1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Làm ăn

Tìm lối ra cho chiến lược đầu tư thời Covid-19

30/12/2020
Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4-2020 được diễn ra tại TP.HCM ngày 18/11, với sự tham dự của các chuyên gia, diễn giả cùng hơn 200 nhà đầu tư đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính.

Để giúp các nhà đầu tư có được chiến lược đầu tư đúng đắn, hiệu quả trong thời gian tới, hôm nay ngày 18/11, Tạp chí Thương Gia phối hợp với Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam và Tổng đài Địa ốc Việt Nam tổ chức Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4: “Chiến lược đầu tư thời Covid-19” tại TP.HCM.

Giá trị vốn hoá cổ phiếu bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện UBCK Nhà nước tại TP.HCM cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ cấu của thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu hiện có trên 744 doanh nghiệp niêm yết và 905 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương 71% GDP, tăng hơn 3 lần trong vỏng 5 năm qua và đã vượt kế hoạch của Chính phủ đề ra là 70% vào năm 2020.

Hiện nay, số lượng công ty niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD đến nay đã có 30 doanh nghiệp trên cả 2 sàn, chủ yếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng và bất động sản.

Riêng cổ phiếu bất động sản, tính chung trên toàn thị trường thì giá trị vốn hóa lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% và đây là một trong những nhóm ngành quan trọng có ảnh hưởng lớn đến diễn biến chỉ số VN- Index.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…

Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải đối diện khó khăn trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.

Cụ thể, thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành khoảng 45.600 tỷ đồng trái phiếu, tăng 292% so với cùng kỳ, chiếm 29,1% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, quy định chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, bao gồm: Dư nợ trái phiếu sắp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu; khoảng cách giữa 2 đợt phát hành khác nhau ít nhất 6 tháng; mỗi đợt phát hành phải được thực hiện trong vòng 3 tháng… thì thị trường trái phiếu đã hạ nhiệt.

Ngoài ra, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tâm lý thận trọng của người mua tăng lên, cộng với việc thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường chững lại, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường bất động sản đã rục rịch trở lại với các hoạt động mở bán.

Thế nhưng ông Lê Nhị Năng vẫn lạc quan cho rằng, khó khăn của thị trường bất động sản chỉ là ngắn hạn bởi trong dài hạn, nhu cầu mua bất động sản để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm.

Thêm vào đó là việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhờ đầu tư công và việc thành lập TP.Thủ Đức đang được xúc tiến nhanh sẽ góp phần mở rộng và kết nối các khu đô thị mới, là những cú hích mạnh mẽ hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi. Chính vì vậy, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư.

“Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhưng cũng có nhiều cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian qua. Vì thế, các nhà đầu tư cần sàng lọc, “đãi cát tìm vàng”, lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư”, ông Lê Nhị Năng nhấn mạnh.

“Thời điểm vàng” để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản trong 5 năm qua có rất nhiều biến động, trong giai đoạn 2016-2017, thị trường bất động sản phát triển rất tích cực, cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch. Bước sang giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.

Đáng lưu ý là tình trạng “lệch pha cung-cầu” ngày càng rõ rệt, biểu hiện ở tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, đi đôi với đó là thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel).

Riêng 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Theo thống kê, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác; ngân sách nhà nước bị giảm mạnh nguồn thu từ bất động sản kể từ năm 2018 đến nay.

Mặc dù bị tác động bởi đại dịch, nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” ở mức cao; giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê; giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản.

Trong khi đó đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở, đại dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Thế nhưng, ông Lê Hoàng Châu vẫn lạc quan dự báo, từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu (cũng là thời điểm vàng) và cả năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

Trao đổi với khách mời, các nhà đầu tư tại hội thảo, Ts. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, bão dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy với thế giới, làm đảo lộn mọi khía cạnh đời sống con người, kinh tế suy thoái nặng nề, ¼ việc làm bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh đình trệ, chuỗi giá trị đứt gãy, thêm vào đó là tâm lý “lo sợ”/”cẩn trọng” cộng với biện pháp “cách ly địa giới và “giãn các xã hội” cũng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Mặc dù, có nhiều chính sách giải cứu chưa từng có tiền lệ như: Quy mô và phạm vi;  Trao quyền, kích hoạt “luật thời chiến”; Xử lý giữa chống/khống chế dịch và nới lỏng “bế quan toả cảng” duy trì sản xuất kinh doanh. Nhưng khả năng phục hồi của nền kinh tế không dễ đoán định bởi dịch đã bùng phát trở lại từ cuối tháng 10 tại Châu Âu, Mỹ. Điều này càng làm cho nền kinh tế khó trở lại như trước dịch mặc dù năm 2021 (dù tăng trưởng 2021 được IMF 10/2020 dự báo 5,2%).

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu thích ứng với các xu thế phát triển mới; tận dụng lợi thế các thoả thuận thương mại tư do (FTAs) và chiến lược đầu tư nước ngoài trong dịch chuyển các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Quan tâm đến quản trị rủi ro và sự bất định; đảm bảo chống chịu của nền kinh tế”.

TS Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo

Ts. Võ Trí Thành còn đưa ra một số quan sát về đầu tư tài chính, mà theo nhìn nhận của Ts. Thành về thị trường cần phải ưu tiên lựa chọn đầu tư hàng đầu là bất động sản, chứng khoán. Theo ông Võ Trí Thành, thị trường trái phiếu đã tăng dung lượng và tính thanh khoản. Trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ bước đầu tạo đường cong lãi suất; thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước tiến đáng kể trong 3 năm qua.

“Thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ; cẩn trọng với đòn bẩy tài chính, mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn nhưng đừng quá kì vọng vào đòn bẩy tài chính; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn” - Ts. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.

Theo Hòa Bình/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/tim-loi-ra-cho-chien-luoc-dau-tu-thoi-covid-19.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)