1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Giải trí
  4.  › 
  5. Du lịch

Giải pháp cho ngành du lịch Việt Nam hậu Covid

16/03/2022
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như các nền kinh tế cả nước đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, con đường dẫn đến sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều thách thức.

Vừa qua, Quốc hội đã tổ chức “Diễn đàn kinh tế Việt Năm 2021” thảo luận nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch và một trong những mục tiêu then chốt trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên để thực hiện được các mục tiêu đó thì vai trò của Tổng cục Du lịch rất quan trọng trong việc liên kết ngành, hợp tác với hàng không là vai trò vận chuyển hành khách chủ yếu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp (Đại học Lincoln, Malaysia)

 Những hạn chế đang tồn tại

 Hiện nay việc hợp tác giữa hai ngành hàng không và du lịch trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, hai bên chưa phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch đến triển khai tổ chức vì vậy một số hoạt động không thể phối hợp, hoặc sự phối hợp chưa đạt hiệu quả cao đồng thời do sự khác biệt về cơ chế quy trình giải ngân, thanh quyết toán, do Tổng cục Du lịch là cơ quan nhà nước phải tuân theo quy định tài chính hiện hành, còn các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) là doanh nghiệp, được chủ động hơn về tài chính. Sự phối hợp giữa Tổng cục Du lịch với Hàng không Việt Nam trong quá trình đặt chỗ và thông tin vẫn còn thiếu đồng bộ khiến các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc đặt vé trong mùa cao điểm cũng như một số đường bay nhất định. Hiện có hơn 40 hãng hàng không nước ngoài đặt văn phòng đại diện hoặc mở đường bay đến Việt Nam nhưng có được bao nhiêu hãng có chương trình hợp tác trực tiếp với Tổng cục Du lịch Trong khi thiếu vé thì ngành Hàng không chỉ dành ưu tiên vé giá rẻ cho một số doanh nghiệp du lịch có số lượng khách lớn nên các công ty du lịch vừa và nhỏ hầu như không thể tiếp cận nguồn vé này, số chỗ trên máy bay hạn chế nên đơn vị lữ hành rất khó tổ chức các tour du lịch hội nghị cho đoàn khách đông, hay điều kiện đặt chỗ khó khăn cũng làm giảm tính kích cầu.

Do vậy, vai trò của nhà nước trở thành nhân tố quyết định đến quy mô, tốc độ và sự bền chặt, ổn định và phát triển của các quan hệ liên kết du lịch và hàng không vì việc phối hợp trong quản lý nhà nước để hình thành một cơ chế phối hợp để điều hành mang tính liên ngành, kiểm tra thực thi các quan hệ liên kết giữa Tổng cục Du lịch và Bộ Giao thông Vận tải.

Khánh Hòa sẵn sàng cho việc mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái bình thường mới - Ảnh: VGP/Minh Trang

Nhóm các giải pháp vĩ mô cơ bản thúc đẩy cho ngành du lịch

Để tạo ra các quan hệ liên doanh, liên kết trở nên thuận lợi, có hiệu quả và khả thi tất yếu cần có sự phối hợp liên ngành, trong đó phải có các cơ quan chuyên ngành của nhà nước làm người “trọng tài” có uy tín với hệ thống các nguyên tắc có tính pháp lý điều chỉnh, tức là cần một hệ thống thể chế và thiết kế phối hợp ở tầng vĩ mô thích hợp, khả thi. Chính vì vậy, các giải pháp kinh tế vĩ mô trở thành các giải pháp tiên quyết đảm bảo cho tính hiệu quả và bền vững của các quan hệ hàng không và lữ hành du lịch.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực ASEAN và quốc tế thời kỳ hậu Covid thì vai trò của các thiết chế nhà nước chuyên ngành cùng với nó là hệ thống thể chế kinh tế thông thoáng phù hợp với các thông lệ quốc tế trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho các quan hệ liên kết trở nên ổn định, thực thi và hiệu quả hơn, Nhà nước cần có những giải pháp cơ bản sau:

- Tạo môi trường pháp lí thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch cạnh tranh, phát triển bền vững, có chính sách phát huy vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp như Hiệp hội Du Lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam để trở thành người đại diện thực sự cho các doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ động và tích cực trong bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, phản ánh đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển của ngành và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là đầu mối thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

- Đổi mới chính sách thuế, tài chính và ngân hàng đối với du lịch, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và cải cách kinh tế thông qua cải cách hệ thống thuế và hệ thống tài chính, ngân hàng để thúc đẩy du lịch phát triển

- Miễn thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển khách du lịch nhằm đổi mới, hiện đại hóa hệ thống phương tiện vận chuyển khách du lịch còn lạc hậu của nước ta hiện nay để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch quốc tế.

- Mở rộng hoàn thuế giá trị gia tăng tất cả các mặt hàng cho khách du lịch nhằm khích lệ khách du lịch mua sắm tại Việt Nam, thúc đẩy du lịch mua sắm phát triển, tăng xuất khẩu tại chỗ để tăng nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế đất nước.

- Tăng ngân sách cho hoạt động marketing, quảng bá điểm đến để thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến, mở một số văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại nước ngoài và duy trì hoạt động tại các văn phòng có hiệu quả.

- Nghiên cứu hình thành Quỹ Xúc tiến Du lịch Quốc gia thời kỳ hậu Covid trên cơ sở huy động từ ba nguồn: ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp du lịch và đóng góp của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến phát triển du lịch của đất nước.

- Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng du lịch. Tập trung phát triển điểm du lịch quốc gia, đô thị, khu, tuyến du lịch thuộc các địa phương có tài nguyên du lịch phong phú nhưng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa

- Hợp tác quốc tế về du lịch, triển khai và rà soát lại việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết về du lịch với các nước phát triển du lịch để có thể tạo ảnh hưởng trên phạm vi quốc tế, trên cơ sở đó bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp lữ hành du lịch Việt Nam. Cần đẩy mạnh sự tham gia của ngành du lịch Việt Nam UNWTO, PATA, ASEANTA …

- Đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường công tác quản lý bằng cách rà soát lại các doanh nghiệp đã cấp phép và kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh tự phát không phép để các doanh nghiệp phải tuân thủ qui chế du lịch, hạn chế những đối tượng kinh doanh không hiệu quả, cạnh tranh không lành mạnh

- Sáp nhập các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành các doanh nghiệp có qui mô lớn hơn để đưa kỹ thuật hiện đại vào tác nghiệp, loại bỏ các doanh nghiệp không phép bằng cách đưa họ vào hợp doanh với các doanh nghiệp lớn, nếu họ có tiềm lực về vốn và nhân sự và cấm hẳn các loại doanh nghiệp nhỏ kinh doanh tự phát, thiếu lành mạnh, thậm chí lừa đảo du khách

- Nâng cao vốn pháp định để thúc đẩy các doanh nghiệp tự giác liên kết, liên doanh với nhau để giảm bớt số lượng doanh nghiệp lữ hành và tăng sức mạnh có thể vươn ra thị trường du lịch vùng và quốc tế. Đối với các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo hướng cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể và cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, lỗ triền miên, theo tinh thần của nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) để bảo đảm tồn tại phát triển ổn định và làm ăn hiệu quả.

- Tăng cường giám sát hoạt động lữ hành du lịch vì là hoạt động mang tính xã hội hóa rất cao, với sản phẩm du lịch kém chất lượng sẽ tác động xấu đến ngành và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Do đó cần thường xuyên kiểm tra hoạt động và chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ của tất cả các đơn vị liên quan đến hoạt động du lịch trên thị trường.

- Kiểm soát đầu tư, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú và nghỉ dưỡng resort cao cấp cho du lịch như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch và xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới

Sau cơn bão covid-19 ngành du lịch còn nhiều khó khăn rất nặng nề với nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, nhưng chúng ta hi vọng rằng với những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ chính sách, doanh nghiệp du lịch luôn tích cực tìm kiếm các giải pháp vượt qua khó khăn sẽ mang lại một niềm tin vào ngành du lịch Việt Nam sẽ từng bước phục hồi bền vững.

Theo TS. Phùng Thế Tám(Đại học Kinh Tế Luật) - TS. Nguyễn Hoàng Hiệp(Đại học Lincoln, Malaysia)/DNTHNT

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/giai-phap-cho-nganh-du-lich-viet-nam-hau-covid-p38102.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)