1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Nhìn từ triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020

07/02/2021
Diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10/12/2020, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 là sự kiện lớn của giới mỹ thuật cả nước và là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật được tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm mới, có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, phía sau triển lãm vẫn còn bao bộn bề, trăn trở…
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 thu hút nhiều công chúng đến thưởng lãm. Ảnh: ĐT
 
Khát khao sáng tạo và tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt
 
Với gần 500 tác phẩm trưng bày được lựa chọn từ 3571 tác phẩm của 1382 tác giả đến từ 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 được coi là cuộc tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam trong thời gian 5 năm (2016 - 2020), đồng thời ghi nhận những thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quy tụ trong triển lãm là các tác phẩm thuộc nhiều loại hình: hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art và các loại hình nghệ thuật đương đại khác. Hội họa áp đảo về số lượng tác phẩm và được thể hiện bằng nhiều chất liệu từ truyền thống đến hiện đại, trong đó mảng tranh sơn mài được đánh giá cao với nhiều dấu ấn. Đặc biệt, không ít tác phẩm đã thể hiện sự bứt phá cũng như sự trăn trở của tác giả khi đề cập đến những đề tài đương đại như: môi trường, công nghệ… Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì: “Đã có một toàn cảnh mỹ thuật thấp thoáng nhô ra những góc cạnh va đập thị giác từ muôn góc khuất của cuộc sống đương đại. Đã có những nét phác quả quyết đầu tiên từ phúc phận, dung nhan người Việt mới trong thế kỷ mới”. 
 
PGS, họa sĩ Lê Anh Vân - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định: “Những tác phẩm trưng bày trong triển lãm lần này phản ảnh được phần nào sự khát khao sáng tạo, tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt tình cảm của các họa sĩ trước những biến đổi của xã hội và của thời đại công nghệ và thế giới phẳng”. Còn NSND, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì cho rằng tuy triển lãm không có những đột phá hay xuất hiện những tài năng trẻ thật xuất sắc nhưng phải ghi nhận những cố gắng, sự đam mê đầy trách nhiệm, kiên trì với con đường, khuynh hướng mình lựa chọn của các nghệ sĩ để đóng góp cho sự đa dạng của cuộc trưng bày lần này cũng như sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam. 
 
Và những băn khoăn…
 
Năm nay, cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật Việt Nam mở rộng đối tượng tham dự, ngoài các họa sĩ trong nước còn mời các họa sĩ Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Theo đánh giá của giới chuyên môn, triển lãm xuất hiện tác phẩm của những gương mặt nghệ sĩ trẻ nhiều tiềm năng triển vọng trong tương lai nhưng đồng thời cũng thiếu vắng những tác phẩm của các nghệ sĩ đã hoạt động tích cực và có thành quả của những năm qua. 
 
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận định, các sáng tác kém chất lượng ngày càng vắng trong triển lãm tầm cỡ, chứng tỏ trình độ sáng tác đã được nâng lên trong toàn quốc, nhưng ngược lại những tác giả có tên tuổi cũng ít tham gia hơn. Và theo ông, cần phải có sự thay đổi trong cách thức tổ chức, nên mời đích danh các tác giả có tên tuổi thay vì đợi họ gửi tranh đến triển lãm và duyệt. 
 
Một vấn đề được bàn thảo nhiều từ triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 đó chính là địa điểm trưng bày và công tác bảo quản khi vận chuyển tác phẩm. Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam dù phần nào đáp ứng được không gian trưng bày nhưng điều kiện trang thiết bị thì vẫn chưa thể đáp ứng cho một triển lãm lớn và mang tính thẩm mỹ cao. Đáng chú ý, công tác bảo quản tác phẩm cũng bộc lộ những bất cập. Đã có tác phẩm bị xước, hỏng trong quá trình vận chuyển, thậm chí có họa sĩ xin rút tranh không tham dự triển lãm. Và điều này tiếp tục là cảnh báo cho hoạt động nghiệp dư trong khâu vận chuyển tác phẩm nghệ thuật. Đó là chưa kể việc mua bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật cũng chưa được chú trọng, khâu trưng bày tác phẩm cũng chưa có được sự chuyên nghiệp… “Thực tế này đòi hỏi cần một sự đổi thay mang tính toàn diện ở quy mô Nhà nước chứ không đơn thuần là thay đổi cách làm triển lãm, có như thế mới có thể nâng tầm chuyên nghiệp của hoạt động mỹ thuật” - nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng khẳng định. 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/nhin-tu-trien-lam-my-thuat-viet-nam-2020_263611.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)