1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Làm ăn

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

25/11/2022
Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp (Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025) đã tổ chức Hội thảo và lấy ý kiến đối với dự thảo đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Quang cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành; TS. Trần Minh Sơn, thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành; luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cùng đại diện các ban sở ban, ngành, tổ chức đại diện của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành nhấn mạnh: công tác hỗ trợ pháp lý đến từ các cơ quan Nhà nước là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

z3901807887207_797bad5067334a1ed2b88afe2c395091
Đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành chủ trì hội thảo.

Nhằm triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng để phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2030” (gọi tắt là Đề án) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện khung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu; vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý; phấn đấu 100% quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Cũng tại hội thảo, TS. Trần Minh Sơn - thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đã trình bày dự thảo Đề án, trao đổi những kết quả, khó khăn trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

z3901807295459_fea73f281b57f57ae8892495dd7de369
TS. Trần Minh Sơn - thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình bày dự thảo Đề án.

Tại hội thảo TS. Trần Minh Sơn cho biết, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề pháp lý ngày càng tăng lên, tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý trên thực tiễn vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân:

Nguồn lực chủ yếu tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh dẫn đến thiếu hoặc chưa có nguồn lực để bố trí cho công tác pháp chế;

- Đa phần các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các chi phí gián tiếp như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế còn chưa được quan tâm thỏa đáng;

- Hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (trong khảo sát về hiệu quả sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật, đa số các doanh nghiệp đều đánh giá các dịch vụ ở mức trung bình)...

Theo khảo sát của Bộ Tư pháp trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ pháp lý liên quan đến các biểu mẫu, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp: có đến gần 60% doanh nghiệp có ý kiến về việc khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến các biểu mẫu, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; gần 70% doanh nghiệp có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và gần 80% doanh nghiệp có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến kế hoạch và quy hoạch và 56,52% doanh nghiệp được khảo sát quan tâm đến hoạt động hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý.

Như vậy, nhu cầu được hỗ trợ về mặt pháp lý của doanh nghiệp ở nước ta tương đối cao, trong đó có các vấn đề pháp lý liên quan đến cơ quan Nhà nước, bao gồm thủ tục hành chính, những vấn đề liên quan đến hướng dẫn áp dụng pháp luật cần được hỗ trợ chính thức từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà bản thân các tổ chức dịch vụ pháp lý không thể giải quyết.

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã có những góp ý hoàn thiện đề án. Đồng thời ông Lãm bày tỏ, dự thảo đề án đã viết đậm nét về tổng quan công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cùng những kết quả công tác này từ khi có Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 đến nay. Kết quả thực hiện Chương trình có giá trị, ý nghĩa to lớn trong việc giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý, sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển.

z3901806754037_388bc81824835ca653e78ff69597a086
Luật sư Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp góp ý hoàn thiện đề án.

Kết luận hội thảo, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Ban quản lý Chương trình đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm tổng hợp, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” để Bộ Tư pháp hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến vào tháng 12/2022.

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-422609076-p43304.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)