1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Liêm chính học thuật và liêm chính của kẻ sĩ

25/05/2022
Ngày 30/3/2022, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ra quyết định “Tạm thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ 2021” trước đó đã trao cho tác phẩm “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Tiến sĩ Vũ Thị Trang, nghiên cứu viên tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
Đáng nói là, tác phẩm này cùng lúc nhận tặng thưởng (loại C) của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, năm 2021. Sự kiện này như là giọt nước làm tràn ly báo động tình trạng vi phạm đạo đức khoa học, hay nói cách khác là liêm chính học thuật đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi chính những người nhân danh làm khoa học. Vậy liệu đã hết những “cú nổ” bất thường như thế trong tất cả các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nước nhà? Không ai dám quả quyết có câu trả lời “không” khi con người chưa thể buông bỏ tham/ sân/ si. 
 
Năm 1999, Hội Nhà văn Việt Nam đã dừng lại dự định trao giải thưởng cho cuốn phê bình “Con mắt thơ” của Đỗ Lai Thúy vì có phản ánh nghi ngờ tình trạng đạo văn (Tuoitre. online, 30/3/2022). Năm 2015, Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã thu hồi giải thưởng trao cho tập thơ “Sẹo độc lập” của  Phan Huyền Thư, mặc dù tác giả đã chủ động có đơn xin rút giải thưởng trước đó. Năm 2018, dư luận xã hội và giới khoa học xã hội nhân văn sôi sục lên khi có thông tin về việc đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Truyền thông được mùa một phen khi có gần 100 bài báo đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống và mạng xã hội về sự cố khoa học hi hữu này. Mới đây “Hội đồng Giáo sư Nhà nước biểu quyết không đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm đối với 10 ứng viên, trong đó có một ứng viên Giáo sư, 9 ứng viên Phó Giáo sư” (Thanhnien.online, 14/3/2022), vì lý do vi phạm tiêu chuẩn liêm chính học thuật. Năm 2021, văn đàn tưởng chừng như được khởi sắc bởi giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả trẻ ở đây được quy định dưới 35 tuổi. Không ít người khấp khởi mừng thầm về sự khởi sắc của văn trẻ như một chiến lược phục hưng văn chương dân tộc của Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ mới sẵn sàng hội nhập quốc tế. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Thật “kính chẳng bõ phiền” như cổ nhân nói. Cũng đã có những nghi ngại, ngờ vực năng lực thật sự của người trẻ nghiên cứu khoa học cũng như tính liêm chính học thuật của công trình, nhưng trên một cái đà nào đó, trong một tình huống nào đó (khi sách nhận được quá bán phiếu của hội đồng nào đó), thì những băn khoăn này chưa có điều kiện kiểm nghiệm thực tế. Sau này chuyện vỡ lở ra thì mới có sự nói đi nói lại trong nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam (Ông nói gà bà nói vịt/ Ông nói làm thịt bà nói để nuôi).
 
Sự cố trao “nhầm” giải thưởng/ tặng thưởng cho TS. Vũ Thị Trang, dĩ nhiên trước hết là “sơ hở” của những cơ quan chức năng có trách nhiệm định vị chất lượng công trình khoa học. Nhưng điều đáng nói ở đây là tâm lý “dục tốc” - mau mau tới thành công với khí thế “mã đáo”, lấy mục đích biện hộ cho phương tiện. Nên theo thuyết “nhân quả” thì “dục tốc” sẽ “bất đạt”. Dư luận xã hội, giới khoa học và văn giới tỏ ra băn khoăn vì sao vẫn để lọt lưới một sản phẩm cuối cùng lộ diện dưới thanh thiên bạch nhật là “hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, nằm gọn trong phạm trù đạo văn.
 
Những kẻ hãnh tiến trong mọi lĩnh vực không lường trước được hậu quả thường dễ bị sa lưới trời (pháp luật, đạo đức). Vừa ẵm bằng chứng nhận và tiền giải thưởng của hai bên về mừng mừng tủi tủi, lại có cơ sắp phải bồi hoàn nếu giải thưởng bị thu hồi vĩnh viễn. Nhưng than ôi, leo cao (như thể leo cột mỡ) thì ngã đau. Biết làm sao được, có vay thì có trả; tham thì thâm như cổ nhân từng nói, cấm có sai.
 
Sự vụ tạm thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam ánh xạ một trạng huống nhân tình thế thái về cái gọi là sự “nhầm chỗ” đang phủ sóng trong nhiều lĩnh vực: kinh phí nghiên cứu khoa học rót nhầm chỗ; ngân sách đầu tư và kế hoạch nhầm địa chỉ, danh hiệu và giải thưởng trao nhầm người... Sự nhầm này cho thấy tình trạng thiếu kiểm soát chặt chẽ tạo nên tình trạng sai lầm “phi truyền thống”, khác nào những ba-ri-e, khiến xã hội chậm phát triển và phát triển thiếu bền vững.
 
Xây dựng niềm tin (chữ tín) trong học thuật và nghệ thuật vốn đã khó, giữ được niềm tin càng khó khăn gấp bội. Hóa ra, các giá trị vốn là một hằng số, nay bỗng chốc có thể là biến số (!?).Liêm chính học thuật/ nghệ thuật cần trước tiên đến liêm sỉ của kẻ sĩ, rộng hơn là văn hóa của kẻ sĩ. Quý lắm thay! Khó lắm thay. Cần lắm thay!
“Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Bao giờ cho đến ngày xưa!?
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/liem-chinh-hoc-thuat-va-liem-chinh-cua-ke-si_272451.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)