biếc nhộn nhịp con đường. Người lớn đi trước, bầy trẻ ùa theo sau. Tiếng cười nói rôm rả. Hình như mọi thiếu thốn chật vật bỗng chốc loãng dần và tan đi trên khuôn mặt của người lớn. Đúng rồi, tan vào như sóng sông, để mênh mông xuôi dòng êm ả. Có lẽ, ai cũng tạm gác lại những nỗi lo còn dang dở hay những việc chưa thành để chào đón một cái Tết may mắn quần tụ.
 
Những viên ngói vỡ trên mái nhà ai được thay mới điểm. Song cửa nhà ai hoen gỉ được sơn lại tươi màu. Có bức tường đâu đó nhà ai được quét vôi ve trông thật mới. Nhà tôi cũng sáng sủa hơn dần. Mạng nhện, tổ mối trong nhà ngoài hiên được dọn dẹp kĩ càng. Những vầng cỏ mọc quanh sân, cổng được nhổ sạch sẽ thênh thang. Mẹ lau dọn tỉ mỉ bàn thờ rồi đặt hoa quả, bánh kẹo dâng lên tổ tiên. Tôi xung phong cọ rửa từng kẽ lá của hai cây bồng bồng, cắm vào hai chiếc lọ để sang mỗi bên ban thờ đẹp lắm. Thứ cây mà quê tôi chẳng thể thiếu khi biện bày ngày Tết.
 
Mùi khói vấn vít hương cay, chúng vờn đuổi nhau bồng bềnh mê say chật cả gian bếp. Hai cân thịt được mẹ quay vàng đậy kín trong chạn. Âu mỡ rán thơm lừng chưa kịp đông lại mà lũ kiến đã liếm láp vòng quanh. Mẹ phải thổi sạch và đặt trong đĩa nước cho chúng khỏi “lội” vào. Nồi bánh chưng bốc hơi thơm nghi ngút, cồn cào. Buổi sớm hôm 30, tôi đã mở nắp nồi và trót lấy trộm chiếc bánh mang tận ra cuối vườn bóc ăn nóng hổi, nóng tới mức như muốn rộp miệng, bỏng ruột mà đến giờ vẫn không dám tin là mình ăn hết. Bố mẹ đã biết nhưng không đánh đòn, chỉ trách nhẹ tôi rằng, để bố mẹ thắp hương cúng cụ xong rồi mới được ăn con ạ. Có lẽ các cụ còn bao dung hơn cả bố mẹ nữa, nên tôi được lớn khôn từng ngày và hiểu ra bao điều hay lẽ phải.
 
Anh trai tôi năm ấy ăn Tết xa nhà, cái Tết đầu tiên ở đơn vị bộ đội. Anh kể về những luống rau mà anh cùng đồng đội vun trồng xanh mướt, xanh như màu áo lính của anh. Anh kể về những cuộc hành quân đầy trải nghiệm, những rèn giũa kỉ luật nề nếp, những tình đồng chí đùm bọc sẻ chia, mà sau này tôi không tin vào mắt mình khi anh trở về: Chăm chỉ, gọn gàng và trưởng thành như một người hoàn toàn mới. Tôi viết những dòng thư tay dí dỏm của một đứa em gái đành hanh nhưng thương anh là điều chưa bao giờ nói. Tôi không đòi bố mẹ mua gì mới cả. Chiếc áo hoa mà bác tôi gửi từ miền Nam ra đủ để tôi diện mấy ngày Tết. Đôi dép nhựa mới đứt một nan nhỏ, bố hơ lửa hàn vào là không tìm ra vết rách. Còn gì vui sướng hơn khi tôi được ăn biết bao nhiêu là bánh ngon kẹo ngọt, được đi chơi khắp xóm làng họ hàng và nhận lì xì kèm dặn dò may mắn.
 
Mùng 1 Tết, trời đẹp nhất trời. Cây cối xinh tươi, vạn vật như khoác lên mình một bộ cánh mới. Mênh mông, khoáng đạt. Phấp phới ôn hòa. Muôn loài thức dậy hát ca, từ chú gà đến bầy chim đều vang xa nô nức. Mọi người gặp gỡ, tay bắt mặt mừng. Lời chúc mãi cùng tài lộc và sức khoẻ. Bố mẹ chuyện trò vui lắm. Cảm giác nhẹ bẫng trong tôi khi thấy hai người được nghỉ ngơi, được nói cười mà tạm quên đi nỗi lo ngày thường lam lũ. Mẹ dâng mâm cơm lên ban thờ rồi chắp tay lầm rầm khấn. Mùi hương tỏa ra nghi ngút tràn trề. Khoảnh khắc linh thiêng hiển hiện bốn bề. Âm dương khăng khít cận kề trong gian nhà đầy Tết...
 
Tôi đã nhớ về một cái Tết của ngày xưa. Không quá nhiều nhưng đủ cho lòng bần thần thổn thức. Tôi nhìn cuốn lịch, tôi bóc từng ngày, Tết dần chạm tay. Tôi nhủ sẽ gắng trở về trang hoàng cửa nhà cùng bố mẹ, cùng quét mạng nhện, cùng rửa lá dong, cùng ngắt quả bòng, cùng bố mẹ quây quần bên mâm cơm sum họp. Tôi chợt nhớ đến vườn rau lang ngày ấy lúc sang Giêng tốt tươi bàn bạt. Tôi và mẹ đã chằng lên xe đạp mà đẩy qua con dốc làng đến chợ. Nhựa bám đầy tay, nào hết được ngay. Thứ nhựa ấy lạ lùng thay. Nó làm cho ba đôi bàn tay của bố, của mẹ và tôi nắm vào nhau thêm tràn đầy và chặt mãi.
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/cham-vao-niem-tet_271186.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)