1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Gạo đặc sản BahNar được bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Mang Yang'

03/02/2021
Gạo Ba Chăm Mang Yang, sản phẩm gạo đặc sản gắn liền với đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

“Ba” theo tiếng Bahnar có nghĩa là “lúa”, còn Chăm là người dân tộc Chăm, giống lúa Chăm. Những già làng trong xã Đăk Trôi huyện Mang Yang đều không thể xác định được nguồn gốc giống lúa Ba Chăm có từ khi nào, chỉ biết rằng người dân nơi đây đã ăn gạo Ba Chăm từ rất lâu rồi và cho đến bây giờ cũng vẫn chỉ ăn một loại gạo này.

Cũng có một lưu truyền khác về giống lúa này là vào khoảng những năm 1960, những người Chăm vùng Bình Định, Phú Yên khi tham gia hoạt động cách mạng thời chống Pháp đã đem loại giống lúa này lên huyện Mang Yang để gieo trồng, và gìn giữ cho đến ngày nay.

Khu vực trồng lúa Chăm tại huyện Mang Yang là vùng cánh đồng trũng phân bố ở độ cao từ 700m - 1.000m so với mực nước biển, biên độ nhiệt độ ngày đêm vào các tháng cây lúa trỗ bông và vào hạt (tháng 9 - tháng 10) là từ 9 - 10 độ C, độ ẩm không khí trên 80% trong suốt gần 8 tháng canh tác. Thời gian thu hoạch là tháng 11 khi ít nhất 85% số hạt trên bông lúa có màu vàng.

Ruộng lúa xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang (Gia Lai)

Đặc thù địa hình và khí hậu này cùng với mùa vụ canh tác dài (giống lúa Chăm là giống lúa cạn dài ngày) đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa trồng tại huyện Mang Yang có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, hạt gạo có màu trắng đục và có mùi thơm đặc trưng.

Lúa Chăm mặc dù là giống lúa tẻ, nhưng có nét tương đồng với các giống lúa có nguồn gốc từ giống Japonica của Nhật Bản. Đặc thù về giống này cộng với đặc thù về điều kiện địa lý nêu trên đã làm cho hạt cơm từ gạo Ba Chăm tại huyện Mang Yang mềm và dẻo (độ bền gel của gạo từ 46mm - 139mm, hàm lượng Amylose của gạo từ 13,62% - 19,98%).

Cơm gạo Ba Chăm  có mùi giống gạo nếp nhưng nhẹ hơn, vì vậy, dù có rất nhiều loại gạo trên thị trường nhưng nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai vẫn luôn gắn bó với gạo Ba Chăm.

Cùng là giống lúa cạn dài ngày, nhưng khác với giống lúa cạn dài ngày như giống lúa A ri ở huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế có truyền thống canh tác trên vùng đất cạn, cây lúa Chăm tại huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai được canh tác trên cánh đồng trũng có mạch nước nổi hình thành từ lưu vực của sông A Yun, suối Đăk Trôi.

Trước đây, năng suất lúa Ba Chăm rất thấp, chỉ đạt khoảng 24 tạ/ha. Ngày nay, nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT nên mặc dù vẫn canh tác theo phương thức chọc chỉa truyền thống và hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nhưng năng suất vẫn đạt trên 35 tạ/ha.

Nhận thấy giá trị của giống lúa này, Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện dự án phục tráng và sản xuất giống lúa Ba Chăm nguyên chủng; thời gian thực hiện dự án là 3 năm (2018-2020).

Mục tiêu của dự án là khôi phục lại giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập chu trình sản xuất tối ưu nhất cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển giống lúa Ba Chăm trở thành đặc sản lúa gạo được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, góp phần giúp bà con Bahnar vùng Đak Trôi cũng như các địa bàn lân cận thay đổi điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/gao-dac-san-bahnar-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-mang-yang.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)