1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Mùa xuân nghĩ về tinh thần Đổi mới của văn học

08/04/2022
Mùa xuân nghĩ về tinh thần  Đổi mới của văn học
Trong phần tổng luận Một thời đại trong thi ca về mười năm phong trào Thơ mới ở sách Thi nhân Việt Nam (1942), hai bình giả Hoài Thanh - Hoài Chân đặc biệt nhấn mạnh phẩm chất thành thật, tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật làm nên cái mới: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”... Mùa xuân này, cùng nghĩ về “cái khát vọng được thành thực” luôn vang vọng trong tinh thần Đổi mới của văn học…
 
Thật mừng vui về một thế hệ nhà văn khởi nguồn từ Đổi mới, gắn kết với Đổi mới, sáng tạo trên tinh thần Đổi mới và làm nên thành tựu Đổi mới như: Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… Đây cũng là những tác giả có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn nghệ và lan tỏa trong cả nước, có số lượng tác phẩm xuất bản lớn và được dịch sang nhiều thứ tiếng nước ngoài, tạo được tiếng vang và từng bước được ghi nhận, đánh giá cao. Mặc dù trong giới bạn đọc còn có cách hiểu, nhận diện, tiếp nhận khác nhau nhưng có thể thấy dòng chủ lưu là tiếng nói đồng thuận, khẳng định, không thể đảo ngược. 
Trong vận hội mới của đất nước, văn nghệ sĩ ngày càng ý thức rõ hơn mối quan hệ văn nghệ và chính trị, khắc phục tình trạng sáng tác công thức, đơn giản, tụng ca một chiều, nặng về hô hào, tô hồng, hình thức chủ nghĩa. Văn nghệ sĩ ngày càng thức nhận sâu sắc hơn mối quan hệ Đảng - Mùa xuân - Dân tộc - Đất nước - Tiến bộ xã hội và nêu cao tinh thần Đổi mới, sức mạnh Đổi mới, dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, mở đường cho mọi tài năng phát triển để có được “những tác phẩm lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta”. Từ tầm cao vị thế dân tộc, bài học Đổi mới và nguồn sáng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, văn nghệ sĩ càng thấy trách nhiệm nặng nề khi nhìn nhận thành quả ngành công nghiệp văn hóa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và ước vọng mục tiêu “đóng góp 7% GDP vào năm 2030”, trong khi thời gian chỉ còn chưa đầy “giấc ngủ mười năm”… 
 
Trên thực tế, sự Đổi mới nào cũng cần kế thừa những giá trị tinh thần quá khứ, trong đó có niềm tự hào về thành tựu văn nghệ giai đoạn kháng chiến, đồng thời cũng cần nhìn nhận, khôi phục, bổ sung những giá trị di sản mà nhất thời bị đánh giá thiên lệch, kiêng kỵ, lược bỏ, khuất lấp. Trên quan điểm lịch sử cụ thể, đội ngũ văn nghệ sĩ đã góp phần xứng đáng vào việc sưu tập, khai thác, bù đắp những khoảng trống trong văn hóa - văn học sử Việt Nam. Đó là, căn cứ hệ thống tư liệu hiện còn, đã bước đầu khôi phục, ghi nhận đúng mức đóng góp của các trào lưu (Tự lực văn đoàn, Trường thơ Loạn, Cống Trắng, Dạ đài…), các loại báo chí (Nam phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tri tân, Thanh nghị…) và tác giả giai đoạn “dưới thời thực dân nửa phong kiến” thuộc nửa đầu thế kỷ XX (Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trương Tửu, Kiều Thanh Quế, Lê Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh - Hoài Chân…). Hơn nữa, trên nền tảng sự đồng dạng vùng văn hóa đô thị, văn nghệ sĩ sớm thức nhận, từng bước khơi nguồn bộ phận văn học thành thị miền Nam giai đoạn 1945 - 1975, khai thác và chấp nhận thỏa đáng những định hướng tư tưởng nghệ thuật yêu nước, tiến bộ, tiếp xúc đồng đại với thế giới phương Tây hiện đại. Nhiều công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình, sáng tác của nhiều tác giả văn học đã được tái bản và được công chúng Thủ đô đón nhận, đánh giá ngày một chuẩn mực, toàn diện hơn (Nguyễn Đăng Thục, Phạm Thế Ngũ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tràng Thiên, Trang Thế Hy, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng…) góp phần đưa các giá trị văn học, nghệ thuật quá khứ hội nhập vào gia tài văn hóa dân tộc.
 
Trên tinh thần Đổi mới, kết quả và bài học kinh nghiệm Đổi mới, từ mùa xuân này cần tăng cường sưu tập văn bản, nghiên cứu chuyên sâu, thực hiện khơi dòng, mở đường cho giai đoạn văn học đầu thế kỷ XX và bộ phận văn học vùng đô thị miền Nam hội nhập mạnh mẽ, sâu sắc trong tổng thể di sản nền văn học Thủ đô, dân tộc và hiện đại thế kỷ XXI. Thực hiện nhiệm vụ này cần sự chung tay của giới chuyên môn, các nhà hoạt động văn hóa, anh chị em văn nghệ sĩ, những đồng nghiệp cùng chiến tuyến, cùng trong đội ngũ “chúng ta” nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật, tích cực trao đổi, góp ý kiến xây dựng. Các nhà tổ chức, các cấp lãnh đạo cần kịp thời tích hợp, tổng kết được các ý kiến chuẩn mực, từ đó xác lập dòng chủ lưu tinh thần “nhận đường” thời Đổi mới, góp phần xây dựng đường lối, định hướng nền văn hóa, văn nghệ phù hợp thời kỳ mới của đất nước, trong đó có nhiệm vụ bù đắp những thiếu khuyết văn học sử… 
 
Công việc khơi dòng văn học cách mạng, dân tộc, tiến bộ và nhân bản trước hết đặt cược vào nhiệm vụ sưu tập văn bản của giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ trung ương và Thủ đô, hiện đang tản mát khắp trong Nam ngoài Bắc, trong và ngoài nước, thư viện công và tư gia. Cần nói thêm rằng loại di sản văn hóa, văn nghệ này đang ngày càng có nguy cơ “một đi không trở lại”. Rất tiếc công việc nặng nề này còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ quan, cảm tính, tùy hứng, tự phát, cần trở thành chủ trương, đường lối, định hướng, chính sách chuẩn mực, sâu rộng của Đảng và Nhà nước, chí ít cũng có ý nghĩa thời sự, cấp bách, chiến lược, mở đường trong khoảng vài ba mươi năm, nửa thế kỷ tới. Từ đây, hy vọng tinh thần “nhận đường” thời Đổi mới thế kỷ XXI sẽ tác động trở lại xã hội, mở đường hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận toàn diện, chuẩn mực di sản quá khứ, góp phần phát huy, thúc đẩy nền văn hóa - văn học dân tộc phát triển lên một tầm cao mới…
 
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/mua-xuan-nghi-ve-tinh-than-doi-moi-cua-van-hoc_271746.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)