1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Phương pháp kiểm soát tác hại của rác thải nhựa nhằm bảo vệ nguồn lợi tài nguyên môi trường biển và hải đảo

24/08/2020
Trên thế giới, diện tích bề mặt biển và đại dương chiếm 71% diện tích bề mặt địa cầu. Biển đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu toàn cầu, và cũng là nguồn cung cấp lớn về thực phẩm, năng lượng và khoáng sản cho con người. Thống kê năm 2010 cho thấy dân số thế giới sống trong phạm vi ven biển trong vòng 100 km chiếm đến 80% dân số toàn cầu. Kéo theo đó là nguy cơ phát sinh các nguồn ô nhiễm do ý thức con người như xả thải bừa bãi, nguồn thải từ các khu công nghiệp ven biển và hải đảo,… Nhằm mục đích giảm được nguồn ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất thì chúng ta cần phải có những định hướng và lộ trình nghiên cứu trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó phải kể đến ô nhiễm môi trường biển và hải đảo về rác thải nhựa nói riêng.

Tổng quan về ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường biển

Ô nhiễm biển hiện nay có thể khiến cho vùng cửa sông và ven biển, đảo không an toàn cho các hoạt động và môi trường sống của con người và động vật. Ở một số nơi, tình trạng ô nhiễm trầm trọng đến nỗi nhiều bãi biển bị đóng cửa hoạt động. Khắc phục hậu quả của nguồn ô nhiễm biển thường rất tốn kém. Mỗi năm phải mất hàng triệu đô la để dành cho việc phục hồi và bảo vệ các khu vực bị ô nhiễm hoặc bị de dọa bởi các nguồn gốc ô nhiễm.

Ô nhiễm biển hiện nay có rất nhiều nguồn, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund For Nature - WWF) chủ yếu 80% nguồn ô nhiễm biển xuất phát từ thềm lục địa. Dòng chảy sẽ là yếu tố đưa ô nhiễm từ lục địa chảy ra biển bao gồm nhiều nguồn ô nhiễm nhỏ như bể tự hoại, xe ô tô, xe máy, tàu thuyền; nguồn thải các khu công nghiệp, chế biến, nguồn trang trại, chăn nuôi,… Các chất thải như đồ nhựa, túi nhựa, chai nhựa, bình thủy tinh, giày dép cũ, vật liệu đóng gói hay hóa chất như dầu, phân bón, thuốc trừ sâu phần lớn sẽ trôi ra biển thông qua sông ngòi và cống rãnh. Chất thải nhựa, cao su thường phân hủy rất chậm, chúng thường bị nhầm lẫn với thức ăn của các động vật biển. Nhiều đồ thải từ nhựa, cao su, vỏ lon,… đã được tìm thấy trong dạ dày của các loài cá, rùa và chim biển. Theo quỹ di sản đại dương (The Ocean Legacy Foundation) có 192 quốc gia có biên giới sát Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Biển Đen cung cấp 2,5 tỷ tấn rác thải đặc và khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ vào biển năm 2010.

Các chất thải nhựa sau khi trôi dạt ra biển chúng sẽ bị phân rã do chiếu sáng, dưới tác động của sóng chúng sẽ vỡ thành những mảnh nhỏ. Các động vật biển như: Sò, hàu, cá, rùa biển và chim sẽ nhầm lẫn các mảnh nhựa là thức ăn của chúng. Con người cũng sẽ chịu ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa biển như ăn các loài hải sản bị phơi nhiễm, tắm ở những vùng biển bị ô nhiễm. Bằng chứng cho thấy là có thành phần nhựa trong một số loài như sò, hàu, cá có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ nghiêm trọng như: Ung thư, tổn thương hệ thống miễn dịch, các vấn đề về hành vi và giảm khả năng sinh sản.

Thống kê lượng chất thải đổ ra biển năm 2010.

Theo tạp chí National Geographic, một số nghiên cứu trong những năm gần đây chỉ ra rằng, khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm 39 mẫu muối trên thị trường thì phát hiện tới 36 mẫu muối có thành phần vi nhựa (những hạt nhựa có kích thước nhỏ) trong muối ăn. Điều này thật khủng khiếp khi mà muối ăn lại là gia vị phổ biến hàng ngày của chúng ta.

Các nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường biển ở Việt Nam

Việt Nam là đất nước có biển với bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam hơn 3260 km bờ biển cùng với hàng ngàn đảo lớn nhỏ. Dân số Việt Nam cũng đa phần tập trung sinh sống ở ven biển và hải đảo. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị ven biển. Biển và hải đảo của Việt Nam càng phải đối diện với nhiều thách thức nguy cơ ô nhiễm mà chủ yếu do các hoạt động của con người gây ra.

Trong một lần đi khảo sát biển ven bờ ở Việt Nam, khi nhóm chúng tôi đi thăm một cảng cá để thuê tàu đi khảo sát, nhìn chung trên các tàu đều không có thùng đựng rác thải. Tất cả rác thải nhựa và các rác thải khác đều đổ thẳng trực tiếp ra biển. Dọc các bãi tắm cũng vậy, thói quen sử dụng đồ nhựa và xả rác không ngừng tăng lên sau mỗi mùa du lịch.

Hiện nay, nhiều lưới đánh bắt cá vẫn là dây cước nhựa. Các ngư dân nuôi bè lồng trên biển cũng sử dụng các thùng bằng nhựa để làm lồng nổi, nhiều ngư dân còn dùng các lốp ô tô cũ để nuôi hà,… Những thứ này khi đã hết hạn sử dụng thường được vất thẳng ra biển, làm cho biển ngày càng tích trữ nhiều về rác thải nhựa.

Một nhóm nghiên cứu gồm người Mỹ và Úc do Jenna Jambeck đứng đầu cho thấy. Trong năm 2010, Việt Nam có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa không được quản lý với ước tính 0,73 triệu tấn chất thải của nó kết thúc trong đại dương. Đây là con số không hề nhỏ khi mà chúng ta xếp vào hàng thứ 4 về quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Nhìn chung, các nguyên nhân gây ô nhiễm biển ở Việt Nam vẫn chủ yếu do con người gây ra là chủ yếu. Các khu công nghiệp và ý thức xả thải vô ý thức của người dân đã biến biển của chúng ta không còn trong sạch nữa. Thói quen xem biển như bãi rác khổng lồ vẫn tồn tại trong nhiều tiềm thức của một bộ phận nhỏ.

Định hướng những vấn đề nghiên cứu, khiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

Một khi đã để xảy ra ô nhiễm môi trường thì chúng ta cần rất nhiều tiền và thời gian để khắc phục hậu quả, nhiều năm sau có khi vẫn không trả lại được hiện trạng môi trường như ban đầu. Hiểu rõ được nguy hại và những hệ lụy từ ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển và hải đảo chúng ta cần có những nghiên cứu và phương án hành động cụ thể. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã có nhiều bộ luật và các thông tư ra đời nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường biển và tránh hạn chế để xảy ra môi trường biển và hải đảo như:

Luật bảo vệ môi trường quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách; biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bảo vệ môi trường.

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Hình ảnh đáng báo động về tác hại của rác thải nhựa

Bên cạnh đó, các quy định của các điều luật là chưa đủ để ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm ra môi trường biển. Các thông tư hướng dẫn thực hiện và xử phạt chưa đủ mức răn đe. Do đó cần phải có những định hướng nghiên cứu cụ thể trong các vấn đề về kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Vì vậy chúng tôi đưa ra một số định hướng nghiên cứu nhằm kiểm soát và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường như:

Ở Việt Nam, việc ý thức của người dân chưa được cao. Tình trạng vất rác bừa bãi và không quy củ xảy ra từ thành thị tới nông thôn, kể cả các ngư dân trên biển, khách du lịch. Tại những điểm công cộng luôn thiếu các thùng rác và có thì cũng quá nhỏ và không được thay thế khi đầy dẫn đến người dân buộc xả thải bừa bãi. Vì vậy chính quyền và các cấp quản lý cần tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường. Tăng cường lắp đặt các điểm thu gom rác hợp lý và có chế tài đủ mạnh để răn đe khi xảy ra sai phạm.

Nâng cao hiệu quả giám sát từ xa: Việc ô nhiễm môi trường biển ngoài khơi, ven bờ và các hải đảo là khó tránh khỏi. Các phương tiện giám sát và cảnh báo từ xa như ảnh vệ tinh hay các trạm rada lắp đặt ven biển ở Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta hiện nay vẫn còn lúng túng khi sử dụng chưa thật sự hiệu quả các thiết bị trên, chưa đưa ra được các cảnh báo tràn dầu xảy ra trên biển.

Xây dựng các bản đồ nguy cơ xảy ra ô nhiễm biển: Việc dân cư tập trung đông đúc ở ven biển cũng như dày đặc các khu công nghiệp và các đặc khu kinh tế ven biển sẽ là một trong những nguyên nhân có thể gây nguy hại cho môi trường. Đánh giá được các nguy cơ xảy ra ô nhiễm ven biển là cách hiệu quả trong việc kiểm soát tận gốc nguồn gốc gây ô nhiễm biển và hải đảo.

Hoàn thiện bổ sung các cơ chế chính sách pháp luật về môi trường: Biện pháp có lẽ hiệu quả nhất là chúng ta cần hoàn thiện và xây dựng được các văn bản chi tiết về hướng dẫn thi hành theo hướng đồng bộ, thống nhất, công bằng. Tránh chồng chéo giữa các bộ ngành. Tăng cường hợp tác xây dựng mục tiêu giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững kinh tế và tài nguyên biển và hải đảo.

Một số kiến nghị cho Việt Nam

Để giảm thiểu rác thải nói chung và rác thải nhựa ra biển nói riêng. Cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các bộ ngành liên quan. Một số kiến nghị cho nghiên cứu về giảm thiểu rác thải nhựa cho Việt Nam như:

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Giảm thiểu đồ dùng bằng nhựa đối với cộng đồng kể cả đồng bào miền núi.

Tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt về lĩnh vực ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Tăng cường tuyên truyền, giám sát và phát hiện cảnh báo sớm các nguy cơ gây hại tổn thương đến môi trường biển và hải đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề bảo tồn, giám sát biển và rác thải nhựa ở biển.

Hồng Việt (Theo Viện nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam)/Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/phuong-phap-kiem-soat-tac-hai-cua-rac-thai-nhua-nham-bao-ve-nguon-loi-tai-nguyen-moi-truong-bien-va-hai-dao-1023493675.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)