1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022”

24/11/2022
Sáng ngày 10/11, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022” nhằm kết nối các tổ chức kinh tế tham gia OCOP với các đối tác là nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, để nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu.
z3869682636419_0d0f331582dcf470b3a1cdbba3562647
Quang cảnh Hội nghị.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp Trung ương; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp, tổ chức  quốc tế; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối NTM các tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đại diện các sở ban ngành tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tin truyền thông.

z3869685891226_2452f670c338da83c46c6718b8e7ecaa
Mở đầu hội thảo, các đại biểu được xem phóng sự, video clip về sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã triển khai rất tích cực, xác định đây là nội dung trọng tâm và giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. 

Trình bày báo cáo thực trạng và những khó khăn, vướng  mắc trong thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc  Giang, ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân), 42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%), 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%), 1 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch là Du lịch sinh thái văn hoá Bản Ven ở Yên Thế, nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu. 

z3869682670183_8c84fadecc619d0544042481baa90d45
Ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang trình bày báo cáo thực trạng và những khó khăn, vướng  mắc trong thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc  Giang.

Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Bắc Giang cũng gặp phải một số khó khăn thách thức như: các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ; công tác tuyên truyền còn chưa thực sự thu hút, hình thức chưa đa dạng; hầu hết các địa phương và chủ thể mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa hoặc ít quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng sản phẩm đồng đều; việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm còn hạn chế; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP còn sơ sài, lưu trữ trên các phần mềm, thuật toán cơ bản công tác bảo mật còn giản đơn…

z3869682711313_036932c1a88d44600836db37a64ff2c2
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐP NTM Trung ương phát biểu định hướng chỉ đạo một số nội dung cần thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới.

Đặc biệt, hội thảo được nghe ý kiến của ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐP NTM Trung ương phát biểu định hướng chỉ đạo một số nội dung cần thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới. Theo đó, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới đó là lấy Công nghiệp là động lực chủ yếu, Dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn. 

z3869682590266_d31871f42586d8685d685f2a3350ccc0
Khu trưng bày các sản phẩm Ocop đạt 4 sao tỉnh Bắc Giang.

Hội thảo diễn ra dưới sự thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi. Trong số các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo có 09 ý kiến đề xuất về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; 08 ý kiến đề xuất về nêu cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện Chương trình; 07 ý kiến đề xuất các chính sách triển khai thực hiện chương trình; 13 ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về phát triển sản phẩm OCOP; 08 ý kiến kiến nghị giải pháp về công tác đào tạo, tập huấn; 09 ý kiến đề xuất giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện chương trình; 10 ý kiến về vấn đề xúc tiến thương mại và phát triển thị trường,...

z3869682657966_66dd97ab91822a3df48ba08779c1ddf4
Ông Lê Ánh Dương -  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp.

Qua lắng nghe trình bày báo cáo và các tham luận tại hội thảo, ông Lê Ánh Dương -  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và đại biểu tại Hội thảo. Đồng thời bày tỏ sẽ tiếp thu tích cực tất cả các ý kiến để vận dụng, tổ chức thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn. 

Tiếp thu ý kiến gợi mở của ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐP NTM Trung ương, ông Lê Ánh Dương cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Trong đó ông Lê Ánh Dương đề nghị:

Đề nghị Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề tài khoa học về Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ưu tiên lựa chọn Bắc Giang là một trong những địa điểm để tổ chức thực hiện.

Đề nghị các tỉnh bạn (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn và TP Hà Nội) tiếp tục phối hợp cùng với tỉnh Bắc Giang trong trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp trong thực hiện Chương trình; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP giữa các tỉnh.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP về nguồn lực, về cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển; vận dụng hiệu quả linh hoạt các chính sách để hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm như hỗ trợ hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm,... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Đề nghị các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp tục quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm của đơn vị mình, tuân thủ nghiêm các quy định sản xuất an toàn, chất lượng, thường xuyên quan tâm đến việc nâng hạng sao; xác định khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được nâng lên tầm cao mới với quy chuẩn, tiêu chí chất lượng tốt nhất, sản phẩm sẽ được gọi tên và mang thương hiệu cụ thể để từ đó có định hướng đúng đắn trong sản xuất cũng như tham gia thực hiện Chương trình.

Đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương.

z3869682566314_08d870a0b0bfcd6d536b3e86687b026c
Các đại biểu thăm quan khu trưng bày các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Bắc Giang.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022” đã thành công tốt đẹp. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã gửi lời cảm ơn sự tham gia nhiệt tình và đóng góp hết sức tích cực và tâm huyết của quý vị đại biểu đồng thời bày tỏ sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các đối tác trong nước đến hợp tác, đầu tư sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng./.

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/hoi-thao-nang-cao-chat-luong-cac-san-pham-ocop-tinh-bac-giang-nam-2022-p43114.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)