1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Trần Kim Diệm: Một nhà giáo, một nhà thơ cách mạng

07/11/2021
Các ấn phẩm Quảng Xương - Lịch sử đấu tranh cách mạng, Địa chí huyện Quảng Xương, Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa và một số công trình nghiên cứu, tạp chí đều nhắc tới ông Tú Diệm, người làng Hà Đông, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thanh Hóa từ năm 1931 đến 1933 “vì tội hoạt động cộng sản“.

Trần Kim Diệm: Một nhà giáo, một nhà thơ cách mạng
Nhà giáo, nhà thơ Cách mạng Trần Kim Diệm
 

Các ấn phẩm Quảng Xương - Lịch sử đấu tranh cách mạng, Địa chí huyện Quảng Xương, Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa và một số công trình nghiên cứu, tạp chí đều nhắc tới ông Tú Diệm, người làng Hà Đông, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thanh Hóa từ năm 1931 đến 1933 “vì tội hoạt động cộng sản“.
 
“Ông Tú Diệm” mà sách báo nói trên đây, tên thật là Trần Kim Diệm (tên cũ là Trần Kim Tuyên), sinh năm 1888 và mất năm 1948. Sau khi đỗ tú tài năm 24 tuổi (khoa Nhâm Tý, triều Duy Tân - 1912), ông liên tục dạy học trong các trường công và tư thục. Từ năm 1925, ông gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng, viết báo, hoạt động văn học nhằm tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước, chống thực dân phong kiến trong các tầng lớp nhân dân. Đồng bào trong xã, trong huyện thành kính gọi ông là “cụ Tú” (vì đỗ tú tài), là “cụ Hàn” (vì đã được phong Hàn lâm đãi chiến sau 10 năm dạy chữ Hán ở trường Pháp - Việt Quảng Xương. Thời đó, với bằng cấp và sức học như vậy, cụ Tú rất dễ dàng được hưởng một cuộc sống giàu sang, nhiều danh lợi. Nhưng cụ đã chối từ tất cả. Cụ vốn là người khẳng khái, liêm khiết, coi thường bọn cường hào, trọc phú, sống gần gũi với dân nghèo, có tác phong quần chúng, thương người lao động, nghèo khó, thông cảm với những nỗi lo lắng, nhọc nhằn của họ.
 
Có thể nói, sự nghiệp giáo dục của nhà giáo Trần Kim Diệm rất lớn lao, góp phần tích cực vào việc đào tạo những người có ích cho xã hội. Cụ ít dạy Ngũ kinh, Tứ thư mà dạy những sách có tác dụng thiết thực, tiến bộ, nhất là sách về lịch sử, nêu gương sáng của các anh hùng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Cụ cũng rất chú trọng dạy về khoa học tự nhiên, y học, chữ Nôm, sách dạy trung hiếu. Cụ cũng khích lệ học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Cụ khuyên mọi người học giỏi về toàn diện để sau này làm thày giáo hoặc thày thuốc chứ không làm hương lý…
 
Không chỉ coi trọng trường công, cụ rất quan tâm, động viên mở lớp dạy dạy học tư thục. Vì thế, khi một người bạn mở trường dạy tư thục, cụ đã viết câu đối mừng: “Tư thục cũng học đường, có mỡ đỡ dầu, đèn sáng khuyên ta cần nối đuốc”. Học trò của cụ đông đến hàng trăm người, trong đó có nhiều người sau này đã tích cực tham gia công tác xã hội như các ông: Nguyễn Duy Tính, một cán bộ cốt cán ở Tổng Công đoàn lao động Việt Nam; Lê Đỗ Kỳ, nhiều năm làm Chủ tịch huyện Nông Cống, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên; Phạm Thanh, nhà báo, công tác tại báo Nhân dân; Bùi Văn Hiệt, Chủ tịch lâm thời Tổng Thư Chính, nhà văn Hồ Dzếnh… 
 
Qua mấy chục năm dạy học, bàn chân của nhà giáo Trần Kim Diệm in dấu trên hầu khắp đất Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhưng không chỉ ở Quảng Xương quê hương, cụ còn có mặt trên nhiều vùng đất của xứ Thanh, in đậm hình bóng không chỉ một người thày mà còn là một chiến sĩ cách mạng. Cụ Diệm là người bạn thân thiết của đồng chí Phạm Tiến Năng, người cộng sản đầu tiên của huyện Quảng Xương.

Chính cụ Năng đã giác ngộ cụ Diệm trong buổi đầu đến với cách mạng. Trên những chặng đường hoạt động sôi nổi của mình, cụ Diệm được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết thời đó, như: Lê Mạnh Trinh (người huyện Hoằng Hóa, sau này là Phó Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay; Ngô Đức Mậu (người huyện Tĩnh Gia, sau này là một cán bộ lãnh đạo của Liên khu IV); Nguyễn Xuân Thúy (người huyện Thọ Xuân, sau này là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa)…

 
Từ buổi đầu hoạt động cách mạng, Trần Kim Diệm đã viết báo bằng chữ Quốc ngữ, đăng nhiều bài trên các báo: Tiếng dân, Thi tù tùng thoại… Nội dung chủ yếu của các bài báo là tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến đối với đồng bào. Tại địa phương mình, cụ Diệm đã tham gia hưởng ứng tang lễ cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu. Mang sẵn tâm hồn yêu nước, thương dân, cụ tiếp cận và đón nhận đầy hứng khởi những trang văn, trang thơ của các bậc sĩ phu ưu tú nhất thời đại, đặc biệt là cụ Phan Bội Châu với những tác phẩm vừa sâu sắc, vừa mãnh liệt. Báo chí và thơ ca được cụ Diệm - với tư cách một đảng viên Đảng Tân Việt cách mạng - tích cực lưu truyền cho nhiều người, gặp gỡ, giác ngộ cách mạng cho những người có xu hướng yêu nước, tiến bộ.
 
Không những thế, trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng Trần Kim Diệm còn sáng tác nhiều thơ, phú, văn tế, câu đối, ca dao, ca trù, văn xuôi bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Nhìn chung, sáng tác của cụ rất chân thực, chất phác, phổ cập, gần gũi nhân dân lao động, bám sát cuộc sống, thấm đượm yếu tố đạo đức nhân nghĩa, tư tưởng tiến bộ, cách mạng. Tiếc rằng, sau nhiều thập kỷ, những sáng tác ấy cũng như các bài báo của cụ đã thất lạc quá nhiều. Phần lớn những gì sưu tầm được là nhờ vào trí nhớ của con cháu trong gia đình cụ, của bạn bè cùng hoạt động với cụ, của các cụ phụ lão trong làng, trong xã và một số học sinh của cụ. 
 
Có những gia đình ở địa phương còn giữ được các bút tích quí giá của cụ, nhưng hầu hết bằng chữ Hán, chưa dịch ra được. Có một cụ già trước khi qua đời còn đọc thuộc lòng những bài thơ rất dài của cụ Tú Diệm như: Sóng cách mạng, Khuyên người uống rượu, Mừng thọ Hồ Chủ tịch, Mừng nước nhà độc lập... Điều đó chứng tỏ rằng thơ cụ đã thấm vào lòng quần chúng từ lâu, rất khó phai mờ. 
 
Rất dễ cảm nhận ở thơ cụ là lòng yêu mến đối với quê hương, đất nước. Dù chỉ là nói về phong cảnh, thắng cảnh của quê hương, bao giờ cụ cũng gửi gắm một nỗi niềm, một bầu tâm sự của nhà thơ cách mạng. Riêng với làng mình, cụ mang một tình cảm đặc biệt. Trong nhiều vần thơ, cụ mô tả địa thế và phong cảnh đẹp của làng, nơi phía ngoài là biển, giữa làng là sông đào và phía trong có chợ sầm uất quanh năm. Yêu làng xóm quê hương, cụ rất phiền lòng về những cảnh cúng bái triền miên quanh năm, gây bao nhiêu tốn kém cho dân trong những dịp lo việc làng văn, làng giáp, gà lượt, thượng thọ, khao vọng, ma chay, giỗ chạp, cưới xin… Đó là chưa nói đến sưu, thuế, phu phen, tạp dịch… càng làm cho dân làng thêm đói khổ, lầm than. Cụ từng bàn bạc với các cụ có học hành, đỗ đạt cao trong làng về việc góp phần thay đổi những phong tục, tập quán trong làng. Nhắn một người bạn ra làm lý trưởng, cụ có câu đối mừng:
 
Đồng khóa dục ông nhàn, khước nại dân phong nhu chấn chỉnh;
Tâm đàm tăng ngã đính, hào khan hương chính bộ văn minh.
 
(Dịch nghĩa: Cũng muốn để ông dạy trẻ cho khỏe, nhưng vì muốn dân phong được chỉnh đốn, ông thường bàn với tôi muốn cho phong trào làng ta được văn minh).
 
Trong bài Tết tiết kiệm viết thời kỳ Mặt trận bình dân, cụ khuyên dân làng không nên phí phạm trong việc dùng vàng mã, lo lắng cỗ bàn:
 
Vui xuân choa nhớ ngày Nguyên đán
Thêm tuổi bay lo chữ tự cường
Năm mới lòng trần nên đổi mới
Mới là con cháu họ Hồng Bàng.
 
Với bài Được mưa (1930), cụ vui vì sau bao ngày nắng hạn, dân quê có nước để làm ăn, cày cấy, song lòng cụ vẫn phân vân:
 
Công tư cao thấp khắp hay chưa?
 
Trong những câu đối mừng bạn, cụ cũng nói lên những tư tưởng tiến bộ, mong mỏi một sự đổi mới thực sự trong đời sống xã hội.
 
Vào giữa năm 1931, đang trong lúc dạy học, cụ bị tri huyện Quảng Xương, chánh tổng và lính tráng xông vào lục soát khắp nhà. Mặc dù không tìm được bất cứ một tang vật đáng khả nghi nào, chúng vẫn bắt cụ và giải lên tỉnh. Cụ bị kết án “tình nghi cộng sản”, có tư tưởng “chống lại nhà nước bảo hộ Pháp”. Ba năm bị giam ở nhà lao Thanh Hóa (1931 - 1933) là cả một thời kỳ đấu tranh đầy thử thách. Cụ luôn nêu cao một tấm gương kiên cường, bất khuất, trước sau một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng, với đồng chí của mình. Sau ba năm đó, cụ được thả về làng, song vẫn bị quản thúc, hằng tháng phải lên huyện trình diện một lần.
 
Dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn gấp bội phần, tuy nhiên ý chí của cụ không hề bị suy giảm. Qua một câu đối xuân, cụ muốn gửi gắm điều đã rút ra được:
 
Hoa điều hay điểu ban xuân, cựu thư quy cựu,
Ba tiêu nguyên học, tân diệp khởi tân
(Dịch nghĩa: Hoa và chim báo sang xuân, sách cũ như cũ
Học giống cây chuối, mỗi lá mỗi thêm điều mới”
Và niềm tin thì lúc nào cũng phơi phới dâng lên trong lòng cụ:
Hữu thổ, hữu nhân, giang sơn trì hộ;
Nhị kim, nhị hậu, phúc lộc lai thành
(Dịch nghĩa: Có đất, có người, non sông gìn giữ;
Nay và mai sau, phúc lộc dồi dào”.
 
Không chỉ tuyên truyền và vận động cách mạng qua những bài thơ mộc mạc, giản dị dễ đi vào lòng quần chúng nhân dân, thơ cụ Tú Diệm còn toát lên rất rõ niềm thương cảm đối với nhân dân trong cảnh khó khăn, hoạn nạn. Thương dân, cụ càng tự nhủ mình phải cố gắng làm những việc có ích cho đời. Nhiều bài thơ Đường luật của cụ đã nói lên điều tâm sự đáng quý ấy. Có những bài báo hiệu cả một trang sử mới của quê hương, khi cách mạng tháng Tám thành công…
 
Trước trang sử huy hoàng của cuộc cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân làng Hà Đông, nhân dân huyện Quảng Xương đều tràn ngập trong niềm vui chung của nhân dân cả nước. Mặc dù tuổi già, sức yếu, lại mang thương tật trên người từ nhà lao Thanh Hóa, cụ Tú Diệm tiếp tục hoạt động trong các cơ quan giáo dục và phụ lão của xã và huyện nhà. Cụ tiếp tục làm thơ động viên mọi người tham gia xây dựng chế độ mới, gạt bỏ những hủ tục cũ, thực hiện nếp sống văn minh. Trong loạt bài viết sau cách mạng tháng Tám 1945, cụ còn có những bài thơ được nhân dân địa phương nhớ mãi như: Sóng cách mạng, Tập luyện du kích, Mừng thọ Hồ Chủ tịch, Bình dân học vụ…
 
Ngày mùng Một tháng 11 (âm lịch) năm 1948, cụ Trần Kim Diệm trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất quê hương muôn vàn yêu dấu của mình. Cho đến giây phút đó, cụ đã có sau lưng mình trên 20 năm hoạt động cách mạng. Bạn bè và học trò của cụ ở khắp vùng Quảng Xương và đông đảo đông bào vô cùng thương xót tiễn đưa cụ về nơi yên nghỉ cuối cùng. Đối với họ, cụ là một người thân thiết đã vĩnh viễn ra đi. Họ biết rằng, cụ Tú Diệm đã từng sống một cuộc đời thanh bạch, trong sáng, chỉ một lòng vì nước, vì quê hương.

Người Hà Nội

https://nguoihanoi.com.vn/tran-kim-diem-mot-nha-giao-mot-nha-tho-cach-mang_270205.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)