1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII: khai mạc Hội nghị lần thứ mười

21/11/2022
Sáng 21/11, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ mười.
Quang cảnh hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Theo chương trình, hội nghị sẽ nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2023 - 2025; báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố Hà Nội.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị.

Hội nghị cũng xem xét, cho ý kiến quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách của thành phố giai đoạn 2023 - 2025; đề án quản lý, sử dụng tài sản công của thành phố Hà Nội; nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy; chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy; báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu khai mạc, định hướng thảo luận các nội dung, trước hết về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố. Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức và tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Trên tinh thần đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2022 của thành phố; trong đó, tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2023; đồng thời, đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính…, chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách căn cơ.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các đại biểu cần phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao; trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đại biểu thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc và các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định có khả năng hấp thụ vốn cao, giải ngân vốn tốt...

Đáng chú ý, về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu góp ý, thảo luận sâu về hai vấn đề:

- Thứ nhất là thực trạng dân số của Hà Nội hiện nay cũng như dự báo dân số đến năm 2030, 2050 để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô; vì đây là vấn đề rất quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về hiện trạng dân số hiện nay của thành phố.

- Thứ hai là xác định tính chất, tầm nhìn phát triển Thủ đô theo Quan điểm số 2 của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” là điểm riêng có của Hà Nội cần được phát huy lên và là điểm nhấn của quy hoạch lần này...

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội trình bày các tờ trình: báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2023 - 2025; báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố Hà Nội; quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách thành phố giai đoạn 2023 - 2025; đề án Quản lý, sử dụng tài sản công thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân Thủ đô, thành phố đã triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố Hà Nội đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022, trong đó: tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kinh tế của Thủ đô đã phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng 6,8% so với dự toán, bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch. Sản xuất, kinh doanh phục hồi; các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới… thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7% (chỉ tiêu cả nước tăng khoảng 6,5%); GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá 4,5%; giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022...

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% so với dự toán thành phố giao đầu năm.

Về đề án quản lý, sử dụng tài sản công thành phố Hà Nội, thành phố đã tập trung phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai; đồng thời, kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã trình bày Tờ trình Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch chung của thành phố sẽ bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm định hướng xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực và thế giới…

Trình bày tờ trình về dự thảo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong năm 2022, sẽ tổ chức 5 hội nghị Thành ủy định kỳ và 24 hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy. Dự kiến đến hết năm 2022, sẽ tổ chức các hội nghị cơ bản đúng kế hoạch đã đề ra.

Rà soát các nội dung theo Chương trình công tác, tính đến ngày 15/11, chỉ còn 1 nội dung chưa báo cáo Hội nghị Thành ủy và 29 nội dung chưa báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Những nội dung chưa báo cáo, dự kiến sẽ đưa vào kế hoạch năm 2023.  

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày báo cáo tại hội nghị.

Về Chương trình công tác năm 2023, dự kiến sẽ tổ chức 5 hội nghị Thành ủy định kỳ và một số hội nghị chuyên đề (nếu cần thiết). Các hội nghị sẽ cơ bản bám sát Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội, đồng thời, có bổ sung, điều chỉnh phù hợp theo tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của Đảng bộ và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố…

Tiếp đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết đã trình bày tóm tắt Tờ trình về kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết trình bày báo cáo tại hội nghị.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, dự kiến sẽ triển khai 1 cuộc kiểm tra và 2 cuộc giám sát chuyên đề. Đối tượng kiểm tra là các đảng bộ trực thuộc Thành ủy, một số tổ chức Đảng cơ sở và đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Cùng với đó, sẽ trực tiếp kiểm tra một số Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; đảng ủy và tập thể lãnh đạo một số sở, ngành thành phố; các tổ chức Đảng còn lại tự kiểm tra, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện…

Theo chương trình hội nghị, chiều 21/11 đến hết ngày 22/11, các đại biểu sẽ chia thành 4 tổ thảo luận và tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung theo kế hoạch. Sáng 23/11, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường.

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/ban-chap-hanh-dang-bo-thanh-pho-ha-noi-khoa-xvii-khai-mac-hoi-nghi-lan-thu-muoi-1835149486-p43294.html

 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)