1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Thăng Long - Hà Nội và bóng dáng thi nhân

18/02/2022
 Thăng Long - Hà Nội và bóng dáng thi nhân
 
Một dịp, tôi cùng du xuân với Giáo sư sử học Lê Văn Lan, được ông kể: Có lần một bạn đọc đặt câu hỏi: “Vì sao lại nói Hà Nội 36 phố phường?”, ông trả lời: “Trong kho lưu trữ quốc gia có hai văn bản đều ghi “Hà Nội 36 phố phường”. Cả hai văn bản cùng ở dạng một bài thơ. Bản thứ nhất có câu: “… Phồn hoa thứ nhất Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…”. Bản thứ hai “…Phồn hoa thứ nhất Long thành/ Phố giăng mắc phố chạy quanh bàn cờ…”. Có điều, cộng tên phố cả hai văn bản thì lên tới con số 50! 
 
Theo thiển ý của tôi, hai bài thơ có thể ra đời vào hai thời điểm khác nhau. Bài thứ nhất có lẽ vào cuối triều Lê, trùng với những tư liệu trong một bài thơ được nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm đã đưa vào sách Việt Nam thi văn hợp tuyển, gồm những tên phố thuần Việt như: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay, Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy, Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn... Còn bài thơ thứ hai hẳn ra đời vào thời kỳ đã có bóng dáng người nước ngoài vào nước ta. Một số tên phố thuần Việt bị đổi thành tên Pháp. Một số phố mới hình thành được đặt tên những nhân vật, danh thắng của nước Pháp, nên mới có sự khác nhau giữa hai văn bản như thế chăng?
 
Vì sao mọi người hay nói “Hà Nội 36 phố phường”? Theo Giáo sư Lê Văn Lan thì “công tích” đó thuộc về nhà văn Thạch Lam. Tác phẩm Hà Nội 36 phố phường của ông quá nổi tiếng nên cho dù không là sự thật lịch sử thì vẫn được mọi người đón nhận một cách “tự nhiên”. Rất tiếc trong lĩnh vực khoa học chưa can dự để trả lại chính xác cách gọi mà vẫn giữ được tính hấp dẫn của văn học.
 
Tôi đọc tác phẩm Vũ trung tùy bút, tác giả Phạm Đình Hổ cũng viết: “…Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ Doãn, quan Thiếu Doãn kiêm coi cả việc tuần phủ và việc liêm sát…”. Sang đời vua Gia Long, trong cuốn sách Hoàng Việt dư địa chí cũng công bố tên 36 phường như sau: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phổ, Phục Cổ, Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá, Bích Câu, Quảng Bá, Thụy Chương, Yên Thái, Hòe Nhai, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bát Ấn, Yên Lãng, Công Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa, Quan Trạm.
 
Như vậy, căn cứ vào tác phẩm văn chương thì Hà Nội có 36 phố, căn cứ vào sách dư địa chí thì Hà Nội có 36 phường, rồi dẫn đến cách gọi quen thuộc đúng cho cả hai “Hà Nội 36 phố phường”. Cách gọi này vừa đắc địa vừa không mất đi cảm xúc văn học mỗi khi nhắc đến Thủ đô yêu dấu.
 
Những tên phố Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Thùng, Hàng Nón, Hàng Đậu… gợi về buổi sơ khai đô thị hóa Thăng Long trên bến dưới thuyền bán buôn tấp nập. Chỉ một con phố Hàng Đàn gợi cho chúng ta những phường hát văn, hát ca trù, hát trống quân… với những cây đàn tranh, đàn nguyệt, hồ, nhị, sáo… do chính đôi bàn tay của người Việt sản xuất. Cái tên Yên Hoa thì khiến chúng ta nhớ câu chuyện nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương biến ngôi nhà riêng bên hồ Tây thành Cổ Nguyệt Đường làm nơi giao lưu của nhóm văn sĩ Thăng Long. Nhiều tác phẩm của bà được sáng tác tại đây đã trở thành kiệt tác.
 
Cũng ở nơi không xa hồ Tây, có phường Bích Câu, nơi Nguyễn Du chào đời, nhưng năm 13 tuổi thì về Thái Bình học hành, sinh sống và đỗ Tam Trường ở trường thi Nam Định. Một lần trở về Thăng Long, ông lưu lại ít ngày trong dinh thự của người anh cả là Nguyễn Khản, cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những ngày ngắn ngủi ấy, Nguyễn Du đã gặp Hồ Xuân Hương mà tri âm tri ngộ. Nhưng đây là cái thời loạn ly. Ngay sau cuộc hội ngộ định mệnh ấy, quan Thượng thư Nguyễn Khản, chỗ dựa duy nhất của Nguyễn Du bị bắt, dinh thự bị kiêu binh đốt phá, Nguyễn Du buộc phải trốn khỏi kinh thành, cuốn theo giông bão thời cuộc, chỉ ghi lại những vần thơ ngổn ngang tâm trạng: “…Đã chắc hương đâu cho lửa bén/ Lệ mà hoa lại quyến xuân đi/ Xanh vàng chẳng phụ lòng nhân ái/ Tròn trặn gương tình cũng khó khi…”. Những vần thơ của Hồ Xuân Hương cũng nhớ thương da diết: “…Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không/ Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong/ Biết còn mảy chút sương đeo mái/ Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.
 
Cái tên Hà Khẩu hẳn là nơi con sông Tô Lịch chảy ra sông Hồng? Địa danh gợi cho chúng ta nhớ về một nếp nhà gỗ cổ kính có nhiều hoành phi câu đối của gia đình nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Bà quê gốc Hưng Yên nhưng đời văn nghiệp của bà gắn sâu với Thăng Long. Khi bà trở thành nhà thơ nổi tiếng người ta gọi bà bằng biệt danh Hồng Hà nữ sĩ. Ngay từ tuổi vị thành niên, một viên quan văn tên là Lê Anh Tuấn nhận ra Đoàn Thị Điểm là một tài năng văn học, ông đã hai lần đến ngôi nhà ở Hà Khẩu nói với các bậc sinh thành xin nhận nàng làm con nuôi, rồi đưa nàng vào phủ Chúa Trịnh làm giáo thụ. Đến thời chúa Trịnh Giang ăn chơi sa đọa, phủ chúa suy vi, nàng cáo chuyện gia đình, xin lui về Hà Khẩu dạy học và sáng tác văn chương. Tại ngôi nhà này Đoàn Thị Điểm đã chuyển ngữ bản thảo chữ Hán Cung oán ngâm khúc hãy còn thô mộc của Đặng Trần Côn thành danh tác chữ Nôm Chinh phụ ngâm nổi tiếng còn lại đến ngày nay.
 
Cái tên Nghi Tàm thì sao? Nó gợi chúng ta nhớ về ngôi làng hoa cổ nhất Hà Nội. Linh khí của ngôi làng đẹp như tranh ấy từng làm cái nôi dung dưỡng tuổi thơ của cô bé xinh đẹp, giỏi văn học Nguyễn Thị Hinh. Sau này lấy chồng làm quan huyện, người ta gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan, gọi nhiều thành tên bút danh văn học của bà. Toàn bộ sự nghiệp của bà chỉ để lại cho đời 6 bài thơ, nhưng văn học sử nước nhà không thể thiếu vắng tên bà, bởi 6 tác phẩm ấy như 6 hạt kim cương lấp lánh tỏa sáng qua mọi thử thách của thời gian. Cho dù Thăng Long trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể nhưng không thể làm mờ nhòa những câu thơ tài hoa: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn chau mặt với tang thương/ Nghìn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. 
 
Chỉ tính những khu vực gần xung quanh hồ Tây đã in bóng dáng bốn thi hào của dân tộc. Hàng năm cứ đến dịp áp Tết Nguyên đán, chọn một buổi chiều đẹp trời, tôi đi xe máy chầm chậm từ phố Quan Thánh đến đường Thụy Khuê, ngắm phong cảnh phố xá, lòng cứ phấp phỏng đoán xem ngôi nhà nơi sinh Nguyễn Du ở quãng nào! Đến phố Yên Hoa thì ngắm những tòa nhà nhiều tầng soi bóng xuống mặt nước hồ, thả trí tưởng tượng dưới chân những tòa nhà sang trọng kia, chỗ nào có ngôi Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương xưa? Đi thêm quãng nữa là đến chùa Nghi Tàm, qua chùa Nghi Tàm một đoạn là từ đường thờ Bà Huyện Thanh Quan. Trở ra đê, đi thêm một quãng đến khu vực vườn đào thuộc phường Phú Thượng, nơi an nghỉ cuối cùng của cặp uyên ương thi nhân Nguyễn Kiều - Đoàn Thị Điểm, tôi dừng chân cúi đầu chiêm bái họ.
 
Theo Người Hà Nội số Tết 2022
  https://nguoihanoi.com.vn/thang-long-ha-noi-va-bong-dang-thi-nhan_271171.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)