1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Đọc lại “Hà Nội bốn mươi năm xa” và nhớ

02/05/2022
Đọc lại “Hà Nội bốn mươi năm xa” và nhớ
Phố cổ Hà Nội năm 1959 qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Rév Miklós, người Hungary.
 
1. Trong thiên bút ký Hà Nội bốn mươi năm xa (Nxb Thanh Niên - 1999)  nhà văn Thế Phong  - một nhà văn Hà Nội trước năm 1954 đã viết những dòng đầy cảm xúc khi đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài về lại Hà Nội sau 40 năm xa:
…“Lòng tôi nôn nao, thời gian trôi qua, đúng như một sáo ngữ mà các cụ thường dùng, bóng câu qua cửa sổ. Tôi xa Hà Nội đã trên 40 năm, bây giờ về thăm lại người xưa cảnh cũ. Sẵn có xe ca, tôi theo xe về Hà Nội… Xe qua cầu Thăng Long, với tôi đây là lần đầu tiên nhìn thấy, rồi về đến Bưởi, rẽ qua phố Hoàng Hoa Thám, xúc động, người tôi nhoai lên nhoai xuống để nhìn ngoại rõ hơn. Xe qua quảng trường Ba Đình, đúng ngôi trường xưa kia Lycee Albert Sarraut là đây rồi. Rồi nhìn ra phía xa xa, cột cờ Hà Nội, trong khu vực thành Hà Nội cổ được xây dựng từ những năm 1800 mấy thì phải? Xe qua Cửa Nam, chả mấy chốc đã nhìn thấy hồ Gươm nước màu xanh lục…” (tr.11). 
Rồi ông kể tiếp hành trình về lại Thủ đô sau 40 năm xa. Ông đang ngồi ở nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì có khách gõ cửa. Khách là bạn ông, nhà thơ Kiều Liên Sơn. Nhà thơ Kiều Liên Sơn (tên thật là Nguyễn Đức Dư) có một thời gian dài làm ở báo Đại đoàn kết đã dẫn nhà văn Thế Phong đến nơi tôi và gia đình cư ngụ - Khu tập thể Tổng Công đoàn Việt Nam. Nhà văn từ Pháp về Hà Nội sau 40 năm xa kể tiếp: “...Tô phở đầu tiên, nó (Kiều Liên Sơn - NVB) thết, ở ngõ Hàng Giày. Quán rất hẹp, bàn ghế thấp chùn, băng ghế dài, phở bốc hơi, nước dùng ngọt; nhưng đặc biệt không có rau sống kèm như ở Sài Gòn. Sau khi ăn xong, nhà thơ Kiều Liên Sơn đưa tôi qua một hàng bên cạnh uống hai chung nước trà nhỏ; thật là khác với Sài Gòn; cũng không có bình trà tặng khách tráng miệng. Nó trả tiền, ính cả hai chung trà hai trăm và hai tô phở, tám ngàn hai trăm đồng. Xe lao vút xuống Bờ Hồ, trời vào mùa thu, gió se se lạnh, rẽ về khu Đấu Xảo gần Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp mà ngày mai tôi sẽ họp. Khu Đấu Xảo giờ không còn nữa, đã trở thành Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Rồi đưa tôi vào một khu nhà tập thể thấp lè tè phía sau khu Đấu Xảo; nhưng không cho biết đến thăm ai? Cảm tưởng của tôi, khu này giống một khu gia binh của Sài Gòn xưa, đại loại như khu nhà dành cho vợ con quân nhân hạ sĩ quan binh sĩ trên đường Phan Đình Phùng. Thì ra, Sơn đưa tôi đến thăm một Trung tá quân đội nhân dân. Anh viết văn, và là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội - Ngô Vĩnh Bình (tác giả cuốn giai thoại làng văn nhan đề “Thanh Tịnh qua giai thoại”). Anh Bình trên dưới năm mươi, sách vở bày đầy trên ghế dài phòng khách nhỏ, nhìn vào phía buồng trong, chiếc Honđa 82 dựng sát lề lối đi. Sơn giới thiệu tôi với anh Bình, sau Sơn nói chuyện làm ăn, bài vở với Ngô Vĩnh Bình. Anh Bình hỏi tôi ra họp Hội sách do Đại sứ quán Pháp tổ chức, hẳn tôi biết tiếng Pháp? Anh kết luận tuổi trung niên như tôi, xưa kia học ở Hà Nội, biết tiếng Pháp thì hiển nhiên rồi. Anh mời tôi hôm nào rảnh rỗi, anh Sơn đưa tôi lại tòa soạn Văn nghệ Quân đội chơi. Và Sơn với tôi làm một chuyến thăm bạn bè văn nghệ còn lại ở Hà Nội từ 1954 mà Sơn không cho biết tên”. (tr 16, 17). Nhà văn Thế Phong kể tiếp cuộc hành hương, thăm lại Hà Nội:
 “...  Nhớ buổi gặp Ngô Vĩnh Bình ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội, đường Lý Nam Đế, có Vương Trọng và một hai người trong giới viết lách tôi không nhớ tên. Anh Bình nói đùa: “Bác Phong (nhà văn Thế Phong) được mời ra Hà Nội dự hội sách do Pháp tổ chức, bác nói tiếng Tây, theo tôi… cãi nhau với Sénéganlais cũng được”!. Chỉ là một câu nói tưởng đùa cũng được; mà không đùa cũng có thể phải suy nghĩ, chứ không chơi!. Nhớ bữa qua ở nhà Tạ Vũ, tôi nhắc lại câu nói đó, và thêm một câu nữa đại để, học giỏi, nói, viết giỏi ngoại ngữ rất quý, nhưng cũng dễ làm bồi đấy quý vị ạ!
Vương Trọng hỏi tôi về nhà văn Mai Thảo, tuổi tác ra sao, có đọc văn của ông này sau khi rời bỏ đất nước không? Đọc thì không, nhưng muốn biết rõ chàng, nếu Vương Trọng quen nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh, hỏi ông ta sẽ biết ngay thôi. Tại sao như vậy? Cười đáp, bởi ông Thảo và ông Mạnh hình như có họ hàng xa, cùng tông giống họ Nguyễn Đăng với nhau. Ra đến cổng, Sơn gặp nhà văn Hồ Phương, bạn tôi, thổ công quen biết rộng, giới thiệu xong; nhưng chỉ là cái bắt tay ban đầu gặp gỡ. Sơn tỏ ra thông thạo tin tức văn nghệ cho biết, ông văn nghệ cấp tướng này, kể từ 1 tháng 10 này giải ngũ, chuyển sang làm báo ngoài. Tất nhiên, Sơn không dùng chữ giải ngũ mà anh nói chuyển ngành...”  (tr. 24).
Nhà văn Thế Phong tên khai sinh là Đỗ Mạnh Tường sinh năm 1936 tại Yên Bái. Ông nhiều năm sống ở Hà Nội, sau vào Sài Gòn rồi sang Pháp định cư, viết văn từ năm 1952 với truyện ngắn đầu tay có tên Đời học sinh in trên báo Tia sáng xuất bản ở Hà Nội, sau đó là truyện dài Tình sơn nữ cũng in trên Tia sáng xuất bản tại Sài Gòn 1954. Thế Phong đã in trên 50 tác phẩm gồm đủ các thể loại văn xuôi, thơ, lý luận phê bình văn học, khảo cứu, dịch thuật. Ông từng là phóng viên, biên tập viên nhiều tờ báo xuất bản tại Hà Nội, Sài Gòn trước năm 1954 và cả ở hải ngoại; đồng thời chủ trương nhiều nhà xuất bản, trong đó có Nxb Đại Nam văn hiến (1959 - 1975). Năm 1995, sau 40 năm ông trở về Hà Nội và xuất bản cuốn Hà Nội bốn mươi năm xa (Nxb Thanh niên, 1999).
 
Đọc lại “Hà Nội bốn mươi năm xa” và nhớ
 
2…Tôi cùng gia đình ở tập thể 14 Trần Bình Trọng đến suýt soát 20 năm (1979 - 1997). Nơi này đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm với người thân bạn bè. Nơi đây, cũng là nơi ở của nhiều nhà báo, nhà văn công nhân tên tuổi như: Nguyễn An Định, Lý Sinh Sự, Bùi Việt Phong, Thái Bá Tân, Từ Ngàn Phố, Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Thế Tanh, vợ chồng Nguyễn Thanh Tuyến - Trần Thị Sánh... và nhiều anh chị em khác ở báo Lao động, Nxb Lao động, Tạp chí Công đoàn, Tạp chí Đối ngoại Tổng Công đoàn Việt Nam … Tôi nhớ mãi câu ca: Ăn cơm Tăng Ấm, nghe kèn Bá Tân/ Thời sự Tường Lân, tiếp tân bà Chiểu/ Tìm hiểu cô Tình… viết về những cái độc đáo thời bao cấp chưa xa của khu tập thể này!
Như trên đã nói, ở khu tập thể 14 Trần Bình Trọng hồi ấy, có nhiều nhà báo “khét tiếng” như Nguyễn An Định, Lý Sinh Sự (Trần Chinh Đức), Tống Văn Công…, nhưng nhà thơ thì chỉ có Nguyễn Tùng Linh, Thái Bá Tân, Từ Ngàn Phố, trong đó tôi gần Bùi Việt Phong hơn. Phong đi nhiều, viết nhiều nhất là khi chưa lên Phó Tổng Biên tập báo Lao động và… uống cũng lắm, nói cũng nhiều! Có bữa nửa đêm rồi Phong còn gõ cửa phòng tôi kêu đi uống. Tôi đã toan từ chối vì ngại vợ con la rầy. Nó bảo: “ Uống với nhau chén cuối đời rồi thôi!”. Nói thế thì ai nỡ lòng nào!. Sau này tôi mới biết, Phong khi ấy đang mắc trọng bệnh. Tuy thế, chén rượu đêm ấy chưa phải là chén rượu ly biệt, chén rượu cuối cùng của anh em tôi. Chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần khi Phong rời Tập thể 14 Trần Bình Trọng ra Bảo tàng Phụ nữ hay về Tập thể Trung ương Hội Phụ nữ ở đường Nguyễn Chí Thanh sau này. Phong làm thơ từ hồi còn là bộ đội, là sinh viên văn khoa Đại học KHXH và NV TP. Hồ Chi Minh. Khi ra Hà Nội đầu quân cho báo Lao động, anh có tặng tôi tập thơ Phác họa đường chân trời, in chung với Hoàng Trần Cương (Nxb Trẻ in 1989). Phần “Phác họa” của Phong có cả 29 bài. Tôi nhớ mãi những câu như là “tự truyện” đời anh:
Trong cuộc đời anh đã 
thua thiệt nhiều điều
Chỉ có đôi tay chưa dính bẩn
Và không bao giờ là kẻ 
quá khích
Mở to mắt ra anh nhìn thẳng 
cuộc đời này
                             (Tặng em)
Anh còn có bài thơ Phía trái là làng viết về cái làng nghèo của anh ở Thái Bình, nơi anh từ ấy ra lính và trải cuộc đời trận mạc, nơi ấy có đứa em trai rứt ruột của anh đã yểu mệnh (anh thường lấy bút danh Bùi Việt Sơn tên em khi viết báo để không lúc nào rời xa, mà nhập tên em vào đời mình). Bài thơ được trao giải của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999.
Viết về Bùi Việt Phong, nhớ về bạn, tôi nhớ mãi một kỷ niệm riêng. Ấy là lần tôi nhờ anh làm một việc tình nghĩa - gỡ bài trên báo Lao động! Hôm ấy đã chiều muộn, tôi điện cho anh và nhờ anh. Phong có vẻ mệt nhọc trả lời, anh vừa ký bông một xong, vừa về tới nhà!. Tôi có vẻ dỗi bảo: “Cả đời tôi không nhờ ông cái gì, tôi hứa đây là lần duy nhất”!. Phong bảo: “Bác làm khó cho tôi quá” và cúp máy cái rụp! Tôi thầm oán bạn và buồn bã đi nằm. Chừng nửa đêm về sáng, tôi nghe tiếng chuông điện thoại và tiếng Bùi Việt Phong mệt nhọc trong máy: “Xong việc rồi, bác đừng nói thêm gì nữa để tôi đi ngủ”... Và có ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi nghe được cái giọng của anh. Ít ngày sau khi đến nhà tang lễ 108 tiễn biệt bạn, gặp nhà thơ Từ Ngàn Phố, anh ôm chầm lấy tôi!… Và tự dưng nước mắt hai đứa cứ ứa ra!!!
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/doc-lai-ha-noi-bon-muoi-nam-xa-va-nho_272082.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)