1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Thơ đương đại phải hướng tới đời sống xã hội sâu hơn nữa

10/01/2021
Cách đây từ nửa thế kỷ, Bằng Việt là gương mặt thơ tài năng của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ. Kể từ tập thơ “Hương cây, bếp lửa” (in chung với nhà thơ Lưu Quang Vũ, 1968) cho đến nay nhà thơ Bằng Việt đã ra mắt bạn đọc gần 20 tập thơ, thơ dịch và phê bình tiểu luận. Gần đây nhất (tháng 6/2020), ông cho ra mắt tập “Thơ Bằng Việt 1986 - 2016”. Trong chuyên mục Trò chuyện với văn nghệ sĩ, nhà thơ Bằng Việt đã có những chia sẻ với bạn đọc về tập thơ này và cả những câu chuyện xung quanh chặng đường 30 năm thơ đổi mới sau chiến tranh.
 
Nhà thơ Bằng Việt 
 
PV: Tập thơ mới nhất của ông gồm 96 bài thơ viết trong thời kỳ 30 năm đất nước đổi mới  (1986 - 2016), có khá nhiều suy tư, trăn trở với cuộc sống mới, với con người hôm nay. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về những đổi mới của thơ ông giai đoạn này kể cả nội dung đề tài và thi pháp nghệ thuật?
 
Nhà thơ Bằng Việt: Khi các độc giả thơ nhìn về lớp nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giữ nước thì người ta thường hay nghĩ về đóng góp của chúng tôi từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Sau những năm 80 đã có dư luận nói rằng lớp nhà thơ thời chiến tranh đã hoàn thành nhiệm vụ và có thể bây giờ đã chuyển giao “trận địa” thơ cho các nhà thơ trẻ hơn, có điều kiện đổi mới, cách tân của thời đại mới, cụ thể là những nhà thơ trưởng thành sau năm 1975. 
 
Tôi nghĩ thơ là sự tiếp nối không ngưng nghỉ và liền mạch với nhau, từ thơ chiến tranh sang thơ hòa bình, từ thơ chiến đấu sang thơ xây dựng, nó không tự phân cách ra khoảng cách nào cả. Lớp nhà thơ trưởng thành qua chiến tranh với độ tuổi lớn của mình, với những kinh nghiệm từng trải của mình, vẫn có thể có những đóng góp xứng đáng trong thời Đổi mới và vẫn có quyền cách tân và làm mới thơ mình trong thời đại mới. Vì thế, tôi nảy ra ý định tập hợp những bài thơ mình viết từ năm 1986 bắt đầu thời kỳ Đổi mới tới năm 2016 là thời điểm tôi in tập thơ sau cùng “Oẳn tù tì”. Gộp lại thành quả 30 năm thơ có chọn lọc lại, để khẳng định một điều: các tác giả xuất hiện từ thời chiến tranh vẫn còn đủ sung sức và khả năng sáng tạo để có thể đi tiếp chặng đường Đổi mới với những đóng góp mới cho văn học đất nước. 
 
Việc đổi mới trong thơ không thể chỉ là đổi mới riêng về nội dung hay hình thức tách rời nhau, mà phải là sự đổi mới từ cách chọn đề tài và chủ đề, thể hiện các góc độ mới của đề tài, phát hiện những điều cập nhật nhất trong các chủ đề, tạo góc nhìn riêng của tác giả và tâm thế mới của nhân vật trữ tình trong thơ. Đổi mới thực chất còn thấy rõ ở chỗ cách  thức tác giả nhìn vào hiện thực hôm nay như thế nào, biết lọc cái gì từ hiện thực bề bộn ra để đưa vào thơ, khi đưa nhân vật trữ tình vào thơ mình phải có gì phù hợp và hấp dẫn với suy nghĩ cũng như mọi quan tâm của độc giả hôm nay, nhất là lớp trẻ. Tính cập nhật và tính thời đại không chỉ nằm hời hợt trên đề tài hay chủ đề, mà từ trong hồn cốt của bài thơ, trong từng ý nghĩ, cảm xúc tâm đắc và từng chi tiết đắt giá được lẩy ra từ hiện thực, để tác giả thực sự chia sẻ được với độc giả. Trong 30 năm đổi mới, tôi rất muốn thơ Việt Nam, trong đó có thơ của thế hệ chúng tôi phải có những đổi mới như vậy.
 
PV: Trong tập thơ “Bằng Việt 1986 - 2016” có rất nhiều bài thơ ông dùng tứ thơ theo kiểu tự sự về thời sự như kể lại một câu chuyện, dựng lại một sự kiện đời sống vừa xảy ra. Tôi có cảm tưởng, là sau những trải nghiệm của thơ trữ tình lãng mạn và thơ trữ tình tâm trạng trước đây, những năm gần đây, thơ Bằng Việt đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới từ thơ trữ tình thế sự và thơ trữ tình chiêm nghiệm với những bài thơ khơi gợi sự suy ngẫm từ những mảng chất liệu tươi ròng của đời sống. Với mạch thơ này, ông có những tìm tòi, đổi mới gì cho thơ ca của mình?
 
Nhà thơ Bằng Việt: Trong xu thế chung, tôi nghĩ thơ càng ngày càng phải gần gũi và có ý nghĩa với đời sống, với lo toan thường nhật, như có lúc người ta bảo rằng phải dám đưa cái chất đường phố, bụi bặm hàng ngày vào trong thơ, chứ không phải “chất thơ”chỉ là cái gì đó đèm đẹp, tách riêng ra một khoảnh trời quá ư là thanh tĩnh, riêng biệt, mà có người đùa là thứ thơ “hoa thơm bướm lượn”. Tôi cũng rất muốn làm điều ấy nên trong tập thơ này, tôi có dành riêng một phần thơ viết về Muôn mặt chuyện đời. Không chỉ mang chất thơ đường phố, bụi bặm vào thơ, mà tôi muốn dựng mỗi bài thơ từ một câu chuyện nhỏ quan sát được trong đời sống hôm nay, thậm chí tôi còn muốn minh họa cho thơ không phải bằng tranh ảnh nghệ thuật mà bằng chính những tấm ảnh lấy từ thời sự hàng ngày cho trực diện hơn, như các bài thơ “Xin ấn đền Trần”, “Cá om niêu làng Vũ Đại”, “Chui vào hàm cá sấu” (tiếc là những ảnh này chỉ in trong tập “Oẳn tù tì”, còn ở tập “Tuyển 30 năm” thì không in được). Thơ được minh họa cũng không phải là có gì mới, nhưng thơ minh họa bằng ảnh thời sự báo chí thì tôi nghĩ. Cũng là một thể nghiệm khá “liều” của tôi để thể nghiệm, tuy nhiên, tôi thấy nhiều bạn đọc phản hồi lại rất tích cực và hoàn toàn chấp nhận. Có nhiều bạn muốn thơ chỉ nên cao sang, rời xa các thông tin báo chí, và thơ tôi từng đã có giai đoạn rất chọn lọc, rất kiệm lời khi đưa thông tin vào thơ, chủ yếu dựa vào cảm xúc và triết luận, đã từng được bạn đọc nhận xét là thứ thơ “cao sang”, thậm chí hơi “quý tộc”. Vì vậy bây giờ, khi dám phá ra, tôi đã làm mới lại thơ mình chính bằng cách trượt từ trên cao, từ sách vở xuống thẳng mặt đất, không trốn tránh cách trần thuật, kể chuyện, vừa phản ánh vừa nhào nặn hình tượng và biểu cảm, làm sao để độc giả thấy được thật cụ thể một điều chiêm nghiệm gì đó của tác giả về đời sống hôm nay. Tuy nhiên, đây chỉ nằm ở 1 trong 5 chủ điểm lớn của tập thơ. Các chủ điểm khác còn là: sự đề cao tính tự phát bất chợt của tâm trạng và cảm xúc trong thơ; sự liên kết liền mạch trong một “thế giới phẳng” hiện đại; sợi chỉ đỏ hữu cơ tự động nối quá khứ với hiện tại mà không hề “cắt khúc” ra từng mảnh riêng, hay phủ nhận quá khứ; và cuối cùng là những khoảnh khắc đáng nhớ trong chiêm nghiệm.
 
PV: Được biết, nhà thơ thời trẻ đã du học ở Nga, tìm hiểu về văn học Nga khá kỹ và từng dịch thành công khá nhiều thơ Nga. Trong tập “Thơ Bằng Việt 1986 - 2016”, ở bài thơ “Thơ hay - có cần phải chết?”, dường như ông đã nhìn thấy sự hữu hạn của những bài thơ một thời được cho là hay nhưng đã không vượt được thời gian và có lẽ người làm thơ cũng đừng nên nghĩ đến sự bất tử của thi ca khi cầm bút. Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?
 
Nhà thơ Bằng Việt: Trong bài “Thơ hay - có cần phải chết”, tôi đã viết như sau:  
 
“Maiakốpxky giơ cao tấm hộ chiếu đỏ tươi
Ngẩng đầu hiên ngang: 
 
“Ta chính là Liên bang Xô- viết”, 
Câu thơ trác việt một thời, nhưng hôm nay phải chết
Khi ngay cả Liên bang Xô- viết không còn!
Tố Hữu dịch bài thơ “Đợi anh về”
Bài thơ được chuyền tay, suốt một thời bom rơi đạn nổ…
Cho tới lúc hàng vạn người xuất ngũ,
Người mất cũng mất rồi, người chờ đợi đã già đi,
Bài thơ kiên trung đầy khắc khoải, chia ly
Đành thở phào ra đi, khi làm xong nhiệm vụ.
 
Các cô gái, nếu trọn đời cứ vô danh, bé nhỏ,
Đâu phải chịu số phận ngặt nghèo như số phận Tây Thi!
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng…”
Đã vượt qua tầm cao, cái chết có xa gì?!
 
Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử
Miễn đừng để loài người hèn hạ tối tăm đi!”
 
 
Có nhiều anh em sáng tác vẫn thường hay huyễn hoặc, muốn thơ của mình phải sống mãi, phải bất tử, thích được ví mình phải được như các đại thi hào Puskin, Nguyễn Du. Tôi thì nghĩ, những mơ ước đó cũng là chính đáng, nhưng thực tế thì rất khó đạt được, không những chỉ vì khả năng của mình, mà còn phụ thuộc vào cả hoàn cảnh lịch sử, vị thế thời đại. Vì vậy, nên nghĩ một cách thực tiễn hơn là: thơ hay cũng vẫn phải chết như thường, thơ hay thực sự có ích vào lúc nó sinh ra, khiến người ta thuộc và nhớ nó vì người ta cần đến nó lúc ấy, còn khi đã làm xong nhiệm vụ, hoàn cảnh xã hội đã thay đổi đi, thì cũng không nên khăng khăng cứ bắt nó phải sống mãi (mà thực ra, có vinh quang nào chỉ dành cho một thời mà có thể sống mãi mãi trên đời?). Đó cũng là cách nhìn biện chứng. Nhà thơ Nga Ximônốp tác giả bài thơ “Đợi anh về”, được Tố Hữu dịch sang tiếng Việt thời chống Pháp, khi sang thăm Việt Nam năm 1970 có viết bài thơ “Gửi nhà thơ Tố Hữu” với một triết lý thật hay: “Tôi mong sao/ Trên con đường dài/ Khi tới được tự do độc lập/ Hàng triệu người trở về yên ổn/ Để không còn một ai phải đợi/ Để yên bình ngự trị cả thiên nhiên/ Thơ của tôi - thở phào êm ái/ Và sẽ chết / Trong lời dịch tuyệt vời của anh”. Ximônốp không hề mong thơ mình còn sống mãi khi hàng ngàn người vẫn đang phải chết, thà để thơ mình chết đi mà hàng ngàn người được sống thì có lý hơn nhiều. Đấy mới là thứ triết lý nhân văn cao cả của nhà thơ. Tôi chỉ muốn nói một điều, rằng ngay lúc ra đời, thơ cần làm sao cho loài người cao thượng hơn, làm cuộc sống tốt đẹp hơn, đừng làm cho con người hèn hạ, tối tăm đi, thế là đủ, cũng đừng màng tới chuyện thơ bất tử hay không bất tử làm gì! Có lẽ đó cũng là ý nghĩ đồng thuận với nhà thơ Nga Ximônốp hay với cả nhiều nhà thơ nhân văn chủ nghĩa khác trên thế giới.
 
PV: Xin cảm ơn nhà thơ Bằng Việt!
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/tho-duong-dai-phai-huong-toi-doi-song-xa-hoi-sau-hon-nua_263918.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)